Ấn Độ: Phát triển kinh tế trên nền tảng KH&CN
Ngày nay, Ấn Độ được xếp vào một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với GDP đạt 8.8%. Chính phủ đất nước Nam Á này đang đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ như là hai công cụ giúp đem lại công bằng xã hội và phát triển kinh tế hiện thực hóa ước mơ trở thành nước phát triển vào năm 2020. Điều này thể hiện qua chính sách liên quan đến khoa học công nghệ ngay từ năm 1958 với định hướng chính là: Nuôi dưỡng, thúc đẩy và duy trì những hạt giống khoa học trong nước và bảo đảm đem lại cho người dân tất cả lợi ích thu được từ việc tiếp nhận và ứng dụng tri thức khoa học”.
Nhờ vào những chính sách và định hướng khoa học công nghệ đúng đắn, Ấn Độ đã trở thành nước sản xuất gạo lớn thứ hai, sản xuất lúa mì và sữa lớn thứ tư trên thế giới. Bước đột phá trong công nghệ không gian và những ứng dụng rộng rãi của nó trong thông tin liên lạc, truyền hình, dự báo thời tiết, quản lý thiên tai và những nguồn tự nhiên đã trở thành sự thèm muốn của cả thế giới. Ngành công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm Ấn Độ đã nổi lên như một lĩnh vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất. Những tiến triển trong công nghệ hạt nhân cũng là một thành quả đầy ý nghĩa đối với quốc gia này. Gần đây, Ấn Độ cũng đã đạt được những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, điện thoại di động, luyện thép và một vài lĩnh vực chế tạo lựa chọn khác. Chính vì vậy, đất nước Nam Á này đã và đang đầu tư mọi khả khăng vào nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Ấn Độ đã tăng ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng năm lên 16%. Trong những năm qua, chính phủ đã đầu tư hỗ trợ nghiên cứu cơ bản cho 1280 dự án, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của 200 phòng thí nghiệm và 220 trường đại học cùng với việc xây dựng thêm 20 trung tâm nghiên cứu mới. Khoảng 85% ngân sách cho khoa học và công nghệ được cung cấp chủ yếu bởi Chính phủ dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Những chương trình và chính sách nhằm gia tăng khả năng khoa học công nghệ của Ấn Độ được thực hiện thông qua 5 bước: Xây dựng cơ sở hạ tầng; Định hướng lại; Thúc đẩy công nghệ trong nước; Hướng tới sự tự do kinh tế; Khoa học và công nghệ trong tự do kinh tế. Để tạo mọi điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ, các thủ tục hành chính, quy định của Chính phủ được nới lỏng và trở nên linh động với mục đích mở ra một lộ trình mới cho nền khoa học của đất nước này đi lên, hỗ trợ một cách tối ưu nhất cho các nhà khoa học để họ có thể phát triển ở ngay tại đất nước thay vì theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài. Chảy máu chất xám không còn là vấn đề đáng lo ngại. Trong những năm qua, với những chính sách sử dụng nhân tài đúng đắn đã kéo hơn 30,000 nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trở về quê hương. Những tài năng trẻ Ấn Độ đã chọn con đường trở về đại bản doanh công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm ngay trên quê hương mình và không hề có ý định quay trở lại theo đuổi sự nghiệp ở những nước phương Tây. Không chỉ có thế, nhiều sinh viên giỏi các nước đang theo học ở những trường đại học hàng đầu thế giới cũng đều muốn chọn Ấn Độ như là một nơi lý tưởng để thực tập và tích lũy kinh nghiệm.
Chính phủ Ấn Độ đang ưu tiên và gia tăng tiềm lực tập trung vào những mũi nhọn chiến lược như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nghiên cứu không gian, năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, thực hiện hóa ước mơ trở thành một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Công nghệ thông tin Ấn Độ
Tương lai của Ấn Độ thuộc về công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Nó tăng trưởng với một nhịp độ ổn định từ vài năm trước và mang đến việc làm cho một lượng lớn lao động. Các lĩnh vực Ấn Độ tập trung làm tiền đề phát triển công nghệ thông tin là tin học sinh học, vi điện tử, công nghệ nano và quang tử.
