Michael Collins và giây phút cô độc

Michael Collins vừa qua đời vào ngày 28/4/2021 sau cuộc chiến chống chọi với bệnh ung thư. Dưới đây là bài báo trên tạp chí The Atlantic vào năm 2019, phóng viên Marina Koren trò chuyện với ông về trải nghiệm trên chuyến đi quanh quỹ đạo Mặt trăng, 50 năm sau sự kiện Apollo 11 diễn ra.


Michael Collins tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, ngày 19 tháng 6 năm 1969 trước khi Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng. Ảnh: NASA/Reuters.

Phi hành gia của Apollo 11 nổi tiếng vì một mình bay quanh quỹ đạo Mặt trăng.

Đã năm thập kỉ kể từ ngày ông tới Mặt trăng và Michael Collins biết chính xác chuyến du hành tiếp theo của mình là gì. 

“Tôi sẽ tìm một tảng đá to đẹp, để trốn dưới đó,” Collins nói với tôi gần đây. 

Khi sự kiện kỉ niệm sứ mệnh Apollo 11 tới gần, Collins ngập trong một loạt yêu cầu phỏng vấn, xuất hiện trước công chúng và các sự kiện kỉ niệm. Sự chào đón nồng nhiệt như vậy đã diễn ra tương tự ở lần kỉ niệm trước đó, trước đó và trước đó nữa. Collins đã quá quen với việc là tâm điểm của sự chú ý; các cuộc họp báo là một phần trong mô tả công việc của một phi hành gia. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông thích điều đó. Và đợt kỉ niệm lần này có lẽ là căng thẳng nhất. 

Collins chưa bao giờ đặt chân đến Mặt trăng. Khi Neil Amstrong và Buzz Aldrin hạ cánh mô đun Mặt trăng, Collins vẫn ở lại trên quỹ đạo, vận hành mô đun điều khiển. Ông cũng không chứng kiến khoảnh khắc hạ cánh; con tàu của ông vẫn tiếp tục di chuyển sau khi thả hai người đồng nghiệp phi hành gia xuống, và quang cảnh từ độ cao đó chẳng có gì ngoài các hố Mặt trăng. Ông có nghe thấy giọng nói của Amstrong đứt gãy qua radio, nói với trung tâm điều khiển dưới mặt đất rằng ông và Aldrin đã hạ cánh thành công. 

Collins bay vòng quanh Mặt trăng, hoàn toàn cô độc, trong hơn một ngày. Ông lắng nghe tiếng các đồng nghiệp đi đi lại lại trên nền đất mấp mô trong bộ đồ phồng rộp màu trắng, nghe họ gỡ các thiết bị khoa học và xúc những viên đá vào trong các hộp. Cứ vài tiếng một lần, các âm thanh lại im bặt, khi tàu của ông bay đến phía sau Mặt trăng, nơi các phi hành gia hay trung tâm điều khiển dưới mặt đất đều bị mất liên lạc với ông. Quang cảnh xung quanh đẹp tuyệt vời. Nhưng với Collins, quang cảnh đẹp nhất là khi mô đun Mặt trăng quay trở lại, một dấu chấm nhỏ di chuyển lại từ xa, một dấu chấm màu đen giữa nền ghi lấp lánh. Khi đó, ông biết Neil và Buzz sẽ sớm quay trở lại con tàu. Rồi tất cả sẽ cùng trở về nhà. 

Collins giờ đã 88 tuổi. Ông không bao giờ quay trở lại vũ trụ sau Apollo 11 mà thay vào đó là chuyển sang những công việc không đòi hỏi di chuyển xa như vậy. Ông làm ở Bộ Ngoại giao và sau đó làm Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Smithsonian. Hôm nay, ông đã nghỉ hưu và sống ở Florida. Khi ông không ở trên sân khấu hoặc trên điện thoại để được yêu cầu phải sống lại một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử, thì ông thích đọc, phần lớn là sách báo và tạp chí, ở nhà. 

“Tôi không thể nói rằng sáng nào ngủ dậy tôi cũng nghĩ, Ôi, Apollo 11, thế này, thế nọ,” Collins nói. “Tôi có thể, bình thường, trải qua một hai tháng mà không nghĩ gì về sự kiện đó. Nhưng khi tôi nghĩ về nó, nó trở về với tôi, sáng rõ hơn mức tôi tưởng”.

