Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?

Đó là câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu những người sống ở Hà Nội vài năm trở lại đây, khi thường thấy hiện tượng bụi mù mịt trên nhiều tuyến đường, kể cả nội đô lẫn vành đai, và chỉ số chất lượng không khí AQI với mức cảnh báo nguy hại sức khỏe, mà chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.


Giao thông là một trong 12 nguồn phát thải ô nhiễm của Hà Nội. Nguồn: TTXVN

Nhưng đây thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời…

Khi chúng tôi bày tỏ ý định “muốn tìm hiểu về bức tranh chất lượng không khí Hà Nội và xác định Hà Nội ô nhiễm ở mức nào” với TS. Lý Bích Thủy, Viện KH&CN Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội), một trong số những nhà khoa học nghiên cứu về ô nhiễm không khí rất năng động ở Hà Nội, chị mỉm cười “e rằng điều đó quá tham vọng”.

Quá tham vọng ư? “Bởi bản thân ô nhiễm không khí là một vấn đề quá phức tạp, nó liên quan đến rất nhiều loại thành phần ô nhiễm khác nhau, từ hạt bụi ở nhiều kích thước đến các chất ô nhiễm dạng khí và phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố khác nhau như điều kiện khí tượng, hoạt động của con người… Chúng ta mới chỉ nắm bắt được một bức tranh sơ bộ chứ chưa thể có được thông số chính xác”, chị giải thích.

Do đó, đi tìm câu trả lời về bức tranh ô nhiễm không khí của Hà Nội hôm nay như việc tham gia một trò chơi ghép hinh Lego mà mỗi mảnh ghép chỉ hé lộ cho chúng ta một phần rất nhỏ của câu chuyện.

 

Những mảnh ghép Lego

 

Một hai năm trở lại đây, qua truyền thông và mạng xã hội, người dân Hà Nội bắt đầu quan tâm đến thông tin về tình trạng ô nhiễm của bầu không khí mà họ đang sống. “Đặc biệt, khi những số liệu quan trắc theo thời gian thực (AQI) của đại sứ quán Mỹ công khai và ai đó đã so sánh nó với chỉ số ở Bắc Kinh, nơi trong tiềm thức của người Việt Nam là một nơi rất ô nhiễm, thì mọi người mới thật sự để ý”, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và hiện là Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nói.

Tuy nhiên, không phải bây giờ Hà Nội mới có ô nhiễm. Từ những năm 2000, giáo sư Phạm Duy Hiển và nhóm nghiên cứu tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã chỉ ra một thực tế là ở Hà Nội đã tồn tại hiện tượng ô nhiễm với các thành phần bụi PM2.5, PM10, các loại khí SO2, NO2. Năm 2007, ông trả lời phỏng vấn New York Times: cùng với TPHCM, Hà Nội có mức độ bụi MP10 là 80 µg/m3, cao gấp đôi Bangkok ở cùng thời điểm. Không chỉ nêu đến những yếu tố ô nhiễm cơ bản, ông còn xác định được xu hướng ô nhiễm là mùa đông cao hơn mùa hè. “Trong mùa khô, ô nhiễm nặng thường bắt đầu vài ngày sau khi gió mùa Đông Bắc tràn về và kéo dài trong nhiều ngày liền cho đến khi gió thịnh hành chuyển sang hướng Đông Nam trước khi xuất hiện đợt gió mùa mới”, giáo sư Phạm Duy Hiển chia sẻ một phần kết quả nghiên cứu trên Tia Sáng vào năm 2008.

Vậy gần 20 năm sau, chất lượng không khí của Hà Nội đã thực sự thay đổi? “Một số người nói là hồi đó với bây giờ không khác gì nhau. Dĩ nhiên là mình không đủ số liệu để chắc chắn điều đó nhưng cá nhân tôi không đồng ý với nhận định này bởi tôi cảm nhận là tình hình nó ngày một xấu đi. Chúng ta hãy nhìn từ logic là các nguồn phát thải nó tăng lên, bao năm qua mình có giảm được [nguồn phát thải] gì đâu. Hồi đó Hà Nội chỉ có 1 triệu cái xe máy thì bây giờ là khoảng 6 triệu cái, cộng thêm khoảng 800.000 ô tô thì đương nhiên nguồn phát thải giao thông đã tăng lên. Đấy còn chưa kể các nguồn phát khác như xây dựng nhà cao tầng, các nhà máy nhiệt điện, sản xuất sắt thép xi măng, các làng nghề tái chế… và nay cả hiện tượng đốt rơm rạ”, TS. Hoàng Dương Tùng liệt kê. “Nguồn thải nhiều lên thì không thể nói chất lượng không khí tốt lên được”.


