Telegram chống Facebook thế nào? (Kỳ 2)

Ở kỳ trước, theo lời kể của Elies Campo, trưởng bộ phận tăng trưởng của Telegram, mạng xã hội này không phải là “thiên đường” như nhiều người nghĩ. Đúng, Telegram không có thuật toán điều khiển người dùng, không quảng cáo, hầu như không kiểm duyệt bất kì bài đăng nào, tưởng như là nơi vun trồng cho những nhóm hoạt động tiến bộ nhưng hóa ra nó là nơi trú ẩn của hàng loạt các tổ chức cực đoan thiên tả, lan truyền những thông tin kích động bạo lực và các thuyết âm mưu. Nhưng những ngộ nhận của chúng ta về mạng xã hội bí ẩn này vẫn chưa dừng ở đó.


Logo của Telegram là một chiếc máy bay giấy gợi nhớ một trò chơi ném tiền kì quặc của Pavel Durov.  Ảnh: Wired.com

Nếu nguồn gốc của Facebook là một loạt các mối quan hệ gắn kết trong một dãy phòng ký túc xá Harvard và rồi rạn nứt theo thời gian, câu chuyện nguồn gốc của Telegram dựa trên một loạt các mối quan hệ giữa những người còn biết nhau sớm hơn thế: trong phòng ngủ thời thơ ấu, các cuộc thi toán ở phổ thông, hay trong phòng máy tính của trường đại học. Và khi nhiều mối liên kết trong số đó cũng tan vỡ sau nhiều năm, một mối quan hệ vẫn luôn là trung tâm của Telegram: mối quan hệ giữa Pavel Durov và người anh trai lớn hơn bốn tuổi, Nikolai.

Khi Pavel được sinh ra, Nikolai đã thể hiện sự khác biệt rõ rệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Năm 3 tuổi, anh ta được cho là đọc gần giống như một người lớn; lên 8, biết giải các phương trình bậc ba; và khi còn là một thiếu niên, đã đại diện cho Nga tại các kỳ Olympic quốc tế ở cả hai môn toán và tin học. Và rồi anh ấy hai lần trở thành nhà vô địch lập trình thế giới. Pavel cũng rất ấn tượng – bắt đầu lập trình ở tuổi lên 10 dưới sự dạy dỗ của Nikolai – nhưng anh cả của Durov là một “thiên tài trong số các thiên tài,” Anton Rozenberg, người đã gặp Nikolai trong câu lạc bộ toán học khi còn là một cậu bé, cho biết.

Tuy nhiên Nikolai cũng là một cậu trai trẻ gượng gạo đến khổ sở và mãi chưa trưởng thành. Rozenberg nói trong nhiều năm anh ấy vẫn dựa dẫm vào mẹ một cách bất thường. “Bà ấy kiểm soát gần như mọi bước đi của anh ta,” Rozenberg viết. “ăn ở đâu, đi đâu, đi bộ bao nhiêu bước từ nhà ga và đi taxi nào”. Còn Pavel gần gũi với mẹ theo một cách khác. Anh đã viết trên kênh Telegram công khai của mình: “Tôi là một đứa trẻ cứng đầu và thường xuyên xung đột với giáo viên. Mẹ tôi luôn ủng hộ tôi — bà không bao giờ đứng về phía ai ngoài các con trai của bà.” Như lời kể của Andrei Lopatin, người đã gặp các anh em họ trong các cuộc thi câu lạc bộ toán khi anh 11 tuổi, Pavel “có vẻ như là một cậu bé muốn mọi thứ phải theo ý mình”.

