Ai sống ở Đại Nam thế kỷ XIX?
Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi xem ghi chép của vương triều Nguyễn (nhà nước) và các quan chức về những cư dân cư trú trên lãnh thổ hình chữ S. Liệu bạn có tìm thấy người Chăm, người Ede, người Mường, người Khmer… Câu trả lời là không. Thay vào đó là những “Hán nhân”, “Thanh nhân”, “Minh hương”, ‘Phiên nhân”, “man”, “thổ”, …1
Phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đây là câu chuyện về những người sống trên lãnh thổ Việt Nam thế kỷ XIX. Họ gồm những ai và phân bố ở đâu?
Một thống kê nhanh về các ‘nhóm người’2 sống trên lãnh thổ Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ sẽ cung cấp một bức tranh về những người này:
Ví dụ về các nhóm cư dân ở Việt Nam thế kỷ XIX |
||
Vùng đất/ tộc người hiện đại |
Tên gọi |
Nguồn tư liệu |
Người Việt |
Hán nhân |
|
Cambodia |
Phiên Thổ |
|
Trấn Ninh |
Man |
Trong Đại Nam nhất thống chí. |
Hưng Hóa |
Thổ nhân Hắc Thái, Bạch Thái Miêu nhân Bạch Miêu nhân Nùng Nhân Man Nhân Lào Nhân Xiêm Quốc Nhân Xa Lý Nhân Sóc Nhân Sơn Choang Nhân Thọ Nhân Phố Nhân Thanh nhân Minh Hương… |
Phạm Thận Duật (1856). Hưng hóa ký lược. |
Hạ lưu Mekong |
Hán nhân Thổ nhân |
Đại Nam Thực Lục |
|
Thanh nhân |
|
|
Minh hương |
|
Thượng du Ninh Bình, Thanh Hóa |
Thổ nhân |
Đại Nam thực lục |
Bình Thuận Quảng Ngãi |
Kinh dân Thổ dân Man, thổ Kinh cựu thổ dân |
Trong ‘Khâm định tiễu bỉnh Thuận tỉnh man phỉ’, Vũ man tạp lục. |
…. |
|
|
Nguồn: Đại Nam Thực lục, Hưng Hóa ký lược, Đại Nam nhất thống chí, Vũ Man tạp lục…
Tất cả các mô tả này khắc họa một thế giới mà ‘Hán nhân’ chiếm đa số; tập trung chủ yếu tại các đồng bằng trung tâm và vùng thấp. Xung quanh họ là cư dân vùng cao và các nhóm cư dân đường biên. Hãy xem tỉnh Hưng Hóa, một trong những vùng đất có đa dạng tộc người bậc nhất của lãnh thổ Việt Nam mà ngày nay bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, một phần Yên Bái và Phú Thọ. Một quan chức nhà Nguyễn là Phạm Thận Duật được cử lên cai trị và đã mô tả những sắc dân của vùng ‘thượng du’ này.