PAM AIR, một ứng dụng của Công ty CP Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L, cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí. Nguồn: TTXVN

Trong cặp mắt các nhà nghiên cứu, bức tranh chất lượng không khí Hà Nội đang ngày một xám đi. TS. Vương Thu Bắc (Viện KH&KT hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), người được giáo sư Phạm Duy Hiển hướng dẫn luận văn tiến sĩ về ô nhiễm không khí từ 20 năm trước và nay là một trong những nhà nghiên cứu có thâm niên trong lĩnh vực này, không khỏi “cảm thấy lo ngại về tình trạng ngày càng xấu của không khí Hà Nội”. Trong bộ dữ liệu rất quý mà anh tích lũy được từ việc phân tích xác định hàm lượng của 20 nguyên tố hóa học và carbon đen trong các mẫu bụi PM2.5 và PM2.5-10 thu góp được với tần suất 2 ngày đêm/tuần trong vòng 15 năm bằng những kỹ thuật phân tích hạt nhân – phương pháp có nhiều ưu thế vượt trội nhờ khả năng phân tích đồng thời đa nguyên tố với độ nhạy, độ chính xác cao mà không đòi hỏi quy trình xử lý mẫu quá phức tạp. Ví dụ, về nồng độ bụi trung bình từ 1998-2009, có thể thấy lượng bụi PM2.5 trung bình là 37,79 µg/m3, bụi MP2.5-10 là 50,51 µg/m3, bụi PM10 là 87,95 µg/m3, “so với tiêu chuẩn chất lượng bụi khí của Mỹ đang áp dụng thì PM2.5 trung bình của Hà Nội lớn hơn 2,52 lần và PM10 lớn hơn 1,75 lần. Thêm nữa, số ngày có PM2.5 và PM10 trung bình 24 giờ cũng vượt tiêu chuẩn Mĩ (áp dụng từ năm 2006) lần lượt là 50% và 57,7%”, TS. Vương Thu Bắc cho biết.

Dù ở Hà Nội hay ở bất cứ địa điểm nào thì những hạt bụi cỡ PM2.5 và PM10 đang lơ lửng trong bầu khí quyển đều xuất phát từ các nguồn là tự nhiên và hoạt động của con người. Nhưng chúng chủ yếu từ đâu, liệu có phải là giao thông, một trong những mối lo ngại bấy lâu nay của Hà Nội? “Người ta thường cho là giao thông đóng góp 70% ô nhiễm không khí nhưng trên thực tế, nó chỉ có thể gần đúng với trường hợp phát thải các chất CO, CO2, NOx… và không đúng với trường hợp bụi mịn vì nó có phần đóng góp của cơ chế hình thành bụi thứ cấp và vận chuyển dài hạn”, TS. Lý Bích Thủy giải thích. Đây cũng là lý do vì sao trong thời kỳ giãn cách xã hội để góp phần kiểm soát dịch Covid-19, lưu lượng giao thông đã giảm hẳn nhưng hàm lượng PM2.5 của Hà Nội vẫn còn cao, số liệu từ các trạm quan trắc chất lượng không khí của Hà Nội đã chỉ ra điều đó, theo PGS. TS Hoàng Anh Lê, trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).

Dựa trên dữ liệu NO2 (phát thải từ ô tô, xe máy) và SO2 (việc đốt than, dầu chứa lưu huỳnh) thu thập được ở 9 khu nội đô và 5 vùng ven đô, giáo sư Phạm Duy Hiển và cộng sự đã phát hiện ra tác động của việc mở rộng đô thị lên chất lượng không khí ở Hà Nội. “Các nồng độ chất ô nhiễm giảm đi từ trung tâm thành phố ra ngoài đã phản ánh lịch sử của việc mở rộng đô thị với vùng rìa thành phố được đô thị hóa trong những năm 1980 và những năm 1990… Từ dữ liệu được giám sát, các bản đồ số NO2 và SO2 cho thấy nhiều điểm nóng phát thải giao thông và công nghiệp ở khu vực ven đô. Các yếu tố làm thay đổi nồng độ các chất ô nhiễm theo không gian khắp thành phố gồm mật độ dân số, mật độ đường và khoảng cách của vị trí giám sát đến trung tâm đô thị và đường gần nhất”, ông viết như vậy trong công bố “Impact of urban expansion on the air pollution landscape: A case study of Hanoi, Vietnam” vào tháng 12/2019 trên tạp chí Science of The Total Environment.

