Ấn Độ sẽ trở thành một trung tâm R&D toàn cầu
Cái nắng gay gắt không cản được những dòng người tấp nập trên khắp những con đường. Những đèn hiệu giao thông, những biển báo chỉ đường có mặt ở mọi nơi. Bangalore giờ đây đã mang bộ mặt hoàn toàn mới so với hơn chục năm về trước. Thành phố lớn nhất nhì này của Ấn Độ được thế giới biết đến với một cái tên khác “Thung lũng Silicon thứ hai”.
Bangalore chỉ là một ví dụ điển hình, nhiều thành phố lớn khác như New Delhi, Hyderabad… cũng đang trở thành điểm dừng chân đầy tiềm năng cho R&D. Không nghi ngờ gì nữa, ngày nay, Ấn Độ đang nổi nên như là một trong những trung tâm R&D hàng đầu thế giới. Giáo sư R A Mashelkar, Tổng giám đốc CSIR, nói, “Chúng ta có thể dự đoán rằng, đến năm 2020, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất tri thức số một thế giới”. Quốc gia này đang nỗ lực vươn tới mục tiêu trở thành tâm điểm của các hoạt động R&D toàn cầu và được ghi nhận như là một xã hội tập trung tri thức của thế giới. Sự phát triển nhanh chóng các trung tâm R&D của những công ty đa quốc và cả những công ty bản địa hàng đầu đã dần minh chứng cho nhận định đó. Theo dự đoán, các hoạt động R&D ở Ấn Độ được hy vọng tăng trưởng từ 3.1 tỷ USD năm 2005 lên 6.6 tỷ USD vào năm 2010.
Có nhiều “ông lớn” xây dựng không chỉ một mà nhiều hơn những cơ sở R&D của mình. Chẳng hạn, Microsoft hiện có hai trung tâm R&D là MSIDC ở Hyderabad và MRI ở Bangalore. MSIDC đang là trung tâm dẫn đầu trong việc tạo ta những tài sản trí tuệ từ Ấn Độ, và thực tế nó đã có được hơn 100 bằng sáng chế chỉ trong khoảng thời gian hơn hai năm trước. Những kỹ sư phần mềm trẻ Ấn Độ làm việc ở đây tạo ra nhiều chương trình phần mềm mới và thêm vào nhiều tính năng hiệu quả cho các chương trình phần mềm như Visual Studio, Visual Studio Team System, MS-CRM, Office Live… Giám đốc điều hành MRI P.Anandan nói, “Ấn Độ có một đội ngũ nghiên cứu tài năng hùng hậu và chúng tôi tạo cho họ những cơ hội được làm việc trên những vấn đề đầy hấp dẫn”. Kể từ tháng 3/2007, trung tâm R&D này đã công bố khoảng 60 bài báo trên những tạp chí chuyên ngành quốc tế hàng đầu. “Ấn Độ hiện còn thiếu nhiều tiến sỹ trong lĩnh vực khoa học máy tính và chúng tôi mong muốn làm tăng số lượng này, thúc đẩy tiến hành những nghiên cứu tiên tiến ngay tại Ấn Độ”, ông Ravi Venkatesan, chủ tịch Microsoft Ấn Độ cho biết. IBM cũng đã bắt đầu xây dựng những cơ sở nghiên cứu của mình ở Ấn Độ vào năm 1998. Hiện tại, công ty này có hai trung tâm R&D: một ở Bangalore và một ở Delhi. “Lĩnh vực công nghệ thông tin ở Ấn Độ đã bắt đầu cất cánh 10 năm trước. Chúng tôi hiểu rằng, R&D ở đây là khả năng sáng tạo, và Ấn Độ đang trao cho chúng tôi những tài năng để đổi mới”, Daniel Dias, giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu IBM Ấn Độ thổ lộ. Những nghiên cứu của IBM tạo ra sự đột phá hơn bất cứ một công ty nào khác trong hoạt động công nghiệp, với trung bình 9.3 bằng sáng chế một ngày. Không chỉ có Microsoft và IBM, những người khổng lồ khác như Intel, GE, Motorola, Nokia, Sony Ericssion…cũng đã triển khai hàng loạt các trung tâm R&D ở khắp các thành phố lớn ở Ấn Độ.