Thống kê dân đinh và dân ngụ cư ở Hưng Hóa |
||||
Phủ, châu, huyện |
Số đinh |
Ngụ cư |
Số đinh của nhóm ngụ cư |
|
Phủ Gia Hưng |
Huyện Tam Nông |
825 |
|
|
Huyện Thanh Sơn |
689 |
|
|
|
Minh Hương |
6 |
|||
Huyện Thanh Thủy |
349 |
Man |
14 |
|
Châu Sơn La |
284 |
|
|
|
Châu Thuận |
583 |
|
|
|
Châu Mai Sơn |
313 |
Thanh nhân |
9 |
|
Châu Mộc |
340 |
Thanh nhân |
2 |
|
Châu Yên |
161 |
Thanh nhân |
4 |
|
Man |
6 |
|||
Châu Phù Yên |
632 |
Thanh nhân |
2 |
|
Man |
47 |
|||
Châu Mai |
203 |
|
|
|
Châu Đà Bắc |
225 |
Man |
8 |
|
Phủ Hoa Hóa |
Huyện Yên Lập |
316 |
|
|
Huyện Trấn Yên |
296 |
Man |
35 |
|
Châu Thủy Vĩ |
1.182 |
Thanh nhân |
16 |
|
Minh hương |
63 |
|||
Man |
306 |
|||
Châu Văn Bàn |
179 |
Thanh nhân |
4 |
|
Man |
86 |
|||
|
|
|||
Phủ Tây An |
Châu Chiêu Tấn |
521 |
Thanh nhân |
39 |
Nùng |
2 |
|||
Man |
247 |
|||
Châu Luân |
145 |
Thanh nhân |
3 |
|
Châu Quỳnh Nhai |
241 |
Man |
77 |
|
Phủ Điện Biên |
|
|
|
|
Châu Ninh Biên |
444 |
Minh hương |
29 |
|
Thanh nhân |
2 |
|||
Châu Tuần Giáo |
212 |
|
|
Nguồn: Hưng Hóa Ký lược, 1856.
Tại một tỉnh khác ở phía Nam là Bình Thuận, Đại Nam nhất thống chí mô tả “Hán Thổ tạp cư” (Người Hán [Việt] và người Thổ ở lẫn). Lại có những dân Thổ gia nhập vào “giáo hóa”, theo phong tục của người Hán [Việt], nên gọi là “tân dân” (dân mới). Lại có những thôn “đàn ông thì mặc quần áo người Hán, đàn bà mặc quần áo người Thổ, gọi là Kinh cựu Thổ dân [Thổ dân là người Kinh cũ]” (Nam dụng Hán [Việt] phục, nữ dụng Thổ phục, nhất danh Kinh cựu Thổ dân). “Tương truyền là người Kinh Thuận Hóa đến lấy vợ người Thổ, lâu ngày sinh nở thành đông, cho nên dân đã đồng hóa. Ngoài ra dân Man các sách, ở dựa núi, gác nhà sàn, ngôn ngữ líu lo, ăn mặc quê lậu (ăn bằng tay, không dùng đũa)”. Như vậy là Kinh dân/ Hán [Việt], Thổ dân, man dân… ở lẫn lộn nhau, có quan hệ hôn nhân, và thay đổi phong tục, tập quán, cũng như thay đổi tên gọi.
Bức vẽ của Phạm Thận Duật về dân man với các hình xăm. Nguồn: Phạm Thận Duật. 1856.
Vì thế, tộc người (tên gọi, bản sắc, dòng máu…) chưa bao giờ là yếu tố bất biến. Kinh [Hán nhân = Việt] cũng có thể biến thành ‘Thổ’. Ngược lại, ‘Thổ’, nếu gia nhập ‘giáo hóa’ thì thành ‘tân dân’ (và do đó đang trên đường trở thành ‘Hán’).
Tên gọi các nhóm dân cư này và chính sách ‘tộc người’ của triều Nguyễn nằm trong những chuyển biến địa-chính trị, mở rộng lãnh thổ và dự án “văn hóa, văn minh” lớn nhất của người ‘Việt’ ở thế kỷ XIX khi lần đầu tiên lãnh thổ rộng lớn hình chữ S ra đời. Lần đầu tiên những người ‘Kinh’/ ‘Việt’ (chủ nhân của các vương triều trên vùng châu thổ sông Hồng) đã làm một cuộc mở rộng ngoạn mục sau bốn thế kỷ, xác lập một lãnh thổ rộng lớn với đa dạng tộc người chưa từng có trong lịch sử của vùng duyên hải phía Đông Đông Nam Á lục địa.
Với sự xác lập này, không gian kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tộc người truyền thống của ‘Đại Việt’ đã bị phá vỡ. Thay vào đó là một không gian Việt Nam, và sau đó là Đại Nam. Như tôi đã lập luận, không chỉ có việc nhà nước ở Huế lúng túng trong việc định đô, lúng túng trong việc quản lí lãnh thổ và xác lập cân bằng địa chính trị mới, mà còn lúng túng trong việc điều phối sự cân bằng tộc người và xác lập quan hệ tộc người mới trong không gian cai trị của mình.
