Social Life: Không gian của người trẻ nghiên cứu xã hội
Làm thế nào để một nhóm nghiên cứu KHXH&NV độc lập chỉ gồm những người trẻ mới ra trường có thể tổ chức nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản về những khía cạnh khác nhau của đời sống đương đại? Trong khi, nguồn lực ban đầu hầu như chỉ là số không.
Nghiên cứu viên của Social Life khảo sát về đời sống công nhân ở đô thị.
“Nếu có dịp đi miền Nam, cháu phải tìm gặp nhóm nghiên cứu của anh Nguyễn Đức Lộc viện Social Life. Nhóm này đang tiếp cận những chủ đề nghiên cứu nhân học rất mới mẻ về xã hội đương đại”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói trong một lần tôi trao đổi cùng ông về các khoảng trống trong nghiên cứu tiểu sử học – phương pháp nghiên cứu tìm hiểu câu chuyện cuộc đời của các cá nhân để hiểu được dòng chảy của xã hội – vẫn còn ít được chú ý ở Việt Nam. Lời giới thiệu của nhà nghiên cứu dân tộc học uy tín khiến cho tôi đi tìm đọc tuyển tập về “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại” của viện Social Life đọc và đặt mục tiêu phải tìm gặp PGS.TS Nguyễn Đức Lộc và nhóm của anh.
Tới 88 – 90 Ký Con, qua Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP HCM, văn phòng Social life ở lầu hai, chỉ có hai căn phòng chừng 30m2/phòng chứa đầy những sách và tài liệu, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đang cùng cộng sự thảo luận về một chuyến khảo sát sắp tới. Ông dừng cuộc thảo luận để nói chuyện cùng chúng tôi, còn lại, chỉ toàn những gương mặt trẻ măng vẫn tiếp tục bàn thảo sôi nổi về các công cụ đánh giá nông thôn.
Khó khăn, thử thách là một loại vốn cho người trẻ
Chừng năm bảy trước, một số nòng cốt đang ngồi trong cuộc họp ấy cùng một nhóm gồm toàn các nhà nghiên cứu trẻ khác mới ra trường là cộng tác viên của Social Life, đã tham gia nghiên cứu về đời sống xã hội Việt Nam đương đại theo ba chủ đề về người công nhân, những người thiểu số trong đô thị và người trẻ trong xã hội hiện đại dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc. PGS.TS Nguyễn Đức Lộc ra thông báo tới các bạn trẻ làm nghiên cứu KHXH&NV khắp trong Nam, ngoài Bắc về ý định thực hiện nghiên cứu của nhóm mình. Chủ đề nghiên cứu được đưa ra, nhưng không có tài trợ nghiên cứu, chỉ một điều kiện duy nhất: cam kết hướng dẫn bởi các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm. Thông điệp “chúng tôi không có gì ngoài thử thách bằng cái khó” đó lại hấp dẫn được nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ, sinh viên học viên mới ra trường. Bởi họ cũng chưa có gì ngoài sức trẻ và say mê nghiên cứu để hiểu về đời sống xã hội xung quanh mình và đang cần tìm một nơi để được thử sức, được rèn giũa, được lắng nghe ý tưởng nghiên cứu, được phản biện thực sự. Những người trẻ đang làm một số công việc khác nhau để có tiền nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, đã tự bỏ công sức điền dã và không cần thù lao. Còn PGS.TS Nguyễn Đức Lộc dành tiền lương giảng dạy (ở ĐH KHXH&NV TP.HCM và thỉnh giảng cho một số trường khác) để có tiền in sách cho cả nhóm và gửi bản thảo đến các nhà xuất bản đề nghị xuất bản theo hình thức cùng hợp tác, nhóm tác giả chỉ nhận nhuận bút 10% giá bìa.
Để có được bức tranh về xã hội đương đại, Social Life cũng áp dụng một phương pháp nghiên cứu mới, hiện còn chưa thực sự được chú ý ở Việt Nam – nghiên cứu về tiểu sử học (Biographical research), mà theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Viện là “nơi đầu tiên nghiên cứu về tiểu sử học ở Việt Nam”.