Nguồn lao động công nghệ thông tin dồi dào, giá rẻ, trình độ cao, thành thạo tiếng Anh đã thu hút giới đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá, các công ty đa quốc gia có thể tiết kiệm từ 30% đến 40% chi phí khi thuê các kỹ sư phần mềm ở Ấn Độ. Những công ty hàng đầu của Mỹ và châu Âu như Boeing, Daimler Chrysler, DuPont, General Electric, General Motors, Intel, IBM, Microsoft, Siemens, Unilever…đã xây dựng hàng loạt các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) ở quốc gia này, biến Ấn Độ trở thành một trong những trung tâm R&D lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Bangalore được mệnh danh là “Thung lũng Silicon thứ hai” với sự có mặt của hơn 200 công ty đa quốc gia. Trung tâm công nghệ này đóng góp 36% tổng sản lượng công nghiệp phần mềm của Ấn Độ.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đánh dấu mức tăng trưởng nổi bật trong suốt khoảng thời gian 2005-2006, ước tính tăng từ 17 tỷ USD lên 23 tỷ USD (34.54%). Tính đến hết tháng 3 năm 2007, ngành công nghiệp này đạt tăng trưởng 30.7% với tổng giá trị 39.6 tỷ USD. Năm 2008, ước tính 35% xuất khẩu thuộc về lĩnh vực phần mềm và thu hút khoảng 600,000 lao động trẻ với độ tuổi chỉ khoảng 26. Ấn Độ đang nổi lên mạnh mẽ như một thị trường đầy tiềm năng của công nghệ phần mềm thế kỷ 21. Quốc gia này đã bắt đầu trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của thế giới trong lĩnh vực công nghệ phần mềm và dịch vụ thông tin, là yếu tố then chốt thu hút giới đầu tư nước ngoài. Chính phủ và Bộ Công nghệ thông tin và Viễn thông Ấn Độ đóng vai trò tiên phong đảm bảo mức tăng trưởng phi thường của công nghiệp thông tin được duy trì. Hiện tại, hơn 100 nước trên thế giới nhập khẩu các phần mềm của Ấn Độ. 25 công ty phần mềm hàng đầu của Ấn Độ đã đạt được những thành quả to lớn xét trên phương diện doanh thu và tư bản hóa thị trường.
Công nghệ sinh học
Tiếp sau công nghệ thông tin, công nghệ sinh học cũng nằm trong lĩnh vực chiến lược mà Ấn Độ tập trung đầu tư phát triển với chủ chương “công nghệ sinh học giúp xoá đói giảm nghèo tiến bước hội nhập”. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ sinh học Ấn Độ có được tốc độ tăng trưởng 35% trong suốt bốn năm liên tiếp vừa qua và hướng tới mục tiêu đạt tổng thu nhập 5 tỷ USD vào cuối năm 2010, kèm theo đó là cung cấp khoảng 1 triệu việc làm. Đất nước này đang nổi lên như một người chơi quan trọng trong thị trường công nghệ sinh học toàn cầu.
Đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực do dân số ngày càng tăng nhanh, đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp cộng với những rủi ro thiên tai, công nghệ sinh học sẽ đem lại những giải pháp hiệu quả đối với vấn đề an ninh lương thực giúp ổn định và tăng sản lượng nông nghiệp cho khoảng 110 triệu hộ gia đình nông dân Ấn Độ. Một nền nông nghiệp lâu đời, vị trí địa lý có nhiều đặc trưng khí hậu là một lợi thế cho nghiên cứu và phát triển những sản phẩm nông nghiệp đa dạng áp dụng rộng khắp thế giới. Chính phủ Ấn Độ đang tăng cường đầu tư cho sinh học nông nghiệp và tập trung vào những nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen.
