Telegram chống Facebook thế nào? (Kỳ cuối)

Ở các kì trước, chúng ta được biết về sự ra đời li kì cũng như sự mâu thuẫn nội bộ ngấm ngầm bên trong Telegram, sự khéo léo trong việc ngấm ngầm vừa chống đối vừa làm thân với Nga và phương Tây của người sáng lập, những hứa hẹn dễ đổ vỡ với người dùng của mạng xã hội này. Vậy những lời hứa như “tự do”, “phi tập trung”, “đảm bảo quyền riêng tư” của Telegram có đáng tin không? Hay hóa ra chúng chỉ là một cơn ác mộng?


Ảnh: wired.com

Vào tháng 7/2021, Dự án Pegasus — một dự án báo chí điều tra quốc tế về cách thức mà các chính phủ sử dụng phần mềm gián điệp mua từ NSO Group, một công ty công nghệ của Israel — đã chỉ ra một trong những số điện thoại của Durov là mục tiêu theo dõi của công cụ nghe lén từ công ty này. Cuộc điều tra cho thấy, khách hàng đưa ra mục tiêu này khả năng cao chính là lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Durov không hề nao núng trước việc này. Kể từ năm 2011 khi sống ở Nga, anh ta nói rằng điện thoại của mình đã bị “xâm phạm” và đã có các biện pháp phòng ngừa cho điều đó.

Khi những cuộc đối đầu của Durov với Điện Kremlin đã lùi vào dĩ vãng, Durov ngày càng lái nền tảng của mình theo hướng trở thành một đối trọng chống lại Facebook, Apple và Google. (Facebook vì đó là đối thủ cạnh tranh chính của anh ta; còn với Apple và Google vì Telegram phải tuân thủ các quy tắc của họ để duy trì trên các cửa hàng ứng dụng.) Trong một bài đăng trên trang của anh ta vào đầu năm ngoái, Durov tuyên bố rằng anh ta cuối cùng đã từ bỏ quan điểm lỗi thời của mình về sự đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Anh ta viết: “Tôi thích nghĩ theo hướng nó là sự đối lập giữa “tập trung và phi tập trung hơn”. 

Trong cuộc chiến để Telegram bắt kịp các tập đoàn tư bản độc quyền ở Thung lũng Silicon, việc các Big Tech phải thắt chặt các tiêu chuẩn kiểm duyệt nội dung, đã mở ra cơ hội thị trường rộng lớn để Telegram đón lấy. Khắp thế giới hằng ngày đều tràn ngập tin tức nói về các kênh và nhóm Telegram đầy những người antivaxx, phủ nhận COVID và những kẻ cực hữu quá khích sử dụng ứng dụng này để truyền bá thông tin sai lệch và tổ chức các cuộc biểu tình – đặc biệt là kể từ khi Facebook, Twitter và YouTube bắt đầu đẩy lùi những nội dung như vậy vào năm ngoái. “Trong 20 năm quản lý các nền tảng của tôi,” Durov viết vào năm 2021, “tôi nhận thấy rằng càng kiểm duyệt thì các thuyết âm mưu càng tăng lên”. Vào tháng sáu, Chính phủ Đức đã kiện Telegram vì không tuân thủ các quy tắc yêu cầu các mạng xã hội phải xử lý các khiếu nại và phải có đầu mối liên hệ tại nước này. Khi Đức đã áp dụng các quy trình sức khỏe nghiêm ngặt hơn để đối phó với biến thể Omicron, phản ứng trên Telegram lại càng trở nên cực đoan hơn.

Trong khi đó kể từ ngày 6/1/2021, vị trí của ứng dụng trong phong trào ủng hộ Trump tiếp tục được củng cố. Các kênh thuộc sở hữu của các nhân vật cực hữu đang mọc lên như nấm: kênh của Lin Wood, cựu luật sư của tổng thống Trump giờ trở thành tác giả của các thuyết âm mưu về bầu cử đang đạt gần một triệu người đăng ký; kênh của Ron Watkins – cựu quản trị viên 8chan (một trang nổi tiếng chứa chấp những nội dung ủng hộ thuyết da trắng thượng đẳng, tân phát xít, phân biệt chủng tộc, phát ngôn thù ghét, bắn người hàng loạt…) có gần nửa triệu người theo dõi. Trong số các chính trị gia đắc cử được Trump hậu thuẫn, những người đã mở ra các kênh đang phất lên trên Telegram là các đại biểu Quốc hội cực hữu như Marjorie Taylor Greene, Madison Cawthorn và Lauren Boebert.


