Lược sử về cư dân thời tiền Đại Việt

LTS: Mười thế kỷ đầu Công nguyên được cho là giai đoạn quan trọng- vốn không chỉ có những cuộc kháng chiến giành độc lập mà còn có những bước phát triển mới về kinh tế và văn hóa, giai đoạn chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa, văn minh Đại Việt. Nhưng đây cũng là giai đoạn còn mờ tỏ của dân tộc, và các nhà lịch sử, khảo cổ học vẫn phải tiếp tục đi tìm thêm bằng chứng rõ ràng hơn về bức tranh đời sống và dân cư thời kỳ này. Bài viết dưới đây cho chúng ta thấy một bức tranh khái lược nhất, với những phát hiện gần đây nhất của các sử gia nghiên cứu về giai đoạn này.


Vị trí Ngũ Lĩnh và khu vực Lĩnh Nam (Ảnh Internet) 

Những nghiên cứu về lịch sử thương mại chính trị và di dân đã chỉ ra rằng, trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, khu vực lãnh thổ Bắc Bộ ngày nay là điểm đến của các luồng di dân nằm ở giao điểm của những mạng lưới thương mại xuyên Á, kết nối vùng lục địa từ phía Nam Trung Quốc với các khu vực duyên hải Ấn Độ Dương và vẫn chưa tồn tại một cộng đồng dân cư đồng nhất, có một bản sắc riêng biệt. Sau Bắc thuộc, vùng này là nơi hội tụ của ba nhóm dân cư chính: nhóm người bản địa – có thể coi là những chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn, nhóm di dân từ phương Bắc có nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán, và nhóm di dân từ phương Nam có nhiều ảnh hưởng của văn hóa Chămpa và Ấn Độ.

 

Trong mạng lưới thương mại xuyên Á thời đầu lịch sử

 

Chứng cứ khảo cổ học đã chỉ ra rằng nhóm dân cư bản địa đầu tiên sống trên nền lãnh thổ Đại Việt [vịnh Bắc Bộ] chủ yếu tập trung ở dải đất thuộc thượng lưu, trung lưu của sông Hồng, sông Cả, sông Mã và các vùng phụ cận. Bên cạnh đó, vùng này có sự kết nối tự nhiên với khu vực vùng núi phía Nam của Trung Quốc, và thường được gọi chung là Lĩnh Nam. Nhưng nhờ có núi Ngũ Lĩnh như những bức tường thành tự nhiên mà khu vực Lĩnh Nam dường như ít có sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Nguyên [là vùng lãnh thổ của các nhà Hạ – Thương – Chu của Trung Quốc].

Khu vực Lĩnh Nam được miêu tả là mảnh đất trù phú có nhiều sản phẩm tự nhiên của vùng nhiệt đới như ngà voi, ngọc trai, đồi mồi … Đặc biệt, nơi đây cũng có nhiều mỏ kim loại (đồng, sắt, vàng) lộ thiên dễ khai thác, tạo nên một nền văn hóa kim khí rực rỡ từ rất sớm. Riêng tại vịnh Bắc Bộ, theo ghi chép của An Nam chí nguyên vào cuối thời Trần, thì ở phủ Thái Nguyên có 17 mỏ vàng, phủ Lạng Sơn có 4 mỏ, châu Quảng Oai [Sơn Tây] có 59 mỏ, châu Gia Hưng [Phú Thọ] có 5 mỏ, châu Ninh Hóa [Ninh Bình] có 3 mỏ, Châu Quỳ [Nghệ An] có 1 mỏ,  châu Ngọc Ma [Nghệ An]  có 6 mỏ, châu Trà Long [Nghệ An] có 3 mỏ.1 Điều kiện tự nhiên đã ưu ái cho khu vực này những thương phẩm được ưa chuộng trong mạng lưới thương mại xuyên Á thời đầu lịch sử.2 Nguồn dân cư đông đúc, tài nguyên trù phú, và thương mại nhộn nhịp là nguồn lực quan trọng cho sự hình thành của các nhà nước bản địa đầu tiên ở cộng đồng Bách Việt, như nước Đông Âu ở tỉnh Triết Giang, Mân Việt ở vùng Phúc Kiến, Trung Quốc, và nước Văn Lang ở khu vực Phú Thọ Việt Nam.