Với lợi thế dân số, đất nước này ẩn chứa một tiềm năng cho những sản phẩm và dịch vụ công nghệ sinh học y tế. Ngành công nghệ sinh học y tế của Ấn Độ trong những năm gần đây phát triển đặc biệt nhanh chóng. Các nhà khoa học Ấn Độ, thông qua R&D, đã và đang phát triển những phương pháp điều trị mới theo hướng giảm thiểu tối đa chi phí điều trị và thuốc men cho người dân. Số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực sinh học y tế được xây dựng tăng nhanh, cung cấp một lượng lớn dược phẩm giá rẻ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Quốc gia này đã trở thành nước sản xuất vacxin cho trẻ em lớn thứ hai thế giới và xuất khẩu tới hơn 100 nước. Ngành công nghiệp dược phẩm nước này cũng chiếm giữ khoảng 6 tỷ USD trong tổng tài sản 550 tỷ USD của thị trường công nghiệp dược phẩm toàn cầu.
Nguồn đa dạng sinh học phong phú đã thu hút nhiều công ty công nghệ sinh học. Hiện có khoảng 280 công ty công nghệ sinh học đang đóng đô ở Ấn Độ. Những công ty này có thể dễ dàng tìm kiếm các mẫu vật, tiến hành những nghiên cứu và thử nghiệm một cách hiệu quả. Thị trường thử nghiệm điều trị ở Ấn Độ đã đạt 140 triệu USD vào năm 2006. Những công ty và trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học có thể tạo ra những lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên sinh học này góp phần phát triển thị trường kinh tế sinh học, đồng thời thu hút một lực lượng lớn lao động bản địa và nhiều tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ sinh học Ấn Độ, năm 2006, tổng giá trị xuất khẩu về công nghệ sinh học đạt 763 triệu USD.
Nghiên cứu không gian
Nguyên thủ tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đã phát biểu “Các nhà khoa học của chúng ta ngày hôm nay đang bàn tới việc bay tới Mặt trăng, và nghiên cứu không gian sẽ trở thành một trong những lĩnh vực then chốt của quốc gia”. Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đang phát triển sứ mệnh không gian hành tinh đầu tiên, tàu quỹ đạo mặt trăng Chandrayaan-1, sẽ được phóng tới Mặt trăng vào đầu năm 2008. Theo kế hoạch, quốc gia này dự tính sẽ phóng tàu không gian thám hiểm Mặt trăng thứ hai Chandrayaan-2 vào năm 2011, một sứ mệnh thám hiểm tiểu hành tinh và sao chổi vào năm 2015 và một sứ mệnh ngoạn mục khác bay tới sao Hỏa vào năm 2019. Những năm trước, cơ quan không gian Ấn Độ cũng đã tuyên bố sẽ đưa nhà du hành đầu tiên lên không gian vào năm 2014. Sứ mệnh này ước tính trị giá 2,2 tỷ USD. Một quan chức kỳ cựu trong cơ quan này cũng nói, các nhà khoa học Ấn Độ đã thảo luận một sứ mệnh phóng tàu có người lái tới Mặt trăng vào năm 2020.
