AI có thể bổ trợ cho kỹ năng con người trong nhiều công việc khác nhau

Một hiểu lầm phổ biến là AI có thể dễ dàng thay thế con người. Trên thực tế, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận riêng để kết hợp năng lực của AI với sự tinh tế của con người.

Thời gian gần đây, các loại AI đang nổi lên như một công nghệ có khả năng “cách mạng hóa” hàng loạt ngành công nghiệp. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có ý đồ tích hợp công nghệ này vào hoạt động của mình thường bị choáng ngợp bởi vô vàn phương pháp hứa hẹn giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho AI.

“Tình trạng thừa mứa hướng dẫn như vậy có thể khiến doanh nghiệp bối rối thay vì giúp họ nhìn rõ”, TS. Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh doanh sáng tạo, Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét. “Việc khai phá sức mạnh của AI không theo công thức duy nhất mà phụ thuộc vào bản chất của từng doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh, cũng như sứ mệnh và mục đích cốt lõi của riêng họ.”

Những quan niệm sai lầm về AI

Theo TS. Hiệp, một hiểu lầm phổ biến là AI có thể dễ dàng thay thế con người. Trên thực tế, hầu hết các công việc đều yêu cầu kết hợp giữa những đầu việc lặp đi lặp lại một cách máy móc và những nhiệm vụ tinh vi dựa trên phán đoán của con người.

Ví dụ, trong ngành báo chí, AI tạo sinh có thể soạn thảo bản nháp đơn giản dựa trên dữ liệu, cho phép người viết tập trung vào việc bổ sung thêm các nội dung có chiều sâu, bối cảnh, phỏng vấn và phân tích – những công việc đòi hỏi sự đồng cảm, phán đoán và trực giác. Tương tự, AI có thể tạo ra bố cục thiết kế cơ bản, cho phép nhà thiết kế tập trung vào việc tinh chỉnh để tạo ra những tác phẩm đánh vào cảm xúc con người.

Bên cạnh đó, cần hiểu rằng hành trình tích hợp AI không phải là một đường thẳng tắp. Mỗi công ty phải xác định mục tiêu cụ thể khi ứng dụng AI tạo sinh để từ đó điều phối chiến lược và có các bước chuẩn bị phù hợp.

Chẳng hạn, các trang tin có thể dùng AI tạo sinh để soạn thảo tin nháp một cách nhanh chóng, còn các công ty quảng cáo có thể sử dụng công nghệ này trong công đoạn lên ý tưởng khi viết khẩu hiệu quảng cáo sáng tạo. Mục tiêu sử dụng AI của họ khác nhau – trang tin cần tốc độ còn công ty quảng cáo thì cần sự sáng tạo phù hợp với thương hiệu. Cả hai đều không thể đạt được kết quả mong muốn nếu không có cách tiếp cận AI phù hợp.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì

TS Hiệp cho rằng động cơ kinh doanh khi tích hợp AI có thể được phân loại dựa trên hai tiêu chí: (1) vai trò của AI trong việc thay thế hoặc nâng cao các kỹ năng hiện tại và (2) ứng dụng AI hướng tới nội bộ hay khách hàng. Việc phân loại này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lập chiến lược và điều chỉnh việc triển khai AI phù hợp với mục tiêu của tổ chức.

Đầu tiên, doanh nghiệp nên xác định liệu công nghệ AI mà họ cần sẽ thay thế hay nâng cao kỹ năng sẵn có.

Để ứng dụng AI nhằm nâng cao kỹ năng, doanh nghiệp cần phát triển chương trình đào tạo, cơ chế phản hồi, và hệ thống đo lường hiệu suất công việc phù hợp. Lấy ví dụ từ nhà sản xuất thang máy KONE, doanh nghiệp này sử dụng cảm biến internet vạn vật (IoT) để dự đoán nhu cầu bảo trì. Điều này yêu cầu cơ chế phản hồi giúp kỹ thuật viên cập nhật tình hình thực tế mà máy móc không quan sát được. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật chỉ số đo lường hiệu quả và thay đổi chương trình đào tạo.

Ngược lại, khi đưa AI vào thay thế kỹ năng thì doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện tập trung vào tư duy phát triển của tổ chức, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân viên và lập kế hoạch dự phòng. Dự án AutoBus của Thụy Sĩ nhằm mục đích thay thế tài xế xe buýt bằng các phương tiện điều khiển bằng AI là một ví dụ điển hình. Để tích hợp AI thành công, nhân viên của doanh nghiệp này phải thích ứng với thay đổi công nghệ, và doanh nghiệp cần có kế hoạch dự phòng cho những gián đoạn không lường trước được, chẳng hạn như chuẩn bị tài xế dự phòng là con người.

Tiêu chí thứ hai – ứng dụng AI cho nội bộ hay hướng tới khách hàng – lại yêu cầu cách tiếp cận khác.

Nếu muốn ứng dụng AI hướng tới khách hàng, doanh nghiệp phải tiên phong trong nghiên cứu AI, nhấn mạnh thiết kế lấy người dùng làm trung tâm và am hiểu nhu cầu của khách hàng. Lấy ví dụ Tesla trong việc phát triển xe tự lái, họ phải là người đi đầu trong đổi mới AI, ưu tiên thiết kế lấy người dùng làm trung tâm và định vị sản phẩm của mình trên thị trường một cách chiến lược.

Khi sử dụng AI để hợp lý hóa các quy trình nội bộ, trọng tâm lại thay đổi. Lãnh đạo doanh nghiệp phải ưu tiên phát triển kỹ năng phân tích và diễn giải dữ liệu của nhân viên. Một nhiệm vụ quan trọng khác là quản lý hiệu quả quá trình chuyển đổi, giúp nhân viên có thể thích nghi và cộng tác với các công cụ AI mới. Những quy trình như vậy đòi hỏi người lao động có kỹ năng cao trong diễn giải dữ liệu, cũng như các chiến lược quản lý thay đổi bài bản từ đội ngũ lãnh đạo.

Xét cho cùng, AI xoay quanh sự cân bằng tinh tế giữa chuyên môn của con người và tự động hóa. Quy trình tích hợp AI không có công thức chung dành cho tất cả các tổ chức – nó thay đổi tùy vào mục tiêu kinh doanh, vai trò của AI trong việc bổ trợ hoặc thay thế công việc của con người, và trọng tâm ứng dụng AI.

Như có thể thấy trong các ví dụ từ ngành báo chí đến ô tô, mỗi doanh nghiệp cần có cách tiếp cận riêng để kết hợp năng lực của AI với sự tinh tế của con người. Các doanh nghiệp phải điều chỉnh và tinh chỉnh chiến lược của mình khi công nghệ tiến bộ, đảm bảo kết nối hài hòa giữa các chuyên gia con người và AI để đạt được hiệu quả tối đa.

Phạm Nhung

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)