Hạt bụi mịn với các kích thước khác nhau ở Hà Nội lại ẩn chứa nhiều thông tin ít ai ngờ. “36 % lượng bụi PM2.5 là từ hoạt động vận chuyển xuyên biên giới (vận chuyển tầm xa) vào Hà Nội, bắt nguồn từ bụi cát ở 12 sa mạc lớn trên đất Trung Quốc, Mông Cổ như Gobi, Taklamakan và từ phát thải của 33 nhà máy nhiệt điện than Trung Quốc và Việt Nam”, TS. Vương Thu Bắc cho biết. Nhìn vào góc độ sâu hơn về thành phần nguồn gây ô nhiễm hạt bụi PM2.5 trong giai đoạn 2001-2013 có thể thấy “36% từ vận chuyển tầm xa, 19% từ nhà máy nhiệt điện than tầm xa, 11% nhà máy nhiệt điện than trong nước, 10% bụi đất xây dựng, 10% từ biển, 8% từ giao thông, 6% đốt sinh khối…”

Hạt bụi ở Hà Nội không chỉ là bụi, nó còn “cõng” thêm những yếu tố phức tạp khác. Ví dụ khi tìm hiểu về các hợp chất hữu cơ khuếch tán trong không khí, TS. Lê Hữu Tuyến (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã đi sâu vào phân tích thành phần hữu cơ PAHs – những hợp chất đã bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất đồ chơi do nghi ngại hợp chất này có thể gây ung thư cho con người, bám trên hạt bụi PM2.5. “Thật ra hạt bụi nó có độc tính hay không là do các chất bám trên đó. Ở thành phố lớn với lưu lượng giao thông lớn như Hà Nội, PAHs xuất phát từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các động cơ đốt trong của ô tô, xe máy. Khi cơ thể bị phơi nhiễm thì lượng PAHs được vận chuyển vào tận nhân tế bào và hạt bụi kích thước càng nhỏ thì độc tính càng cao”, anh nói.

Trong một nghiên cứu mới thực hiện của giáo sư Lê Hồng Khiêm (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và các cộng sự tại Viện KH&KT hạt nhân, Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, những phân tích dựa trên các mẫu thu thập được ở loài rêu Barbula Indica cho thấy có 22 nguyên tố kim loại như silic, nhôm, clo, kali, sắt, đồng… trong bụi và hàm lượng của chúng ở Hà Nội cao hơn Huế và TPHCM.


Bản đồ ô nhiễm SO2 và NOx.

Dĩ nhiên, nếu câu chuyện về không khí của Hà Nội chỉ có hạt bụi PM2.5 hay PM10 thì mọi chuyện đã khác, thậm chí đơn giản hơn rất nhiều. Trên thực tế, đó lại là tầng tầng ô nhiễm được tích tụ mà mỗi lớp thông tin được bóc tách lại khiến người ta phải ngạc nhiên xen lẫn lo ngại. Ví dụ như chuyện về những chiếc bếp than tổ ong, một đề tài mà nhóm nghiên cứu của TS. Lý Bích Thủy và một nhóm nghiên cứu khác kết hợp thực hiện theo đặt hàng của Sở TN&MT Hà Nội. “Trước đây người ta cứ tưởng là đô thị hóa khiến việc sử dụng bếp than tổ ong ở Hà Nội như những năm 1990 đã giảm đi nhưng thực ra tới năm 2017 vẫn còn 55.000 bếp tồn tại và quận trung tâm như Hoàn Kiếm vẫn còn dùng nhiều”, chị cho biết. 63% lượng bếp than tổ ong ở khu vực nội thành, 37% ở ngoại thành và mỗi ngày tiêu thụ 528 tấn than, thải ra 1.870 tấn CO2, theo thống kê năm 2019 của Sở TN&MT Hà Nội.