Mặc dù những kí ức về sứ mệnh Apollo 11 vẫn hiển hiện trong trí óc của ông, vẫn có một mảnh bị khuyết: đó là kí ức về việc ông biết mình được tham gia sứ mệnh đó như thế nào. 

“Tôi không thể nào nhớ nổi trong suốt cuộc đời mình là tôi đã nhận được thông tin đó như thế nào, khả năng cao là từ Neil hoặc từ Deke (Deke Slayton, giám đốc quản lý đội bay),” Collins viết trong hồi kí của ông, xuất bản vào năm 1974, năm năm sau sự kiện hạ cánh xuống Mặt trăng. “Nhưng tôi cảm thấy mình như một thằng dở người khi đi kiểm tra lại thông tin đó, ‘Kiểu như,…, này Neil, có phải ông đã báo với tôi là tôi được vào đội của ông không, cái đội mà bay lên Mặt trăng ấy?”


 Michael Collins khi đang đào tạo để thực hiện sứ mệnh Gemini X (chuyến bay vào vũ trụ thứ 8 của người Mỹ) vào năm 1966. Ảnh: NASA.

Collins tham gia NASA với vai trò là một phi hành gia vào năm 1963, chỉ năm năm sau khi cơ quan này thành lập. Ông là một phi công trẻ, với ba người con nhỏ hơn 5 tuổi. Ông là đứa con của quân đội, sinh ra ở Rome, nơi bố của ông, một sĩ quan quân đội Mỹ đóng quân. Sau khi tốt nghiệp West Point, ông lựa chọn Không quân thay vì Lục quân, để không phải lo việc mình bị mang tiếng là dựa hơi của gia đình; Bố của Collins, anh trai, hai người chú và các anh em họ của ông đều phục vụ trong Lục quân. Ông phục vụ ở căn cứ Không quân Edwards tại California, đạt được số giờ bay quy định khi nghe tin NASA đang tuyển lứa phi hành gia đầu tiên. “Tôi chắc chắn không hề có ước mơ thời thơ ấu là bay lên Mặt trăng hay bất kì nơi nào như thế, nhưng ý tưởng đó vẫn siêu cuốn hút,” Collins viết. Ông quyết định nộp đơn sau khi John Glen bay vòng quanh Trái đất vào năm 1962, người Mỹ đầu tiên làm được điều đó. Ông viết “Tưởng tượng có thể bay xung quanh địa cầu và cứ 90 phút mỗi lần được bay cao lên trên hẳn những đám mây và những cơn bão!”

NASA đạt được một con số ấn tượng những thành tựu sau bảy năm thực hiện chuyến bay của Glenn. Cơ quan này đã thử nghiệm một chiếc tàu vũ trụ người lái phức tạp bay vòng quanh Trái đất. Nó cũng đưa các phi hành gia bay xung quanh Mặt trăng và quay trở lại. Một đội thậm chí còn tiến gần đến bề mặt của nó trên một chiếc phi thuyền nhưng rồi quay trở lại modun điều khiển trước khi hạ cánh xuống mặt đất. Cơ quan này cũng mất ba phi hành gia, tử nạn trong một vụ cháy trong một cuộc tập dượt phóng trên mặt đất, nhưng những kĩ sư vẫn kiên trì thực hiện cam kết của John F. Kennedy về việc đưa người lên Mặt trăng vào cuối thập kỉ. Vào mùa hè năm 1969, việc duy nhất còn lại để làm chỉ là thực hiện điều đó. 

