Nhớ anh Lê Văn Thành

Anh Thành quê ở Đô Lương, Nghệ An, học ĐHTH Hà Nội trước tôi hai năm, và là một trong những thành viên đầu tiên của Phòng Nghiên cứu Toán thuộc UBKHNN (tiền thân của Viện Toán học). Anh Thành học đại học trong nước, làm tiến sĩ cũng trong nước. Sau khi đã nhận học vị tiến sĩ, anh xuất ngoại vài lần, sang Viện Max-Planck fur Mathematik Bonn, Ecole Polytechinique Paris và RIMS, Nhật Bản.


Phòng Tô pô – Hình học những năm 1980. Từ phải: Hàng trước: Hà Huy Khoái, Lê Văn Thành; Hàng sau: Ngô Việt Trung, Hồ Hữu Việt, Hà Huy Vui, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Sỹ Minh

Là học sinh vào loại giỏi nhất lớp của K6 Khoa Toán ĐHTH Hà Nội, anh Thành được GS Lê Văn Thiêm giới thiệu về UBKHNN. Anh cùng các GS Lê Văn Thiêm, Ngô Văn Lược tham gia việc áp dụng lý thuyết nước thấm để thiết kế đào mương rửa mặn vùng ven biển. Mục đích chính là biến một số diện tích nhiễm mặn thành đất có thể trồng lúa, thay cho cách trồng cói phải kéo dài trong nhiều năm. Các kết quả về lý thuyết của công việc này đã được viết thành một cuốn sách (in roneo) và một số bài báo đăng trong Tạp chí Toán học.

Khi về Phòng Nghiên cứu Toán, tôi cùng tham gia với anh Thành trong một số nghiên cứu về lý thuyết nước thấm. Mấy lâu sau, anh Ngô Văn Lược gửi từ Liên Xô về một cuốn Proceedings của một Hội nghị về Hàm phức. Tôi và anh Lê Văn Thành rất bực mình, vì mang tiếng là làm về Hàm phức mà đến cái tên của nhiều báo cáo còn không hiểu. Anh Trần Gia Lịch xem qua rồi nói: “Đó là Hàm phức nhiều biến, khó lắm đấy”. Thế là tôi cùng anh Thành quyết định học Hàm phức nhiều biến. Vào thư viện Khoa học Trung ương cũng thấy khá nhiều sách về Hàm phức nhiều biến. Không biết chọn cuốn nào, đành chọn cuốn…mỏng nhất! Đó là cuốn “Các tập Giải tích” của Hervé. Bây giờ thì ai cũng biết, đó không thể là cuốn nhập môn Hàm nhiều biến! Thế nhưng nhờ học những kiến thức về hàm nhiều biến phức mà anh Thành đã rất thành công khi làm việc với GS Frédéric Phạm. Anh viết không nhiều, nhưng có bài đăng trong những tạp chí rất tốt như Math. Ann., Trans. Amer. Soc., C. R. Acad. Sci. Paris,… Đọc qua vài dòng trong tóm tắt Luận án của anh (ảnh kèm theo) cũng có thể thấy anh đã có những kết quả rất có giá trị.

Anh Thành là người sống có nguyên tắc. Xin kể một chuyện nhỏ sau đây. Anh chia lương hằng tháng của mình thành hai khoản: phần lớn gửi về quê giúp bố mẹ, phần còn lại để chi tiêu.Trong khoản dành cho mình, anh cũng chia rất rõ ràng: phần mua phiếu ăn của nhà ăn tập thể Giảng Võ, phần tiêu vặt, phần mua thuốc lá. Anh nghiện nặng, nên phần cho thuốc lá chiếm tỷ trọng khá lớn! Một lần, thấy giá thuốc lá tăng vọt, tôi lo cho anh. Anh cười, “may cho mình cậu ạ! Tiền cho thuốc lá cố định rồi, nên lượng nicotine vào mình sẽ bớt đi”! Khi đi Max-Placnk-Institut, anh mang theo thuốc lá đủ dùng cho cả đợt, vì thuốc bên Đức đắt quá. Không ngờ được gia hạn ba tháng, anh đành sang Paris mua Gauloises, là loại thuốc rất nặng và rẻ, đủ dùng cho ba tháng ở Bonn.

Khi anh có thêm đứa con thứ ba, tôi lại lo cho anh. Anh lại cười:” Có gì đâu cậu, trước đây quả trứng luộc chia đôi, bây giờ chia ba. Rau thì trồng ở cái bờ mương sau nhà, hôm nhiều thì luộc, hôm ít nấu canh”. Vậy mà ba đứa con của anh đều trưởng thành, giỏi giang. Cậu con cả được huy chương đồng Olympic Tin học quốc tế. Những năm khó khăn, anh làm thêm việc đóng mũ đinh cho mậu dịch. Tiền tính theo sản phẩm, mỗi ngày cũng có thể đủ mua một bát phở.

Nhìn anh Thành, ít ai nghĩ anh lại có chuyện tình như tiểu thuyết! Tôi còn nhớ vào một dịp Tết, anh đi Mộc Châu thăm bà con. Khi về có vẻ rất bồn chồn. Tôi hỏi thì anh kể: đi Mộc Châu rất ít người, hằng ngày phải ra bến xe xem đã đủ chuyến chưa. Khi đến phải trình giấy tờ, anh để ý một cô gái xinh xắn có tên là Lê Thị Chuyên, và định đến nơi sẽ làm quen. Ai ngờ cách Mộc Châu 5 km thì cô gái xuống giữa đường. Hốt hoảng vì lo mất dấu vĩnh viễn, anh viết vội mẩu giấy “Lên ăn tết Tây Bắc, người cùng họ bao giờ về xuôi”. Rôi ghi tên và địa chỉ, ném vào nón cô gái khi cô ấy vẫy chào mọi người. Mấy ngày Tết, anh mượn xe đạp ngẩn ngơ về lại nơi cô gái xuống xe, hòng tìm “tăm cá, bóng chim”. Vài hôm sau khi kể chuyện đó, anh hớn hở chìa cho tôi xem mẩu giấy: “Người cùng họ đã về”. Kết thúc cũng là một địa chỉ. Chuyện tình của anh với cô họa sĩ Lê Thị Chuyên, giảng viên trường Sư phạm Nhạc họa bắt đầu như thế đó. Chị Chuyên đã cùng anh trải qua bao năm tháng khó khăn để nuôi ba đứa con nên người.

Anh Thành sống lạc quan, thích triết lý. Tôi vẫn đùa anh là một “nông dân thông thái”. Các triết lý của anh đều bắt nguồn từ việc am hiểu đời sống nông thôn. Có thể vì cái bệnh nghiện thuốc, lại thường phải hút thuốc rẻ tiền, phần lớn là thuốc sợi tự cuốn bằng giấy báo, nên anh mất vì ung thư phổi khi mới 65 tuổi.□

 

Tác giả