Tự nhiên thật ra là trung tính

Hầu hết mọi người ở những nước phát triển phương Tây đều ưa chuộng những thứ tự nhiên, đặc biệt là thực phẩm. Chúng tôi lại cho rằng không có cơ sở lý thuyết lẫn thực tiễn cho niềm tin phổ biến vào sự ưu việt của các thực thể tự nhiên đối với phúc lợi của nhân loại. Tự nhiên không phải vô cùng nhân từ.


Một trang trại trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng. Nguồn: tapchitaichinh.vn

Thế giới các nước phát triển phương Tây có một niềm yêu thích rất phổ biến dành cho đặc tính tự nhiên, đặc biệt là thực phẩm tự nhiên. Hầu hết mọi người đều sẵn sàng trả thêm tiền mua thức ăn nếu chúng được gắn nhãn “hoàn toàn tự nhiên” hay “hữu cơ”. Những loại thực phẩm mang nhãn mác này (đôi khi được gọi là “nhãn mác sạch”) không chỉ được đặc biệt ưa chuộng hơn mà còn càng ngày càng thịnh hành. Ngoài thức ăn, nhiều người còn thường xuyên sử dụng các loại thuốc tự nhiên và thảo dược cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân từ thiên nhiên. Những nhãn mác tự nhiên này có sức thu hút lớn vì người ta nghĩ thiên nhiên thì phải an toàn và tốt lành. Tuy vậy, những niềm tin như thế thường là sai. Tự nhiên không tiến hóa với mục đích giúp đỡ nhân loại. Tự nhiên không phải vô cùng nhân từ.

Cách hiểu thông thường về tự nhiên

Để hiểu niềm yêu thích mà người ta dành cho tự nhiên, ta cần nghĩ về ý nghĩa của “tự nhiên” đối với một người bình thường. Nghiên cứu cho thấy lịch sử của một thực thể là yếu tố then chốt quyết định cách nhìn nhận về tính tự nhiên của thực thể đó. Ví dụ, tính tự nhiên (“naturalness”) được định nghĩa là “từ tự nhiên; không phải nhân tạo hay có liên quan đến cái gì do con người tạo ra hay gây ra” (Từ điển tiếng Anh Cambridge) hay “tồn tại trong tự nhiên hay do tự nhiên tạo nên” (dictionary.com). Trong tư duy đời thường, gần như bất kỳ tiến trình nào có sự can thiệp của con người đều hủy diệt tính tự nhiên. Trong việc ra quyết định đánh giá về tính tự nhiên của một sản phẩm thì lịch sử tiến trình chế biến quan trọng hơn nội dung thực sự của sản phẩm đó. Ví dụ như sốt cà chua đặc có thêm đường thì không có gì đáng ngạc nhiên khi được xem là sản phẩm kém tự nhiên hơn sốt cà chua đặc chưa thêm đường. Tuy nhiên, nếu sốt cà chua có đường kia được đem loại bỏ đường, nó sẽ có thành phần như sốt cà chua không đường ban đầu. Cái sốt cà chua mới này – đã trải qua hai quá trình chế biến để có thành phần giống sốt cà chua ban đầu – lại được coi là kém tự nhiên hơn sốt cà chua có đường – vốn chỉ qua một quá trình chế biến và có thành phần khác. Do vậy, nếu tiến trình chế biến và thành phần không được đặt cạnh nhau, thì chế biến được xem là quan trọng hơn. Nói cách khác, ý nghĩa trung tâm trong định nghĩa tính tự nhiên theo cách hiểu thường ngày là không bị bàn tay con người đụng tới. Định nghĩa thường ngày này về tính tự nhiên không thể hiện rõ ràng là nó có vấn đề hay bất nhất về bản chất. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn đưa ra những suy luận có vấn đề về những thứ tự nhiên.

