Bản địa không chỉ là sản phẩm

Theo chuyên gia Nguyễn Phi Vân, người sáng lập công ty World Franchise Asia, chuyên về tư vấn nhượng quyền cho các thương hiệu toàn cầu ở khu vực Châu Á, bản địa là những giá trị vô hình nằm ngoài sản phẩm và để chuyển tải được điều đó đến người tiêu dùng, cần sự trở giúp của công nghệ.

Ngày 6/6 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Tia Sáng đã kết hợp với vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa cần đến sức mạnh của công nghệ như thế nào?”. Đến dự buổi hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.  

Trò chuyện tại buổi hội thảo, có năm doanh nghiệp có sản phẩm xuất phát từ thế mạnh của địa phương. Đó là Natural Oil ở Bến Tre với các sản phẩm từ dừa, Khởi minh thành công ở Đồng Tháp với sản phẩm từ sen, Hợp tác xã H’Mông Cát Cát ở Sơn La với sản phẩm chủ đạo từ bài thuốc tắm và thảo dược của người dân tộc H’Mông, Hekate ở Đà Nẵng với nền tảng tạo lập trợ lý ảo Chatbot (trong đó, một Chatbot được tạo lập trên nền tảng của công ty này sẽ được sử dụng để trả lời hỏi đáp với những du khách đến Đà Nẵng nhân dịp APEC). Không chỉ đóng vai trò là các diễn giả chia sẻ câu chuyện của mình, các doanh nghiệp này còn có các quầy hàng trong phòng hội thảo gây tò mò và thu hút những người tham dự.

Ngô Chí Công (bìa phải) với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là lá và hoa sen sấy khô để trang trí như đĩa, nón và ví da. Nguồn ảnh: FB của Vũ Kim Anh, chủ chợ “Phiên chợ xanh tử tế”

Vừa vào tới phòng hội thảo, chị Nguyễn Phi Vân, đã sà vào mua sản phẩm của tất cả các công ty được bày bán vì “không kiềm được lòng mình trước tính bản địa của chúng”. Nhưng điều đó vẫn chưa làm chị thỏa mãn, chị hỏi Ngô Chí Công, người sáng lập công ty Khởi minh thành công: “Chị muốn đến Đồng Tháp, muốn tự tay làm ra cái túi nhỏ (từ lá sen) như vậy trong vòng hai tiếng đồng hồ, xong em dẫn chị đi chơi một vòng qua mấy đầm sen, xong rồi em nói cho chị nghe về sen có được không?”

Chị Phi Vân cho rằng: “Bản địa không phải là sản phẩm, bản địa là trải nghiệm, là cái hồn, là cảm xúc.” Theo chị, trong trường hợp của Ngô Chí Công, việc để khách hàng thấy hoa sen được trồng ra sao, phơi ra sao, làm màu ra sao, được thử làm giống như người địa phương, mới gọi là bản địa.

Tính bản địa chỉ có ý nghĩa với những khách hàng ở xa muốn tò mò và khám phá cái mới. Điều đó dẫn đến việc các công ty cần phải hướng đến người tiêu dùng toàn cầu và việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, để mang sản phẩm đến với họ, “bao trọn” trải nghiệm của họ từ lúc nghĩ về sản phẩm, tìm thông tin về sản phẩm, đặt hàng, đóng gói và sử dụng nó. “Công nghệ cho chúng ta cơ hội để thử thách các cách làm truyền thống và cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới dù họ có bề dày kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta” – chị Phi Vân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù khai thác tính bản địa hay áp dụng công nghệ, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần phải ưu tiên hàng đầu đó là hiểu rõ về khách hàng và phân khúc khách hàng của mình: Phục vụ cho khách hàng cao cấp hay bình dân? Cá nhân hóa sản phẩm cho phép khách hàng biết rõ và có thể lựa chọn chi tiết đến nguồn gốc tại vườn và dinh dưỡng có trong sản phẩm và nhận được sản phẩm nhanh nhất có thể; Kết nối và “len lỏi” vào lối sống của khách hàng như giám đốc công nghệ của Google có nói: “từ nay về sau, chúng tôi luôn muốn vào phòng ngủ của bạn”; Tạo ra những sản phẩm vừa đủ cho một người dùng để phù hợp với các hộ gia đình solo hoặc những cá nhân di chuyển liên tục – đây là xu hướng ngày càng tăng hiện nay.

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp từ những sản phẩm của địa phương, đa số các doanh nghiệp tham dự buổi hội thảo mới chỉ áp dụng công nghệ vào giai đoạn sản xuất để tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm. Chẳng hạn như công ty Natural Oil sử dụng công nghệ ly tâm để chiết tách dầu dừa, hợp tác xã H’Mông Cát Cát đặt hàng máy chiết xuất tinh dầu từ Đại học Bách Khoa Hà Nội và công ty Khởi minh Thành công dùng công nghệ sấy của Pháp để sấy khô hoa và lá sen, lưu giữ chúng trong vòng nhiều tháng. Tuy nhiên, điểm đáng nói là các doanh nghiệp này vẫn chưa áp dụng công nghệ thông tin để tăng trải nghiệm bản địa hay cá nhân hóa nhu cầu của khách hàng, họ cũng chưa thực sự xác định được phân khúc khách hàng của mình là cao cấp hay phổ thông và chưa biết cách tiếp cận với người tiêu dùng ngoài nước.

 

 

  

  

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)