Bàn thêm về những “làng ung thư”

Chúng ta vẫn ngạc nhiên tại sao các tin tức về làng ung thư lần lượt xuất hiện trên báo chí, mà ngành y tế có vẻ quá dửng dưng, không vào cuộc gì cả. Câu trả lời có thể là, họ cho rằng tử vong vì ung thư ở các làng như thế là … bình thường.

Trong bài viết mang tựa đề hoài nghi “Sự thật về làng ung thư Thạch Sơnđăng trên trang nhà của Tổng cục Môi trường, trả lời phỏng vấn của báo chí về làng ung thư Thạch Sơn (Phú Thọ), Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng nói: “tỉ lệ ung thư tại Thạch Sơn tương đương các tỉnh thành phía Bắc. Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư.” Một chuyên gia ung thư khác (giáo sư Phạm Duy Hiển của bệnh viện K) thì cho biết: “tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”. Có lẽ xuất phát từ đánh giá như thế của các quan chức, dù các làng ung thư lần lượt xuất hiện mà ngành y tế chưa có động thái nào để kiểm soát tình hình.

Nhưng rất tiếc là dữ liệu thực tế không phù hợp với những đánh giá trên của các vị quan chức! Tôi đã thu thập một số dữ liệu về các làng ung thư và trình bày trong bảng dưới đây. Theo nghiên cứu của Viện ung thư quốc gia, ở nước ta cứ 100.000 dân số thì có 106 nam và 59 nữ tử vong vì bệnh ung thư. Áp dụng tỉ lệ này cho làng Thạch Sơn với dân số khoảng 7.000, chúng ta kì vọng sẽ có khoảng 6 người tử vong vì bệnh ung thư, nhưng trong thực tế ở làng này mỗi năm có 15 người chết vì ung thư. Nói cách khác, tỉ lệ tử vong vì ung thư ở Thạch Sơn cao hơn tỉ lệ quốc gia đến 2,6 lần! Như vậy, không thể nói rằng “tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.

Thật ra, số liệu mà tôi thu thập trong bảng dưới đây (rất có thể chưa đầy đủ) cho thấy ở bất cứ làng ung thư nào mà báo chí nêu, tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư đều cao từ 3 đến 9 lần so với tỉ lệ tử vong của cả nước. Chẳng hạn như làng Kim Thành (Nghệ An) chỉ 1.900 dân số, mà trong thời gian 7 năm có đến khoảng 100 người tử vong vì ung thư, và tỉ lệ này cao gấp 9 lần so với tỉ lệ của toàn quốc.

Tỉ lệ tử vong vì ung thư tại một số làng xã

Làng / xã (tỉnh)

Dân số (ước tính)

Số tử vong do bệnh ung thư mỗi năm

Tỉ lệ tử vong tính trên 100.000 dân

So sánh với tỉ lệ trung bình toàn quốc (1)

Thạch Sơn (Phú Thọ)

7.000

15

214

2,6 lần

Đông Lỗ (Hà Tây)

5.800

22

379

4,6 lần

Minh Đức (Hải Phòng)

?

67

?

?

Thổ Vị (Thanh Hóa)

1.700

80 (14 năm)

336

4,1 lần

Kim Thành (Nghệ An)

1.900

100 (7 năm)

752

9,1 lần

Khánh Sơn (Đà Nẵng)

760

10 (5 năm)

263

3,2 lần

Đại An (Quảng Nam)

1.140

33 (10 năm)

289

3,5 lần

(1) Tính trên tỉ lệ tử vong do nguyên nhân ung thư toàn quốc là 82.5 trên 100.000 dân số (nguồn: PH Anh, ND Duc. Jpn J Clin Oncol 2002;32:S92-S97).

Tôi cực kì kinh ngạc trước phát biểu “Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư.” Trong vài thập niên qua, đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc phát sinh ung thư. Chỉ lấy vài trường hợp tiêu biểu:

·                     Nghiên cứu ở nước láng giềng Trung Quốc cho thấy những cư dân sống trong vùng phải dùng nước giếng (khoan từ lòng đất) có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột cao gấp 2 lần so với nguy cơ trung bình trong dân số.

·                     Nghiên cứu ở Nhật cho thấy nồng độ NO2 và SO2 trong không khí có ảnh hưởng đến sự phát sinh ung thư phổi.

·                     Ở Mĩ, có nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy người bị phơi nhiễm diesel có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 1,4 lần so với nguy cơ trong dân số.

Cái mẫu số chung của các “làng ung thư” này là sự hiện diện của các nhà máy kĩ nghệ và xuống cấp môi trường. Cho dù hiện nay chưa có dữ liệu để kết luận mối liên quan giữa sự hiện diện các nhà máy này và ung thư, các nghiên cứu từ các cụm/làng ung thư ở Mĩ cho chúng ta biết rằng các chất sau đây làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trong cộng đồng: arsenic, cadmium, chronium, nickel, asbestos, và benzene. Các chất hóa học này cũng giải thích tại sao cư dân thành phố và cư dân sống trong vùng gần nhà máy kĩ nghệ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn cư dân trong các vùng nông thôn.

Ô nhiễm nước ở làng ung thư An Bình (Cam Thanh, Cam Lộ)

Nước ta đang trong quá trình độ thị hóa rất nhanh. Nhưng phát triển kinh tế nhanh thường kèm theo những hệ lụy về môi sinh và môi trường có ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Chúng ta nhìn sang Trung Quốc và đã thấy những tàn phá về môi trường, nhưng chúng ta chưa có giải pháp tránh những tàn phá như thế ở nước ta. Hệ quả là ngày nay rất nhiều sông rạch ở nước ta đang trong tình trạng ô nhiễm ở mức báo động. Chất lượng không khí ở những vùng kĩ nghệ và thành phố lớn cũng bị ô nhiễm ở mức báo động. Với những hóa chất có khả năng gây ung thư như vừa kể trên, không ai ngạc nhiên khi thấy tần suất bệnh ung thư trong cộng đồng càng ngày càng gia tăng. Hai thập niên phát triển kinh tế đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng e rằng cái giá về suy giảm chất lượng cuộc sống mà chúng ta phải trả vẫn chưa được cân đo đúng mức. Nếu không quan tâm ngay từ bây giờ, thu nhập kinh tế có thể sẽ không bù đấp được cho những hao hụt trong chi tiêu cho các dịch vụ sức khỏe.

Nền tảng của y tế dự phòng là: duy trì sức khỏe lành mạnh tốt hơn là mắc bệnh hay chết. Đó là tiền đề và cũng là cứu cánh của một nền y tế hiện đại. Phát biểu đó cần và đủ. Mỗi cái chết là một mất mát cho quốc gia. Sứ mệnh của ngành y tế là cứu người và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Nếu không hoàn thành sứ mệnh này thì không nên gọi là “y tế” làm gì.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)