Abdus Salam – Vinh quang và khổ nạn
Bất chấp vinh quang mà Abdus Salam đem về cho Pakistan, nhà khoa học Hồi giáo đầu tiên giành giải Nobel này đã bị hắt hủi và lãng quên trên chính quê hương mình.
Vào năm 1980, không lâu sau khi Abdus Salam được trao giải Nobel do những đóng góp của ông vào phát triển lý thuyết thống nhất điện yếu trong vật lý hạt, ông được mời tới dự một buổi lễ tại trường Đại học Quaid-e-Azam (QAU) ở Islamabad. “Buổi lễ đó là để vinh danh Abdus Salam, và được tổ chức tại Khoa Vật lý QAU, một khoa do chính cựu học trò của ông, TS. Riazuddin, thành lập”, Pervez Hoodbhoy, một nhà vật lý Pakistan tên tuổi từng tham gia chuẩn bị cho buổi lễ, nhớ lại vào năm 2016.
Những tưởng sự có mặt của ông khiến ai nấy đều tự hào thì thật bất ngờ, quyết định này đã làm thổi bùng sự phản đối dữ dội. Abdus Salam đã về tới Islamabad để tham dự buổi lễ nhưng không vào được khuôn viên trường do có lời đe dọa của những sinh viên là thành viên của Jamaat-e-Islami, phong trào Hồi giáo chính thống được thành lập vào năm 1941 tại Ấn Độ thuộc Anh. “Tình trạng leo thang đến mức vô cùng căng thẳng; tôi vẫn còn nhớ là họ đã đe dọa chặt gẫy chân Abdus Salam nếu ông bước chân vào trường; chúng tôi đành phải thông báo ngừng tổ chức chương trình”, TS. Hoodbhoy kể.
Có phải số phận quá nghiệt ngã với Abdus Salam, dẫu chưa có người Pakistan thứ hai nào giành thêm một giải Nobel khoa học?
Một tài năng thực sự
Những gì người ta biết về Abdus Salam là ông sinh ra trong một gia đình có cha là giáo viên, mẹ nội trợ ở thành phố Jhang. Cha ông tin con trai mình là một phần thưởng của Đấng tối cao để ban cho người chăm chỉ nguyện cầu trong buổi lễ ngày thứ sáu hằng tuần, và đặt tên là Abd al-Salam (người phụng sự Đấng tối cao). Khi lớn lên, Salam đã nhận được sự chăm chút khác biệt so với chị em mình và được dành thời gian để nâng cao kỹ năng toán học vượt trội. “Khi đến trường vào năm 1936, tôi nhớ giáo viên đã giảng cho chúng tôi một bài về các lực cơ bản của tự nhiên và bắt đầu với hấp dẫn. Tất nhiên là chúng tôi đã say mê lắng nghe. Sau đó, ông ấy còn nói “điện, giờ có một lực gọi là điện nhưng không có trong Jhang của chúng ta mà chỉ có ở thủ phủ Lahore, cách đây 100 dặm về phía Đông’. Ông ấy cũng đề cập đến lực hạt nhân và nói ‘giờ nó chỉ có ở châu Âu’”.
Cùng với nghiên cứu về tái chuẩn hóa, thống nhất vĩ đại, siêu đối xứng… ông đã đưa Imperial London trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về vật lý lý thuyết.
Đó là những khái niệm vật lý đầu tiên trong trí óc cậu bé Pakistan 10 tuổi. Hai năm sau, ông học trung học cơ sở tại chính Jhang, một quãng thời gian mà ông cho là rất quan trọng với mình. Theo bài phỏng vấn trên tạp chí Tahzeebul Akhlaq vào tháng giêng năm 1986, ông kể, “Tôi đã học bốn năm tại đây. Đây là vận may của tôi vì phần lớn học sinh đều theo đạo Hindu và tôi đã được theo học những giáo viên đặc biệt có học thức và giàu tình cảm bậc nhất. Nền tảng cho sự nghiệp học thuật của tôi đã bắt đầu tại đây. Tôi tin rằng tất cả nhừng thành tựu sau này mà tôi có là từ mái trường này và từ những người thầy tận tụy với công việc”.
