Liệu có ranh giới trong khoa học?

Khoa học luôn có những ranh giới mà đa phần là kìm hãm hơn là thúc đẩy những hiểu biết chung của chúng ta về các vấn đề của nhân loại: ranh giới giữa các quốc gia, giữa các ngôn ngữ và từ vựng, giữa nhận thức luận và phong cách, giữa các nhà khoa học và công chúng. Cần phải vượt qua và phá vỡ chúng mới có thể tạo điều kiện cho cả khoa học và xã hội phát triển.


 GS Oscar Salemink (bìa trái) trong chuyến làm việc với PGS.TS Nguyễn Văn Huy (đứng) tại Trung tâm di sản các nhà Khoa học Việt Nam. Nguồn ảnh: cpd.vn.

Không có biên giới trong KHXH&NV

Quan điểm của chủ nghĩa thực chứng cho rằng khoa học thực nghiệm phản ánh thực tại hay nói cách khác, tri thức khoa học là sự biểu diễn trừu tượng, chân xác của các định luật khách quan. Vì những định luật này được thừa nhận ở mọi nơi nên những tri thức khoa học bắt nguồn hay phản ánh từ chúng cũng giống nhau ở mọi nơi. Những phương trình toán học chẳng hạn, không thay đổi kết quả khi vượt qua biên giới của một quốc gia.

Tuy nhiên, với lĩnh vực KHXH&NV, nhận thức luận của chủ nghĩa thực chứng khó có thể đứng vững. Thứ nhất, xã hội loài người đang thay đổi liên tục và nhanh chóng khiến kiến thức khoa học về xã hội con người càng trở nên mong manh hơn. Trong khi khoa học tự nhiên vận hành dưới giả định rằng những định luật tự nhiên không đổi, bởi vậy các tri thức khoa học sẽ không có sự thay đổi căn bản cùng với sự biến đổi của môi trường tự nhiên – mà nó sẽ chỉ ngày càng tăng thêm cùng với những tiến bộ khoa học – thì những định luật của xã hội con người lại luôn biến đổi. Thậm chí, rắc rối hơn nữa là, đối tượng nghiên cứu của ngành KHXH&NV lại chính là chủ thể nghiên cứu của nó: tri thức của con người về chính mình, khiến cho bản thân khoa học trở thành một phần của thế giới mà nó khám phá. Michel Foucault [1926 – 1984], Bruno Latour [1947] và những nhà khoa học về sau đã nghiên cứu sâu rộng tác động của lịch sử và xã hội đến những thực hành và tri thức khoa học trong xã hội hiện đại và đương đại. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng tri thức là hệ quả những thực hành của con người đã được đưa ra từ trước đó, khởi đầu là những học giả theo chủ nghĩa Marx như Antonio Gramsci [1891 – 1937] và không thể không kể đến Karl Marx. Nhìn chung, những học giả này đều có cùng quan điểm rằng tri thức khoa học chính là tri thức của xã hội về chính nó và khi xã hội biến đổi, những tri thức ấy cũng sẽ biến đổi theo.

Mặc dù một mặt khá thuyết phục, nhưng mặt khác, nền tảng nhận thức luận của những học thuyết này lại bị lung lay khi họ thừa nhận bản thân chủ thể nghiên cứu là một phần của đối tượng nghiên cứu, nhưng họ cũng lại giả định về khả năng tồn tại của tri thức khách quan về xã hội; Minh họa của Thomas Kuhn ở lĩnh vực khoa học tự nhiên trong cuốn Cấu trúc của các cuộc Cách mạng khoa học (1962) ám chỉ rằng các học giả có niềm tin quá mãnh liệt vào tính xác quyết của học thuyết họ ủng hộ sẽ trở nên phiến diện: Sự tuân thủ học thuyết nghiêm ngặt sẽ giúp họ thấy được những mối liên kết cụ thể được nhấn mạnh trong lý thuyết đó, nhưng lại ngăn cản họ tiếp thu bất cứ điều gì bên ngoài kiểu mẫu khoa học ấy. Nói cách khác, học thuyết khoa học làm sáng tỏ thực tế hỗn độn thông qua thực chứng nhưng nó cũng rất dễ trở thành gông cùm nhận thức nếu áp dụng một cách cứng nhắc.