Những nguồn lợi kinh tế đã khiến vùng Lĩnh Nam nhanh chóng trở thành mục tiêu xâm chiếm của đế quốc Trung Nguyên. Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thôn tính xong các nước chư hầu cũ của nhà Chu, nhanh chóng để ý đến vùng phương Nam. Để chuẩn bị cho việc tấn công các tộc Bách Việt, năm 214 TCN, ở mạn Đông Nam, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đào sông Linh Cừ 灵渠 ở tỉnh Quảng Tây, nối sông Tương với sông Ly, khai thông con đường nối vùng Trung Nguyên với vùng biển phía Đông Nam ở Nam Hải, Quảng Châu. Trước đó, ở mạn phía Tây Nam, nhà Tần cũng đã cho xây dựng đường Ngũ xích đạo 五尺道, kết nối kinh đô Hàm Dương với khu vực nước Ba Thục ở vùng Tứ Xuyên, Vân Nam. Mặc dù chưa thành công trong việc thôn tính toàn bộ vùng Lĩnh Nam, nhưng Tần Thủy Hoàng đã xây dựng những tuyến giao thông quan trọng, tạo tiền đề cho sự mở rộng lãnh thổ của người phương Bắc.

Triệu Đà có thể coi là người được thừa hưởng thành quả đầu tiên từ các dự án chính trị của Tần Thủy Hoàng. Ông người gốc Chân Định ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, vốn là một quận úy nhà Tần. Trong buổi giao tranh Tần – Hán, ông đã tự xưng vương và lập ra nước Nam Việt năm 204 TCN, bao gồm khu vực ba quận của nhà Tần là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng (khu vực phía Bắc Việt Nam ngày nay). Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung [Quảng Châu], là đầu mối của tuyến giao thương duyên hải vùng Hoa Nam. Trong giai đoạn đầu, nhà Hán cũng tạm chấp nhận quan hệ chư hầu của Triệu Đà nhưng đến năm 185 TCN, khi tình hình Trung Nguyên đã ổn định, nhà Hán bắt đầu kế hoạch thôn tính nước Nam Việt và vùng Lĩnh Nam. Một trong những quyết sách của nhà Hán lúc bấy giờ là cấm dân mua bán đồ sắt của Nam Việt. Triệu Đà không phục quyết định này, cho rằng “Khi Cao Đế lên ngôi, ta cùng thông sứ chung đồ dùng. Nay Cao Hậu nghe lời gièm pha, phân biệt đồ dùng Hán, Việt” [ĐVSKTT] nên ông đã tự xưng làm Nam Việt Vũ Đế 南越武帝 đồng thời kết minh với các nước Mân Việt, Tây Âu, Lạc… đối đầu với nhà Hán.


Bản đồ phân bố các điểm di tích thời đại đồ sắt ở vùng sông Hồng và vùng phụ cận. Nguồn: Masanari, Nishimura. Settlement patterns on the Red River plain from the late prehistoric period to the 10th century AD.” Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 25 (2007): 99-108. 

Trong khi đó, An Dương Vương, vốn là hậu duệ của nước Ba Thục ở vùng Tứ Xuyên Trung Quốc, để tránh sự tấn công của quân Tần, đã di chuyển xuống vùng đồng bằng sông Hồng. Ông diệt nước Văn Lang, thành lập ra nước Âu Lạc. Kinh đô của Âu Lạc được đặt tại Long Biên. Trên thực tế Long Biên lúc đó cũng là một điểm trung chuyển quan trọng trong mạng lưới thương mại đường biển giữa Quảng Châu và khu vực Bắc Bộ ngày nay.3 Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy về quan hệ hôn nhân giữa con trai vua nước Nam Việt ở Quảng Châu và con gái vua  nước Âu Lạc ở Long Biên chính là những kí ức cộng đồng ghi nhớ về buổi đầu tiếp xúc mật thiết giữa các nhóm người vùng Vân Nam – Lưỡng Quảng – Bắc Việt, trước khi khu vực này nằm chung dưới sự cai trị của nhà Hán.