Ngay từ khi bắt đầu học hành, Abdus Salam đã thể hiện một thái độ nghiêm túc. Ở tuổi 14, ông đã lập kỷ lục vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào trường Đại học Punjab. “Tôi còn nhớ khi trở về nhà trên chiếc xe đạp từ Maghiana tới Jhang vào lúc khoảng hai giờ chiều, cả thành phố lúc này đã biết tin tôi dẫn đầu kỳ thi. Tôi nhớ rõ ràng là các thương nhân Hindu vốn thường đóng cửa hàng để tránh nóng buổi chiều nhưng kìa, họ đứng cả bên ngoài cửa hàng để đón chào tôi. Sự tôn trọng mà họ dành cho tôi và sự bảo trợ giáo dục của họ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi”, ông kể.
Niềm say mê hàng đầu của Abdus Salam là toán học “Tôi đã viết bài báo nghiên cứu đầu tiên của mình vào năm 16 tuổi và xuất bản trên một tạp chí toán học nhưng trên thực tế thì tôi chỉ thực sự nghiêm túc nghĩ về khoa học khi tới Cambridge” – bài báo “A problem of Ramanujan” (Một bài toán của Ramanujan). Với điểm số tuyệt đối 300/300 trong toán học, ông dẫn đầu trường và nhận được học bổng tới trường St John, Cambridge. “Tôi vô cùng may mắn khi được trao một học bổng tới Cambridge. Các kỳ thi tuyển công chức nổi tiếng của Ấn Độ đã bị tạm dừng do quá trình chia tách Ấn Độ và Pakistan khiến số tiền dư cuối cùng trở thành một quỹ với năm suất học bổng đi nước ngoài học tập. Đó là năm 1946 và tôi may mắn có được một chỗ trên con tàu toàn gia đình người Anh rời đi trước khi Ấn Độ giành độc lập. Nếu không đi vào năm đó thì tôi không thể tới được Cambridge; sự chia tách đất nước vào năm tiếp theo làm tiêu tán quỹ học bổng”, Abdus Salam nhớ lại việc đi đúng thời điểm của mình.
Khi đến Anh, Salam học song song toán và vật lý rồi tốt nghiệp hạng nhất cả hai lĩnh vực. Trong “Coffee House of Lahore” (Quán cà phê ở Lahore), một cuốn sách về tầng lớp trí thức và văn hóa Lahore giai đoạn 1935 – 1970, nhà sử học Khursheed Kamal Aziz có nhắc đến Salam “Đầu tiên ông ấy học cả hai ngành nhưng sau đó đành từ bỏ toán khi học đến mức cao hơn vì chỉ có thể có được hiểu biết thực sự về vật lý khi tập trung hoàn toàn vào đó. Với một nỗ lực chưa từng có, ông đã học vật lý một năm và dẫn đầu trước sự ngạc nhiên của thầy giáo mình”. Nhà thiên văn học Fred Hoyle, người xây dựng lý thuyết về tổng hợp hạt nhân trên các ngôi sao, đã mời Salam tới Phòng thí nghiệm Cavendish để làm nghiên cứu vật lý thực nghiệm nhưng Salam lại không đủ kiên nhẫn cho những thí nghiệm dài hơi. Ông trở về Lahore dạy toán một vài năm rồi quay lại chính phòng thí nghiệm này làm nghiên cứu sinh vật lý lý thuyết với luận văn “Phát triển lý thuyết trường lượng tử”, một công trình cơ bản và toàn diện về điện động lực học lượng tử, đem lại cho ông danh tiếng quốc tế với giải Adams.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, giáo sư hướng dẫn đã thách thức ông giải trong vòng một năm một bài toán cực khó, dường như chỉ dành cho những bộ óc thiên tài như Paul Dirac và Richard Feynman, theo Munir Ahmad Khan, nhà vật lý hạt nhân Pakistan và là bạn của ông. Trong vòng sáu tháng, Salam đã tìm ra lời giải cho lý thuyết tái chuẩn hóa meson. Khi Salam đề xuất lời giải, ngay cả Hans Bethe, J. Robert Oppenheimer và Paul Dirac cũng phải chú ý đến ông.
