Ấm lên toàn cầu: Giờ G đã điểm…

Trong thông điệp nhân Ngày Môi trường Thế giới 2007, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon nói: “Bằng chứng đáng lo ngại nhất về sự biến đổi khí hậu là ở hai cực của Trái đất. Bắc cực đang nóng lên nhanh gấp hai lần so với mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của vùng cực. Khi mực nước biển dâng lên, cư dân ở những hòn đảo nằm thấp và các thành phố duyên hải trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với nạn ngập lụt”.

Không chỉ là màn kịch
“Ấm lên toàn cầu” ám chỉ việc tăng lên từ từ nhiệt độ bề mặt Trái đất, phát sinh từ việc giải phóng không ngừng của khí nhà kính trong bầu khí quyển. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay là 16.4oC. Một sự thực là, khi nhiệt độ Trái đất nóng lên, dù nước giàu hay nước nghèo đều phải gánh chịu những hậu quả thiên tai nghiêm trọng.

Châu Âu, mùa hè 2003, những đợt nóng dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử kể từ năm 1901 đã giết chết hàng chục nghìn người. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cơn bão Katrina đổ bộ vào miền Đông Nam nước Mỹ gây thiệt hại kỷ lục làm hơn 1300 người chết và thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 125 tỷ USD. Trong khi miền Đông Bắc Mỹ, những trận bão tuyết lớn, lạnh buốt trút xuống làm tê cứng các hoạt động của con người. Ngược lại nửa vòng Trái đất, những đợt hạn hán, nóng bất thường trên diện rộng tàn phá mùa màng của Trung Quốc và cả những nước Nam và Đông Nam Á, trong khi tần suất những cơn bão lớn đổ bộ vào bờ biển châu Á và hình thành trên Đại Tây Dương ngày càng tăng. Những nghiên cứu chỉ ra rằng, số lượng những trận bão cường độ mạnh tăng gấp đôi khi Trái đất nóng lên. Phát triển bền vững có nguy cơ bị phá vỡ bởi những diễn biến không theo quy luật của thời tiết. Hàng trăm loài động thực vật đối mặt với nguy cơ xóa sổ khỏi hành tinh. Những khối băng khổng lồ ở hai cực đang dần bị tước đi danh hiệu vĩnh cửu, số lượng chim cánh cụt giảm nhanh chóng. Băng tuyết trên những nóc nhà thế giới như Himalayas, Andes, Alps, Pyrenees… có dấu hiệu tan chảy. Mực nước biển dâng, nhiều khu dân cư, vùng sinh thái dọc bờ biển sẽ bị chìm sâu dưới nước biển.

Những tác động của khí hậu gây thiệt hại vài chục tỷ USD mỗi năm và để lại phía sau nó là một loạt các hậu quả lâu dài không lường trước được: không khí, nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh lan tràn, tài nguyên bị thu hẹp… Theo TS.Nicholas Stern, chuyên gia hàng đầu của WB, trong 10 năm tới, hậu quả của ấm lên toàn cầu có thể gây thiệt hại cho toàn thế giới khoảng 7000 tỷ USD.

Bàn tay con người

Những hành động của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi khí hậu toàn cầu trong suốt 50 năm qua và vẫn đang tiếp diễn với mức độ báo động.

