Ai sở hữu tâm trí một nhà khoa học? (kỳ 1)

Doanh nghiệp Mỹ ngày càng có nhiều quyền đối với các ý tưởng của các nhà nghiên cứu của mình. Nhưng kiểm soát tri thức không phải việc dễ dàng.


Nhà máy hóa chất Dupont tại Camden, Nam Carolina trên một postcard năm 1935.

Cuối thập kỷ 1990, giới quản lý doanh nghiệp và giới nghiên cứu của các trường đại học cố gắng giải quyết một vấn đề ngày càng cấp bách và nhận được nhiều sự quan tâm: Khi những người lao động tri thức, thí dụ các nhà vật lý học làm việc trong công nghiệp, rời chỗ làm vào cuối ngày, cũng là lúc họ mang theo mình những tài sản trí tuệ giá trị. Các nhà quản lý không sợ bị mất các tài liệu liên quan đến bằng sáng chế. Họ lo bị mất một bộ kỹ năng vô hình, sự hiểu biết sâu sắc về cách vận hành của công ty, quan hệ với các nhân viên kỹ thuật khác, và những know-how làm nên giá trị vượt trội của một nhân viên kinh nghiệm so với một người mới ra trường. Nói cách khác, doanh nghiệp lo sợ không sở hữu được toàn bộ tâm trí của các nhà khoa học.

Cuộc đấu tranh về việc ai sở hữu các ý tưởng đã kéo dài hàng thế kỷ. Là người đưa nghĩ ra ý tưởng? Là người chủ tài trợ cho nghiên cứu? Hay là các ý tưởng nên được chia sẻ một cách nào đó giữa hai bên?

Phần lớn cuộc đấu tranh đó có kết cục là các nhà khoa học mất dần quyền kiểm soát đối với những phát minh của mình, cả trong công nghiệp lẫn trong khu vực học thuật. Trước đây các bằng sáng chế được mặc định là của nhà phát minh, nhưng ngày nay chúng thuộc về người chủ công ty. Kỹ năng thực hành và kinh nghiệm với quá trình nghiên cứu từng là phẩm chất cá nhân cơ bản nhất của một nhân viên, nhưng các luật sư doanh nghiệp đã xây dựng nhiều công cụ pháp lý khác nhau để ngăn cản những lao động trình độ cao đem chúng ra thị trường tự do. Trong những năm 1990, nhiều nhóm gồm các thạc sĩ quản trị kinh doanh và các học giả của các trường kinh doanh cùng chung sức tìm hiểu xem liệu những tiến bộ về công nghệ thông tin, về các phương pháp quản lý, về luật, và về xã hội học có thể giúp họ trích xuất được những know-how của nhân viên, giúp cho công ty có thể lưu giữ và sở hữu chúng vĩnh viễn. Hệ quả là sự ra đời của lĩnh vực nghiên cứu và xu hướng quản lý được gọi là “quản trị tri thức”.

Bài viết này lần lại những thay đổi ở Mỹ về luật, về các thông lệ trong kinh doanh, và về kỳ vọng của xã hội đối với nghiên cứu và phát minh, từ đó làm sáng tỏ lịch sử về sự kiểm soát của doanh nghiệp đối với những ý tưởng của các nhà khoa học. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà quyền sở hữu trí tuệ được quy định chặt chẽ trong khi sự bảo vệ dành cho nhân viên thì tương đối lỏng lẻo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, nơi ít có công đoàn. Từ chỗ một nhà khoa học trong khối công nghiệp có quyền sở hữu không thể chối cãi đối với các ý tưởng của mình, qua nhiều thế kỷ, quyền tự quyết đó đã bị bào mòn theo nhiều cách khác nhau. Biết về quá khứ đó có thể giúp các nhà khoa học xác định được mình nên kì vọng điều gì ở tương lai.