Góp phần đặt nền tảng cho vật lý hiện đại
Ở Lahore, vào năm 1953, Salam thực sự đã thất bại bởi không thể lập một viện nghiên cứu do mình mong muốn khi vấp phải phản đối của đồng nghiệp; trước đó, ông cũng bị từ chối không được dạy môn Cơ học lượng tử và bắt phải quản lý một đội bóng của trường. Do xảy ra bạo loạn tại Lahore, Salam trở lại St John’s College và tới năm 1957, ông được mời đến Imperial College, nơi ông cùng đồng nghiệp lập Nhóm Vật lý lý thuyết, đưa nó trở thành một trong những khoa nổi tiếng, quy tụ những cái tên xuất sắc như Steven Weinberg, Tom Kibble, Gerald Guralnik, C. R. Hagen, Riazuddin, và John Ward. Claudia de Rham, một nhà lý thuyết ở Imperial College, đáng giá trên Physics World “Với Salam, Imperial là ngôi nhà khoa học. Ông thành lập nhóm lý thuyết để cùng nghiên cứu về điện từ và lý thuyết trường lượng tử, một trong những gốc rễ dẫn đến giải Nobel của ông. Cùng với nghiên cứu về tái chuẩn hóa, thống nhất vĩ đại, siêu đối xứng… ông đã đưa Imperial trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về vật lý lý thuyết. Nhiều học trò của ông đã có tác động lớn đến vật lý, tiến trên con đường để chúng ta nghiên cứu về trường lượng tử ngày nay”.
Trong chuyến nghiên cứu ở ĐH Princeton năm 1959, ông đã thảo luận với Oppenheimer về nền tảng của điện động lực học, các bài toán của nó. Salam quan tâm đến điện động lực học lượng tử và lý thuyết trường lượng tử, mở rộng sang vật lý hạt và hạt nhân. Sau đó, ông tập trung vào lý thuyết neutrino và đưa đối xứng bất đối xứng – một đối xứng của sắc động lực học lượng tử trong giới hạn khối lượng quark được thiết lập bình đẳng về không – đóng vai trò thiết yếu trong phát triển lý thuyết tương tác điện yếu sau này.
Abdus Salam từng có một cơ hội giành giải Nobel vào năm 1952, khi gửi một bài báo tới Wolfgang Pauli, trong đó trình bày quan điểm khoa học của mình. Pauli phản hồi “Tôi gửi lời hỏi thăm tới người bạn Salam của tôi và tôi muốn nói rằng hãy nghĩ về điều gì đó tốt hơn đi”. Salam đã không xuất bản bài báo này theo lời khuyên của bạn mình nhưng nhiều năm sau, Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo đã nhận giải Nobel cho chính công trình tương tự.
“Đỉnh cao trong sự nghiệp vật lý của tôi đến vào năm 1979 khi tôi cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý với Sheldon Glashow và Steven Weinberg cho sự thống nhất điện từ và hạt nhân yếu thành điện yếu, một trong những thành tựu của vật lý thế kỷ 20”. (Abdus Salam)
Tuy nhiên, Salam có nhiều ý tưởng. Nhờ vậy, ông là một trong những người đặt nền tảng cho vật lý hiện đại, Claudia de Rham đánh giá. Ông đưa khối lượng Higgs bosons vào Mô hình chuẩn, và sau đó dự đoán về sự tồn tại của phân rã proton. Năm 1961, ông nghiên cứu với John Clive Ward về đối xứng, thống nhất điện yếu và ba năm sau là lý thuyết Gauge cho tương tác yếu và điện từ, cuối cùng có được mô hình SU(2) × U(1). Ông tin là mọi tương tác hạt cơ bản trên thực tế đều là các tương tác gauge. Với sự tham gia của Weinberg và Sheldon Glashow, Salam trình bày khái niệm toán học của công trình này.