Cả hai anh em đều theo học Đại học Quốc gia Saint Petersburg, nơi cha họ là giáo sư ngữ văn, một ngành học bao gồm nghiên cứu ngôn ngữ và văn học. Nikolai học toán. Pavel học ngữ văn, làm thơ, và nói chung là định nối gót cha cho đến khi anh ấy bắt đầu lập trình các trang web. Theo Ilya Perekopsky, một sinh viên ngữ văn đồng thời là bạn của Pavel, anh đã tạo ra một thư viện trực tuyến nơi sinh viên trong khoa của anh có thể chia sẻ ghi chú và các tài liệu học tập khác. Nó trở nên nổi tiếng đến mức nhiều sinh viên bỏ lớp và chỉ học thuộc đáp án trong kho các bài kiểm tra cũ trên thư viện là đủ, Ilya Perekopsky, một sinh viên triết học và bạn của Pavel kể lại. 


Nikolai Durov, anh của Pavel Durov, người đứng sau ít được biết đến của Telegram. Nikolai được bạn bè nhận định là “thiên tài trong số các thiên tài”. Trong ảnh là anh ta vào năm 1998 trước kì thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 39. Ảnh: Anton RosenbergTelegram

Sau đó, Pavel tạo ra một diễn đàn trực tuyến nơi anh ta tự gọi mình là “Tổng công trình sư” và tổ chức các buổi giới thiệu về các chủ đề khác nhau, từ chủ nghĩa tự do – bản thân anh ta luôn phản đối “các chế độ xã hội chủ nghĩa chuyên chính” và là một người ủng hộ thị trường tự do – đến các chủ đề như liệu nam và nữ có thể là bạn thuần túy được không. Perekopsky nói: “Anh ấy cố tình kích động các cuộc thảo luận về các chủ đề rất khác nhau. Theo Perekopsky, Pavel cũng tạo ra các tài khoản giả để gây tranh cãi và lôi kéo người dùng. “Đó là một loại tiếp thị, phải không?” Diễn đàn cuốn hút cả trường như một cơn bão. Và Pavel nhận thấy mình ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các trang web của mình.

Cổng thông tin đại học của Pavel cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Vyacheslav Mirilashvili, một bạn học cũ. Mirilashvili, người đã chuyển đến Mỹ, vừa chứng kiến Facebook phất lên ở đó và nghĩ rằng có thể làm một sản phẩm tương tự ở Nga. Với số tiền mà Mirilashvili kiếm được khi làm việc cho cha mình, một ông trùm bất động sản giàu có người Israel gốc Georgia, anh và Pavel đã tưởng tượng lại trang web của trường đại học như một công cụ để tìm bạn học và bạn bè thời thơ ấu. Mirilashvili cũng lôi kéo một người bạn Israel gốc nga tên Lev Leviev vào nhóm. Vào mùa thu năm 2006, bộ ba này trở thành đồng sáng lập của VKontakte – tiếng Nga có nghĩa là “liên lạc”. Ban đầu, Pavel Durov tự viết mã trang web. Với thiết kế đơn giản và phối màu trắng xanh, VKontakte trông giống như một trong những sản phẩm nhái Facebook mọc lên trên khắp thế giới.

Mạng xã hội VK nhanh chóng được biết đến và trở nên nổi tiếng. Nhưng lỗi trên trang cũng nhân lên khi người dùng càng tăng, kể cả sau khi Nikolai Durov hoàn tất bảo vệ tiến sĩ ở Đức và bắt đầu về giúp em trai mình. Khi Rozenberg tự nguyện gửi một danh sách lỗi cho anh em Durov, Pavel đã cảm ơn và mời Rozenberg gia nhập công ty với tư cách là quản trị viên hệ thống, dưới quyền của Nikolai. Pavel bây giờ tập trung vào quản lý và thiết kế. Ilya Perekopsky, bạn của Pavel từ khoa ngữ văn, cũng tham gia với tư cách là phó giám đốc điều hành. Làm tròn đội là Andrei Lopatin, người bạn đồng hành cũ của Nikolai từ các cuộc thi toán thời thơ ấu, người đã đến làm việc trong nhóm kỹ thuật của VK.