Kênh Telegram của Lin Wood, cựu luật sư của Tổng thống Trump giờ trở thành tác giả của các thuyết âm mưu về bầu cử đang đạt gần một triệu người đăng ký. Ảnh: TheDailyBeast.com

Vào tháng 8/2021, Telegram đạt tổng số 1 tỷ lượt tải xuống. Theo lời Durov, trong sáu tiếng thảm họa mà Facebook bị sập trên toàn cầu do lỗi kĩ thuật vào tháng 10 năm đó, Telegram này đã chào đón 70 triệu “người tị nạn” mới chỉ trong một ngày, theo Durov.

Nhưng khi Telegram càng tiến gần hơn tới đích đến của mình và bắt kịp với WhatsApp, Elies Campo tiếp tục nghiền ngẫm. “Chúng tôi thể hiện mình là một công ty cởi mở, nhằm ủng hộ quyền tự do trao đổi và minh bạch giữa những người dùng, “anh ấy nói trong một cuộc gặp với chúng tôi ở Ciutadella, một công viên trang nghiêm rải rác với các tượng đài, ở rìa khu phố cổ của Barcelona. “Và mặt khác, chúng tôi hoàn toàn mơ hồ về cách mình làm việc”. Anh tự hỏi liệu những gì anh coi là văn hóa công ty thiếu gắn kết, thậm chí thiếu tin cậy giữa các thành viên của Telegram có đang kìm hãm nó hay không.

Anh ấy càng nói, tôi càng thấy rằng văn hóa công ty này cũng đã tệ bạc với cả Campo. Campo nhớ lại, tại kỳ nghỉ cuối cùng của công ty trước đại dịch vào mùa hè năm 2019, Durov đã thuê một ngôi nhà lớn ở một thị trấn nhỏ ở Phần Lan bao quanh bởi những hồ nước và rừng thông. Khi cả nhóm cùng nhau dùng bữa, cuộc trò chuyện bằng tiếng Nga. Campo nói: “Tôi là người duy nhất nói tiếng Anh với Pavel. Một sự nứt gãy đã hình thành một cách tự nhiên.” Anh cũng cảm thấy rằng cả nhóm đã không tin tưởng mình vì sống ở Thung lũng Silicon và được cho là có tư duy kiểu Mỹ. Một lần trong khi Campo đang cố gắng thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh giữa Telegram và các công ty Hoa Kỳ, Campo nói rằng Durov đã lớn giọng tự hỏi liệu Campo có “lợi ích kinh tế” gì trong các công ty này hay không mà muốn “làm việc với họ quá như vậy”.

Trong suốt năm đó Campo bắt đầu chuẩn bị rời khỏi Telegram. Anh ấy đã dành cả mùa thu cho dự án lớn cuối cùng của mình ở đó, giúp tung ra các tính năng mới nhằm mục đích cuối cùng là kiếm tiền từ ứng dụng. Theo kế hoạch mới, chủ sở hữu những kênh lớn sẽ có thể xuất bản các tin quảng cáo và yêu cầu người đọc trả phí, từ đó Telegram sẽ cắt lại một phần doanh thu. (Telegram tuyên bố sẽ không bao giờ cung cấp các quảng cáo hướng đích dựa trên dữ liệu của người dùng).

Trước cuộc gọi cuối cùng của chúng tôi vào cuối tháng 10, Campo đã làm một điều thật bất thường. Cho đến lúc đó, chúng tôi chủ yếu giao tiếp trên Telegram, sử dụng nó cho cả tin nhắn và cuộc gọi. Nhưng lần này anh ấy viết, “Tôi sẽ nhắn anh trên một nền tảng khác.” Và rồi anh ấy đã thêm tôi trên Signal. Gọi cho anh ấy ở đó, tôi hỏi tại sao anh ấy không muốn nói chuyện trên Telegram. Anh ấy nói, “Bởi vì, ai mà biết được (biết đâu bị theo dõi thì sao)?”


Người biểu tình ở Nga phản đối nước này chặn Telegram. Ảnh: Associated Press

Có cơ hội nào mà Telegram có thể giám sát cuộc trò chuyện riêng tư của ai đó không? Campo nói: “Về mặt kỹ thuật, điều đó là có thể.” Anh nói, để làm như vậy trên quy mô lớn sẽ rất khó, nhưng trên một tài khoản nhất định, việc mã hóa giữa người dùng và máy chủ có thể bị vô hiệu hóa. “Tôi không biết nó có đang xảy ra hay không.”