Đây là giai đoạn bùng nổ của Salam. Một mặt ông cùng với Glashow và Jeffrey Goldstone chứng minh về mặt toán học định lý Goldstone, mặt khác ông cùng Weinberg tích hợp cơ chế Higgs vào khám phá của Glashow để dẫn đến một hình thức hiện đại của lý thuyết điện yếu, để rồi vào năm 1968, cùng với Weinberg và Glashow cuối cùng chứng minh được khái niệm toán học của công trình.
Việc tích hợp cơ chế Higgs vào lý thuyết điện yếu (thống nhất giữa các lực điện từ và lực yếu) làm thay đổi cách chúng ta nhìn vào thế giới này bởi trước đó, các nhà vật lý tin là có bốn lực cơ bản trong tự nhiên: lực hấp dẫn, lực hạt nhân mạnh và lực hạt nhân yếu, và lực điện từ. Salam chứng minh rằng lực yếu trên thực tế không khác biệt với lực điện từ và cả hai có thể chuyển hóa cho nhau.
Với việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của đối xứng và chứng tỏ một số lực, có thể xuất hiện hoàn toàn khác biệt nhưng trên thực tế lại có sự liên kết với nhau, Salam xứng đáng được trao giải Nobel cùng Weinberg và Glashow. Ông nói về vinh dự lớn lao này “Đỉnh cao trong sự nghiệp vật lý của tôi đến vào năm 1979 khi tôi cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý với Sheldon Glashow và Steven Weinberg cho sự thống nhất điện từ và hạt nhân yếu thành điện yếu, một trong những thành tựu của vật lý thế kỷ 20. Lý thuyết này đã đem lại những dự đoán có thể xác nhận bằng thực nghiệm, trong đó dự đoán lớn nhất là một hạt mới có thể tồn tại ở các mức năng lượng cực đoan. Để kiểm chứng lý thuyết, chúng tôi đã phải thuyết phục các nhà vật lý thực nghiệm làm việc trên các máy gia tốc hạt lớn xây dựng thiết bị mới: để tạo ra, về nguyên lý, các điều kiện có thể tương tự ở những khoảnh khắc đầu tiên của quá trình khởi sinh vũ trụ”.
Bị hắt hủi ở quê hương
Ở góc độ khoa học, Salam là một nhà vật lý khá hoàn hảo. Ian Walmsley, nhà nghiên cứu quang lượng tử ở Imperial đã từng nhận xét ấn tượng của mình về ông “Tôi đã may mắn gặp Salam khi học ở Khoa Vật lý năm 1977. Tuy không hiểu nhiều những gì ông nói nhưng sự hiện diện của Salam thực sự quan trọng với những người trẻ bắt đầu nghĩ về những bài toán khó và có được ý nghĩa về các bài toán ông đang làm. Niềm đam mê của ông thực sự kỳ diệu với sinh viên trẻ như tôi. Sau khi ông giành giải Nobel vào năm 1979, tôi nghĩ nhóm của Salam có lẽ là nhóm lý thuyết hàng đầu ở Anh và một trong những nhóm xuất sắc nhất thế giới. Thật kỳ diệu khi khoa chúng tôi có được những người như ông”.