Collins dành hàng tháng trời huấn luyện cho tất cả những hoạt động tinh vi của sứ mệnh Apollo 11. Ông di chuyển qua lại giữa các trung tâm của NASA ở Houston và Cape Canaveral trên một chiếc T-38, một máy bay hai chỗ gọn nhẹ, thường là một mình. Vào ngày phóng, Collins đã hoàn thành 400 giờ trong chiếc mô phỏng modun điều khiển, đối phó với các tình huống nguy cấp và tập luyện tất cả các bước của chuyến đi, bao gồm cả việc quay trở lại khí quyển Trái đất đầy nguy hiểm. “Các nguy hiểm có lẽ liên quan đến tinh thần nhiều hơn là vật chất, và tôi được yêu cầu phải xử lý một loạt các bí ẩn liên quan đến những hỏng hóc thiết bị đầy mơ hồ,” Collins nhớ lại trong sách của ông. “Vài lần tôi giải quyết được, nhưng thường là tôi thất bại, và hơn một lần tôi lao xuống biển, chưa bung được dù ra, nổ tung chính mình cùng với Neil và Buzz (đó là tôi đã giả sử là mình không bỏ họ lại luôn trên Mặt trăng)”.

Collins phải chịu một áp lực rất khác với các phi hành gia khác: Ông là người duy nhất chở họ về nhà. Cả đội ba người sẽ đến Mặt trăng cùng nhau. Armstrong và Aldrin sẽ di chuyển xuống và từ bề mặt Mặt trăng trên một chiếc tàu dùng để hạ cánh và Collins, trong modun điều khiển, sẽ thả chiếc tàu này ra hay tóm họ lại. Nếu có gì đó không suôn sẻ trong quá trình điều khiển tinh vi này, các phi hành gia bước trên Mặt trăng sẽ bị kẹt lại. Collins sẽ phải học cách làm sao để lái modun điều khiển quay trở về Trái đất vì sẽ có một khả năng tồi tệ rằng ông là người duy nhất quay trở lại. 

Collins nói rằng ông không còn đầu óc nào để nghĩ về điều đó trong thực tế, khi Armstrong và Aldrin rời đi và chỉ còn một mình ông trong modun điều khiển. Trong đó ông phải thực hiện một loạt kiểm tra và khởi động hệ thống. Và dĩ nhiên là ở ngoài vũ trụ thì điều đó không thể dễ như dưới mặt đất.

Tuy nhiên, trong trường hợp những du khách tới Mặt trăng trong tương lai có tò mò, thì với ông, được chiêm ngưỡng quang cảnh từ quỹ đạo Mặt trăng đã đủ mãn nguyện. Đức trên bề mặt Mặt trăng “bạn đứng ở giữa một cái hố, nhìn về hướng Bắc, bạn thấy một vành hố, nhìn về hướng Nam, bạn cũng chỉ thấy vành hố”, Collins nói với tôi. “Nhưng nếu ở trên quỹ đạo quanh Mặt trăng, bạn có một cái nhìn toàn cảnh”. 

Với tất cả chúng ta, Mặt trăng luôn chỉ là một đồng xu phẳng, hai chiều ở giữa đêm tối. Collins và những phi hành gia Apollo khác được trải nghiệm Mặt trăng như chính nó, một quả cầu giữa thinh không, được khum lại bởi ánh sáng và bóng tối. Và có cả một phần phía xa bị khuất khỏi tầm nhìn. Trong cuốn sách của ông, mô tả của Collins về hướng đó của Mặt trăng, được bao phủ hoàn toàn bởi bóng tối, vừa dễ thương lại cũng vừa khó chịu bởi vì dù cố gắng đến mức nào, chúng ta cũng không thể chấp nhận được quang cảnh đó: “Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi có thể thấy các ngôi sao – chỉ thế thôi. Nơi mà tôi biết có mặt trăng ở đó, chỉ là một khoảng màu đen tăm tối; sự hiện diện của Mặt trăng được xác định bằng sự vắng Mặt của các vì sao”. 

Hàng giờ bay trong cô độc là phần của nhiệm vụ mà các phóng viên luôn muốn hỏi Collins. Ông cảm thấy thế nào khi ở trạng thái cô độc tuyệt đối như thế? Đứng một mình ở phía bên này của mặt trăng còn toàn thể nhân loại đứng ở phía bên kia? Câu trả lời của ông trăm lần như một: Ông cảm nhận sâu sắc sự cô độc, nhưng ông hoàn toàn ổn. “Tôi không cô đơn, dù vài tít báo nói như vậy” – nói đến đây, ông giả giọng đau khổ của một người dẫn chương trình truyền hình – “Collins là người đàn ông cô đơn nhất từng trải qua một chuyến bay vòng quanh quỹ đạo một mình, ở một nơi đơn côi…Trời ơi, ông cô đơn biết bao!”

