Những sát thủ ẩn sau Covid-19

Các bệnh ung thư, sởi, lao, và sốt rét vẫn đang gây ra cuộc chiến chết người từ nhiều năm nay, giờ đây càng gây hậu quả nặng nề hơn trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 gây ra trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu y tế và các Tổ chức phi chính phủ NGO lo ngại rằng sẽ số người bị thiệt mạng do các bệnh dịch này gây ra có thể tăng lên gấp đôi ở một số vùng khó khăn.


Người dân trong một khu ổ chuột ở Mumbai, Ấn Độ chờ được phân phối thực phẩm hồi giữa tháng tư vừa qua trong thời gian bị cách ly. Họ không những bị đe doạ vì virus corona, và vì đói, mà còn có nhiều nguy cơ tử vong vì các căn bệnh khác. Ảnh: Rajanish Kakade/ AP.

Cả thế giới đang phải đấu tranh nhằm hạn chế những hậu quả về kinh tế do virus corona gây ra. Đội ngũ chuyên gia y tế đang hết sức nỗ lực để phát triển loại vacxin nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng Covid-19. Những nỗ lực này là cần thiết. Tuy nhiên sự tập trung toàn cầu vào bệnh truyền nhiễm mới này đang làm giảm đi sự chú ý đến những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người – và cả nguồn tài nguyên cần thiết cho cuộc chiến đó.

Điều này sẽ gây hậu quả nặng nề. Các chuyên gia e rằng trong thời gian tới sẽ có hàng triệu người chết – không phải vì virus corona – mà vì hậu quả của nó, chết vì những căn bệnh khác mà đáng ra có thể chữa chạy được. Nhiều biện pháp thành công của các chính phủ và các tổ chức NGO có nguy cơ bị vô hiệu hoá.

Điều này cũng xẩy ra ở các nước châu Âu, thí dụ ở nước Anh, theo Cancer Research UK, hiện tại hàng tuần có khoảng 2300 người ung thư nhưng không thể đi khám. Kiểm tra sàng lọc ung thư vú và ung thư dạ con cho trên 200.000 phụ nữ mỗi tuần hiện cũng tạm dừng. Bệnh ung thư nếu phát hiện sớm tương đối thì có thể điều trị nay trở thành nguy cơ rủi ro cao về sức khoẻ. Các ca bệnh cấp tính cũng trong tình trạng tương tự.

Theo Quỹ Tim mạch Anh (The British Heart Foundation) số bệnh nhân nghi đau tim đi khám bệnh nội trú và ngoại trú trong tháng ba đã giảm 50 %. Hậu quả thật khó lường. Các thầy thuốc lo ngại về việc các ca tử vong sẽ tăng do hậu quả của các loại bệnh nặng, điều này có thể xẩy ra rộng khắp ở châu Âu.

Tuy nhiên nhiều nước khác gặp khó khăn lớn hơn nhiều. Trong số đó có nhiều nước nghèo, đã phải nỗ lực nhiều năm liền trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như bệnh lao, HIV hay hay sởi. Ở nhiều nơi người ta thậm chí đã khống chế thành công những căn bệnh này. Đối với bệnh nhiệt đới sốt rét cũng tương tự. Tuỳ từng nước, đều xuất hiện nguy cơ mới với các bệnh cũ, nay do virus corona lại bùng phát khá mạnh mẽ.

Bệnh lao là nguyên nhân tử vong số một trong các bệnh truyền nhiễm

Theo ước đoán mỗi năm có khoảng 10 triệu người bị lây nhiễm bệnh lao phổi. Khoảng 1,5 triệu người bị chết vì căn bệnh này, riêng ở Ấn Độ mỗi ngày có tới hàng nghìn người chết vì lao. Trong các bệnh truyền nhiễm thì lao là nguyên nhân gây tử vong số 1. 


Một bà mẹ ở Ấn Độ đưa con ốm đến bệnh viện, phương tiện giao thông công cộng không hoạt động. Virus corona thường được cho là “cào bằng tất cả”, nhưng thực ra nó đang làm tăng thêm sự bất bình đẳng xã hội trên toàn thế giới. Ảnh: Manish Swarup/ AP.

Một nghiên cứu mới của chiến dịch quốc tế  “Stop TB Partnership” cho rằng, trong thời gian từ 2020 đến 2025 trên toàn thế giới sẽ có thêm 6,3 triệu ca nhiễm bệnh lao và 1,4 triệu ca tử vong vì lao.

“Cuộc chiến chống bệnh lao là cực kỳ gay go, khốc liệt. Khi người ta tưởng như đã hạ gục được nó, thì căn bệnh kinh khủng này lại ngóc đầu dậy như muốn trả thù”, nữ bác sỹ người Rumani Lucica Ditiu thuộc “Stop TB Partnership” nói. Tổ chức này dự định đến năm 2030 sẽ diệt trừ hoàn toàn căn bệnh này.

Tuy nhiên mục tiêu này giờ đây trở thành xa vời. “Chúng tôi sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, nếu như khoản tài trợ không tăng gấp ba lần so với hiện nay.” Hiện tại mỗi năm chiến dịch này được cấp khoảng 5 tỷ Euro.

Số ca tử vong bổ sung vì bệnh lao lên đến hàng triệu người trong khi hiện nay trên toàn thế giới có khoảng trên 300.000 người bị chết vì Covid-19. Madhukar Pai, phụ trách chương trình “McGill Global Health Program”, tỏ ra ngạc nhiên về việc người ta quan tâm nhiều hơn đến bệnh do virus mới so với bệnh lao. 