Đó là một khoảng thời gian thú vị, “Trong những năm đầu tiên tôi làm việc không ngày nghỉ từ sáng đến tối muộn,” Rozenberg nói. Mặc dù nhóm chủ yếu làm việc từ xa, một số cuộc họp tại nhà của Durov, Rozenberg nhớ lại. Hai anh em vẫn sống với bố mẹ. Căn hộ của họ nằm trong một tòa nhà kiểu Liên Xô điển hình ở rìa phía Bắc của St.Petersburg, một khu vực đặc trưng bởi các tòa nhà cao tầng, gần như y chang nhau. Thường thì họ làm việc đến khuya. Và khi Rozenberg bắt chuyến tàu điện ngầm cuối cùng về nhà, mẹ của Durov sẽ ra lệnh cho Pavel và Nikolai đưa anh ta đến ga tàu điện ngầm. Như Rozenberg kể, đó là cách duy nhất để bà dứt hai đứa con ra khỏi màn hình.


VKontakte – mạng xã hội đang phổ biến hơn cả Facebook ở Nga. Ảnh: Pavel Golovkin/Associated Press.

 

K sớm lọt vào tầm ngắm của các mạng xã hội phổ biến khác trên thế giới. Năm 2009, một phái đoàn nhỏ từ VK đã đến thăm trụ sở chính của Facebook tại Palo Alto. Theo Andrew Rogozov, khi đó là giám đốc phát triển của VK, chuyến đi được sắp xếp bởi quỹ đầu tư của nhà đầu tư mạo hiểm Nga-Israel Yuri Milner, giữ cổ phần trong cả hai công ty. Như Rogozov nhớ lại, Pavel Durov không quan tâm lắm đến Sheryl Sandberg, COO của Facebook, hay Chris Cox, giám đốc sản phẩm của nó, cả hai đều có vẻ không quan tâm đến một cuộc đối thoại dài với nhóm VK. Nhưng Zuckerberg đã mời Durov đến nhà anh ăn tối vào tối hôm đó, Durov cho rằng đây là một cử chỉ tốt bụng. Cả hai đều hiểu “bản chất lỗi thời của Nhà nước”, Durov đã kể lại như vậy trong cuốn sách “Mật mã Durov” năm 2012 của Nickolay Kononov, một nhà báo và cựu biên tập viên tại ấn bản Forbes của Nga.

Theo ghi nhận của Kononov, Durov và Zuckerberg đều coi mạng xã hội như một cấu trúc thượng tầng đối với nhân loại, cho phép thông tin lan truyền vượt ra ngoài tầm kiểm soát tập trung của các chính phủ và Nhà nước. Nhưng Durov cảm thấy rằng Zuckerberg đã phải chấp nhận cả áp lực thương mại và từ các chính quyền. “DNA của công ty được xác định bởi Sheryl Sandberg, một cựu nhà vận động hành lang của Washington,” anh chế giễu. Đối với Rogozov, người cũng tham dự bữa tối và cảm thấy kinh ngạc trước biểu cảm gần như vô hồn giống robot của Zuckerberg, cho rằng trải nghiệm “ở trong lãnh thổ của đối thủ” đã tạo cho họ một thiên hướng hành động khác: “Rằng chúng tôi có thể cạnh tranh với những người này, phải không? Bởi vì họ có một nguồn lực khổng lồ mà họ vẫn phải hỏi chúng tôi cách chúng tôi làm mọi thứ”. Ví dụ, Zuckerberg rất muốn tìm hiểu cách VK tải nhanh như vậy, mặc dù chỉ có một đội ngũ kỹ sư ít hơn 20 người, trong khi Facebook có hơn 1.000 kỹ sư. Cả hai bên cũng có câu hỏi về việc mở rộng ở các thị trường mới — Rogozov cười thích chí và nói rằng, không lâu sau cuộc gặp đó, Facebook bắt đầu phục vụ thị trường Nga, trong khi VK tung ra phiên bản quốc tế bằng một số ngôn ngữ khác nhau.

