Rạn san hô Great Barrier có thể biến mất

Quần thể rạn san hô Great Barrier – kì quan thiên nhiên thế giới của Australia – đang đứng trước nguy cơ biến mất do hiện tượng tẩy trắng đã giết chết gần ¼ lượng san hô chỉ trong năm nay và nhiều nhà khoa học tin rằng đã quá muộn để cứu số còn lại.


San hô ở rạn Great Barrier đang chết dần. Nguồn ảnh: National Geographic News.

Ververs, nhà sáng lập và điều hành Ocean Acency, một công ty phi lợi nhuận hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về các vấn đề môi trường, đang đi khắp nơi trên thế giới thu thập tài liệu về những rạn san hô chết hoặc những bức ảnh về các rạn san hô này ngay trước khi chúng chết. Để thu thập tài liệu về tình trạng tẩy trắng san hô ở Great Barrier, ông đã đến đảo Lizard thuộc quần đảo Queensland nhiều lần: khi các rạn san hô còn khỏe mạnh, khi chúng bắt đầu bị tẩy trắng trong năm nay, và lần gần đây nhất là vài tuần ngay sau khi hiện tượng tẩy trắng xảy ra. Ông cho biết: “Những con san hô cứng đã chết, cứ như đã chết từ nhiều năm trước, những con san hô mềm thì vẫn đang chết dần”.

Hiện nay, tốc độ tẩy trắng của rạn san hô quanh đảo Lizard xảy ra rất nhanh, thậm chí các rạn san hô có thể sẽ bị mất vĩnh viễn.

Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi nước biển trở nên quá ấm trong một thời gian dài. Những cá thể san hô (polyp) bị ức chế và đẩy tế bào tảo (zooxanthellae) đang cộng sinh với chúng ra ngoài. Các loại tảo này sống trong mô của san hô, được san hô bảo vệ và cung cấp các hợp chất cho quá trình quang hợp. Tảo giúp san hô dọn dẹp chất thải, cung cấp oxi và đặc biệt là các dưỡng chất vốn là các sản phẩm của quá trình quang hợp giúp nuôi sống san hô. San hô nhận đến 90% nguồn thức ăn từ tảo dù chúng có các xúc tu để bắt sinh vật phù du. Ngoài ra, chính các tế bào tảo mang các sắc tố khác nhau tạo nên màu sắc cho san hô. Khi nước biển trở nên quá nóng, tế bào tảo bị đẩy ra ngoài, san hô do đó bị mất màu (được gọi là hiện tượng “tẩy trắng”) và bắt đầu thiếu thức ăn. Nếu nhiệt độ nước biển không quay trở lại bình thường, san hô sẽ chết đói trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi san hô chết, toàn bộ hệ thống sinh thái quanh nó đều bị biến đổi. Các loài cá nhỏ vốn được rạn san hô nuôi dưỡng, cung cấp nơi trú ẩn sẽ chết hoặc bỏ đi kéo theo sự di cư của những loài cá lớn hơn ăn những loài nhỏ này. Các loài chim ăn cá giảm dần, cây cối trên các đảo ngoài khơi vốn được phân chim cung cấp dinh dưỡng cũng sẽ chịu tác động. Và tất nhiên con người cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, đặc biệt là ngư dân – những người sống phụ thuộc vào rạn san hô và biển cả.

Thủ phạm – hiện tượng nóng lên toàn cầu

Trước đây, hiện tượng tẩy trắng san hô thường xảy ra ở mức độ nhỏ trong những đợt thời tiết nóng bất thường nhưng không thường xuyên và với cường độ mạnh như hiện nay. Những lần tẩy trắng được ghi nhận đầu tiên là vào năm 1911 ở rạn Bird Key thuộc Florida Keys (Mĩ) và năm 1929 ở Great Barrier. Không có lần tẩy trắng đáng kể nào sau đó, cho đến tận năm 1979.

Năm 1979 là năm đầu tiên xuất hiện hiện tượng tẩy trắng trên diện rộng, san hô chết từ vịnh Caribbean đến Florida Keys và bắt đầu lan rộng ra toàn cầu. Vào thời điểm El Nino năm 1982 – 1983, các rạn san hô trên khắp thế giới bị tẩy trắng, từ Great Barrier thuộc Australia, đến Indonesia, Nhật và vịnh Caribbean. Năm năm sau đó, trong một đợt El Nino khác, hiện tượng tẩy trắng san hô lại một lần nữa được ghi nhận trên toàn cầu.

Vào năm 1997-98, khi có El Nino mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử, ước tính có khoảng 16% lượng san hô trên toàn cầu bị phá hủy trong vòng vài tháng, khoảng một nửa trong số đó đã không thể phục hồi phục.

Sự kiện san hô bị tẩy trắng năm 2016 có thể sẽ phá kỉ lục trước đó. Đây là lần tẩy trắng lâu nhất được biết đến từ trước đến nay và Great Barrier là nơi bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Trong 18 năm nay, quần thể rạn san hô Great Barrier đã chịu ba lần tẩy trắng vào các năm 1998, 2002 và 2016 với mức độ ngày càng gia tăng.

Thủ phạm chính của hiện tượng này là tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo báo cáo lần thứ 5 (2014) của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change), kể từ thập niên 1950, hơn 90% lượng nhiệt dư thừa do phát thải khí nhà kính ngưng tụ trong bầu khí quyển đã truyền hơi nóng đến các đại dương. Trong vòng 4 thập kỉ, từ 1971 – 2010, nhiệt độ bề mặt (với độ sâu 75m) của đại dương tăng trung bình 0.11˚C/thập kỉ. Nhiệt độ này ngày càng tiến gần quá ngưỡng chịu đựng của san hô. Vào những năm có hiện tượng El Nino, hiện tượng nóng bức bất thường đi kèm hạn hán thường xảy ra ở phía tây Thái Bình Dương (trong đó có Australia), dẫn đến nhiệt độ nước biển càng tăng cao, ngưỡng chịu đựng của san hô bị phá vỡ. Chúng bị tẩy trắng và chết dần vì thiếu nguồn dinh dưỡng.

Tình trạng trên có thể sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Một nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Melbourne cho biết, trong khoảng 20 năm tới, Great Barrier rất có khả năng sẽ phải hứng chịu hiện tượng tẩy trắng trung bình hai năm một lần.

Nhiều nhà sinh học nghiên cứu về san hô khi được hỏi cho biết có thể đã quá muộn để cứu Great Barrier. Nhưng vẫn còn một tia hy vọng: có dấu hiệu cho thấy san hô có khả năng chống chịu tốt hơn những gì các nhà sinh học vẫn nghĩ. Trong khi phần đa bị tẩy trắng và chết, một số ít san hô có thể tiến hóa và thích nghi với điều kiện sống mới và sau đó có khả năng sinh sản và lan rộng. Ở một số địa điểm, san hô thậm chí có thể di chuyển xa khỏi vùng xích đạo để tìm vùng nước lạnh hơn. Điều này đang làm dấy lên niềm hy vọng cho các nhà sinh học về sức chống chịu của san hô và khả năng phục hồi chúng.

Vi Thị Hương Thơm tổng hợp

Tác giả