Bằng sáng chế và phát minh

Ở nước Mỹ sơ khai, luật – và cả xã hội – thừa nhận quyền của mỗi người đối với thành quả trí tuệ của mình. Vì thế, hiển nhiên là các nhà phát minh sở hữu mọi bằng sáng chế về các công nghệ mình phát triển, cho dù họ đang làm việc cho ai. Một nhà phát minh tất nhiên có thể bán một bằng sáng chế, nhưng nói chung công ty không thể đòi hỏi nhân viên chuyển nhượng lại chúng. Công ty hóa chất DuPont được thành lập năm 1802. Tại thời điểm đó, nếu một nhà hóa học của DuPont tìm ra được một cách cải thiện việc sản xuất thuốc súng hoặc tìm ra một công thức thuốc nhuộm mới, bằng sáng chế sẽ thuộc về người đó. DuPont sẽ nhận được “quyền sử dụng” (shop right) phát minh mà không phải trả tiền bản quyền, nhưng người nhân viên mới sở hữu bằng sáng chế. Ông ta có thể dùng nó để lập công ty riêng, cấp phép sử dụng, hoặc bán đứt nó.

Cho tới khoảng thời kỳ nội chiến Mỹ, một nguyên lý cơ bản của luật hợp đồng là hai bên phải được hưởng lợi ngang nhau. Ngày nay nguyên lý đó vẫn đúng ở một chừng mực nào đó – một giao kèo mà chỉ có một bên được lợi, chẳng hạn một lời hứa hiến tặng tiền từ thiện, thì không bị ràng buộc bởi pháp luật. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 19, nguyên lí này được tuân thủ mạnh mẽ hơn nhiều; các quan tòa có khi vô hiệu hóa các hợp đồng mà họ cho là quá bất công. Với hợp đồng lao động của các nhà phát minh, điều đó có nghĩa là các quan tòa thường từ chối việc thi hành một điều khoản đòi hỏi nhà phát minh chuyển nhượng lại các bằng sáng chế được phát triển trong thời gian làm việc cho công ty.

Công chúng và luật thời đó coi bằng sáng chế là một phần thưởng cho hoạt động sáng tạo, là một sự đền đáp của xã hội cho việc tạo ra một thứ hữu ích. Như được ghi trong điều đầu tiên của Hiến pháp Mỹ, bằng sáng chế tồn tại “để thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các ngành nghệ thuật có ích, bằng cách đảm bảo trong một thời gian hữu hạn cho các tác giả và các nhà phát minh độc quyền đối với các tác phẩm và các phát minh của họ.”

Tới đầu thế kỷ thứ 20, tình thế gần như hoàn toàn bị đảo ngược. Sau nhiều thập kỷ bị chi phối bởi các thẩm phán thân doanh nghiệp, tòa án chuyển sang thiên về khái niệm tự do trong hợp đồng. Theo tư tưởng mới, việc của tòa án không phải là ép các hợp đồng giao dịch tuân theo quan niệm của mình về công bằng. Nếu ai đó lựa chọn bán nhà của mình với giá 1 USD, đó là quyền của họ, kể cả nếu người mua sẵn sàng trả hơn rất nhiều. Nếu một nhà khoa học lựa chọn ký vào một hợp đồng lao động đồng ý từ bỏ quyền sáng chế đối với mọi phát minh trong thời gian làm nhân viên, thì đó là lựa chọn của họ và tòa án phải tôn trọng. Trên lý thuyết, luật giả định là các nhà khoa học yêu cầu và được đền bù một cách công bằng cho việc nhượng lại các quyền đó.

Tuy nhiên, trong thực tế, người thất nghiệp hiếm khi có khả năng mặc cả từng chi tiết của hợp đồng lao động, nhất là nếu một số điều khoản đã trở thành tiêu chuẩn của giới công nghiệp. Ngày nay, nhiều công ty tư nhân và trường đại học đòi hỏi người làm đồng ý rằng bất cứ thứ gì được tạo ra với sự hỗ trợ của công ty hoặc trường đại học đều thuộc về tổ chức chứ không thuộc về cá nhân. Nhân viên còn có ít quyền lực hơn nếu các công ty cấu kết với nhau. Trong một vụ kiện nổi tiếng năm 2013, một số công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, trong đó có Apple, Google và Pixar, bị kiện vì đồng ý không tuyển nhân viên của nhau để giữ mức lương thấp. Sau khi Bộ Tư pháp Mỹ điều tra, các công ty đã phải trả một khoản tiền lớn, nhưng vụ kiện hầu như không làm thay đổi quan điểm rằng người lao động có thể đòi hỏi sự đền bù hợp lý trong hợp đồng lao động.