Kể từ khi bùng phát đại dịch corona các bệnh nhân lao ở Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong điều trị bệnh. Nhiều phòng khám tư nhân bị đóng cửa trong thời gian bị cách ly nghiêm ngặt. Ở nhiều nơi các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động do đó nhiều người bệnh ở nông thôn không thể tới gặp bác sỹ. Nhiều bệnh viện vì muốn bảo vệ nhân viên và bệnh nhân nội trú từ chối không chữa chạy cho bệnh nhân lao.

Ấn Độ có chương trình tiêm chủng của nhà nước nhờ đó trẻ em được tiêm chủng phòng chống hàng chục bệnh trong có các bệnh như bại liệt, sởi, bạch hầu và tiêm chủng BCG chống lao. Ít nhất trong tháng ba có khoảng 100.000 trẻ em không được tiêm chủng BCG, báo “Livemint” dựa vào các dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy điều đó.Điều này thật nguy hiểm vì những người bị bệnh lao có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên tiêm phòng lao không phải là tiêm chủng duy nhất bị bỏ bê thời gian qua. 

Liên minh tiêm chủng Gavi, là một tổ chức quan trọng trong việc cung cấp nguồn tài chính để mua sắm các loại vacxin ở các nước nghèo, tổ chức này luôn phải đấu tranh để có đủ nguồn tài chính và cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng corona lúc này thật là “khủng khiếp”. Gavi cho rằng hiện có khoảng 13,5 triệu người không được tiêm chủng phòng các bệnh quan trọng. “Chống Covid-19 nhưng không thể bỏ sót và làm sống lại những sát thủ khác như bại liệt hay sởi”, Seth Berkley, CEO của Liên minh tiêm chủng nói.

Trong tháng tư Tổ chức Y tế thế giới WHO đã cảnh báo trên thế giới đã có 117 triệu trẻ em không được tiêm chủng phòng chống bệnh sởi. Hàng chục nước đã tạm dừng hoạt động tiêm chủng để tránh lây lan virus corona mới qua nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp vacxin bị trục trặc. Hiện tại đã có một số vụ bùng phát dịch bệnh lẻ tẻ ở Bangladesch, Nepal và Pakistan và cái kết có thể gây tử vong. “Nếu chúng ta không chú ý  thì có thể sẽ phải chứng kiến sự trở lại của những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hơn cả  Covid-19”, nhà kinh tế Mushfiq Mobarak, đại học Yale đã nói với tờ SPIEGEL của Đức.


Tiêm chủng phòng bệnh sởi ở Cộng hoà Dân chủ Congo. Ảnh: AFP

Số ca tử vong vì sốt rét ở châu Phi có thể tăng gấp đôi

Số liệu về bệnh sốt rét cũng thật đáng sợ. Cuối tháng tư WHO công bố mô hình tính toán theo đó số ca tử vong vì sốt rét ở châu Phi có thể tăng gấp đôi trong năm nay. Con số tử vong dự báo từ 386.000 ca lên 769.000. Bệnh sốt rét xuất hiện trước hết ở các nước nghèo ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng thì sốt rét là một trong những những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.

Bệnh sốt rét không chỉ gây đau khổ cho cá nhân người bệnh mà còn gây phí tổn to lớn cho gia đình, cho chính phủ và cả các nước xung quanh. Phí tổn trực tiếp theo ước tính có thể lên đến ít nhất 12 tỷ đôla Mỹ một năm, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Hoa kỳ. Tác động tiêu cực của bệnh đối với tăng trưởng kinh tế còn lớn hơn nhiều. 
Theo ước tính của WHO, số người bị lây nhiễm bệnh sốt rét do muỗi truyền năm 2018 trên thế giới là 228 triệu người. 93% trong số này ở Châu Phi, trong đó nhiều trẻ em là nạn nhân.  Cho năm 2020 có lẽ con số này sẽ tăng gấp bội.

Trong những tuần qua đã xẩy ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia. Do những hạn chế về xuất, nhập khẩu và số lượng các chuyến bay giảm mạnh nên việc đưa vật tư, thiết bị phòng chống sốt rét quan trọng như màn chống muỗi, thiết bị thử nhanh và thuốc không đến được những nơi cần đến. “Chúng tôi có nguy cơ bị đánh bật trở lại tình trạng như cách đây 20 năm”, theo Pedro Alonso, giám đốc chương trình sốt rét của WHO.

Kinh nghiệm từ các cuộc chiến chống dịch bệnh khác ở Châu Phi cũng gây nhiều lo ngại. Vụ bùng phát dịch Ebola từ năm 2014 đến 2016 ở Guinea, Liberia và Sierra Leone đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc phòng chống dịch bệnh sốt rét làm cho số người bị lây nhiễm và chết vì sốt rét tăng vọt. Theo tính toán sơ bộ của Đại học Hoàng gia London thì riêng ở Guinea, điều này đã làm cho số ca tử vong vì sốt rét tăng thêm 5600 ca. So với 2543 ca tử vong vì Ebola thì con số này thật đáng sợ.

Tác động của đại dịch Corona trên toàn thế giới có thể còn bi thảm hơn nhiều.

Xuân Trang dịch theo SPIEGEL

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)