Khi tôi chuẩn bị kết thúc bài báo của mình vào tháng sau đó, tôi đã cố gắng nói chuyện với một giám đốc điều hành Telegram cấp cao khác: Ilya Perekopsky. Vào tháng 11, tôi đã viết thư cho anh ấy lần thứ chín, nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi có nội dung gì đáng kể. Lần này Perekopsky đáp lại tôi ngay sau 20 phút và hỏi tôi có ở Barcelona không. Anh ấy nói rằng thật trùng hợp khi anh vừa hạ cánh từ Dubai. Hai ngày sau, chúng tôi gặp nhau tại một nhà hàng trang nhã bên bờ biển ở phía Nam Barcelona, ​​gần nơi bố mẹ Perekopsky có nhà. Với mái tóc vàng sẫm và gò má cao, Perekopsky khiến tôi liên tưởng đến David Bowie người Nga trong chiếc áo sơ mi ca rô bên dưới chiếc áo vest phồng màu vàng.

Bên món cá vược nướng dưới cái nóng nực trái mùa, Perekopsky xin lỗi vì đã không trả lời sớm hơn. Anh ta giải thích rằng anh ta đã cho Durov xem email của tôi vì lo ngại rằng tôi đang viết một bài báo “một chiều”. “Tôi nghĩ tốt hơn là nên trả lời trực tiếp,” Perekopsky nói với sếp của mình, người mà ông cho biết đã nhanh chóng chấp thuận cuộc gặp mặt. Perekopsky nói: “Chúng tôi thực sự không quan tâm quá nhiều đến việc giao tiếp với thế giới bên ngoài, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ làm chúng tôi mất tập trung.” Anh ấy nói Durov thích sử dụng kênh của mình, nơi mà những lời nói của anh ấy không thể bị bóp méo hoặc bị “kiểm duyệt” bởi một nhà báo.

Tuy nhiên, Perekopsky rất háo hức được thảo luận về điều mà ông gọi là “kiểm duyệt” từ Google và Apple, mà ông cho biết gần đây cả hai đều yêu cầu Telegram chặn các kênh công khai đang ủng hộ những luận điệu chống vaccine và thông tin sai lệch về coronavirus. “Ý tôi là, Covid này là một thứ rất vui nhộn,” anh ấy nói. “Cái mà những công ty này đang làm, 100% là kiểm duyệt.” Anh ấy có vẻ thực sự ngạc nhiên về điều này. “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng mọi người nên có ý kiến ​​của họ, phải không? Nếu họ không đồng ý, họ có thể không đồng ý,” ông nói. “Họ có thể sử dụng Telegram để bày tỏ ý kiến ​​của mình. Từ phía chúng tôi, chúng tôi luôn giữ thái độ trung lập”.

Về phần Trump, Perekopsky tuyên bố rằng công ty không quan tâm nhiều đến phong trào ủng hộ người này đang tràn lên Telegram. Ông mô tả cuộc tấn công vào tháng Giêng năm 2021 của các cánh hữu Mỹ là cả bất ngờ và thú vị. “Thật buồn cười khi họ không tìm thấy một nền tảng tốt hơn ở chính Hoa Kỳ để bày tỏ ý kiến ​​của mình,” Perekopsky nói. “Đó có lẽ chỉ là bằng chứng cho thấy chúng tôi là nền tảng độc lập duy nhất không có kiểm duyệt và là nơi bạn có thể bày tỏ ý kiến ​​của mình”. Cuối cùng, ông thừa nhận rằng dòng người Mỹ chuyển lên Telegram không chỉ là điều thú vị. “Chúng tôi đã cảm thấy tự hào, một chút,” anh nói. Anh ta nhớ lại cuộc trò chuyện với Durov vào tuần đó vào tháng Giêng. “Đó là một nhãn hiệu chất lượng cho thấy chúng tôi là một nền tảng trung lập,” ông nói đó là điều người sáng lập nói với mình. 

Khi mặt trời bắt đầu lặn và không khí lạnh dần, Perekopsky lại vội vàng đính chính – như Durov vẫn thường làm trên kênh công khai của mình – rằng công ty quan tâm nghiêm túc đến các lời kêu gọi bạo lực đồng thời hành động nhanh chóng và nhất quán để loại bỏ nội dung bất hợp pháp. Các chuyên gia lại không thấy vậy. Megan Squire, nhà nghiên cứu, đã phát hiện ra nhiều bài viết cực hữu kêu gọi bạo lực vẫn tồn tại trong nhiều tháng. Thông tin cá nhân của Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Hoa Kỳ và các con gái của ông gần đây đều bị tung lên trên kênh Telegram và địa chỉ riêng của Squire đã cũng bị tiết lộ trên kênh của nhóm cực hữu Proud Boy vào tháng Một vừa qua và hiện ở đó trong nhiều tháng, mặc dù cô đã liên tục khiếu nại điều đó. Perekopsky cho biết Telegram đã cập nhật các điều khoản của mình để cấm tiết lộ thông tin cá nhân vào đầu năm 2021 và hứa sẽ xem xét trường hợp của Squire. (Địa chỉ của cô ấy cuối cùng đã bị xóa một tháng sau đó, sau khi tôi đề cập với anh ấy).