Năm 2010, VK chuyển đến một địa chỉ nổi tiếng trên đại lộ trung tâm ở St.Petersburg. Trụ sở mới của công ty nằm ở Singer House, một tòa nhà nổi bật với mặt tiền theo trường phái tân nghệ thuật và các tác phẩm điêu khắc khổng lồ hình người có cánh phía trên các lối vào, một tháp bằng đồng và thủy tinh có mái vòm, và đèn chùm trang trí trên trần nhà. Lopatin nói: “Chúng tôi rất tự hào khi được làm việc ở một nơi như thế. “Tuy nhiên, có vẻ như công ty bắt đầu phát triển quá mức”.

Từ khi VK trở thành mạng xã hội lớn nhất ở Nga cho đến nay, người dùng đã lách luật bản quyền một cách trắng trợn, tải lên và chia sẻ nhạc và phim lậu. Nhưng Durov không quan tâm lắm. “Điều tuyệt vời nhất về nước Nga vào thời điểm đó là mạng Internet hoàn toàn không bị quản lý,” sau đó ông nói với The New York Times. “Về mặt nào đó, nó tự do hơn Hoa Kỳ.” Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau việc kinh doanh ở Nga trở nên khó khăn – khiến cho Durov phải vất vả đấu tranh. 

Tháng 12/2011, đảng Nước Nga Thống nhất của Vladimir Putin chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử Quốc hội trong bối cảnh các tuyên bố gian lận tràn lan. Các cuộc biểu tình lớn nổ ra trong cái lạnh mùa đông và nhà hoạt động Alexei Navalny nằm trong số hàng trăm người bị bắt. Khi quản trị viên của một nhóm VK hơn 80.000 người ủng hộ Navalny phàn nàn trên Twitter rằng họ bị chặn đăng bài trên VK, Durov đã trả lời để đảm bảo với họ rằng nhóm của anh ấy đã khắc phục được sự cố. “Mọi thứ đều ổn,” anh nói rõ trong một tin nhắn riêng. “Trong những ngày gần đây, FSB” –  kế nhiệm KGB – “đã yêu cầu chúng tôi chặn các nhóm đối lập, bao gồm cả các nhóm của bạn. Về mặt nguyên tắc chúng tôi không làm điều này. Tôi không biết điều này có thể dẫn đến kết cục như thế nào đối với chúng tôi nhưng chúng tôi đang đứng vững”. Sau đó, anh ta đã đi một bước lì lợm khi công khai xung đột của mình với các cơ quan an ninh, đăng bức thư mà FSB đã gửi cho VK cùng với “phản hồi chính thức” của anh ta với tư cách là Giám đốc điều hành: một bức ảnh về một con chó mắt xanh mặc áo hoodie màu xanh đang thè lưỡi ra.

Một số người ca ngợi Durov như một anh hùng, nhưng một nguồn tin làm việc cho VK tiết lộ rằng vào thời điểm đó vị giám đốc điều hành này nhanh chóng nhận ra một điều: “Nếu để cho truyền thông biến anh ấy trở thành một người đứng đầu phe đối lập thì anh ấy sẽ không tồn tại được lâu”. Trước khi đối mặt với Điện Kremlin anh ta đã gần như vô danh, nhưng giờ thì tên tuổi bỗng trở nên nổi tiếng. Trong một lá thư gửi cho một tờ báo điện tử, anh tự nhận mình là người phi chính trị và nói đùa rằng bản thân không thực sự ủng hộ nền dân chủ. Tháng 5/2012, vào một ngày lễ hội lớn của thành phố St. Petersburg, tên của Durov lại lên báo khi anh ta và người phó giám đốc điều hành, Perekopsky gấp tờ 5000 rúp (khoảng 155USD) thành máy bay giấy và ném qua cửa sổ vào đám đông lễ hội bên dưới. Rozenberg nhớ lại mình đã thấy Durov và Perekopsky cười phá lên khi mọi người tranh giành tờ tiền đó ngoài đường.