Giống như tất cả những động vật khác, con người tham gia và can thiệp vào chu trình cácbon tự nhiên. Bằng việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ và khí thiên nhiên, chính con người đang phóng thích vào bầu khí quyển CO2 nhanh hơn rất nhiều những quá trình giải phóng cácbon từ đá và những quá trình tự nhiên khác. Đốt phá rừng để khai thác đất nông nghiệp đã biến cácbon hữu cơ thành CO2. Theo tổ chức ITTO, diện tích rừng thế giới mỗi năm bị thu hẹp khoảng 13 triệu ha. Dường như toàn bộ nền kinh tế toàn cầu đang lăn bánh trên “con đường cácbon”. Trong 20 năm qua, con người đã đốt cháy hàng tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch. Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch giải phóng khoảng 66%, nông nghiệp 20% và thay đổi sử dụng đất 14% tổng lượng khí nhà kính trong khí quyển,
Có nhiều khí, cả thiên nhiên và nhân tạo, tham gia làm tăng hiệu ứng nhà kính gây nên sự nóng lên toàn cầu. Hơi nước đóng góp hai phần ba vào hiệu ứng nhà kính. Không chỉ có hơi nước, tiếp theo là CO2. Những khí khác như NO2, CH4, Halocácbon, HFC, CFC cũng tham gia vào hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, một số đối tượng khác phát sinh từ ô nhiễm đô thị cũng tham gia vào sự ấm lên toàn cầu như ozone tầng đối lưu, khói bụi được phóng thích vào không trung từ những thành phố ô nhiễm hoặc những thiên tai tự nhiên như núi lửa. Theo tính toán, CO2 là loại khí đóng góp nhiều nhất vào sự ấm lên toàn cầu với 1.4wat/m2.
Những cường quốc công nghiệp phát triển nhất như Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc là những nguồn thải CO2 và khí nhà kính chính. Đặc biệt là Mỹ, hàng năm nước này thải ra khoảng 25% lượng CO2 so với tổng lượng CO2 thải ra hàng năm trên toàn thế giới.


Biển cả không hiền hòa

Đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết sự cân bằng CO2 trong khí quyển. Lượng CO2 trong khí quyển tăng lên không ngừng do những hoạt động công nghiệp của con người, trong khi đó, một lượng lớn CO2 được nước biển hòa tan và hấp thụ bởi những sinh vật phù du sống gần mặt đại dương. Bởi vậy, việc thay đổi thành phần hóa học, các dòng đại dương và sinh thái biển có thể dịch chuyển quá trình cân bằng này theo hướng bất lợi.

Trong đại dương tồn tại những dòng hải lưu có tác dụng điều hòa nhiệt độ toàn cầu. Những dòng nước lạnh từ vùng cực chìm xuống, chảy xuyên suốt đại dương về phía xích đạo nơi có nhiệt độ cao hơn. Trong quá trình di chuyển, nó trở nên ấm và loãng hơn rồi sau nổi dần lên bề mặt. Khi đến vùng xích đạo, dòng hải lưu này đổi chiều, chuyển động ngược về vùng cực tạo thành một chu trình và mang theo nhiệt. Những dòng đại dương lưu thông như vậy tạo bởi sự khác nhau về nhiệt độ và độ mặn của nước biển. Nếu không có quá trình này, nhiệt độ ở vùng cực sẽ ngày càng lạnh dần, và vùng xích đạo sẽ trở lên nóng hơn.
Trong khí quyển, những dòng lưu thông khí quyển tạo ra gió, còn dưới đại dương, những dòng hải lưu mang nhiệt từ những vùng nhiệt đới tới vùng cực. Quá trình tương tác giữa khí quyển và đại dương tạo ra những hiện tượng như El Nino có chu kỳ từ 2 đến 7 năm. Trong thời kỳ El Nino, những dòng hải lưu ấm và gió ở Thái Bình Dương hướng về Nam Mỹ tạo ra những biến đổi khí hậu liên lục địa, gây nên nhiều hạn hán và nắng nóng ở những nước đông bán cầu như Philipines, Indonesia, Úc, Việt Nam… trong khi những quốc gia ở bờ biển Nam Mỹ lại hứng chịu những trận mưa dữ dội. Ngược lại với El Nino, La Nina lại mang theo dòng nước lạnh. Những năm La Nina xuất hiện, những trận mưa với lưu lượng lớn, kèm theo đó là những cơn bão và lốc xoáy có sức tàn phá ghê gớm hình thành, nhất là ở khu vực Đại Tây Dương. Cả El Nino và La Nina tạo ra sự thay đổi khí hậu toàn cầu và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Do vậy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ những dòng hải lưu cũng có thể tác động ghê gớm đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Khi nước biển dâng cao