Kết quả, nhóm đã có được ba tập sách, mỗi tập vẽ nên một phần bức tranh của xã hội Việt Nam đương đại: Tập 1 về “Tình cảnh sống của người công nhân: Thân phận, rủi ro và chiến lược sống”; tập 2 với chủ đề “Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt” và tập 3 “Người trẻ trong xã hội hiện đại”. Các bài viết trong các tập sách đều qua nhiều vòng phản biện một cách nghiêm túc nên GS.TS Lương Văn Hy, Đại học Toronto nhận xét: “Tôi thực sự đánh giá cao về các tập sách đời sống xã hội Việt Nam đương đại của nhóm anh Lộc. Họ nắm vững lý thuyết, phương pháp và viết rất tốt. Nhất là khi họ rất trẻ, đa phần mới ra trường như vậy”.
Tuy nhiên, nếu chỉ kiên trì, bền bỉ với cách làm nghiên cứu này, sẽ không thể lâu bền, bởi không ai có thể sống suông bằng đam mê. “Sau mỗi tập sách, mỗi bạn được trả có tám trăm nghìn tiền nhuận bút, vẫn rất hạnh phúc, nhưng không thể duy trì lâu như vậy được”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói. Thực tế, tiến độ ban đầu của bộ sách là ba năm ra ba tập, nhưng nhịp độ xuất bản tập ba về người trẻ trong xã hội hiện đại cũng phải chững lại, muộn mất hai năm vì các thành viên cũng phải lo cơm áo.
Sau năm năm, cách làm nghiên cứu mang tính liên ngành – sử dụng cả các phương pháp định lượng và định tính trong xã hội học, nhân học, tiểu sử học, với sự cẩn trọng nghiêm túc mà Social Life thể hiện qua ba tập sách đó và một số khảo sát khác đã đem lại uy tín cho Viện. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, và các hội nghề nghiệp, tổ chức làm phát triển độc lập đã tìm đến Social Life để đặt hàng tiến hành các khảo sát tham vấn độc lập, thực hiện những cuốn sách về tiểu sử học. Chỉ vào một loạt bản thảo, ấn phẩm đã hoàn thành của Social Life, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho biết “nhiều nghiên cứu là do các khách hàng tự tìm tới đặt hàng thực hiện”. Dịch vụ khảo sát và tham vấn độc lập không chỉ giúp đem lại nguồn tài chính cho Social Life chi trả lương nhân viên toàn thời gian, cộng tác viên mà còn giúp Viện có được dữ liệu để tiếp tục nghiên cứu về xã hội đương đại. “Các đơn vị đặt hàng bên mình làm khảo sát, nhưng họ chỉ ‘xài’ hết khoảng 30% – 40% lượng thông tin đó để sớm áp dụng vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải. Còn đối với mình, lượng dữ liệu thô đó là vô giá. Các bạn nghiên cứu viên trẻ có thể sử dụng để công bố bài tạp chí trong và ngoài nước. Một số thì có thể sử dụng làm luận văn, luận án”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói.
Đồng hành – “Research together”
Giờ đây, đã có được uy tín nhất định, Social Life vẫn đặt mục tiêu tạo điều kiện cho những người trẻ, xây dựng một không gian thực sự cổ vũ đam mê, tình yêu khoa học, hướng tới xuất bản các công trình có chất lượng, dần đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
“Mặc dù thời gian gần đây, chúng ta luôn hô hào phải thúc đẩy công bố quốc tế, nhưng việc đào tạo sinh viên hay các nhà nghiên cứu trẻ chưa từng công bố quốc tế lại không được chú ý”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói. Quả thực, có một thực tế là số bài công bố quốc tế hiện nay vẫn chủ yếu khu trú, tập trung ở một số tác giả nhất định là những người đã từng được đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, phần đông thuộc nhóm tuổi từ 30 đến 50, và thường xuyên có bài công bố quốc tế, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.
Trại viết vào tháng 8/2018 của Social Life.