Cuối cùng, tôi muốn hỏi về văn hóa của chính Telegram. Campo và Rozenberg không phải là những người duy nhất ám chỉ rằng có một bầu không khí tôn thờ bao quanh Durov. Andrei Lopatin đã nói với tôi: “Làm việc trong nhóm đó khiến bạn không còn nhận thức được thế nào là đời thực. Tôi thực sự may mắn vì đã rời đi”. Nhưng Perekopsky không đồng ý với quan điểm cho rằng Durov đã tạo ra một nền văn hóa của sự trung thành và vâng lời tuyệt đối, hoặc chưa có ai dám bất đồng với anh ta. Ông nhấn mạnh rằng có rất ít thứ bậc bên trong công ty, mô tả cấu trúc của Telegram là “theo chiều ngang”. Thay vì chỉ huy, Durov thích thuyết phục mọi người “chia sẻ tầm nhìn của mình”, Perekopsky nói. “Anh ấy rất thuyết phục! Có sức thuyết phục vô cùng”.

Hyman — người đã đồng ý nói chuyện với tôi sau khi tôi nói chuyện với Perekopsky và người vẫn tư vấn tài chính cho Telegram với tư cách là một cố vấn — cũng đã sử dụng từ “cơ cấu ngang” để mô tả Telegram và nói với tôi rằng thật vô lý khi cho rằng có một văn hóa của sự ngờ vực và lòng trung thành mãnh liệt đối với Durov: “Đó là một công ty yêu cầu rất cao, theo chủ nghĩa chọn lọc tự nhiên Darwin. Và tôi tưởng tượng không phải ai cũng thành công được như vậy”. Durov đã không phản hồi lại các yêu cầu của tôi về việc phỏng vấn anh hoặc các câu hỏi về kiểm chứng lại những chi tiết trong bài báo. Anh trai Nikolai và bộ phận truyền thông của Telegram cũng không bao giờ phản hồi WIRED.

Trong bài đăng hồi tháng Hai về “tập trung và phân quyền”, chính Durov cho rằng Facebook đã mất vị thế trước Telegram vì tính chất nhỏ gọn của nhóm phát triển ứng dụng của ông giúp tránh tính tập quyền và phân cấp quá mức. Tất nhiên, điều này bật ra một câu hỏi: Chính xác thì một nhóm mơ hồ gồm 30 lập trình viên, tập hợp vây quanh một nhà lãnh đạo lôi cuốn ở Dubai, thì tính tập quyền khác gì với một công ty lớn? Durov ngụ ý câu trả lời trong bài đăng của mình. Ông viết: “Con người đã tiến hóa để hoạt động tốt nhất trong các nhóm nhỏ dưới 150 người. Trong môi trường tự nhiên, mỗi cộng đồng nhỏ đều có thể tạo ra một nhà lãnh đạo vượt trội”.

Nếu Durov là nhà lãnh đạo bẩm sinh trong Telegram thì vẫn còn phải xem liệu Telegram có thể tiếp tục leo lên để trở thành nhà lãnh đạo tự nhiên trong số các nền tảng hay không. Phác thảo chiến lược kiếm tiền từ nền tảng của công ty vẫn còn đang vô cùng sơ sài. Và trên khắp thế giới, nền tảng này dường như đang vấp phải một loạt sự phản đối. Kể từ đầu năm 2022, các quan chức ở Đức và Brazil đã đe dọa cấm Telegram vì lượng truy cập Telegram tới các thông tin sai lệch không được kiểm soát; Ở Brazil, các nhà chức trách đang nghĩ đến việc chặn ứng dụng này trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10. Nhưng tất nhiên, Telegram đã vượt qua các rào cản chính phủ trước đây.

Cả hai vấn đề này đều không xảy ra vào thời điểm tôi ăn trưa với Perekopsky, nhưng quá dễ để đoán trước. Khi ngồi với anh ta, tôi nghĩ lại cuộc trò chuyện giữa Zuckerberg và Durov được cho là diễn ra vào khoảng một thập kỉ trước. Cả hai người đều coi các mạng xã hội non trẻ của mình là các cấu trúc siêu việt giúp truyền thông thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước: các chính phủ và các nhà làm luật dần vô nghĩa, trở nên lỗi thời trước sức mạnh giải phóng của một nền tảng. Nghĩ đến điều này dưới ánh nắng mùa đông tàn lụi khi cuộc trò chuyện của tôi với phó chủ tịch của Telegram kết thúc, tôi cảm thấy ớn lạnh.□

Nguyễn Quang dịch

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)