Ngoài công nghệ thông tin, những trung tâm R&D trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học đang phát triển và mở rộng đặc biệt nhanh chóng. Rất nhiều công ty dược phẩm hàng đầu đã thiết lập các hoạt động nghiên cứu ở đây như Eli Lilly&Co, Merck&Co, GlaxoSmithKline, Novartis, Pfizer… Những công ty này nhận ra rằng, Ấn Độ không chỉ là nơi tiến hành những thử nghiệm lâm sàng, mà còn là nơi thực hiện những nghiên cứu cơ bản. Các hoạt động R&D ở đây vẫn còn mới và cần có thời gian để khai thác triệt để những lợi thế cũng như thúc đẩy thương mại hóa R&D trong lĩnh vực y tế. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ gần đây cũng nhận thấy cần phải tập trung vào R&D, trong đó nhiều công ty sử dụng hơn 8% tổng thu nhập cho nghiên cứu. Tuy nhiên, đầu tư ngân sách của Ấn Độ cho các công ty dược phẩm trong nước còn thấp hơn nhiều so với những công ty dược phẩm nước ngoài. Những công ty dược phẩm lớn của Ấn Độ đang hướng tới trở thành nhà đầu tư R&D chính trong lĩnh vực dược phẩm trong nước. Trong 2005-2006, chi phí cho R&D của 50 công ty dược phẩm lớn trong nước lên đến 495.19 triệu USD. Chính phủ Ấn Độ cũng đang huy động phát triển những nghiên cứu về sinh học y tế bằng việc tăng cường hệ thống pháp lý như bảo vệ quyền phát minh sáng chế và điều chỉnh cho hài hòa với những tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính cho phát triển R&D trong công nghệ sinh học đồng thời tạo ra những khuyến khích về thuế trong các hoạt động R&D.
Hiện có hơn 150 công ty đa quốc gia đang tiến hành các hoạt động R&D ở Ấn Độ, đa phần những công ty này đến từ Mỹ và châu Âu. Theo một thông báo gần đây, khoảng 25% nguồn đầu tư toàn cầu của các công ty đa quốc gia đang đổ vào Ấn Độ. Tại sao hàng loạt công ty đa quốc gia lại đổ xô đầu tư vào R&D ở Ấn Độ nhiều như vậy? Lý do cốt lõi là bởi vì nguồn nhân lực. Ấn Độ có một nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động trẻ hùng hậu, thạo chuyên môn giỏi tay nghề, sử dụng tiếng Anh tốt. Hơn nữa, giá thuê nhân công ở đây tương đối rẻ. Chính điều này làm cho nhiều người Ấn Độ dễ dàng nhận được các chương trình đào tạo từ những công ty đa quốc gia này và có cơ hội lũy kinh nghiệm ở nước ngoài. Những người này sẽ trở về Ấn Độ, làm việc cho chính những công ty đó, và đây chính là một sự “hồi hương chất xám” thầm lặng. Điều kiện nghiên cứu trong những trung tâm R&D được đầu tư không thua kém những phòng thí nghiệm hàng đều thế giới, đó cũng là lý do thu hút nhiều tài năng của Ấn Độ “cắp sách bút” trở về quê nhà. Trong lĩnh vực xuất khẩu R&D thì Ấn Độ cũng có nhiều thuận lợi. Chẳng hạn, hầu hết các công ty của Mỹ sử dụng R&D ở Ấn Độ để tạo ra sản phẩm xuất khẩu rộng khắp thế giới. Ngược lại, do rào cản ngôn ngữ, nhiều hoạt động R&D ở Trung Quốc phần lớn tạo ra những sản phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dung bản địa, đặc biệt là những sản phẩm phần mềm liên quan đến ngôn ngữ. Có lẽ vì vậy, phần lớn R&D ở Ấn Độ nhập khẩu từ Mỹ.
Sự phát triển R&D của Ấn Độ thực sự là những kinh nghiệm quý báu cho nhiều nước đang phát triển học hỏi, trong đó có Việt Nam.