Nỗ lực xuyên biên giới của Việt Nam

Từ những năm 1950, các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (VN) đã kết nối với nền khoa học thế giới. Thế hệ trước đây, điển hình như Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên Nguyễn Văn Huyên, được đào tạo bởi người Pháp, nhưng vào những năm 1960, một số người VN lại quay trở về với giới Hán ngữ. Những năm 1970 và 1980, nhiều học giả đã học tập ở Liên Xô cũ và các nước thuộc khối phía Đông (COMECON) ở khu vực Trung và Đông Âu, như Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary và Bungari, tuy nhiên, kể từ sau năm 1989, con đường [học tập] đó đã chấm dứt.

Dù được đánh giá là có chuyên môn giỏi thì bản thân các học giả VN và những nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận rằng cách tiếp cận lý thuyết và phương pháp luận khi được đào tạo ở các nước đồng minh với Liên Xô cũ không thực sự phù hợp với định hướng kinh tế thị trường mà VN đang áp dụng trong quá trình thực hiện những chính sách Đổi Mới.

Vì vậy việc tiếp thu các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mới trong KHXH&NV, tạo điều kiện cho việc thực hiện thành công các công trình nghiên cứu về những thách thức mà VN đang phải đối mặt bởi sự chuyển đổi xã hội nhanh chóng cùng với sự hội nhập vào hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa khu vực cũng như toàn cầu NV là một nhu cầu cấp thiết. Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà nghiên cứu cao cấp và tập sự ở các viện, trường đều  tham gia các khóa học ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. Cũng trong khoảng thời gian này, ngày càng nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài, trong số đó có nhiều người thành thạo tiếng Việt, đến VN để tìm hiểu về mọi lĩnh vực. Họ thường cộng tác với các đồng nghiệp người VN, qua đó xây dựng các kỹ năng cần thiết phục vụ cho nghiên cứu của mình ở VN.

Quá trình gặp gỡ, giao lưu và phối hợp này đã đem lại cho các nhà nghiên cứu VN và nước ngoài những kinh nghiệm học hỏi giá trị và làm phong phú lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của cả hai bên, cũng như đưa đến nhiều khái niệm mới trong từ vựng của khoa học xã hội Việt Nam. Mặt khác, góc nhìn chuyên sâu từ bối cảnh VN giúp các học giả VN và nước ngoài có thể phát triển các lý thuyết dựa trên nền tảng tri thức đó. Có thể kể đến trường hợp của tôi trong một cuộc họp vào năm 2012 với việc đưa ra khái niệm di sản hóa [heritagization] để chỉ nỗ lực công nhận hàng loạt các di tích, vật thể và thực hành [văn hóa] thành những di sản văn hóa trên diện rộng. Mặc dù khái niệm heritagization đã từng tồn tại trong tiếng Anh nhưng phải đến khi tôi dịch cụm từ ”di sản hóa”, một khái niệm đã đi vào tiếng Việt kể từ sau công ước UNESCO năm 1972 và 2003 sang tiếng Anh, nó mới được sử dụng rộng rãi.    

Điều đó có nghĩa rằng các khái niệm lý thuyết trong KHXH&NV di chuyển xuyên biên giới. Chúng có thể dùng để lý giải các quá trình ở Việt Nam hiệu quả như ở bất cứ nơi nào khác. Đồng thời, những khái niệm được phát triển ở Việt Nam cũng có thể đi ra ngoài biên giới để làm sáng tỏ các hiện tượng ở những nơi khác.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe người ta tranh luận rằng “Việt Nam nó khác” nên các học thuyết “nước ngoài” hay “thế giới” sẽ không thể áp dụng tại đây. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận quan điểm này. Nếu đây là một lập luận có cơ sở và được thừa nhận thì KHXH&NV sẽ không còn là ngành khoa học theo nghĩa bao gồm những tri thức thực nghiệm dựa trên những tiền đề nhận thức luận được thừa nhận trên thế giới và những khái niệm lý thuyết có tiềm năng phổ quát trên toàn cầu. Lập luận này cũng vấp phải sự phản đối của các chuyên gia VN trong KHXH&NV, những người từng tham dự các khóa học trao đổi tri thức khoa học toàn cầu, thông qua các công bố của họ bằng tiếng Anh trên các diễn đàn quốc tế. Và những học giả VN này cũng nhận ra rằng, công bố quốc tế không chỉ là chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, họ phải quen với những cách viết đa dạng, dựa trên các nguyên tắc nhận thức luận khác nhau để trở nên thuyết phục hơn. Theo nghĩa này, ai đó có thể nói rằng KHXH&NV có những ranh giới, nhưng chúng cần phải liên tục bị phá vỡ vì lợi ích của tất cả các học giả trong nước và quốc tế.