Tòa nhà Singer House nổi tiếng, nơi đặt trụ sở làm việc của VKontakte.

Mối quan hệ của Durov với Điện Kremlin còn mơ hồ hơn người ta tưởng. Hơn một năm sau các cuộc biểu tình, tờ Novaya Gazeta của Nga đã đăng một bức thư được cho là bị rò rỉ của Durov gửi cho Vladislav Surkov, phó chánh văn phòng thứ nhất của Putin vào thời điểm đó và người được cho là người đã định hình chiến lược truyền thông của Tổng thống Nga. Durov hẳn đã đảm bảo với Surkov rằng VK đã “tích cực cung cấp thông tin về hàng nghìn người dùng trang web của chúng tôi dưới dạng địa chỉ IP, số điện thoại di động và các thông tin khác cần thiết để xác định danh tính họ”. Anh cũng cảnh báo Điện Kremlin rằng việc ngăn chặn các nhóm đối lập sẽ chỉ khiến họ đến với Facebook, ngoài tầm với của chính phủ. Mặc dù phủ nhận bức thư là thật, nhưng Durov sau đó thừa nhận rằng anh và Surkov đã gặp nhau tại văn phòng của VK nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011.

Chỉ vài ngày sau tin tức trên Novaya Gazeta, Durov được cho là có liên quan tới một vụ đâm xe rồi bỏ chạy với một cảnh sát. Durov phủ nhận rằng anh đã lái xe nhưng nói đùa về sự cố trên VK: “Khi bạn đâm vào một cảnh sát, điều quan trọng là phải lăn xe qua lại – để tất cả ruột gan phòi ra.” Ngay sau đó, cảnh sát Nga ập vào các văn phòng của VK. Nikolai Durov đăng trên trang cá nhân: “Đột nhiên 20 người đàn ông mặc áo khoác da lừ lừ xuất hiện”.

Ngày hôm sau, có thông tin cho rằng hai nhà đồng sáng lập khác của VK đã bán cổ phần của họ trong công ty cho một quỹ đầu tư tài chính của Nga có tên United Capital Partners. Pavel Durov miêu tả tất cả đó là một cuộc tấn công được sắp đặt có liên quan tới Điện Kremlin, và truyền thông phương Tây ngay lập tức hớp lấy câu chuyện – không hề quan tâm đến việc chính Durov vướng vào xung đột công khai với những người đồng sáng lập của mình trong nhiều tháng kể từ khi biết các cộng sự của mình đang đàm phán bán cổ phần của họ sau lưng anh. Khi Durov bỏ lỡ phiên điều trần liên quan đến vụ tông xe rồi bỏ trốn, có tin rằng anh ta đã rời Nga và đang ở Mỹ — cụ thể là tại văn phòng của một công ty có tên Digital Fortress ở Buffalo, New York. Tin đồn nổi lên rằng Durov đang tạo ra một mạng xã hội hoàn toàn mới ở Mỹ. Và sau đó, vào ngày 14/8/2013, một ứng dụng mới đã xuất hiện trên iTunes Store: Telegram.

Logo của Telegram là một chiếc máy bay giấy làm gợi nhớ những đồng rúp đang bay của Pavel trên đám đông tại tòa nhà văn phòng “Ngôi nhà Ca sĩ” (Singer House). Tên công ty phát triển ứng dụng này là Digital Fortress, chủ sở hữu danh nghĩa của nó là Axel Neff, một người Mỹ đã gặp Perekopsky ở Mỹ những năm trước đó. Và kiến trúc của nó dựa trên một giao thức dữ liệu tùy chỉnh có tên là MTProto, được phát triển bởi Nikolai Durov. Andrei Lopatin cho biết anh đã bắt đầu giúp Nikolai viết giao thức vào năm 2012. Giờ đây, khi Telegram chính thức ra mắt, Pavel Durov đã đề nghị Lopatin trở thành CEO của một công ty mẹ của Nga có tên là Telegraph, “nơi tất cả các lập trình viên Telegram làm việc”, theo Lopatin. Trong khi đó, Pavel vẫn là Giám đốc điều hành của VK.