Vì thế, Social Life lại tiếp tục xây dựng chương trình “Research together” dành cho tất cả nghiên cứu viên trẻ, học viên sau đại học nộp hồ sơ, đề xuất đề cương nghiên cứu. Những người được duyệt hồ sơ sẽ được tham gia các lớp huấn luyện khoa học của Viện Social Life, được trực tiếp hướng dẫn bởi các cố vấn chuyên môn kì cựu trong KHXH ở khu vực phía Nam. Có cơ hội xuất bản ấn phẩm trong các bộ sách, bài đăng tạp chí khoa học trong nước hoặc quốc tế, được kết nối với các chuyên gia uy tín trong KHXH mở rộng mạng lưới trong chuyên môn. Kết thúc chương trình này, các học viên được tham gia các dự án của Viện Social Life và có thể sử dụng nguồn dữ liệu nghiên cứu tại Social Life để thực hiện luận văn, luận án. Mặc dù ứng viên phải đóng một khoản phí cam kết ban đầu, nhưng khi hoàn thành nội dung học tập, đáp ứng các tiêu chí (có bài đăng ở các tạp chí quốc tế hoặc tạp chí KHXH uy tín trong nước) thì sẽ được Viện hoàn trả phí cam kết. Các ứng viên sẽ không chỉ phải học phương pháp nghiên cứu KHXH tại văn phòng mà phải tham gia vào các “trại viết” – thực tế điền dã tại các địa phương. Sản phẩm nghiên cứu của từng người sẽ được “mổ xẻ” bởi các đồng sự là những người nghiên cứu trẻ trước, sau đó tới người hướng dẫn có kinh nghiệm. “Khi chưa thể công bố quốc tế ‘từ trong ra’ – tức là đăng bài trên các tạp chí uy tín quốc tế, thì chúng tôi yêu cầu học viên phải tuân thủ một quy trình quốc tế hóa ‘từ ngoài vào’ – từng bước thực hiện nghiên cứu đều phải theo các chuẩn mực quốc tế. Phải đúng từ trích dẫn trở đi”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói.
Đối với những người trẻ, quá trình rèn luyện, mổ xẻ dưới sức ép của các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm ở Social Life đã giúp họ trưởng thành nhiều. “Nhìn lại quá trình thực hiện bài viết, trong hơn một năm tính từ ngày gửi bài lần đầu tiên đến nay tôi tự nhận thấy mình tiến bộ hơn rất nhiều về cả phương pháp tiếp cận lẫn kỹ năng trình bày nghiên cứu khoa học”, Bùi Quốc Linh, một trong những nghiên cứu viên trẻ nghiên cứu về cộng đồng tín đồ đạo Mẫu và xuất bản trong tập 3 Tuyển tập đời sống xã hội Việt Nam đương đại cho biết. Nguyễn Thị Nga, nghiên cứu về không gian sống đô thị của công nhân công giáo cũng cho rằng tham gia cùng Social Life là “cơ hội rất lớn cho tôi khi làm việc trong một môi trường học thuật thực sự”.
Không giữ “khư khư” những bí kíp đào tạo cho riêng mình, kinh nghiệm đúc rút được từ các khóa đào tạo học viên đều được PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cùng đồng sự viết lại thành các bộ sách công cụ nhằm cung cấp kiến thức cho những học viên không có điều kiện tham gia cùng Social Life. Nhờ vậy, các tập sách “Giáo trình Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định tính”, “Giáo trình phương pháp đánh giá nhanh với sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu khoa học xã hội” của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, “Tiểu sử học – những nguyên tắc thực hành” – TS Phạm Văn Quang lần lượt được xuất bản.
Con đường phía trước của Social Life còn rất dài, bởi nghiên cứu về xã hội đương đại thì cần “trở đi trở lại” các địa bàn nghiên cứu liên tục, cần có một database theo thời gian để có cái nhìn so sánh, trong 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm. Nhưng hiện nay việc so sánh như vậy gần như là không thể, bởi không có các cơ sở dữ liệu, khảo sát được thiết kế chuẩn, hoặc nhóm nghiên cứu định tính của nhiều chục năm trước chưa có điều kiện để quay trở lại địa phương đó. Do vậy, việc thiết kế khảo sát, tạo ra một database ngay từ bây giờ là việc mà Social Life phải làm.□