Một điểm khác biệt nữa giữa các nhà KHXH&NV VN và quốc tế thể hiện ở mức độ tự do phản biện các quan điểm chính trị chủ đạo. Nhiều học giả VN viết và công bố tác phẩm của mình bằng tiếng Anh chọn thực hiện nghiên cứu ứng dụng trong bối cảnh có sự tham gia của các tổ chức phát triển quốc tế hay các dự án được tài trợ từ nước ngoài. Đây là lựa chọn hợp lý về mặt tài chính, tuy nhiên lại không đem đến những tri thức sắc sảo nhất, đột phá nhất về mặt lý thuyết, bởi vì các vấn đề và phương pháp nghiên cứu được định sẵn bởi những tổ chức triển khai vốn kỳ vọng kết quả đầu ra phải ăn khớp nhất định với các tiêu chí của mình. Do vậy, những nghiên cứu ứng dụng kiểu này hiếm khi tạo ra một góc nhìn phản biện, theo nghĩa đem đến một ánh sáng mới cho những hiện tượng quen thuộc hoặc khám phá ra những mối liên hệ chưa ai biết từ một góc nhìn khác. “Phản biện” có thể bao gồm tính chính trị nhưng không nhất thiết là một thái độ tiêu cực hoặc nhằm vào thể chế chính trị.
Khi ngân sách cấp cho các nghiên cứu độc lập ngày càng cạn kiệt thì những nghiên cứu mang tính tìm tòi lại càng trở nên khan hiếm với nguồn tài trợ ít ỏi, có nghĩa rằng, nghiên cứu phản biện, dựa trên việc lý thuyết hóa những phát hiện mới một cách chặt chẽ, đem đến sự khái quát mang tính nền tảng, lại vô cùng hiếm hoi ở VN.

Tôi đã đôi lần tham gia phản biện với các nhà hoạch định chính sách ở VN và nhận thấy khá rõ ràng rằng, với các học giả nước ngoài, việc thể hiện thái độ như vậy sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các học giả VN, sống ở VN. Khi phải phản biện, điều quan trọng ta cần nhận ra, là những nhà KHXH&NV, chúng ta luôn viết cho những con người có chính kiến riêng, những người có thể bất đồng với những phân tích của chúng ta. Những phân tích phản biện như vậy cần được viết ra với thái độ tôn trọng và nên là những điều có thể tạo ra sự can thiệp chính sách tích cực nhưng mới mẻ. Theo một nghĩa nào đó, điều này đòi hỏi giáo dục kiên trì, không chỉ với cộng đồng, không chỉ với những nhà lãnh đạo chính trị mà với cả chúng ta ở cương vị người viết về những vấn đề đang diễn ra trên cơ sở những học thuyết và phương pháp tiên tiến nhất. Phong cách của chúng ta và nhận thức của họ sẽ không thể thay đổi qua một đêm, nhưng chúng ta có thể nhích từng bước trên một định hướng đúng đắn.

Khoa học luôn có những ranh giới mà đa phần là kìm hãm hơn là thúc đẩy những hiểu biết chung của chúng ta về các vấn đề chung của nhân loại. Ta cần phải vượt qua và phá vỡ chúng mới có thể tạo điều kiện cho cả khoa học và xã hội phát triển.
—–
* Đại học Copenhagen, o.salemink@ anthro.ku.dk, đã có thâm niên nghiên cứu về Việt Nam gần 40 năm.

Bảo Như và Hảo Linh lược dịch từ bản tiếng Anh do tác giả viết riêng cho Tia Sáng.

 

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)