Những con tê tê làm lây lan 2019-nCoV cho con người?

Các kết quả giải trình tự gene của những con virus bị phân lập từ các con vật có lớp vẩy xếp này tương đồng tới 99% so với virus được lưu hành này, tuy nhiên công trình nghiên cứu về sự tương đồng này vẫn còn chưa được xuất bản một cách chính thức.

Các nhà nghiên cứu tại Quảng Châu, Trung Quốc, đã đề xuất là con tê tê (hay còn gọi là con trút) – một loài động vật có vú mũi dài, chuyên ăn kiến và thường đường dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc – có lẽ là nguồn động vật gây phát dịch bệnh coronavirus đang làm lây nhiễm cho hơn 30.000 người trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học cho biết, đề xuất này, trên cơ sở một phân tích di truyền, dường như có vẻ hợp lý – nhưng cảnh báo công trình của các nhà khoa học đó vẫn còn chưa được xuất bản một cách đầy đủ. “Đây là một quan sát vô cùng thú vị. dẫu chúng ta cần đọc thêm nhiều chi tiết thì nó cũng có ý nghĩa vì hiện có một số dữ liệu mới xuất hiện cho thấy tê tê mang các virus có mối liên quan gần gũi với 2019-nCoV,” Edward Holmes, một nhà vi trùng học tiến hóa tại trường đại học Sydney, Australia, nhận xét.

Việc nhận diện được nguồn động vật của 2019-nCoV, là một trong những câu hỏi cốt yếu mà các nhà khoa học đang chạy đua để tìm câu trả lời. Các coronavirus mà chúng ta đã biết thường lưu hành giữa các loài động vật có vú và chim, và các nhà khoa học ban đầu đề xuất nCoV-2019 khởi đầu từ dơi, do dựa trên sự tương đồng về trình tự di truyền của nó với những con coronavirus đã được biết khác, vốn là nguyên nhân gây dịch SARS, lan truyền từ dơi sang cầy và cuối cùng đến người.

Hiện tại, trường đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu cho biết, hai nhà khoa học đang làm việc tại đây là Shen Yongyi và Xiao Lihua đã nhận diện được các con tê tê là nguồn tiềm năng của nCoV-2019 dựa trên cơ sở một so sánh di truyền các coronavirus được lấy từ động vật và từ người đã bị lây nhiễm bệnh dịch và những phát hiện khác. Các trình tự gene này tương đồng nhau tới 99%, các nhà nghiên cứu công bố trong một buổi họp báo vào ngày 7/2/2020.

Một ứng viên tốt

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng những con coronavirus có thể là nguyên nhân gây tử vong ở tê tê, và nCoV-2019 cùng các coronavirus từ tê tê sử dụng các thụ thể với sự tương đồng về các cấu trúc phân tử để lây nhiễm các tế bào.

Ngay cả trước thời điểm ngày 7/2 thì tê tê đã được coi là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí loài trung gian của virus, vì vậy thật thú vị khi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một trình tự gene gần gũi, David Robertson, một nhà vi trùng học tính toán tại trường đại học Glasgow, Anh, nói

Các con tê tê là loài động vật đang được bảo vệ nhưng do các hoạt động buôn bán bất hợp pháp vẫn lan rộng nó cũng  như một số loài khác ở trong tình trạng nguy hiểm. Chúng bị bán bởi thịt và các lớp vẩy hữu dụng với y học cổ truyền Trung Quốc, ví dụ như để điều trị các bệnh ngoài da, chứng rối loạn kinh nguyệt và viêm khớp. Luật pháp Trung Quốc tuyên bố ai buôn bán tê tê có thể bị chịu mức án phạt thấp nhất là 10 năm tù.

Chủng coronavirus này xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và được nghĩ là nhảy sang người tại một chợ bán hải sản và động vạt hoang dã, nơi nhiều người trong nhóm những người đầu tiên bị lây nhiễm. Tê tê không được thống kê trong bản kiểm kê các hạng mục được bán tại chợ – việc buôn bán bất hợp pháp tê tê  có thể giải thích cho sự vắng mặt này.

Tháng trước, các nhà khoa học tại Bắc Kinh tuyên bố rắn là nguồn xuất phát của nCoV-2019 nhưng giả thuyết đó bị nhiều nhà khoa học khác bác bỏ.

Shen và Xiao chưa phản hồi câu hỏi của Nature, nhưng Liu Yahong, hiệu trưởng trường Nông nghiệp Nam Trung Quốc, nói trong buổi họp báo là kết quả nghiên cứu có thể được công bố sớm để hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Các nhà khoa học hi vọng bài báo này sẽ đề xuất những chi tiết, bao gồm nơi họ tìm ra các con tê tê với virus tương đồng virus gây bệnh dịch. Arinjay Banerjee, một nhà nghiên cứu về coronavirus tại trường đại học McMaster ở Hamilton, Canada, nói chi tiết cốt lõi khác là nơi trên những con tê tê mà các nhà nghiên cứu tìm thấy mang virus – ví dụ, liệu được phân lập từ các mẫu máu hay các miếng gạc quét trực tràng. Thông tin này sẽ giúp xác định nó có thể truyền sang người như thế nào và cách các lan truyền có thể được ngăn chặn trong tương lai.

“Tôi có thể tin tưởng một cách dứt khoát nó có thể là sự thật”, Kristian Andersen, một nhà miễn dịch học và sinh học tính toán tại Scripps Research ở La Jolla, California, nói. Andersen cho biết anh đã so sánh các trình tự gene của virus trên tê tê đã được công khai và thấy là chúng tương đồng với nCoV-2019. “Tôi háo hức chờ bài báo được xuất bản và cả dữ liệu nữa”.

Anh Vũ dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00364-2

 

Tác giả