Bí mật thương mại và thỏa thuận không cạnh tranh

Mặc dù bằng sáng chế được nói đến nhiều nhất trong các thảo luận về sở hữu trí tuệ, các công ty đủ mọi quy mô thường phụ thuộc nhiều hơn vào bí mật thương mại để bảo vệ các sáng kiến của mình.

Dựa vào bí mật thương mại không chỉ là giữ kín một quy trình. Thực chất, một công ty có thể được pháp luật bảo hộ đặc biệt cho các bí mật công nghiệp của nó dưới một số điều kiện. Nó phải chứng minh được trước tòa các nỗ lực thiện chí để giữ bí mật về một quy trình – thí dụ hạn chế ra vào một số khu vực, hoặc huấn luyện nhân viên về những gì được và không được tiết lộ. Quy trình phải được chứng minh là có giá trị và chưa từng được công khai trên các ấn phẩm truyền thông đại chúng thì công ty mới có thể nhờ pháp luật bảo vệ bí mật cho nó.

Bí mật thương mại cũng có lịch sử, và tùy theo cách bạn đếm, nó có thể rất ngắn, hoặc rất dài. Một số nguồn gốc của luật về bí mật thương mại có từ hàng trăm năm trước, từ luật thời xưa ở Anh về việc các thợ cả trong các phường hội được phép chỉ truyền kiến thức cho đồ đệ của mình. Trong thực tiễn nói chung, dĩ nhiên, các doanh nghiệp vẫn sử dụng bí mật thương mại để giữ ưu thế cạnh tranh, từ bí mật sản xuất thủy tinh quang học tới thuật toán phía sau những kết quả tìm kiếm của Google.

Luật của Mỹ về bí mật thương mại lại tương đối trẻ. Khi luật về bí mật thương mại thay đổi, những tiêu chuẩn đối xử của doanh nghiệp đối với các nhà khoa học cũng thay đổi. Trước thế kỷ thứ 20, luật cho các công ty ít quyền kiểm soát đối với nhân viên cũ. Các công ty có thể kiện những người tìm cách lấy cắp bí mật thương mại của họ, thí dụ bằng cách hối lộ nhân viên để tuồn ra ngoài tài liệu quan trọng. Tuy nhiên, rất khó chứng minh hành vi phạm pháp đó, nhất là khi tái phát minh ra bí mật thương mại của người khác bằng thử nghiệm hoặc bằng kỹ thuật dò ngược [reverse engineering] là hoàn toàn hợp pháp.


Máy gia tốc cyclotron (trái) và lược đồ Feynman (phải) là những ví dụ về những tiến bộ khoa học rất khó truyền bá chỉ bằng các tài liệu viết .

Thường thì tòa án gặp phải những trường hợp mơ hồ hơn, như một nhân viên nghỉ việc mở công ty riêng với công nghệ mình đã phát triển, hoặc sang làm cho một công ty cạnh tranh nhưng không mang theo tài liệu gì. Khi đó, có thể tưởng tượng được là nhân viên đó đã tiết lộ bí mật thương mại, nhưng chứng minh điều đó là gần như không thể. Một số công ty tìm cách thuyết phục tòa án ra lệnh cấm người nhân viên đi làm ở nơi mới, nhưng vào thế kỷ thứ 19, các quan tòa gần như sẽ luôn luôn bác bỏ những đề nghị như thế. Thời đó, quyền sử dụng tay nghề và kiến thức để kiếm sống của một người được coi là có giá trị xã hội quan trọng hơn là quyền kiểm soát của công ty đối với các thông tin có giá trị tiềm tàng.

Trong các thập kỷ 1940 và 1950, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý, khai thác, và kiểm soát kiến thức vô hình, hay know-how. Có thể sự trỗi dậy sau chiến tranh của thương mại quốc tế cho thấy rõ rằng trao đổi khoa học và công nghệ giữa các nền văn hóa khác nhau là việc khó khăn và chỉ gửi tài liệu thôi thì không đủ. Thông tin thường phải được một người nắm rõ kiến thức đích thân truyền đạt. Về việc này, có nhiều thí dụ nổi tiếng trong vật lý. Sau khi máy gia tốc cyclotron được phát minh vào những năm 1930, chỉ những phòng thí nghiệm từng đón tiếp những người đã làm việc với máy cyclotron trước đó là xây dựng được một chiếc máy của riêng mình. Chỉ có báo cáo thôi thì không bao giờ đủ. Nhà sử học David Kaiser chỉ ra rằng lược đồ Feynman cũng thế, chúng trở nên phổ biến khi những người trực tiếp học về chúng đi khắp nơi trên thế giới.