Ấn Độ đang cùng chạy đua với Trung Quốc trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đưa người lên không gian bằng tên lửa đẩy riêng của họ, và Bắc Kinh có kế hoạch đi bộ trong không gian vào năm 2008. Để vươn lên trong cuộc đua này, Ấn Độ liên tục phát triển các tàu vận chuyển mới và phóng vào không gian nhiều vệ tinh đáp ứng các nhiệm vụ trọng yếu của đất nước. Nước này cũng đã gia nhập vào nhóm lựa chọn gồm 6 nước vào năm 1994 khi tàu vận chuyển PSLV hoàn thành sứ mệnh của mình bằng việc đưa vệ tinh IRS-P2 nặng 800 kg lên quỹ đạo. Hàng loạt tàu vận chuyển khác có khả năng mang những vệ tinh có khối lượng lớn hơn lên không gian cũng đã được phát triển như tàu vận chuyển GSLV có khả năng đưa một vệ tinh nặng 2000 kg vào không gian. Tính đến nay đã có rất nhiều vệ tinh cảm biến tầm xa của Ấn Độ đang hoạt động trên quỹ đạo cung cấp một kho tàng dữ liệu phong phú. Quốc gia này đang có ý định phát triển thị trường dữ liệu bán cho các nước. Với sự đầu tư vào phát triển công nghệ vũ trụ, Ấn Độ là quốc gia thứ ba trên thế giới phát triển vệ tinh cảm biến tầm xa riêng của mình.
Ngày nay, các tiện ích của công nghệ vũ trụ của Ấn Độ đã được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế, môi trường, quân sự, quản lý tài nguyên, dự báo thời tiết… và trở thành công cụ chủ đạo đưa quốc gia Nam Á này phát triển và hội nhập.
Năng lượng hạt nhân
Là quốc gia châu Á đầu tiên có điện nguyên tử và trở thành thành viên thứ sáu trong Câu lạc bộ hạt nhân thế giới, Ấn Độ đang vững tin thực hiện tầm nhìn chiến lược của mình. Ngày nay Ấn Độ được ghi nhận là quốc gia tiên tiến nhất trong công nghệ hạt nhân và bao gồm cả việc tạo ra vật liệu nguồn. Mục tiêu cốt yếu của chương trình năng lượng hạt nhân của quốc gia này là phát triển và sử dụng nguồn năng lượng này vì mục đích hòa bình. Đặc biệt, để đáp ứng và phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, Ấn Độ đã thực hiện tốt chương trình chiến lược sản xuất điện hạt nhân và coi nguồn năng lượng này đóng một vai trò chủ đạo trong vấn đề an ninh năng lượng lâu dài. Hiện quốc gia này có 15 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên toàn đất nước cung cấp khoảng 3360 MWe và 8 nhà máy điện hạt nhân khác đang được xây dựng nhằm tăng lượng điện hạt nhân trong những năm tới khoảng 2960 MWe, giảm dần nhập khẩu năng lượng. Thành công này mở ra ước mơ có thể cung cấp khoảng 20000 MWe điện hạt nhân vào năm 2020 bằng việc phát triển nhiều nhà máy điện hạt nhân mới. Theo dự đoán, điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu dùng điện ở quốc gia này vào năm 2050.
Ngoài ra, chương trình năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Ấn Độ còn bao gồm việc tạo ra những đồng vị phóng xạ phục vụ cho nông nghiệp, y tế, công nghiệp và nghiên cứu. Ngày nay quốc gia này vững tin làm chủ được công nghệ hạt nhân từ việc tạo nguồn năng lượng bằng phản ứng hạt nhân trong lò đến quản lý rác thải phóng xạ. Các lò phản ứng và máy gia tốc nghiên cứu được thiết kế và xây dựng ngay tại trong nước thay vì phải nhập công nghệ của nước ngoài. Những máy gia tốc ở Calcutta và Mumbai là những phương tiện nghiên cứu quốc gia giúp các nhà khoa học Ấn Độ khám phá những chân trời mới của khoa học.
“Khoa học mang đến hai sự thay đổi lớn cho cuộc sống. Thứ nhất, khoa học là một cách tư duy cải hóa con người. Thứ hai, khi khoa học đã chuyển thành công nghệ, nó có thể mang đến một sự phát triển nhanh chóng cho quốc gia. Đó là lý do tại sao, kể từ năm 1947, khoa học và công nghệ luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các Chính phủ”.
Thủ tướng Ấn Độ Abdul Kalam