TS. Trần Đình Phong: Đường đi tới thành công không hẹn trước

Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày 18/5/2018, TS. Trần Đình Phong, Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH) chia sẻ, với những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới đó nhiều khi không hẹn trước và cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công.

TS. Trần Đình Phong. Ảnh: Đoàn Dung.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của TS. Trần Đình Phong.

Trước hết, tôi cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ban tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 đã lựa chọn tôi là một trong ba nhà khoa học được trao giải năm nay. Đối với tôi, một người còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề, giải thưởng là một niềm vinh dự quá lớn.

Công trình được lựa chọn trao giải là một nghiên cứu trong chuỗi những nghiên cứu mà tôi và đồng nghiệp đang tiến hành với mục đích chế tạo được một chiếc lá nhân tạo nhằm tạo ra nhiên liệu sạch H2 chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển. Với chúng tôi, đây là một giấc mơ đẹp, nó xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình. Hiện nay đang có nhiều các trung tâm lớn trên thế giới thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Có khá nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong vài năm qua nhưng con đường đi tới công nghệ dùng nhiên liệu H2 thay thế xăng dầu còn rất xa. Cũng có lúc, bên lề các hội thảo quốc tế, những người làm nghiên cứu tự hỏi nhau liệu chúng tôi có đang “mơ” một giấc mơ quá lớn hay không? Có thể, trong tương lai khi chiếc lá nhân tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sản xuất công nghiệp được chế tạo thành công thì một công nghệ khác ưu việt hơn được phát triển và ứng dụng. Tôi muốn nói rằng, những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước và chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công.

Tuy nhiên trên con đường đi đó rất có thể chúng tôi có những phát hiện khác, bất ngờ và hữu ích. Chúng ta cũng biết rằng có những phát minh được đưa ra một cách hoàn toàn bất ngờ không được chuẩn bị. Điện cực Clark để đo nồng độ O2 trong máu là một ví dụ như vậy. Nó được Leland Clark, một nhà hóa học tại Ohio Mỹ, phát triển năm 1953 khi ông đang mải miết chế tạo các máy tạo O2 phục vụ cho các ca mổ tim. Nó được phát triển khi các nghiên cứu của Clark về máy tạo O2 bị từ chối nhận công bố vì ông đã không thể đo được nồng độ O2 trong máu sau khi chạy qua chiếc máy của mình. Nhờ điện cực Clark đó chiếc máy đo đường trong máu đầu tiên được phát minh sau đó, vào năm 1962. Những phát kiến kể trên hoàn toàn ngoài mong muốn ban đầu của Clark.  

Nhưng cho dù không có những khám phá công nghệ nổi bật như vậy thì vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề.

Ở đây, những người làm chính sách và lãnh đạo khoa học công nghệ có vai trò quyết định. Có lẽ cần phải chuẩn bị đủ lâu và đủ rộng để có những khám phá bất ngờ. Tôi mong rằng có một sự thấu hiểu và tin tưởng giữa các nhà quản lí khoa học và các nhà khoa học. Có niềm tin, các nhà khoa học sẽ chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm tốt hơn nữa công việc của mình mà không phải bận tâm tìm hiểu các nguyên nhân khác, dù có dù không, khi nghiên cứu của mình chưa nhận được tài trợ. Có niềm tin, các nhà quản lí có thể dần đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp các nhà khoa học bớt thời gian làm các việc ngoài khoa học. Tôi tin rằng khi đó hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ cao.

Tôi rất trân trọng và cảm ơn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và các Hội đồng khoa học của Quỹ. Với Quỹ, những người làm khoa học chúng tôi có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu, tự do đưa các vấn đề nghiên cứu của mình với chỉ một trách nhiệm duy nhất, theo tôi hiểu, là thực hiện các nghiên cứu nghiêm túc, có trình độ ngày càng cao hướng tới trình độ quốc tế cao nhất. Tài trợ của Quỹ đã giúp tôi nhanh chóng triển khai các nghiên cứu của mình và dần xây dựng nhóm nghiên cứu. Tôi tha thiết mong rằng sẽ có nhiều các Quỹ tài trợ nghiên cứu tương tự, các Quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi được xây dựng trong thời gian tới. Được như vậy tôi tin rằng năng lực nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu và cá nhân các nhà khoa học sẽ dần được nâng cao. Từ đó những khám phá được chuẩn bị và không được chuẩn bị phục vụ xã hội sẽ được tạo ra.

Kính thưa quí vị,

Trước khi dừng lời, cho phép tôi được tri ân những người thầy của tôi, những người không chỉ truyền cho tôi kiến thức mà còn truyền cho tôi niềm đam mê và cách nuôi dưỡng niềm đam mê công việc nghiên cứu của mình. Tôi xin được cảm ơn Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Trường Đại học khoa học và Công nghệ Hà Nội đã luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi xây dựng nhóm nghiên cứu của mình. Tôi rất trân trọng sự giúp đỡ và động viên của các nhà khoa học đàn anh tại Viện Hàn lâm và Trường Đại học khoa học và Công nghệ Hà Nội. Với tôi, những tháng ngày đầu tiên xây dựng nhóm nghiên cứu tại USTH thật đặc biệt. Tôi thật hạnh phúc khi gia đình tôi luôn ủng hộ các quyết định của tôi trong đó có quyết định trở về Việt Nam làm việc. Đặc biệt người bạn đời của tôi, người đã từng là đồng nghiệp, đã hiểu và chia sẻ một cách tuyệt đối ước mơ khoa học của tôi. Và cuối cùng nhưng không kém quan trọng, tôi rất trân trọng và cảm ơn quyết tâm, tinh thần làm việc của các đồng nghiệp và các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu của tôi. Họ chính là những người hàng ngày sáng tạo và chăm chỉ làm việc cùng với tôi dần hình thành một nhóm nghiên cứu trẻ.

Tôi xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe. Kính chúc quí vị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc.

*Tiêu đề do Tia Sáng đặt.

Tác giả