Trên thực tế, hai công ty đã vướng vào nhau một cách vô vọng. Nikolai đã rời bỏ vị trí của mình tại VK để tập trung vào Telegram, nhưng Rozenberg nói rằng anh ấy thậm chí không chịu rời khỏi văn phòng VK ở Singer House. Theo Rozenberg, người tiếp quản Nikolai với vai trò lãnh đạo kỹ thuật mới tại VK, một số nhân viên đã bối rối không biết không gian nào thuộc về công ty nào.

Trong những mô tả ban đầu của mình về Telegram, Pavel Durov thường trích dẫn những tiết lộ của Edward Snowden về phần mềm gián điệp của chính phủ và tuyên bố rằng anh ta và Nikolai đã thiết lập ứng dụng này vì lo lắng về sự giám sát của chính phủ ở Nga. Ngoài các cuộc trò chuyện thông thường, chức năng “trò chuyện bí mật” sẽ sử dụng mã hóa đầu cuối và lưu trữ cục bộ tin nhắn trên thiết bị của người dùng. Các máy chủ đám mây của ứng dụng, nơi lưu trữ tất cả các tin nhắn khác, sẽ nằm rải rác khắp các khu vực pháp lý khác nhau để gây khó khăn cho bất kỳ chính phủ nào muốn Telegram phải tiết lộ bất kỳ dữ liệu nào; quyền sở hữu của công ty cũng sẽ nằm trong một nhóm các công ty vỏ bọc. Tuy nhiên Durov cũng tuyên bố rằng Telegram vẫn là tổ chức phi lợi nhuận để tránh áp lực pháp lý và thương mại.


Pavel Durov (bìa trái) thời còn là sinh viên. Anh ta có thể nói được gần chục ngoại ngữ. 

Khi Telegram nhanh chóng bắt đầu phát triển ở mọi lục địa, cổ đông lớn mới của VK, United Capital Partners, dường như đang để mắt đến ứng dụng mới một cách ghen tị. Công ty cáo buộc Durov chi tiêu bất thường và phát triển Telegram bằng cách sử dụng tài nguyên của VK. Đến lượt mình, Durov bắt đầu tập hợp đội ngũ phát triển cốt lõi trung thành, và gọi chủ sở hữu mới của VK là “công ty Kremlin” và là kẻ thù. Tháng 1/2014, Perekopsky rời khỏi vị trí của mình tại VK sau khi xích mích với Durov. (Perekopsky nói rằng ông không thể thảo luận về những gì đã xảy ra, vì lý do pháp lý, nhưng thừa nhận rằng đã có xung đột và họ “bất đồng”).

Một cuộc chiến pháp lý kéo dài để giành quyền kiểm soát VK và Telegram đã xảy ra sau đó. Trong một canh bạc để có được Telegram, United Capital Partners đã mua lại ba công ty vỏ bọc có liên quan đến ứng dụng mới từ Neff, người bạn Mỹ của Perekopsky. Durov nói rằng Neff đã “phản bội” anh ta. (Neff đã từ chối yêu cầu bình luận từ tờ WIRED).

Khi quyền kiểm soát Telegram bị đe dọa, Durov đã có một hành động quyết liệt. Tháng 4/2014, anh ta và nhóm của mình đã lên một loạt máy bay và bay từ St.Petersburg đến Amsterdam, thành phố New York, Buffalo, Washington, DC và Boston để đích thân đến thăm các trung tâm dữ liệu có máy chủ của Telegram và đảm bảo rằng United Capital Partners không thể truy cập vào chúng. Lopatin nhớ lại đó là một chuyến đi điên cuồng, và kết thúc nó chỉ trong chớp mắt: Sau khi chuyến bay cuối cùng của họ hạ cánh, Durov biết rằng cuối cùng anh ta đã bị VK sa thải.