Thực ra có một cảm giác dễ chịu khi được ở một mình sau vài ngày bị “mắc kẹt” với hai người khác. Trước ngày phóng, Armstrong và Aldrin đã có một buổi tối tranh cãi gay gắt trong nhà nghỉ của đội bay ở Cape Canaveral. Armstrong đã lái hỏng phi thuyền hạ cánh trong một bài tập mô phỏng ngày hôm đó, khiến cả anh và Armstrong thiệt mạng. Chưa đầy một tháng sau là việc điều khiển đó sẽ diễn ra ngoài thực tế. Chứng kiến hai người đàn ông tranh cãi, Collins cảm thấy biết ơn người đồng hành của mình trong modun điều khiển: là cái máy tính. 

“Một cách lịch sự, tôi cáo lui và leo lên giường đi ngủ, không muốn tham gia vào cuộc đối chất nảy lửa về tính cách hay kĩ thuật,” ông viết trong cuốn sách của mình. “Ơn trời, trong modun điều khiển chỉ có mình tôi và Colossus IIA, và nếu nó dám chống đối thì tôi sẽ ngắt điện nó ngay lập tức”. 

Sau khi phi hành đoàn Apollo 11 quay trở lại Trái đất, họ không còn là chính họ nữa. Họ trở thành người hùng của nước Mỹ và với vai trò đó, họ còn phải thực hiện những nhiệm vụ khác. Ngoại trừ Aldrin, người sôi nổi nhất nhóm, hai người còn lại không mấy mặn mà với điều đó. 

Phi hành đoàn phải thực hiện một chuyến “lưu diễn” vòng quanh thế giới, bắt đầu với buổi diễu hành ngập pháo giấy ở thành phố New York thu hút bốn triệu người tham dự mà với họ, những người đàn ông này không phải là người phàm nữa, mà là anh hùng. Họ đi qua 28 thành phố, qua 25 quốc gia trong 38 ngày, bắt tay với những người ban phước lành – bao gồm cả nữ hoàng Anh – cho đến khi những ngón tay của họ mỏi rụng rời. “Vài năm đầu sau chuyến bay, không có nơi nào bố tôi đặt chân đến mà không bị phát hiện” Kate Collins, khi bố cô bay lên Mặt trăng là lúc cô 10 tuổi, nói với tôi. 

Kịch bản về cuộc đời họ có thay đổi chút ít theo thời gian. Với Armstrong, qua đời vào năm 2012, ai ai cũng muốn biết ông cảm thấy thế nào khi là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Với Aldrin, giờ đang ở tuổi 89, mọi người muốn biết ông cảm thấy thế nào khi là người thứ hai, một câu hỏi thật nhức nhối. Và với Collins, người ta muốn biết cảm thấy cực kì cô đơn là như thế nào. 

Việc trả lời phỏng vấn truyền thông liên tục có thể mệt mỏi, dù có 50 năm luyện tập cũng không khiến việc bị chú ý trở nên dễ chịu hơn. “Thực ra sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không phải nói chuyện với một loạt các nhà báo vô cùng thông minh, vô cùng cương quyết chất vấn tôi và khiến tôi phải vận hết nội công để trả lời” – Collins giờ đây nói. 

Sự khó chịu đó là chắc chắn. Phóng viên là những kẻ tò mò và hỏi tới tấp, nhất là khi nguồn tin của họ là các phi hành gia. Ngay khi các phi hành gia của Apollo 11, đáp con tàu của họ xuống Đại Tây Dương, họ trở thành báu vật quốc gia. Cứ như thể những nhà du hành vũ trụ đã nắm được bí ẩn vũ trụ mà không ai tiếp cận được. Cùng bị hút bởi lực hấp dẫn của Trái đất, chúng ta lao đến họ, cố gắng định hình những cảm nhận rời rạc của mình về vũ trụ dựa trên những trải nghiệm của họ, rồi tạo cho họ những huyền thoại. □

Nguyên Hạnh dịch 
Nguồn: https://www.theatlantic.com/science/archive/2019/07/michael-collins-moon-landing-apollo-11/594238/
 

Tác giả