Sự quan tâm đến know-how cũng có thể liên quan đến nỗi lo sợ trong Chiến tranh lạnh về việc các gián điệp phe cộng sản lấy cắp các bí mật khoa học như kế hoạch vũ khí hạt nhân. Trong một bài phỏng vấn năm 1948, J. Robert Oppenheimer nói “cách tốt nhất để gửi thông tin là gói nó ở trong một người.”

Dù có những nguyên nhân lịch sử sâu xa, hầu hết luật về bí mật thương mại có từ vài thập kỷ trở lại đây. Các bang riêng rẽ bắt đầu thông qua luật thống nhất đầu tiên về bí mật thương mại, Uniform Trade Secret Act (Luật chung về bí mật thương mại), năm 1979, trước yêu cầu của các doanh nghiệp; đến năm 2013 nó đã được 47 bang thông qua. Luật liên bang đầu tiên về bí mật thương mại, Defend Trade Secret Act (Luật bảo vệ bí mật thương mại), sao chép lại hầu hết các điều khoản của luật cấp bang vào năm 2016.

Các điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng lao động có liên quan mật thiết với việc bảo vệ bí mật thương mại. Đầu những năm 1800, các doanh nghiệp bắt đầu quy định trong thông báo tuyển nhân viên rằng nhân viên không được gia nhập hoặc thành lập một công ty cạnh tranh sau khi thôi việc hoặc bị sa thải. Lúc đầu, các quy định đó bị đình trệ vì sự lo ngại cho quyền của người lao động đối với thành quả trí óc của mình, nhưng một triết lý mới thiên về sự tự do của hợp đồng dần dần bào mòn sự bảo vệ đó. Tới Thế chiến thứ nhất thì các điều khoản không cạnh tranh đã khá phổ biến trong các công việc kỹ năng cao. Xu hướng đó tiếp tục cho đến ngày nay, khi đến cả các nhân viên của các hãng đồ ăn nhanh đôi khi cũng ký vào thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh.

Luật mới và mức phạt mới

Trong khi hầu hết những thay đổi trong luật bí mật thương mại được thúc đẩy bởi các quyết định của tòa án, các cơ quan lập pháp cũng có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bước tiến tới các mức án hình sự cho việc tiết lộ bí mật thương mại. Trước đây, vi phạm bằng sáng chế của người khác khiến bạn có thể bị kiện nhưng không phải ngồi tù. Tuy nhiên, từ khi có Economic Espionage Act (Luật gián điệp kinh tế) năm 1996, các ủy viên công tố liên bang có thể khởi tố bất cứ ai sở hữu trái phép các bí mật thương mại ở dạng văn bản. Trong một vụ nổi tiếng năm 2009, Sergey Aleynikov, một cựu lập trình viên của Goldman Sachs, đã bị bắt, khởi tố và bị tuyên án tám năm tù không được ân xá, vì tội đánh cắp bí mật thương mại. Bí mật thương mại ở đây là những mã máy tính do chính ông ta viết, và sao lưu trên một hệ thống lưu trữ đám mây, khi còn là nhân viên. Không hề có bằng chứng cho thấy ông ta đã truy cập lại chúng sau khi rời Goldman Sachs.

Cùng năm đó, hai kỹ sư bị buộc tội, sau đó trắng án, chuyển bí mật thương mại về sản xuất chất bán dẫn của một công ty ở bang California cho một nhà sản xuất Trung Quốc. Năm 2010, Kexue Huang, một công dân Canada làm việc cho công ty Dow Agro-Sciences ở bang Indiana, nhận tội đã chuyển bí mật thương mại về thuốc trừ sâu cho một số công ty ở Đức và Trung Quốc, và bị kết án 15 năm tù. Năm 2015, Xi Xiaoxing, một giáo sư vật lý của Đại học Temple, bang Philadelphia, bị bắt và bị buộc tội gửi bí mật sản xuất màng mỏng cho Trung Quốc, do sự thiếu hiểu biết của các nhân viên Cục Điều tra liên bang (FBI) về các khoa học và công nghệ liên quan. Các cáo buộc sau đó bị gỡ bỏ, và ông Xi vẫn đang kiện lại FBI.