 

Mối quan hệ với phương Bắc

 

Năm 111 TCN, nhà Hán diệt nước Nam Việt, sau đó quân Hán tiếp tục mở rộng xuống khu vực vịnh Bắc Bộ, gộp cả khu vực Lĩnh Nam vào lãnh thổ của nhà Hán. Năm 106 TCN, nhà Hán đặt ra Giao Châu, gồm 4 quận phía Nam Trung Quốc là Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố và ba quận phía Bắc Việt Nam là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Giao Chỉ là nơi tập trung dân cư đông hơn hẳn so với các vùng khác. Đây cũng là trung tâm của các cuộc nổi dậy chống người Hán của dân bản địa. Năm 38 TCN, Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi dậy ở Phong Châu (Phú Thọ). Hai bà có được sự ủng hộ của toàn cõi Lĩnh Nam: “hô một tiếng mà 65 thành thuộc Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng vùng Lĩnh ngoại (phía Nam của Ngũ Lĩnh) đều hưởng ứng” [ĐVSKTT]. Đây có thể coi là điểm chốt cuối cùng của nền văn hóa Lĩnh Nam bản địa. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà Hán thắt chặt nền cai trị và thực hiện chính sách đồng hóa ở Giao Châu. Khối cộng đồng Bách Việt vùng Lĩnh Nam dần phân tách, tùy theo mức độ tiếp nhận văn hóa Hán.

 

Tên quận

Số huyện

Số hộ

Số nhân khẩu

Nam Hải (Quảng Đông)

6

19613

94 253

Uất Lâm (Quảng Tây)

12

12 415

71 142

Thương Ngô (Quảng Tây)

10

24 379

146 160

Hợp Phố (Quảng Đông)

5

15 398

78 980

Giao Chỉ (Bắc Bộ)

10

92 440

756 237

Cửu Chân (Thanh – Nghệ – Tĩnh)

7

35  743

166 013

Nhật Nam (từ Hoành Sơn đến Quảng Nam)

5

15 460

69 485

Bảng 1: Dân số 7 quận lục địa của Giao Châu thời Hán năm 106 TCN. Nguồn: Tiền Hán thư, Lịch sử Việt Nam (15 tập), tập 1. 

Sự cai trị của người Hán tạo ra một con đường di cư của người phương Bắc xuống khu vực đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, trong giai đoạn triều Tân (9–23), Vương Mãng cho phép các vị quan thú cai trị vùng biên được ở chức lâu dài, cha truyền con nối, chứ không phải theo nhiệm kỳ một đến bốn năm như trước kia. Mặt khác, khi Vương Mãng gây ra cuộc phiến loạn, cùng với sự quấy nhiễu thường xuyên của nhóm ngoại tộc ở biên giới phía Bắc, dân Trung Nguyên tìm cách di chuyển xuống phía Nam, Giao Chỉ hiện lên như một vùng đất hứa vì vẫn còn “tương đối bình yên”.4 Khi tình hình Trung Nguyên đã yên ả trở lại, nhà Hán lấy lại ngôi vị, một số lượng lớn các quan lại đã quay trở về phương Bắc, nhưng có người ở lại và định cư ở vùng đất mới. Họ trở thành những thủ lĩnh của vùng đất phương Nam vào các thế kỉ sau đó.5