Chẳng hạn như niềm tin phổ biến rằng thiên nhiên luôn tốt lành và hiền hòa. Một thực thể nào đó khi đã được xem là tự nhiên thì người tiêu dùng sẽ suy ra những thuộc tính khác như an toàn và có lợi cho sức khỏe. Nhiều người ngoài chuyên môn tin rằng hóa chất tự nhiên an toàn hơn hóa chất nhân tạo mặc dù các chuyên gia nhìn chung là không đồng ý như vậy. Vì nhận định về tính tự nhiên có cơ sở là quá trình can thiệp của con người vào một sản phẩm, nên người tiêu dùng thậm chí tin rằng có sự khác biệt giữa các sản phẩm tự nhiên và tổng hợp hoàn toàn giống nhau về mặt hóa học. Khi một vitamin tự nhiên và một vitamin tổng hợp được mô tả là giống hệt nhau về mặt hóa học, người ta vẫn tin cái tự nhiên là an toàn hơn và ưa chuộng sản phẩm tự nhiên hơn. Một số người thậm chí còn không tin vitamin tự nhiên và vitamin tổng hợp có thể thực sự giống nhau hoàn toàn. 

Ý nghĩa đạo đức trong tư duy hiện đại

Tính tự nhiên có ý nghĩa về mặt đạo đức trong tư duy hiện đại. Đối với hầu hết những người ở các nước phát triển phương Tây, tính tự nhiên có giá trị đạo lý cao cả. Chúng tôi không biết nguồn gốc của những niềm tin đạo đức này, có lẽ chúng phần nào liên quan đến những suy luận chúng tôi nói đến ở phần trước. Gây hại là một tính chất tiêu biểu cho phi đạo đức, do đó người ta có thể coi những thứ an toàn hơn là có đạo đức. Những niềm tin đạo đức này có thể còn xuất phát trên cơ sở từ niềm tin rằng sự can thiệp của con người là hiểm ác với bằng chứng đến từ những hệ quả tiêu cực của tư duy trọng công, chủ nghĩa tư bản, và chiến tranh. Cho dù nguồn gốc của những niềm tin này có là gì đi nữa thì chúng tôi tin rằng lối suy nghiệm “tự nhiên = đạo lý” vượt quá khỏi những suy luận dựa trên hệ quả. Nhiều người tin rằng có tính tự nhiên thì bản thân đã là tốt hơn, cao hơn, và vượt khỏi khuôn khổ những rủi ro và lợi ích của nó.


99,99% lượng thuốc trừ sâu mà chúng ta tiêu thụ (tính theo trọng lượng) là từ tự nhiên. Nguồn: EPA

Vấn đề này thể hiện rõ nhất ở sự phản đối mạnh mẽ thực phẩm từ sinh vật biến đổi di truyền (GMO). Kết quả nghiên cứu cho thấy những sản phẩm này cũng an toàn cho sức khỏe con người như thực phẩm từ các nguồn lai tạo truyền thống, và còn có thể có ưu thế trong kháng bệnh, thời gian lưu trữ, và chất lượng dinh dưỡng. Những người chống GMO này lại hoàn toàn hưởng ứng việc tiêu thụ bắp ngô, cà chua, và thịt gà, tất cả đều là động thực vật được thuần hóa cao độ và đã trải qua những quá trình biến đổi di truyền rộng rãi do con người thực hiện thông qua lai tạo chọn lọc từ trước đến nay.

Trong nhiều trường hợp, việc phản đối thực phẩm biến đổi di truyền là dựa trên nền tảng đạo lý, phần nhiều không liên quan đến rủi ro và lợi ích. Ví dụ, đa số những người phản đối GMO đồng tình với ý kiến rằng họ sẽ phản đối thực phẩm GMO “cho dù nếu cho phép thì sẽ mang lại lợi ích lớn đến đâu hay rủi ro nhỏ đến đâu đi nữa”, và rằng “đây vẫn là sai thậm chí ở một nước mà tất cả mọi người ở đó đều nghĩ rằng nó không sai”. Có thể nhiều người theo ý kiến trên không thật sự hoàn toàn tin theo nghĩa đen như thế mà chỉ đơn giản là bày tỏ quan điểm rằng hệ quả thế nào không tác động lớn đến phản ứng của họ đối với những thứ trái tự nhiên. Nhưng cho dù như vậy đi nữa thì nó vẫn cho thấy có thứ gì đó như động lực đạo lý.