Đại dương bao phủ 71% diện tích bề mặt Trái đất. Khi nhiệt độ Trái đất tăng, những dòng sông băng và cả những núi băng vùng cực tan chảy, nước ở những đại dương giãn nở là nguyên nhân làm mực nước biển tăng lên. Ở Bắc Cực, diện tích băng đã giảm 12% trong suốt 30 năm qua do nhiệt độ ở đây đã tăng lên khoảng gần 3oC. Còn ở Nam Cực, những bức ảnh vệ tinh mới đây chỉ ra rằng, diện tích những lớp băng vĩnh cửu đang dần thu hẹp lại cùng với sự tan chảy nhanh chóng của nhiều dòng sông băng. Một điều nguy hại nữa xảy ra bởi một lượng lớn khí CH4 được giải phóng bổ sung vào khí nhà kính khi những lớp băng bề mặt tan. Trong thế kỷ 20, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất tăng 0.6oC, nhưng theo những dự báo gần đây, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đẩt có thể tăng 1.4¬_5.8oC đến năm 2100. Theo IPCC, nếu nhiệt độ nước biển tăng từ 1.5-4.5oC sẽ làm cho mực nước biển dâng cao 15-90cm.
Những nghiên cứu mới đây cho thấy các đại dương đang ấm lên và sự ấm lên này tiếp tục xảy ra trong nhiều thế kỷ tới. Ngày nay, trung bình mỗi năm mực nước biển tăng lên khoảng 0.4cm. Những tác động của mực nước biển có thể làm biến mất nhiều vùng sinh thái ven biển, ngập lụt các thành phố, nhiều khu dân cư phải sơ tán… Những nước giàu có thể đối phó với tác động của đại dương, nhưng với những nước nghèo thì không có đủ điều kiện để xây dựng những hệ thống bảo vệ bờ biển và những cơ sở hạ tầng khác để đối phó.
Theo dự đoán, nếu mực nước biển dâng cao 1 mét, Bangladesh sẽ mất 17.5% diện tích, đe dọa đến những loài động thực vật ven biển và nguồn nước sạch. Hà Lan cũng sẽ hứng chịu một hậu quả tương tự với sự biến mất khoảng 6% diện tích. Ấn Độ và Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ này trong 50 năm tới. Đáng lo ngại, theo thông báo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước biển dâng cao. Cũng theo tổ chức này, 12.3% diện tích đất trồng trọt và kèm theo đó gần 1/5 dân số sẽ mất nhà cửa nếu mực nước biển dâng cao 1 mét. 80% diện tích của đảo Majuro Atoll ở Thái Bình Dương bị ngập chìm dưới nước nếu mực nước biển dâng cao 0.5 mét. Ngoài ra, rất nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như Maldives và French Polynesia có nguy cơ biến mất nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao.
Có khoảng 13 trong số 15 thành phố lớn nhất thế giới như New York, Tokyo… và rất nhiều thành phố nhỏ khác nằm dọc bờ biển có nguy cơ ngập lụt khi nước biển dâng. Hơn một thế kỷ qua, xấp xỉ 70% diện tích đất ven biển bị xâm thực do mực nước biển dâng cao và xói mòn.

Và…
Đối với sức khỏe con người, tác động của thay đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm cho mùa hè và mùa đông trở nên nóng hơn, tạo điều kiện cho nhiều bệnh mới phát sinh, dịch bệnh lan tràn, nhiều loại bệnh cũ bùng phát trở lại. Theo dự đoán, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3-5oC, mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng từ 50-80 triệu người rơi vào tình trạng nguy hiểm của bệnh sốt rét. Chất lượng không khí, nguồn nước sinh hoạt giảm, những thành phố lớn với mức độ ô nhiễm đáng báo động sẽ là nguyên nhân cho những bệnh liên quan đến hô hấp và truyền nhiễm phát triển như SARS… Tổ chức Sức khỏe Thế giới cảnh báo, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mỗi năm có khoảng 10,000 người chết dotác động của nóng lên toàn cầu và khoảng 800,000 người trên thế giới chết liên quan đến ô nhiễm.
Đối với hệ sinh thái biển, CO2 được hấp thụ bởi đại dương tạo thành axit loãng, và điều này gây nguy hại cho những dải san hô ngầm và những sinh vật biển vỏ cứng. Sự tăng hiệu ứng nhà kính trong cuộc cách mạng công nghiệp đã làm giảm nồng nộ PH của nước biển. Năm 1998 được ghi nhận là năm nóng nhất đã làm chết khoảng 16% san hồ ngầm trong các đại dương. Hiện tượng trắng hóa tăng nhanh đối với những dải san hô ngầm ở nhiều vùng biển trên thế giới là lời cảnh báo về sự thay đổi hệ sinh thái biển. Trên đất liền, vào nửa cuối của thế kỷ này, những hệ sinh thái trở thành một nguồn cácbon hơn là một nguồn hấp thụ. Các nhà nghiên cứu dự đoán, khoảng 20-30% số loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 1.5-2.5oC so với năm 1990.
Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn nước ô nhiễm, hạn hán và bão lụt tàn phá gây thiệt hại nghiêm trọng đối với vấn đề lương thực. Con đường xóa đói giảm nghèo bị cản trở. Những nước đang phát triển có thể bị thiệt hại hàng trăm triệu tấn lương thực. Nền nông nghiệp ở Brazil, Trung Quốc, những quốc gia Đông Nam Á, và một phần châu Phi được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Giờ G” đã điểm