Các chứng cứ khảo cổ học cho thấy ảnh hưởng văn hóa người Hán ở vịnh Bắc Bộ nở rộ từ sau cuộc binh phạt của Mã Viện chống lại khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Các khu mộ xây bằng gạch theo phong cách của người Hán được tìm thấy nhiều ở các vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, là nơi đặt trụ sở của người Hán. Trong khi đó ở vùng Nhật Nam dù không thấy dấu tích của mộ gạch để minh chứng cho sự xuất hiện của nhóm quan lại nhà Hán, nhưng trong các mộ huyệt đất vẫn tìm thấy các đồ gốc Hán, là minh chứng cho sự tiếp nhận văn hóa Hán của quan lại địa phương cũng như thủ lĩnh hay người giàu bản địa6. Văn hóa Hán tác động không nhỏ đến phong tục bản địa, ví dụ như trống đồng, một đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn và là biểu tượng quyền lực của quý tộc địa phương, cũng dần biến mất. Một số học giả cho rằng bởi vì những vị quan người Hán bắt đầu quan niệm một số tập tục địa phương là “man di” cho nên nhóm dân địa phương cũng dần dần thay đổi tập tục của mình.7


Vị trí sông đào Linh Cừ và đường Ngũ Xích Đạo thời Tần (Nguồn ảnh: https://www.sohu.com/a/320197721_249325. Trần Thị Xuân chú thích tiếng Việt) 

Sau khi nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc trải qua thời kỳ phân liệt. Các bộ tộc phương Bắc tràn vào Trung Nguyên, sử gọi là “Ngũ Hồ loạn Hoa”. Nhờ sự suy yếu của triều đình trung ương ở phương Bắc, các vùng đất phương Nam có được sự độc lập nhất định về chính trị. Ở mạn biên giới Việt – Trung, từ thời kỳ nhà Tấn (280- 464), một nhóm người Li – Liao phát triển mạnh mẽ. Nhóm này án ngữ con đường bộ an toàn kết nối vùng vịnh Bắc Bộ với Trung Nguyên người Hán. Trong khi đó, trước thời Đường, con đường biển nối phía Nam Trung Quốc đến các vùng phía Bắc Việt Nam vô cùng nguy hiểm, do dòng nước chảy mạnh và một dải đá ngầm lớn. Việc vượt biển giai đoạn này chủ yếu giới hạn trong nhóm thương nhân muốn tranh thủ những nguồn lợi từ mạng lưới buôn bán. Những trở ngại về giao thông đã ngăn cản quá trình di cư của người Hán xuống phía Nam.8 Chính vì thế đến trước đời Tùy – Đường, vùng vịnh Bắc Bộ được hưởng một giai đoạn tương đối độc lập, tạo điều kiện cho sự phát triển và duy trì của bản sắc địa phương, đồng thời “địa phương hóa” các văn hóa Hán và văn hóa bản địa. Đây cũng là giai đoạn ghi nhận sự lớn mạnh của các thủ lĩnh địa phương, những người sau đó đã tích cực chống lại sự thống trị của người phương Bắc, thành công thành lập nhà nước Đại Việt thế kỷ 10. 9

Nhưng tình hình chính trị thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn Tùy Đường. Các đế quốc hùng mạnh lại được dựng lên ở Trung Nguyên, mở rộng xuống phía Nam, chinh phạt nhóm người Li – Liao, đặt nền cai trị đến tận khu vực vịnh Bắc Bộ.10 Trong khi đó, đường biển nối Nam Trung Quốc với vịnh Bắc Bộ cũng được khai thông nhờ có công của Cao Biền. Khi được bổ nhiệm làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, ông đã đặt phá dải đá ngầm, tạo ra con đường biển an toàn kết nối vịnh Bắc Bộ và miền Nam Trung Quốc.11 Bên cạnh đó, nhà Đường đặt An Nam Đô hộ phủ, lập trường học dạy chữ Hán, phương ngữ Trường An trở thành ngôn ngữ chung (lingua franca) ở khu vực Lĩnh Nam. Chính điều này đã xúc tiến sự trao đổi giữa các cộng đồng dân cư trong khu vực. Trong thế kỉ thứ 8, dân số ở vùng đồng bằng sông Hồng (Giao Chỉ) tăng ba lần, một phần lớn là do sự gia tăng của dân di cư từ phương Bắc. Theo ghi chép của sách Lĩnh ngoại đại đáp, dân số vùng đồng bằng sông Hồng hết sức đông đúc và nửa trong số đó là từ Quảng Đông, Quảng Châu.12


Khu mộ Hán tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có niên đại vào khoảng thế kỉ I-III sau Công nguyên. Ảnh: Bộ môn khảo cổ, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. 