Còn một mảnh khuyết thiếu về không khí Hà Nội nếu người ta không nhắc đến, đó là carbon đen phát sinh từ đốt cháy rơm rạ. PGS. TS Hoàng Anh Lê, một người dành rất nhiều thời gian vào nghiên cứu việc đốt rơm rạ không chỉ ở Hà Nội mà còn cả khu vực đồng bằng sông Hồng, cho biết, khi đốt cháy rơm rạ sau thu hoạch, tổng lượng ô nhiễm phát sinh là không quá lớn nhưng thời gian tập trung đốt rất ngắn, khoảng hai tuần cao điểm nên đã gây ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ. Nhiều khí thải được tạo ra như CO2, CH4, carbon đen– chất tồn lưu thời gian ngắn trong khí quyển và là thành phần tác động quan trọng gây ra biến đổi khí hậu. “Khi đốt cháy một kg rơm rạ ngoài đồng ruộng thì nó sẽ phát thải ra 0.5 gam carbon đen, 9 gam PM10, 8 gam PM2.5, CO2 lên đến 1177 gam”, anh ước tính.

 

Bức tranh còn nhiều khoảng trống

 

Nhìn tổng thể, bức tranh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã được dựng lên theo từng kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. Tuy nhiên, nó chưa cho chúng ta thấy được nhiều lắm về một thực trạng mà những người đang sống ở Hà Nội đang nếm trải hằng ngày. Dường như đến nay chưa ai có thể trả lời được tường tận và thấu đáo câu hỏi “những nguồn phát thải nào đóng góp lớn nhất trong ô nhiễm không khí Hà Nội?”, “cách thức giảm thiểu ô nhiễm nào là hiệu quả nhất với Hà Nội?” hoặc “Hà Nội có thuộc top thành phố ô nhiễm nhất thế giới không”?

“Muốn trả lời được những câu hỏi này, Hà Nội phải có kiểm kê phát thải”, PGS. TS Hoàng Anh Lê, người đang giảng dạy về quản lý môi trường, trong đó có phương pháp kiểm kê phát thải, cho biết như vậy.

Việc tiến hành kiểm kê phát thải trên địa bàn Hà Nội sẽ cho chúng ta những câu hỏi căn bản nhất về thực  trạng ô nhiễm không khí như các nguồn đóng góp, tỷ lệ đóng góp của từng nguồn, hệ số phát thải… và rất nhiều thông tin hữu ích khác cho các nhà quản lý. “Chúng ta chưa có số liệu đầy đủ về ô nhiễm như vậy vì từ trước đến nay chưa từng làm kiểm kê phát thải, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã qui định”, TS. Hoàng Dương Tùng nói. “Đây là việc tốn kém và khá tốn công nhưng là việc phải làm và là trách nhiệm của nhà nước, không thể tư nhân hoặc tổ chức nước ngoài nào làm giúp được chúng ta, không ai làm hộ mình được”, TS. Hoàng Dương Tùng đề cập đến việc phải tiến hành kiểm kê phát thải.

Năm 2006-2007, anh và đồng nghiệp từng kết hợp với các nhà nghiên cứu ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội thống kê phát thải xe máy Hà Nội bằng việc xây dựng một quy trình lái điển hình và tính toán hệ số phát thải, từ đó tìm ra lượng phát thải của một chiếc xe. “Đấy là một phần quan trọng trong kiểm kê phát thải xe máy trong giao thông vì có được hệ số và nhân lên với lượng xe là thu được kết quả. Tuy nhiên đó là chuyện của nhiều năm về trước, bây giờ chu trình lái, hành vi lái của mọi người khác rồi”, anh giải thích nguyên nhân vì sao việc kiêm kê cần được làm định kỳ 5 năm/lần.

Thật ra, kiểm kê phát thải không phải việc dễ dàng. Ở góc độ của một người đã từng làm kiểm kê phát thải cho một số tỉnh thành thông qua dự án hợp tác quốc tế, PGS. TS Hoàng Anh Lê nêu, “ngay việc kiểm kê phát thải rơm rạ cũng là bài toán khó vì việc kiểm kê này phải phản ánh được bản chất phát thải của rơm rạ. Phương thức mà chúng tôi vẫn áp dụng vẫn còn hạn chế vì dựa trên năng suất, sản lượng của lúa, từ đó có thể ước tính ra lượng rơm rạ thải bỏ, đem đốt nên có sai số nhất định so với thực tế”.