Khía cạnh đạo đức của việc phản đối GMO cho thấy rằng công nghệ CRISPR* – biến đổi di truyền trúng đích hơn, chính xác hơn và chi phí phải chăng hơn – có thể sẽ bị phản đối tương tự. Nếu người ta đã phản đối GMO dựa trên trực giác đạo lý rằng con người trực tiếp đụng chạm vào bản thiết kế của một sinh vật là sai, thì họ có thể càng khó chấp nhận CRISPR hơn lai tạo chọn lọc. Chúng tôi nghĩ rằng có thể những trực giác đạo lý đó khiến người ta ít quan tâm hơn đến những chi tiết cụ thể về cách thức con người can thiệp vào tự nhiên hay những rủi ro và lợi ích từ những việc này, mà họ dựa nhiều hơn vào niềm tin đạo đức theo linh cảm. 

Tác động của những niềm tin thuận tự nhiên đối với thái độ cư xử ngày nay có lẽ quan trọng hơn so với cách đây vài thế hệ. Trong thế giới công nghiệp hóa, con người trở nên cách biệt với tự nhiên. Sự cách biệt ngày càng lớn này có thể đưa đến những cái nhìn lý tưởng hóa về thiên nhiên, củng cố thêm những niềm tin hay suy luận rằng tự nhiên = tốt lành và tự nhiên = đạo lý. Cũng liên quan đến vấn đề này, sự cách biệt ngày càng tăng với nguồn gốc thực phẩm có thể tạo ra cảm giác luyến tiếc việc tìm thức ăn từ cội nguồn của nó, cùng với đó là suy luận rằng thực phẩm có được trực tiếp từ nguồn thì tốt hơn. Người tiêu dùng có thể không hiểu hết mức độ họ phụ thuộc vào tư duy dựa trên tính tự nhiên khi đánh giá thực phẩm, họ còn cho rằng mình biết nhiều hơn kiến thức thực sự của bản thân. Ví dụ, những người chống thực phẩm GMO cực đoan cho rằng họ hiểu biết nhiều hơn về biến đổi di truyền so với những người ủng hộ tuy trên thực tế thì ngược lại.

Tự nhiên thật ra là trung tính

Chúng tôi cho rằng tự nhiên không tiến hóa để trở thành tốt đẹp hay xấu xa đối với con người. Thiên nhiên nhân từ là một niềm tin không thấu đáo. Tự nhiên là sản phẩm của sự tương tác qua thời gian giữa các dạng thể vật lý của Trái đất, các dạng thể vật lý của bầu khí quyển và hiện tượng tiến hóa sinh học. Niềm tin rằng tự nhiên là nhân từ khiến ta chỉ tập trung vào những hiểm nguy của các thực thể phi tự nhiên trong khi lại bỏ qua những mối đe dọa của các thực thể tự nhiên.

Chẳng hạn như thuốc trừ sâu có trong thực phẩm mà chúng ta ăn phải. Chúng ta tập trung kiểm nghiệm và đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với các loại thuốc trừ sâu trên thị trường. Nhưng thực vật cũng tạo ra thuốc trừ sâu một cách tự nhiên để tự bảo vệ chúng chống lại nấm, côn trùng, và động vật ăn cây cỏ. Trên thực tế, 99,99% lượng thuốc trừ sâu mà chúng ta tiêu thụ (tính theo trọng lượng) là từ tự nhiên. Các loại thuốc trừ sâu tự nhiên này chẳng những phổ biến hơn mà còn không kém phần nguy hiểm, và các loại thuốc trừ sâu tự nhiên có mức độ gây ung thư tương đương như các loại thuốc trừ sâu đang có mặt trên thị trường.