Tuy ở Anh nhưng với sự hỗ trợ của thầy mình, Salam lập một chương trình học bổng cho sinh viên của mình ở Pakistan và giữ mối liên hệ bền chặt với quê nhà khi tiếp tục lập một nhóm nghiên cứu lý thuyết mà chủ yếu người tham gia là sinh viên Pakistan. Lý giải về hành động của mình, Salam nói “Ở các quốc gia đang phát triển, ngân sách phân bổ cho khoa học rất nhỏ và các cộng đồng khoa học thì không được coi trọng. Các quốc gia đang phát triển cần phải nhận ra, các nhà khoa học đều là tài sản quý giá. Họ phải được trao cơ hội để có trách nhiệm phát triển KH&CN ở quốc gia mình. Tuy nhiên, ngân sách cho khoa học ở đó thường lại rất nhỏ và dưới mức cần thiết, do đó cần phải tăng kinh phí đầu tư cho khoa học bởi vì thế giới đang bị phân chia thành hai phần, một bên thì dồi dào còn bên kia lại thiếu vắng KH&CN, nên khó có thể tồn tại sự cân bằng. Bổn phận của chúng ta là xóa bỏ sự bất bình đẳng này”. Một người bạn của ông từng thống kê, Salam đã giới thiệu 500 nhà vật lý, toán học và nhiều ngành khác của Pakistan đến những viện nghiên cứu xuất sắc nhất ở Mỹ và Anh.
“Ở các quốc gia đang phát triển, ngân sách phân bổ cho khoa học rất nhỏ và các cộng đồng khoa học thì không được coi trọng. Các quốc gia đang phát triển cần phải nhận ra, các nhà khoa học đều là tài sản quý giá. Họ phải được trao cơ hội để có trách nhiệm phát triển KH&CN ở quốc gia mình”. (Abdus Salam)
Salam rất quan tâm đến văn hóa, bản sắc và tôn giáo. Trong bài phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ Urdu nhân dịp nhận giải Nobel, Salam cho rằng “Sự sáng tạo của vật lý chính là sự chia sẻ di sản của loài người. Đông và Tây, Bắc và Nam đều bình đẳng tham gia. Trong Sách thánh, Đấng Allah đã nói ‘Ngươi có thấy hay không, trong sự sáng tạo của Đấng Khoan dung bất kỳ sự không hoàn hảo. Hãy soi chiếu trở lại chính mình, có thấy bất kỳ vết nứt nào không. Sau đó nhìn lại chính mình, nhìn đi nhìn lại…’ Hiệu ứng này là niềm tin của mọi nhà vật lý; cái sâu sắc hơn chúng tôi tìm kiếm, điều kỳ điệu lớn hơn chúng tôi phấn khích, cái sáng chói lớn hơn chúng tôi say mê. Tôi nhìn thấy điều đó, không chỉ ở những người ở đây tối nay mà còn ở những người thuộc thế giới thứ ba, những người cảm thấy lạc đường trong quá trình theo đuổi khoa học bởi không có cơ hội và nguồn lực hỗ trợ”.
Salam không nói suông. Năm 1964, ông đã lập Trung tâm Nghiên cứu Vật lý lý thuyết Quốc tế (ICTP) ở Trieste, Italy, nhằm đem lại một nơi chốn cho sinh viên từ các quốc gia đang phát triển đến nghiên cứu, kết nối với các nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Thật kỳ lạ là ở quê nhà, Salam chưa bao giờ được đón nhận rộng rãi. Lý do là ông thuộc về cộng đồng thiểu số Islam Ahmadiya có nguồn gốc từ Ấn Độ thuộc Anh do Mirza Ghulam Ahmad thành lập vào cuối thế kỷ 19. Việc cộng đồng Ahmadiya công nhận Ahmad là một nhà tiên tri đã bị những người Hồi giáo chính thống coi là dị giáo bởi họ chỉ tin Muhammad là nhà tiên tri cuối cùng. Vào năm 1953, phong trào chống Ahmadiya dấy lên ở khắp Pakistan. “Tình thế rõ ràng đến mức hoặc là tôi phải rời Tổ quốc mình hoặc phải chia tay vật lý”, Salam nói trong một cuốn băng tư liệu mà sau được trích lại trong một bộ phim của Netflix làm về ông. “Và vô cùng đau khổ, tôi đã chọn đường rời đất nước mình”.