Công việc kiểm kê rút cục vẫn cần được thực hiện. Chưa từng thực hiện một cuộc kiểm kê đầy đủ nào nên Hà Nội vẫn chưa có bộ số liệu về ô nhiễm không khí của mình. Do đó, dù ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, vào tháng 10/2019 đã nêu 12 nguồn chính gây ra ô nhiễm không khí trên địa bàn thủ đô nhưng vẫn chưa lý giải được đâu là những nguồn phát thải chính, mỗi nguồn đóng góp ra sao.

Khi có được bộ số liệu này trong tay, chúng ta có thể làm gì với nó? “Khi chúng ta không có đủ nguồn lực để có thể dàn hàng ngang giải quyết hết các nguồn phát thải, việc kiểm kê giúp chúng ta lập được chương trình từng bước loại bỏ và hạn chế các nguồn đó, trong đó ưu tiên xử lý nguồn ‘nguy hiểm’ nhất, ví dụ nếu biết giao thông chiếm tới 50% phát thải thì cần tập trung vào tìm các giải pháp trong giao thông trước nhất”, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết.

Việc xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí là một vấn đề tốn kém. Năm 2017, trong nỗ lực làm sạch bầu không khí ô nhiễm PM2.5, NOx, VOCs, chính quyền Hàn Quốc đã lập một kế hoạch 5 năm với kinh phí 7,2 nghìn tỉ won (6,3 tỷ USD) để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, giảm thiểu lưu lượng xe cộ trên đường và cắt giảm phát thải từ các nhà máy sản xuất, các địa điểm xây dựng và các chuyến tàu thủy.

Khi chưa có đủ kinh phí để giải quyết một lúc nhiều vấn đề như vậy thì việc kiểm kê sẽ là bước đi đầu tiên để Hà Nội định hình rõ “đường đi nước bước”, có những căn cứ quan trọng để ra được những chính sách phát triển phù hợp, điều mà từ trước đến nay vẫn chưa thực sự được quan tâm. TS Vương Thu Bắc nói “Chúng tôi rất buồn là các nhà quản lý chỉ tập trung vào việc ‘chữa trị’ hơn là ‘phòng bệnh’. Cần phải nhìn vào gốc rễ của vấn đề để xử lý nó”.

Mọi chuyện dường như đã bắt đầu thay đổi. Năm 2019, việc Sở TN&MT Hà Nội tìm đến với Live and Lean, một tổ chức NGO trên địa bàn Hà Nội về ô nhiễm môi trường, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam và một số nhà khoa học để tìm hiểu về bài toán bếp than tổ ong và dự tính lộ trình cắt giảm đã là bước đầu như thế. “Chính sách là để giải quyết chứ không phải đối phó. Việc cải thiện chất lượng không khí theo tôi nên bắt đầu từ việc công khai dữ liệu, công khai thông tin để nâng cao nhận thức của các nhà quản lý và thu hút sự quan tâm của người dân cùng tham gia giải quyết vấn đề chung. Ai cũng có một phần trách nhiệm của mình ở đó”, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết. □

“Việc quan trắc theo dõi mức độ ô nhiễm trong không khí là điều cần thiết nhưng theo tôi, chúng ta không cần phải lắp đặt quá nhiều các trạm quan trắc trên cùng một địa bàn. Nếu cứ mua thật nhiều máy về lắp đặt theo dõi thì chúng ta chỉ có thể biết được hiện trạng về mức độ ô nhiễm chứ không thay đổi được tình thế. Hơn nữa, bụi PM2.5 có độ phân bố tương đối đồng nhất trong một phạm vi nhất định nên chúng ta phải xem xét kỹ bài toán đặt ra, qua đó lựa chọn một số điểm tiêu biểu, đặc trưng để lắp đặt thiết bị quan trắc. Với ô nhiễm không khí Hà Nội bây giờ, chúng ta nên bàn về nguồn gốc và nguyên nhân để tìm cách loại bỏ hoặc giảm thiểu nguồn phát thì hay hơn. Tôi thấy cần thiết và quan trọng là đầu tư và tổ chức nghiên cứu để tìm ra được nguồn gốc, nguyên nhân gây ra ô nhiễm, sau đó tập trung vào việc xây dựng các chính sách quản lý, văn bản pháp qui, triển khai thực hiện để giảm được nguồn gốc phát sinh ô nhiễm”. (TS. Vương Thu Bắc, Viện KH&KT hạt nhân, Viện NLNTVN).

Tác giả