Ma hoàng là loại cây nguy hiểm, và việc sử dụng nó có liên quan đến hàng chục trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ trước khi bị cấm vào năm 2003.. Nguồn: https://pogoda.rovno.ua/

Một ví dụ minh họa khác là các sản phẩm y khoa và các chất bổ sung tự nhiên. Khi đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của các sản phẩm y khoa, chúng ta tập trung vào kiểm nghiệm và đưa ra các quy định cho các chất nhân tạo. Ví dụ, trong thập niên 1990, một số bài thuốc giảm cân thảo dược (như Metabolife) có chứa ma hoàng (Ephedra), một loại cây có dạng giống thân bụi mọc tự nhiên ở Trung Á. Ma hoàng là loại cây nguy hiểm, và việc sử dụng ma hoàng có liên quan đến hàng chục trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ trước khi bị cấm vào năm 2003. Người ta đã không biết rằng hợp chất tự nhiên, giống với amphetamine (có trong cây) này có thể bóp nghẹt mạch máu và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nói chung, các loại sản phẩm bổ sung tự nhiên và thảo dược như các loại thuốc giảm cân có ma hoàng không cần phải theo các quy định dược phẩm của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vì người ta cho rằng tự nhiên thì an toàn. Người tiêu dùng mặc nhiên cho rằng những sản phẩm bổ sung này có mức độ an toàn nào đó, nhưng chính chúng gây ra 23.000 trường hợp phải đi cấp cứu hằng năm chỉ tính riêng ở Mỹ. 

Nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, lo sợ những hệ quả không lường trước được từ những can thiệp của con người. Chẳng hạn như một số người quan ngại về sự ô nhiễm di truyền hay những tác dụng phụ ngoài dự tính của thực phẩm GMO đối với môi trường. Đương nhiên là những tác dụng phụ không mong muốn là có thể xảy ra. Nhưng bất kỳ cái gì mới cũng có thể gây ra lo sợ về những tác dụng phụ trong tương lai, và những nỗi sợ này có lẽ đã có thể chặn bước những tiến bộ trước đây như kháng sinh, công nghệ lọc nước, và máy điện toán. Những người lo ngại về ảnh hưởng không lường được trong tương lai có thể lấy làm vui rằng nhiều tác dụng phụ tiêu cực của công nghệ mới đã được giảm đi hoặc loại bỏ nhờ những tiến bộ công nghệ sau đó. Các tiến bộ công nghệ trong y tế công cộng và y khoa nói chung đã phần nào làm tăng tuổi thọ kỳ vọng trung bình của người Mỹ thêm 30 năm trong thế kỷ 20. 

Nói tóm lại, tự nhiên cho ta những cảnh tượng sơn thủy, chim muông hay hoàng hôn tuyệt đẹp. Nhưng nó cũng đem tới động đất, lũ lụt, và cả cái chết. Tự nhiên không tồn tại để giúp đỡ hay làm hại chúng ta, nó không có bản chất cố hữu là tốt hay xấu cho con người. Việc đánh giá rủi ro và lợi ích của bất kỳ sản phẩm nào, thuận tự nhiên hay phi tự nhiên, cũng phải được tiến hành cho từng trường hợp. Vì tự nhiên thật ra là trung tính. □

Đặng Thị Thu Thủy dịch
Nguồn: https://doi.org/10.1038/s41562-020-0891-0

Tác giả: TS Sydney Scott là giảng viên (assistant professor) marketing, Đại học Washington (bang Missouri, Mỹ). Bà chuyên nghiên cứu về hành vi và cách ra quyết định của người tiêu dùng.
TS Paul Rozin là giáo sư tâm lý học, Đại học Pennsylvania (bang Pennsylvania, Mỹ). Ông chuyên nghiên cứu về tâm lý học văn hóa.

Ghi chú (*): CRISPR (viết tắt tiếng Anh của “clustered regularly interspaced short palindrome repeats”) là các trình tự đối xứng ngắn trùng lặp cách đều nhau và tồn tại theo cụm trên bộ gene vi khuẩn hay cổ vi khuẩn. Các trình tự này được tế bào lưu lại từ các mảnh DNA của các virus đã tấn công tế bào trước kia và dùng để nhận diện virus – một dạng miễn dịch của tế bào nhân sơ (prokaryotae). Các enzyme Cas9 sẽ dùng các trình tự CRISPR này để cắt một cách chính xác vật liệu di truyền của virus xâm nhập, qua đó chặn đứng sự sinh sôi và lây lan của virus. Giới khoa học đã ứng dụng hiện tượng miễn dịch của tế bào nhân sơ này để tạo công nghệ cắt dán DNA một cách đặc hiệu cao ở các loại tế bào khác. 

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)