“Trong 70 năm sống trên cõi đời, Salam đã làm việc liên tục để tìm những cấu trúc ẩn dấu tuyệt đẹp – cả về toán học lẫn xã hội – và mang các lý thuyết và con người riêng rẽ đến cạnh nhau. Ông có được tầm nhìn này từ chính niềm tin và sự đối xứng mà ông thừa hưởng từ văn hóa của tôn giáo mình thờ phụng”. (nhà lý thuyết dây Tasneem Zehra)
Tâm trí Salam luôn nặng nề vì phải xa quê hương nhưng ông chỉ trở về vào đầu những năm 1970 với lời mời của Tổng thống Zulfikar Ali Bhutto cho chương trình bom hạt nhân đầu tiên của Pakistan. Tuy nhiên, Bhutto đã ban hành quyết định gây tranh cãi chống lại những người Ahmadiya, không công nhận họ là người Hồi giáo để xoa dịu phe đối lập. Không rõ điều nào làm Salam ngạc nhiên nhiều hơn: cuộc thử bom nguyên tử của Ấn Độ dưới lòng đất Pokhran vào năm 1974 hay việc mất đi ủng hộ của Bhutto khi đưa ông và cộng đồng Ahmadiya xuống vị trí công dân hạng hai, chỉ cách nhau vài tháng. Rút cục, ông từ chức vị trí cố vấn khoa học của Tổng thống Pakistan, tập trung nỗ lực vào phản đối chương trình vũ khí hạt nhân ở khắp mọi nơi.
Đó là lý do Pakistan miễn cưỡng tổ chức lễ chúc mừng ông nhận giải Nobel khi bị Ấn Độ đặt vào thế không thể. Biết tin Salam được trao giải thưởng ở Thụy Điển, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi gửi điện tín chúc mừng “Ông có thể đến Ấn Độ để chúng tôi có thể chúc mừng ông được không”. Con trai ông kể, chính quyền Pakistan biết được điều đó và buộc phải gửi Salam một lời mời tương tự. Khi đó, Salam thông báo với bà Gandhi là ông sẽ tới Pakistan trước và sau đó là Ấn Độ. Sau buổi lễ trọng thể ở Ấn Độ, ông đã nhờ bà Gandhi tìm giúp người giáo viên dạy toán Anilendra Ganguly ở trường Sanatan Dharma, Lahore, người mà ông tin đã dẫn đường cho mình trở thành nhà khoa học. Salam đã phải chờ hai năm để thỏa nguyện; ngày 19/11/1981, cuối cùng ông cũng tới được nhà thầy mình ở Nam Kolkata. Lúc đó, Ganguly đã già yếu đến mức không thể ngồi dậy và chỉ có thể nằm đó mỉm cười hiền hậu với người học trò tài năng. Trong khung cảnh xúc động đó, Salam đặt tấm huy chương Nobel lên ngực thầy rồi cúi xuống ôm lấy ông “Thưa thầy Anilendra Ganguly, phần thưởng này là kết quả của những bài giảng và tình yêu toán học mà thầy đã truyền cho tôi”.
Dẫu bị Pakistan đặt vào vị trí công dân hạng hai và đứng trước nhiều sự lựa chọn khác khi Ấn Độ, Anh, Ý đều đề nghị Salam nhận quốc tịch mới nhưng cho đến khi qua đời, ông vẫn là công dân Pakistan. Imam Adeel, nhà làm phim sinh ra ở Pakistan nhưng chuyển tới London, nói rằng sở dĩ như vậy là vì lối suy nghĩ của người Ahmadiya “Những người Hồi giáo Ahmadiya, trong đó có tôi, dành tình yêu lớn lao cho Pakistan và sẽ luôn ở mặt tiền bảo vệ Tổ quốc bất cứ lúc nào Tổ quốc gọi”.
