Bạo lực gia đình làm thay đổi chức năng não của trẻ

Bạo lực gia đình tạo ra những thay đổi sâu sắc trong não của trẻ giống như những ảnh hưởng ở binh sĩ trở về sau chiến tranh.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy triệu chứng trầm cảm mãn tính của trẻ ảnh hưởng đến hệ thống phản ứng của chúng, đặc biệt là 2 khu vực của não: hạch hạnh nhân (HHN) và thùy trước. Thùy trước và HHN giúp cơ thể nhận biết cảm giác đau đớn để tự bảo vệ mình trước những hiểm hoạ tiềm tàng. Khi một người thường xuyên phải tiếp xúc với những tình huống căng thẳng như chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình thì HHN sẽ bị kích thích mạnh.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tờ Sinh vật học ngày nay (Current Biology) đã chỉ ra rằng trẻ em sống trong các gia đình có cha mẹ thường xuyên sử dụng vũ lực hoặc to tiếng với nhau thường có những thay đổi bất thường trong HHN của chúng và thùy trước giống như những biểu hiện của binh sĩ trở về từ các vùng chiến sự, ngay cả khi những đứa trẻ này không hề có các biểu hiện ra bên ngoài về những mức độ trầm cảm hoặc lo âu bất thường.

Các nhà nghiên cứu quan sát trên 20 trẻ em thường xuyên chịu bạo hành gia đình và so sánh với 20 trẻ sống trong gia đình có bố mẹ thuận hoà. Họ cho trẻ xem những bức ảnh đặc tả cảm xúc và đo phản ứng thần kinh của chúng đối với các bức ảnh đó bằng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

Khi cho trẻ quan sát hình ảnh những khuôn mặt giận dữ, các nhà nghiên cứu thấy mức độ hoạt hóa tại các vùng HHN và thùy trước của những đứa trẻ sống trong gia đình hay bị bạo hành cao hơn so với những đứa trẻ có cha mẹ sống hoà thuận. Những đứa trẻ sống trong gia đình bạo hành thường không phản ứng với khuôn mặt buồn hay trung tính.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng trẻ em đã tiếp xúc với bạo hành gia đình vẫn phát tiết các phản ứng thần kinh căng thẳng cao ngay cả khi chúng không thể hiện các triệu chứng căng thẳng ra ngoài. Về lâu dài, điều này sẽ rất nguy hại. Trạng thái thần kinh quá căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của một đứa trẻ theo nhiều cách khác nhau. Khi một đứa trẻ phải dành quá nhiều sức lực để ứng phó với các mối nguy hiển hiện hoặc mới chỉ cảm nhận sơ sơ, nó sẽ chỉ còn rất ít thời gian và năng lượng tinh thần để phát triển các kỹ năng xã hội và các kỹ năng tư duy phù hợp với lứa tuổi.

Nguyễn Thanh Hải lược dịch
Nguồn: http://www.theatlantic.com/health/archive/2012/01/how-family-violence-changes-the-way-childrens-brthùy trướcns-function/250571/

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)