Công ước khung liên hợp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu kí kết năm 1992 và Nghị định thư Kyoto ra đời năm 1997 là điểm nhấn khởi đầu cho hành động của con người, trước khi thế giới chạm đến điểm không thể đảo ngược của sự ấm lên toàn cầu. Nghị đinh thư Kyoto đã bao phủ hơn 160 quốc gia với việc ban hành cắt giảm 7% khí nhà kính đến năm 2012 với mục tiêu hạn chế việc giải phóng một cách tối thiểu nhằm ổn định khí nhà kính. Đáng lo ngại, những nền kinh tế công nghiệp lớn ngày càng giải phóng lượng khí thải vào bầu khí quyển với mức độ báo động. Cũng theo nghị định này, những quốc gia công nghiệp phải giảm thiểu phát xạ khí nhà kính 5.2% so với năm 1990. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào “khả năng” giải phóng khí nhà kính của từng quốc gia. Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong Nghị định thư Kyoto tạo một chế tài mềm dẻo cho những nước công nghiệp phát triển. Theo đó, những quốc gia này có thể giữ nguyên lượng khí thải nhưng buộc họ phải đầu tư tài chính cho những nước nghèo để họ trồng rừng, phủ cây xanh sao cho lượng CO2 được hấp thụ bằng với lượng CO2 mà họ phải cắt giảm.
Theo các nhà nghiên cứu, các nước buộc phải ổn định lượng khí nhà kính trong vòng tám năm tới để hạn chế những tác động khôn lường của thay đổi khí hậu toàn cầu. Ban đầu, một số nước “chạy” trên nền kinh tế công nghiệp như Mỹ định bãi bỏ Nghị định thư Kyoto do lo sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Theo thông báo mới đây, Trung Quốc đang vượt Mỹ trong việc thải ra CO2 và những khí nhà kính khác, bởi vì than đá vẫn là nguồn nguyên liệu chính của quốc gia này.
Tại hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 33, có 8 nước thành viên và 5 quốc gia khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi đã đưa ra mục tiêu đến năm 2050 khí nhà kính phải được cắt giảm xuống 50% so với hiện nay để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2oC. Nghị định thư Kyoto có hiệu lực đến năm 2012, vì vậy các nước thành viên đều mong muốn thiết lập một hiệp định mới thay thế. Các nhà lãnh đạo G8, đều nhấn mạnh rằng, năm 2008, những quốc gia giải phóng khí thải nhiều nhất phải ngồi lại cùng nhau để thống nhất mục tiêu chung, bởi vì nhiều thỏa thuận nhằm ổn định và kiểm soát sự nóng lên toàn cầu chưa được thống nhất. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ được coi là chìa khóa để chữa trị căn bệnh nan y ấm lên toàn cầu và kêu gọi, cần đưa cho hai quốc gia này cơ hội để hướng tới một mục tiêu toàn cầu chung.
Để hạn chế sự ấm lên toàn cầu, các quốc gia cần phải hạn chế và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những khí nhà kính khác. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những loại nhiên liệu sạch mới thân thiện môi trường như nhiên liệu hydrogen cũng như nhiều nhiên liệu xanh và nhiên liệu tái sinh khác. Quản lý và bảo tồn rừng, đất nông nghiệp, nguồn nước và những hệ sinh thái là động thái quan trọng cho phát triển bền vững bảo vệ hành tinh khỏi thảm họa thay đổi khí hậu.

Nguyễn Đức Phường

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)