Sau những gì phải nếm trải, Salam ngày càng nhấn mạnh vào bản sắc Hồi giáo của mình “Tôi là người Hồi giáo đầu tiên có được giải thưởng khoa học này, khi phá vỡ các rào cản và loại bỏ sự yếm thế đã ám ảnh giới trẻ Hồi giáo trong hàng thế kỷ. Vinh dự này có được là nhờ cảm nhận của người vượt qua được xung đột tôn giáo, văn hóa và khoa học”. Qua đời vào năm 1996 và tang lễ ba vạn người đưa tiễn, ông nằm tại nghĩa trang ở Rabwah, Pakistan, cạnh cha mẹ mình. Trên bia mộ có ghi ông là nhà khoa học Hồi giáo đầu tiên giành giải Nobel, cho đến khi chính quyền địa phương đục khỏi chữ “Hồi giáo”. Đó là lý do mà các nhà làm phim Pakistan đã lấy tên “Salam, The First ****** Nobel Laureate” (Salam, người ****** đầu tiên giành giải Nobel) cho bộ phim tài liệu về cuộc đời ông vào năm 2018, một nỗ lực đưa chân dung và sự nghiệp của ông trở lại tâm điểm.
Bộ phim tài liệu này đã cho hậu thế một cái nhìn cận cảnh hơn về Salam bởi ông là người tách biệt đời sống cá nhân và khoa học. Để miêu tả ông, những người thân cận thường dùng những từ “thuyết phục”, “nhân ái”, “nhạy cảm”, “tuyệt vời”, “sáng chói”, “duyên dáng” nhưng cũng có những từ “thiếu kiên nhẫn”, “khắc nghiệt”, “thô bạo”. Thư ký nhiều năm của ông cho rằng “ông ấy rất biết thuyết phục người khác, rất nhân ái và cũng rất khó tính”. Cả hai người vợ ông – Amtul Hafeez Begum người Pakistan, và Louise Johnson, nhà hóa sinh người Anh – đều nói ông ít có thời gian dành cho gia đình bởi phần lớn thời gian, ông đều dành cho ICTP. Tasneem Zehra, nhà lý thuyết dây người Pakistan, ngợi ca Abdus Salam “Ông có năng lực thấy sự tương đồng ẩn giấu sâu sắc giữa các lực riêng rẽ trong tự nhiên cũng như khả năng xuyên thấu các lớp chính trị và tôn giáo để thấy những liên kết chung kết nối tất thảy chúng ta. Trong 70 năm sống trên cõi đời, Salam đã làm việc liên tục để tìm những cấu trúc ẩn giấu tuyệt đẹp – cả về toán học lẫn xã hội – và mang các lý thuyết và con người riêng rẽ đến cạnh nhau. Ông có được tầm nhìn này từ chính niềm tin và sự đối xứng mà ông thừa hưởng từ văn hóa của tôn giáo mình thờ phụng”.
Có lẽ, vẫn cần đến thời gian để Pakistan trân trọng người con xuất sắc của mình. Vào tháng 5/2024, QAU, Viện Hàn lâm Khoa học Pakistan và Trung tâm Vật lý Quốc gia đã lên kế hoạch tổ chức Festival Abdus Salam trong ba ngày để khuyến khích KH&CN và giáo dục nhưng rồi phải hoãn lại vì tiếp tục bị phản đối.
Gần ba thập niên sau khi qua đời, cùng với vết đục trên bia mộ, sự phản đối này càng làm mưng thêm nỗi đau vẫn còn đang ngưng kết trong trái tim cao quý của Abdus Salam.□
Anh Vũ tổng hợp
Nguồn: https://physicsworld.com/a/abdus-salam-honouring-the-first-muslim-nobel-prize-winning-scientist/
https://cerncourier.com/a/ictp-theorists-in-the-developing-world
Bài đăng Tia Sáng số 22/2024