Các cáo buộc hình sự cho tội ăn cắp bí mật thương mại vẫn còn hiếm, nhưng chúng ngày càng trở nên phổ biến. Số lượng điều tra của FBI về các vụ đánh cắp bí mật thương mại tăng 60% từ năm 2009 đến năm 2013. Có thể gián điệp kinh tế là một mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng các vụ khởi tố ngày càng nhiều gây ra tác dụng phụ là các doanh nghiệp nhiều quan hệ có ngày càng nhiều quyền lực đối với nhân viên của mình. Bị ông chủ cũ kiện đòi bồi thường thiệt hại kinh tế hoặc ngăn cản nhận một công việc mới là một chuyện; đối mặt với mười năm tù lại là một chuyện rất khác.

Vẫn có những giới hạn quan trọng cho sự kiểm soát luật định đối với ý tưởng, kỹ năng, và khả năng tìm việc nói chung của một nhà khoa học giỏi. Các điều khoản không cạnh tranh thường chỉ có thể bị buộc thi hành dưới những ràng buộc “hợp lý”, chẳng hạn không được gia nhập một công ty đối thủ trong vòng một hoặc hai năm, trong một khu vực địa lý nhất định, hoặc với một công ty cạnh tranh trực tiếp. Ở một số bang, như California, các nhà lập pháp đã quyết định rằng các điều khoản không cạnh tranh là không bị buộc phải thi hành.

Hơn nữa, có một khía cạnh giá trị của một nhân viên khó có thể hạn chế hoặc luật hóa. Bất kỳ ai làm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đều hiểu rằng cần nhiều hơn kiến thức sách vở để làm cho mọi thứ hoạt động. Chúng ta thường gọi dạng tri thức đó là know-how. Nó bao gồm sự thành thạo sử dụng các thiết bị – thí dụ có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân một cái phổ kế cho ra các số đo bất thường. Hay khả năng sắp xếp thời gian để mọi thứ tiến triển một cách hiệu quả, thay vì tốn nhiều thời gian vô ích giữa các công đoạn. Nó bao gồm việc biết hỏi đúng người khi cần trợ giúp, và các kỹ năng và óc đánh giá vô hình, vốn là lý do mọi chương trình vật lý đều có các môn học thực nghiệm.

Những know- how đó là vô giá, nhưng nó không có một vị trí rõ ràng trong luật sở hữu trí tuệ Mỹ. Một số trong đó có thể được coi là bí mật thương mại, nhưng một thợ hàn bậc thầy không nhất định phải giữ bí mật về kỹ thuật của mình. Giải thích hoặc thể hiện những kỹ thuật đó trước một thợ hàn non tay hơn sẽ không biến người thợ trẻ thành một đối thủ nghiêm túc. Nhiều kỹ năng và sự hiểu biết không thể đem đăng ký bằng sáng chế bởi chúng không phải là một bước phát kiến lớn vượt quá hiểu biết của những người lành nghề khác, thế nhưng chúng vẫn là vô giá.

Vào giữa thế kỷ thứ 20, luật sư của nhiều công ty nỗ lực xây dựng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho know-how. Từ những năm 1950 tới đầu những năm 1970, các doanh nghiệp đấu tranh để mở rộng sự bảo hộ cho know-how như một quyền sở hữu. Cuối cùng, các tập đoàn thất bại vì những thay đổi về luật; các luật sư chuyển hướng tập trung vào việc thúc đẩy sự bảo hộ mạnh hơn cho bí mật thương mại, và ý tưởng về việc bảo hộ pháp lý cho know-how mất dần khỏi trí nhớ của mọi người. Nhưng ý định ngầm kiểm soát các tri thức của các doanh nghiệp vẫn không hề suy giảm. Nó sẽ quay lại dưới một số dạng khác, có lẽ rõ rệt nhất là trong một trào lưu quản lý doanh nghiệp trong thập kỷ 1990 có tên là quản lý tri thức.

Nguyễn Hoàng Thạch, Viện Toán học dịch

Nguồn bài và ảnh: https://physicstoday.scitation.org/doi/10.1063/PT.3.3972

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)