WEF: Vấn đề tâm lý mới là cái giá lớn nhất của giãn cách xã hội

Nhìn chung, các nhóm có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài là những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, thanh niên dưới 30 tuổi, trẻ em, người già và những người có cuộc sống bấp bênh, ví dụ, do mắc bệnh tâm thần, khuyết tật và nghèo đói.

Ảnh: Gizmodo

Vào giữa những năm 1990, Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới giải quyết hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố và thảm họa bằng cách tiếp cận mang tính cách mạng: Ngoài phân loại và chữa trị tại bệnh viện, Pháp thành lập một đơn vị hỗ trợ tâm lý. Các nạn nhân, nhân chứng không bị thương tổn thể chất được kiểm tra các dấu hiệu chấn thương tinh thần và điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các hướng dẫn chuẩn thức về chấn thương R-TEP và chấn thương nhóm G-TEP trong những tình huống đó.

Kể từ đó đến nay, các kịch bản phục hồi hậu thảm họa đều tập trung vào hai việc: một là điều trị y tế, hai là điều trị vết thương tâm lý vô hình.

Trong đại dịch Covid-19 này, thế giới đang vật lộn để chữa trị, chúng ta xây dựng đủ các bệnh viện dã chiến để trị bệnh và ngăn ngừa virus lây lan nhưng sẽ không thể xây dựng được những “bệnh viện” tương tự để giảm bớt căng thẳng tâm lý cho con người – những gì mà chúng ta sẽ phải trả giá trong vòng 3 tới 6 tháng tới, khi các lệnh giãn cách và cách ly xã hội được dỡ bỏ.

“Chi phí” tinh thần do cách ly xã hội

Hiện tại, ước tính 2,6 tỷ người – một phần ba dân số thế giới – đang chịu cách ly xã hội (quarantine) hoặc phong tỏa. Đây được cho là cuộc thử nghiệm tâm lý lớn nhất mà thế giới phải trải qua dù không hề mong muốn.

Một số kết quả nghiên cứu đã đề cập đến hệ quả này. Vào cuối tháng 2 vừa qua, ngay trước khi các nước châu Âu thực hiện các lệnh giãn cách xã hội khác nhau, tạp chí TheLancet đã công bố một tài liệu tổng kết từ 24 nghiên cứu chứng minh các hệ quả tâm lý của cách ly (“hạn chế di chuyển đối với những người nghi nhiễm hoặc đã nhiễm bệnh”). Những phát hiện này đã đem lại những cái nhìn sơ lược về những gì đang xảy ra với hàng trăm triệu hộ gia đình trên khắp thế giới hiện nay. 

Nhìn chung là, và có lẽ không ngạc nhiên, những người bị cách ly có khả năng sẽ mắc phải một loạt các triệu chứng căng thẳng và rối loạn tâm lý như tâm trạng không tốt, chứng mất ngủ, căng thẳng, lo âu, tức giận, cáu kỉnh, kiệt quệ tinh thần, trầm cảm và triệu chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn. Phổ biến nhất là triệu chứng căng thẳng và cáu kỉnh.

Đã có những tài liệu đầu tiên về tác động tâm lý của đợt phong tỏa ở Trung Quốc. Trong trường hợp cha mẹ bị cách ly với con cái, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Một nghiên cứu cho thấy, không dưới 28% cha mẹ bị cách ly có triệu chứng “rối loạn tâm lý liên quan đến sang chấn”.

Gần 10% trong số các nhân viên y tế có “triệu chứng trầm cảm” lên đến ba năm sau cách ly. Một nghiên cứu về các nhân viên y tế chịu cách ly trong đợi dịch SARS cho thấy những ảnh hưởng tâm lý lâu dài như nguy cơ lạm dụng rượu, tự dùng thuốc và có hành vi “né tránh”. Nghĩa là nhiều năm sau khi bị cách ly, có những nhân viên y tế vẫn né tránh tiếp xúc với các bệnh nhân bằng việc đơn giản là không đi làm.

Lý do dẫn tới căng thẳng khi phong tỏa thì nhiều: sợ bị lây nhiễm, sợ ốm đau hoặc mất người thân, rồi những nguy cơ khó khăn về tài chính… và nhiều nữa, đều hiện diện trong đại dịch này.

Khả năng phục hồi hậu đại dịch

Một điều mà chúng ta có thể thấy rõ ràng ở xu hướng nghỉ làm. Mọi người tránh Covid-19 nên làm việc ở nhà hoặc không làm việc. Khoảng 3 tới 6 tháng tới, để phục hồi kinh tế, cần tất cả người lao động quay lại làm việc nhưng có thể sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực rõ rệt. Thế giới đã từng chứng kiến những điều tương tự, như thiếu hụt nhân viên các công ty ở khu vực xảy ra thảm họa ngày 11/9 hay thiếu nhân viên y tế ở các khu vực trải qua dịch Ebola, SARS hay MERS.


Biểu đồ cuộc khảo sát của WEF ở Bỉ.

Ngay trước khi phong tỏa, WEF đã tiến hành một cuộc khảo sát ở Bỉ, kết quả cho thấy 32% người được khảo sát được phân loại “có khả năng phục hồi cao” (màu xanh lá cây trong biểu đồ), chỉ có 15% dân số cho thấy mức độ “căng thẳng có hại cho cơ thể” (màu đỏ hồng trong biểu đồ).

Nhưng trong cuộc khảo sát gần đây nhất của WEF sau hai tuần bị phong tỏa, phần màu xanh lá cây đã giảm xuống còn 25% người được khảo sát, còn phần đỏ hồng đã tăng lên 25%. Đây là những người có nguy cơ đau ốm hoặc kiệt sức chưa thể quay lại công việc được sau một thời gian dài. Ngay cả khi tiếp tục làm việc, thì nghiên cứu của Eurofound cho thấy họ cũng giảm tới 35% năng suất lao động.

Và nhìn chung, các nhóm có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài là những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, thanh niên dưới 30 tuổi, trẻ em, người già và những người có cuộc sống bấp bênh, ví dụ, do mắc bệnh tâm thần, khuyết tật và nghèo đói.

Không ai ngạc nhiên về những hệ quả này, vì đã có hiểu biết về sang chấn tâm lý lâu dài sau thảm họa từ nhiều thập kỷ trước đây. Nhưng quy mô lần đại dịch này không phải là một làng, một thị trấn hoặc một khu vực, mà 1/3 dân số toàn thế giới đang chịu đựng các tác nhân căng thẳng nặng nề này. Điều cấp thiết lúc này là làm giảm thiểu tác động của phong tỏa.  Các chuyên gia đều khuyến nghị một số giải pháp mà các nước và tổ chức phi chính phủ cần làm ngay

• Can thiệp để trợ giúp nhu cầu của những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề;

•  Truyền thông cho người dân về các hệ quả tâm lý và ứng phó với sang chấn tâm lý;

• Xây dựng một website về các vấn đề tâm lý xã hội;

• Đảm bảo rằng những người gặp vấn đề nặng nề có thể tìm được địa chỉ hỗ trợ khi cần thiết.

WEF lưu ý rằng trong đại dịch này, đa phần các quốc gia đều hỗ trợ tâm lý cho người dân muộn màng, nhưng muộn còn hơn không.

Bảo Như lược thuật
Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2020/04/this-is-the-psychological-side-of-the-covid-19-pandemic-that-were-ignoring? 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)