Từ sau chính biến An Lộc Sơn, nhà Đường bắt đầu suy yếu, địa phương cát cứ, tạo ra cục diện “Ngũ đại thập quốc”. Bên cạnh đó các bộ tộc phương Bắc thường xuyên tấn công Trung Nguyên, chiếm lĩnh một phần đất đai rộng lớn ở phương Bắc, lập ra triều Liêu – Hạ, đẩy triều đình của người Trung Nguyên xuống phía Nam (nhà Nam Tống). Đến thế kỉ 13, quân đội Mông Cổ thậm chí còn chiếm lĩnh toàn bộ Trung Nguyên, tạo ra sự bùng nổ của người Hoan [Trung Nguyên] di cư  trong khắp khu vực duyên hải châu Á. Mặt khác, so với vùng đất phía Nam của Trung Quốc, đồng bằng sông Hồng có điều kiện tự nhiên vượt trội hơn hẳn, có thể phát triển một nền nông nghiệp đủ sức cung ứng cho dân số đông đúc. Trong khi đó, các khu gần biên giới Việt Trung, chủ yếu là đồi núi với những mảnh đồng bằng nhỏ hẹp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào biển với các nghề như làm muối, đánh bắt cá, đóng tàu và thương mại. Ví dụ như vùng Phúc Kiến với 80% là núi, 10% sông hồ, chỉ 10% là đất trồng trọt, dân Phúc Kiến ngay từ sớm đã phát triển nền kinh tế biển.13 Tận dụng lợi thế về đóng tàu và thương mại, khi chính trị bất ổn định hay nông nghiệp suy tàn, họ tìm kiếm những cơ hội mới ở vùng vịnh Bắc Bộ. Họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng người chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán ở trung tâm đồng bằng sông Hồng và trở thành một lực lượng chính trị quan trọng của khu vực. Không quá khó hiểu khi tổ tiên của nhà Lý và nhà Trần của Đại Việt đều có nguồn gốc từ Phúc Kiến.

Các dòng di dân phương Nam

 

Trong khi khu vực đồng bằng sông Hồng đón các dòng người từ phương Bắc, thì khu vực Thanh – Nghệ là điểm đến của các dòng di dân của các cư dân phương Nam. Vào thời Hán, đế quốc Kushana (30–375) của vùng biển Bắc Ấn Độ tích cực mở rộng buôn bán và truyền bá kinh Phật đến các vùng của châu Á. Vùng Giao Châu ngay từ sớm đã có sự tiếp xúc với những người đến từ “vùng biển phía Tây”, trong đó Luy Lâu – Bắc Ninh là trung tâm Phật giáo lớn nhất Lĩnh Nam lúc bấy giờ.14 Nhóm người Hồ – chỉ người Nam Á, thường xuyên được chào đón ở vùng Giao Châu vì những lợi ích thương mại. Trong lá thư của Viên Huy nhà Hán gửi cho Thượng thư lệnh là Tuấn Túc năm 207, khi miêu tả đoàn tùy tùng của Sĩ Nhiếp, đã nhắc đến “mười mấy người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương” (ĐVSKTT). Nhiều thương cảng quốc tế sớm được hình thành tại khu vực Thanh – Nghệ. Nghiên cứu khảo cổ học cho thấy Cửa Sọt của Nghệ Tĩnh là một thương cảng sầm uất kết nối vùng Vân Nam với Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á. Đây là nơi tụ tập của các thương gia Hán, Chăm và Khmer. Đặc biệt, một lượng lớn các mộ của người Hán được tìm thấy ở vùng này.15 Cũng chính vì lợi ích thương mại mà các đoàn thủy quân của Chiêm Thành thường xuyên kéo lên vùng biển Thanh – Nghệ và thậm chí Thăng Long để đánh chiếm. Các thủ lĩnh địa phương vùng Thanh – Nghệ cũng liên kết với người Chăm để giành quyền kiểm soát mạng lưới thương mại, như cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế ở vùng Nghệ An năm 713 có sự hưởng ứng rộng rãi của người Lâm Ấp và Chân Lạp. Số liệu thời cuối Đường cho thấy có một sự thay đổi đáng kể về dân số vùng đồng bằng sông Cả, đây là kết quả của dòng di dân vùng Đông Nam Á, thường đi theo một nhóm gia đình lớn, bộ tộc hay dòng họ.16

