Bản đồ ô nhiễm SO2 và NO2 ở Hà Nội

Để đánh giá ô nhiễm không khí, người ta thường căn cứ trên 5 tiêu chí bao gồm bụi có kích thước bé hơn 10 micron (PM10), khí SO2, NO2, CO và O3 (ô zôn). Ở thành phố, SO2 thường phát thải từ các lò đốt than và dầu chứa lưu huỳnh (như xe buýt), NO2 và CO phần lớn do động cơ ô tô xe máy phát ra, O3 do phản ứng hóa học trong khí quyển bởi khí thải từ xe cộ, PM10 liên quan đến rất nhiều nguồn phát thải giao thông, công nghiệp và sinh hoạt. Ở gần trục giao thông, PM10 chứa nhiều bụi đất do xe cộ tốc lên từ mặt đường.

Năm chất ô nhiễm nói trên đều tác hại đến sức khỏe. Minh chứng là hơn bốn nghìn người dân Luân Đôn tử vong bởi khói mù do nghịch nhiệt kéo dài nhiều ngày liền mùa đông năm 1954.

So với nhiều nơi khác trong vùng và trên thế giới, Hà Nội thuộc loại thành phố ô nhiễm không khí “có hạng”. Trầm trọng nhất là bụi PM10, hàm lượng thường vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là khu vực gần các trục giao thông và những nơi hay bị kẹt xe. Các chất khí ô nhiễm khác cũng khá trầm trọng, trên một vài địa bàn có thể vượt tiêu chuẩn.

Để có giải pháp cho tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, cần biết khi nào, và trên địa bàn nào không khí bị ô nhiễm nặng nhất, và ô nhiễm bởi chất gì?

Về câu hỏi khi nào, chúng tôi đã có dịp trình bày nhiều lần trước đây. Đại khái, mùa đông ô nhiễm cao hơn mùa hè, nặng nhất vào tháng XI-XII, ít nhất vào tháng VII-VIII. Giữa trưa trời nắng và những hôm gió mạnh, mưa nhiều, chính là lúc không khí ít bị ô nhiễm nhất. Trong mùa khô, ô nhiễm nặng thường bắt đầu vài ngày sau khi gió mùa đông bắc tràn về và kéo dài trong nhiều ngày liền cho đến khi gió thịnh hành chuyển sang hướng đông nam trước khi xuất hiện đợt gió mùa mới. Trong thời gian này, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra sau khi mặt trời lặn khiến ô nhiễm tăng cao từ chập tối đến khuya.

Để trả lời câu hỏi thứ hai (trên địa bàn nào) cần phải lập bản đồ ô nhiễm không khí. Việc này đã được Chương trình Không khí Sạch Việt Nam – Thụy sĩ (SVCAP) phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường Sở TNMT Hà Nội (CENMA) tiến hành trong hai chiến dịch quan trắc SO2, NO2 và benzene tại hơn 100 vị trí khác nhau thuộc tám quận nội thành vào mùa đông (12/01 – 06/02) và mùa hè (17/08 – 11/9) năm 2007. Đây là công trình nghiên cứu khoa học có quy mô lớn, nhiều người tham gia, hàng trăm đầu dò theo nguyên tắc khí thụ động được chế tạo bởi PASSAM Thụy Sĩ và được chuyển trở lại nơi sản xuất sau khi phơi mẫu để phân tích.

Bản đồ ô nhiễm không khí được chính thức đưa vào “Báo Cáo Môi Trường Quốc Gia – Môi Trường Không Khí Đô Thị Việt Nam” do Bộ TNMT công bố tháng 6/2008. Ở đây xin đưa lại bản đồ thu được trong chiến dịch mùa hè. Vòng tròn nhỏ màu xanh lục đánh dấu vị trí các điểm quan trắc, hàm lượng khí ô nhiễm tính bằng micro gram trên mét khối không khí (μg/m-3). Bản đồ SO2 (do đốt than dầu chứa lưu huỳnh) bên trái, bản đồ NO2 (do xe cộ) bên phải. Để hình dung mức độ ô nhiễm, ta có thể căn cứ trên tiêu chuẩn tính trung bình cho cả năm là 40 μg/m-3 cho NO2 và 50 μg/m-3 cho SO2.       

           Bản đồ SO2                                                      Bản đồ NO2

 

 Hai giản đồ dưới đây so sánh mức độ ô nhiễm giữa tám quận nội thành về mùa đông (bên trái) và mùa hè (bên phải). Khí thải giao thông NO2 nhiều ở những quận có mật độ dân số cao, dân cư sống chen chúc, nhất là quận Hoàn Kiếm, sau đó đến Hai Bà và Ba Đình. Thanh Xuân và Hai Bà có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ sử dụng than là hai quận dẫn đầu về ô nhiễm SO2 Tây Hồ là một trong hai quận ít ô nhiễm nhất. Quận Hoàng Mai cũng ít ô nhiễm vì dân cư còn thưa thớt, nhiều ao hồ và đất nông nghiệp.

Tác giả