Tới năm 1804, lần đầu tiên không gian này được gọi là ‘Việt Nam’. Nguồn gốc của tên gọi này là việc vua Gia Long muốn lấy tên Nam Việt để đặt cho vương quốc của mình. Nhà Thanh sợ nhầm lẫn (và đề phòng tham vọng lãnh thổ của Huế) liên quan tới vương quốc Nam Việt của Triệu Đà mà lãnh thổ khi đó bao gồm một phần tỉnh Quảng Đông, đã đảo hai chữ ‘Nam Việt’ thành ‘Việt Nam’.
Trong thế giới ‘Việt Nam’ đó, Gia Long tuyên bố: “Hán di hữu hạn” [Người Việt và dân di phải có giới hạn].
Con trai ông, Minh Mệnh thì nghĩ khác. Ông tìm kiếm một diễn ngôn mới về bản sắc chính trị và tộc người cho vương quốc của mình. Người Việt là ‘Hán nhân’, những hậu duệ thực sự của nền văn hóa Hoa Hạ. ‘Tộc người’, với Minh Mệnh đơn giản được đo bằng thực hành văn hóa. Khác với cha mình, nhà vua tuyên bố “nhất thị đồng nhân” [đối xử bình đẳng như nhau] với tất cả dân chúng, và tham vọng dùng ‘giáo hóa’ để biến tất cả thành ‘Hán nhân’, dù là người vùng cao trên lãnh thổ hình chữ S hay người ‘Phiên’, người ‘man’ ở Lào và Cambodia. Năm 1838, ông đưa ‘Việt’ ra khỏi tên gọi vương quốc của mình, thay vào đó là ‘Đại Nam’, nhấn mạnh tới sự mở rộng không gian địa lý, không gian đế chế và không gian văn hóa:
“Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng, đều thuộc vào trong đồ bản, bãi biển xó rừng khắp nơi theo về cả, trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam, càng tỏ nghĩa lớn, mà chữ Việt cũng vẫn ở trong đó” (Thực lục).
Các quan chức ở Huế chính là những nhà thực hành nhiệt huyết cho ý tưởng này. Lý Văn Phức với tư cách là sứ thần của Đại Nam đã ‘nổi khùng’ khi thấy biển đề công quán dành cho mình là “An Nam di quán”, và quyết làm ra nhẽ bằng cách thảo ngay một bài luận về di (Biên di luận).
Việt ta là phường ấy [di] chăng? Việt ta không phải chúng vậy, mà là hậu duệ của Viêm Đế, họ Thần Nông, bậc thánh Trung quốc thời cổ vậy. Thời cổ là vùng hoang viễn, chưa khai hóa, bấy giờ coi là di thì được. Nhưng đến thời Chu đã là Việt Thường, coi là thị tộc, các đời sau là Giao Chỉ, coi là quận huyện, chưa bao giờ gọi là di cả. …
Huống hồ, từ thời Trần, Lê, quốc thổ An Nam ngày càng mở rộng, đến nay đã gấp bội lần, phía Bắc giáp ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung châu; phía Tây khống chế các tộc man di, tiếp với các nước Nam Chưởng, Miến Điện; phía Đông trông ra bể lớn, ôm bọc các đảo; phía Nam cũng chạm tới biển, vòng qua phía Tây Nam sát vách Xiêm La, các thuộc quốc còn lại và tộc man di khác nhau nội phụ đều đủ cả, thật là một đại quốc sừng sững giữa trời đất. “Chu Nguyên Tạp Vịnh Thảo”; (Trần Quang Đức 2012).