Đề cập tới tính đa dạng sắc tộc ở khu vực Bắc Bộ, không thể không tính mối liên hệ với các nhóm người sống ở các khu vực miền núi Tây Bắc, ven biên giới vùng Vân Nam và Lào. Theo ghi chép của chính sử Đại Việt, năm 550, em trai Lý Nam Đế, là Lý Thiên Bảo, sau khi thua ở đồng bằng sông Hồng, đã thu nhặt tàn quân khoảng vạn người chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao, lập nước Dã Năng, tự xưng là Đào Lang Vương [ĐVSKTT]. Đặc biệt là năm cuộc giao tranh giữa quân Nam Chiếu (738–937) – một đế quốc ở vùng Vân Nam với nhà Đường ở Giao Châu trong khoảng 846-866. Quân Nam Chiếu có bốn lần đánh chiếm Đại La (năm 846, 860, 862 và 863), đồng thời chiếm lĩnh vùng đồng bằng trung tâm trong khoảng hai năm (863-865). Riêng năm 863, quân Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150 000 người, khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân. Năm 865, tướng nhà Đường là Cao Biền đến vùng Nam Định, Phong Châu thấy hơn 50.000 quân Man đang gặt lúa. Khi Cao Biền dẹp yên quân Nam Chiếu thì có hơn 170.000 quân Man theo về [ĐVSKTT]. Đây chính là những minh chứng quan trọng cho sự tiếp xúc giữa nhóm dân cư ở mạn núi phía Tây Bắc với vùng đồng bẳng duyên hải. Các nhóm này luôn tồn tại với tính độc lập tương đối, sự lớn mạnh của họ đôi khi đủ sức đe dọa chính quyền ở Đại La và có thể di chuyển, định cư tại vùng đồng bằng.

Nhìn chung, cho đến cuối đời Đường, vùng vịnh Bắc Bộ có thể chia thành bốn khu vực. Khu vực trung tâm đồng bằng sông Hồng, vùng quanh Hà Nội, là trung tâm của chính quyền đô hộ phương Bắc. Đây là nơi tập trung của nhóm chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Hán và cũng như người di cư từ phương Bắc. Khu vực Tây Bắc của sông Hồng, xung quanh khu vực Phú Thọ vốn là trung tâm của nền văn minh Đông Sơn. Tại đây duy trì cả văn hóa bản địa và một phần văn hóa Hán. Khu vực đồng bằng sông Cả sông Mã và dải đất Tây Nam của sông Hồng, với trung tâm là Hoa Lư, là khu vực có ít ảnh hưởng văn hóa Hán hơn. Và cuối cùng là vùng Thanh – Nghệ khu vực giáp ranh với nước Chiêm Thành ở phía Nam, là nơi khu vực pha trộn với nhóm người bản địa và di dân phương Nam, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Chăm pa và Ấn Độ, cũng là nơi có ít ảnh hưởng văn hóa phương Bắc nhất.17

Kể từ sau thế kỷ thứ 10, các nhóm này liên tục tương tác lẫn nhau, cùng hòa quyện vào một nền văn hóa chung, vừa mang yếu tố Đông Á vừa mang yếu tố Đông Nam Á của cư dân Đại Việt. □

* Tác giả Trần Thị Xuân là NCS ngành Lịch sử, ĐH Hamburg.

 

(Kỳ tiếp: Những cư dân nước Đại Việt)

—-

1 Trần Quang Đức. “Ngàn năm áo mũ: Lich sử trang phục Việt Nam giai đoạn.” TP Hồ Chí Minh: Nhã Nam (2013).tr.51-2

2 Hoàng Anh Tuấn. Vị trí của Việt Nam trong hệ thống thương mại biển Đông thời cổ trung đại. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9-10/2008, tr. 1-16.