Sau đó Durov đã cho rằng đối thủ của mình không phải là một công ty đầu tư đơn thuần mà thực chất là một chế độ. “Tôi đã rời Nga và không có kế hoạch quay trở lại,” anh ấy nói với TechCrunch từ Dubai. “Thật không may, quốc gia này không tương thích với kinh doanh Internet vào lúc này.” Anh ta quyết đoán đến mức nhập tịch vào một hòn đảo nhỏ bé ở Caribbe là Saint Kitts và Nevis. Nhưng trong khi Durov tuyên bố với truyền thông rằng Điện Kremlin đã buộc anh ta rời VK và sống lưu vong, nhiều nguồn tin quen thuộc với Durov sau khi rời VK nói với WIRED rằng bằng chứng về sự liên quan của United Capital Partners với Kremlin là không đáng kể. “Hầu hết các công ty vừa và lớn đều ủng hộ Điện Kremlin : điều đó không phải bàn”; Steve Korshakov, một lập trình viên và doanh nhân đã tham gia Telegram vào năm 2013, cho biết.

Cuối cùng Durov đã có được những gì anh ta muốn từ thỏa thuận – sự kiểm soát toàn bộ Telegram – một phần thông qua sự can thiệp của một đồng minh thậm chí còn mạnh hơn của Điện Kremlin. Vào tháng 1/2014, Durov đã bán cổ phần của mình trong VK cho một doanh nhân tên là Ivan Tavrin, người này sau đó bán số cổ phần đó cho một gã khổng lồ Internet có tên là Mail.ru Group, công ty đã mua lại hợp pháp United Capital Partners vào mùa thu năm 2014 với giá 1,5 tỷ USD. Là một phần của thỏa thuận, công ty đầu tư đã đồng ý từ bỏ các tuyên bố của mình với Telegram. Theo Tavrin, điều này phần lớn nhờ vào một trong những cổ đông kiểm soát của Mail.ru, Alisher Usmanov, một trong những doanh nhân giàu có nhất ở Nga, một người cũng giống như nhiều nhà tài phiệt Nga ở chỗ đều có mối liên hệ với Điện Kremlin.

Tavrin nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Usmanov, Durov sẽ không sở hữu Telegram ngày hôm nay,” người khẳng định việc Durov rời VK hoàn toàn là vì kinh doanh, không phải chính trị. “Pavel là vua của PR và marketing, có lẽ là một trong những người làm tốt nhất trên thế giới. Tôi nghĩ anh ấy muốn tỏ ra lịch thiệp trong mắt phương Tây”.

Nếu cộng sự của Durov tại Telegram hy vọng vào một con tàu vững chắc hơn, ở nơi anh ta có quyền kiểm soát tuyệt đối, thì họ đã nhầm. Mối quan hệ của người sáng lập với một số nhân viên của mình tiếp tục xấu đi. Vào tháng 10/2014, Andrei Lopatin, người đã biết đến Durov từ khi mới 11 tuổi, đã bị loại khỏi vai trò Giám đốc điều hành của Telegraph, công ty mẹ của Telegram. Vì lý do nào đó, Lopatin nói, Durov đã bắt đầu bắt nạt anh ta. “Tôi vẫn không hiểu tại sao,” Lopatin nói. Và Korshakov, người đã tham gia Telegram để phát triển phiên bản Android của ứng dụng, nhận thấy rằng mình bị Durov cho ra rìa sau chưa đầy một năm làm việc. Korshakov cuối cùng nhận định là do phong cách lãnh đạo của người sáng lập, giải thích rằng Durov về cơ bản chỉ muốn nhân viên của mình tập trung vào việc chiều lòng anh ta: “Bạn phải tìm ra những gì anh ta thích”.□
(Còn tiếp)

Nguyễn Quang dịch
Nguồn: https://www.wired.com/story/how-telegram-became-anti-facebook/

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)