Nhận thức của Lý Văn Phức phản ánh tầm nhìn đã được chuyển đổi của vương triều trong cách thức tiếp cận ‘bản sắc tộc người’ của Huế. Điều này phản ánh sự chuyển dịch lớn trong nhận thức của nhà Nguyễn, đặc biệt là Minh Mệnh về ‘phân loại cư dân’, chính sách đối với các nhóm dân cư, và việc có thể ‘đồng hóa’ các nhóm dân cư khác nhau thành ‘Hán’, sử dụng công cụ giáo hóa.
Trên tinh thần đó, một viên chức triều Nguyễn khác viết đi từ Cambodia đã sử dụng diễn ngôn về Đại Nam như một ‘đại quốc’ và nhấn mạnh tới sức mạnh của ‘giáo hóa’ để thay đổi các ‘tộc người’ khác [Phiên/ Khmer,…], để biến họ thành ‘Hán’ “Trấn Tây phong thổ ký”, Viện Hán Nôm, VHv. 1729).
Cuối cùng, bài viết này không nhằm mục đích phủ nhận các giá trị của thực hành văn hóa, chính trị của nhóm người, tộc người. Sự thực hành đó và các giá trị của chúng trong tiến trình lịch sử là có thật và có giá trị. Ở đây chỉ xin lưu ý rằng các hệ giá trị, tên gọi nhóm/ tộc người và sự thực hành văn hóa, bản sắc tộc người chưa bao giờ là bất biến trong lịch sử. Thông qua việc thống kê cách thức các nhóm cư dân trên lãnh thổ Việt Nam được gọi tên một cách ‘chính thức’ trong các văn bản hành chính, chính sử triều Nguyễn cũng như ghi chép của các quan chức, bài viết chỉ ra rằng trong một quá khứ chưa xa (hơn một thế kỷ trước), những người sống trên lãnh thổ Đại Nam là những nhóm với tên gọi và hình dung rất ‘xa lạ’ so với những người sống trên lãnh thổ hình chữ S ngày nay.
Minh Mệnh và các tổ tiên chưa xa của chúng ta sống trong một thế giới khác. Hệ phân loại tộc người và sự vận hành của ‘tộc người’ trong thế giới của họ khác xa so với cách thức chúng ta đang tư duy về tộc người hiện đại. Vì thế, hãy cẩn thận khi soi chiếu “bản sắc tộc người” vào trong quá khứ. Đó mới là câu chuyện của hai thế kỷ trước. Vậy 2000 năm trước thì sự khác biệt sẽ ra sao? Đồng thời, hãy tưởng tượng (dù biết lịch sử không thể nếu) nếu người Pháp không áp đặt khoa học phương Tây và hệ phân loại tộc người của họ lên xã hội Việt Nam. Nếu không có quá trình hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam hiện đại trong thế kỷ XX thì khi đó các bạn sẽ gọi mình và những nhóm người xung quanh là gì? Liệu những ‘thổ nhân’, ‘man’.., có mất đi? □
Chú thích:
1 Lưu ý rằng trong bản dịch quốc ngữ của bộ Đại Nam Thực lục, phần lớn các từ chỉ người Việt (Hán nhân) đã được chuyển dịch thẳng sang người Kinh/ Việt. Các chỗ đề cập tới người Man, thổ chẳng hạn thì được dịch không thống nhất. Có chỗ dịch giả để nguyên (người man, thổ), chỗ khác, nếu dịch giả biết (chắc/ đoán) dân tộc thiểu số nào được nhắc tới thì sẽ thay từ nguyên gốc (man, phiên, thổ) bằng danh xưng hiện đại.
2 Xin lưu ý rằng tất cả những khái niệm như ‘man’, ‘thổ’… không phải là ý tưởng của tác giả. Chúng là cách mà hệ thống hành chính, nhà nước và giới trí thức triều Nguyễn, trong thế giới quan của mình, gọi những người cư trú trong không gian vương quốc Đại Nam. Ở đây chỉ xin tường thuật lại dựa trên tư liệu.