3 Bellwood, Peter.  Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago, 1985; Honolulu: University of Hawai’s Press, 1997. trang 269; Higham, Charles.  The Bronze Age of Southeast Asia.  Cambridge:P Cambridge University Press, 1996, các trang 37-38, 90, 94, 96, 108-109, 324;

4 Taylor, Keith Weller. The birth of Vietnam. Univ of California Press, 1983. tr. 81

5 Taylor, Keith Weller. A History of the Vietnamese. Cambridge University Press, 2013. tr.19

6 Lâm Thị Mỹ Dung, Giao thương thời tiền, sơ sở trên biển Đông qua tài liệu khảo cổ học, 25 Việt Nam học theo định hướng liên ngành, Hà Nội, NXB Thế giới, 2014, trang 47 – 68

7 Churchman, Catherine. The people between the rivers: the rise and fall of a bronze drum culture, 200–750 CE. Rowman & Littlefield, 2016; Cooke, Nola, Tana Li, and James A. Anderson, eds. The Tongking gulf through history. University of Pennsylvania Press, 2011.

8 Churchman, Michael. “ The People in Between”: The Li and Lao from the Han to the Sui. University of Pennsylvania Press, 2011.

9 Cooke, Nola, Tana Li, and James A. Anderson, eds. The Tongking gulf through history. University of Pennsylvania Press, 2011. tr.9 .

10 Holcombe, Charles W. “Southern Integration: The Sui Tang (581–907) Reach South.” Historian 66.4 (2004): 749-771.).

11 Câu chuyện Cao Biền phía tảng đá ngầm được ghi chép trong Tân đường thư, tập 19, Cao Biền truyện  và Đại Việt sử ký toàn thư, kỉ thuộc Tùy Đường, hoặc trong Tôn Quang Hiến (Tống), Bắc Mộng Tỏa ngôn, có viết: 孫光憲 (). 北夢瑣言. 三秦出版社, 22003: 安南高骈奏开本州海路。初交趾以北距南海,有水路,多覆巨舟。骈往视之,乃有横石隐隐然在水中,因奏请开凿以通南海之利。)

12 Tana, Li. “A view from the sea: Perspectives on the northern and central Vietnamese coast.” Journal of Southeast Asian Studies 37, no. 1 (2006): 83-102.

13 Eduard B. Vermeer, Up the Mountains and Out to the Sea: The expansion of the Fukienese in the Late Ming Period; in Murray A. Rubinstein, Taiwan: new history, (New York: M.E. Sharpe Inc), 1998, pp.45 – 83.

14 Taylor, Keith Weller. The birth of Vietnam. Univ of California Press, 1983. tr.80.

15 Li Tana, The rise and fall of Jiaozhi yang region, in Schottenhammer, Angela, and Roderich Ptak, eds. The Perception of Maritime Space in Traditional Chinese Sources. Vol. 2. Otto Harrassowitz Verlag, 2006, p. 123 – 140). (Momoki, Shiro. “Dai Viet and the South China Sea Trade: from the 10th to the 15th Century.” Crossroads 12.1 (1998).

16 Taylor, Keith W. “An evaluation of the Chinese period in Vietnamese history.” 嬴撮嬴翱掘 23, no. 1 (1980): 139-164.
Sau này, khi nhà nước Đại Việt tìm cách độc quyền Nghệ – Tĩnh, thì nơi đây cũng là nơi giao tranh của giữa Đại Việt – Chiêm Thành (983, 989, 1006, 1009, 1011, 1012, 1029, 1031 và 1043), phải đến năm 1044, nhà Lý khi hoàn toàn kiểm soát vùng này, tình hình mới tạm ổn định.

17 See more in Keith Taylor, A history of the Vietnamese, or John Whitmore, The rise of The coast.

Tác giả

(Visited 88 times, 1 visits today)