Bảo tồn và phát triển kinh tế trong các Khu dự trữ sinh quyển
Các nhà quản lý cần có sự tư vấn của giới khoa học để đưa ra được những quyết định hợp lý nhằm giải quyết bài toán cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế.
Cuối tháng ba vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xây dựng cầu Mã Đà và đường kết nối với tỉnh Đồng Nai. Theo UBND tỉnh Bình Phước, việc xây cầu Mã Đà và nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải, rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại, từ đó phát triển kinh tế liên tỉnh.
Đề xuất tưởng chừng không có gì lạ, nhưng nó ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của tỉnh Đồng Nai và các nhà bảo vệ môi trường, bởi tuyến đường mới này sẽ kéo theo hình thành tuyến đường dài 40 km trực tiếp đi qua vùng lõi của rừng đặc dụng, gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu DTSQ quốc tế Đồng Nai.
Thực chất, thế tranh chấp giữa hai tỉnh đã kéo dài rất nhiều năm. Dù chục năm qua Bình Phước tha thiết triển khai dự án, Đồng Nai vẫn cứng rắn phản đối đề xuất này nhằm bảo vệ Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) của tỉnh. Khu DTSQ có gì đặc biệt để tỉnh Đồng Nai quyết liệt bảo vệ đến vậy? Và liệu nó có xứng đáng để ta đánh đổi những lợi ích về phát triển kinh tế hay không?
“Bổ dọc” khu bảo tồn
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí (Chủ tịch UBQG Chương trình “Con người và Sinh quyển” thuộc UNESCO), sinh quyển là phần của Trái đất có các sinh vật sinh sống (biota), kể cả con người. Từ những loài sinh vật sống dưới đáy biển sâu đến những loài sinh vật trong không khí hoặc sâu trong lòng đất đều thuộc về sinh quyển. Sự vận động của các thành phần trong sinh quyển theo cơ chế “hệ thống” và “tự điều chỉnh” như một cơ thể sống. Khái niệm sinh quyển như một hệ thống sống trên Trái đất ra đời vào những năm 1920, nhưng cho mãi tới vài thập kỷ gần đây mới được chấp nhận rộng rãi. Trái đất không chỉ như một ngôi nhà chung mà nó còn vận động thông qua các mối tương tác hữu cơ giữa tất cả các loài thực vật và động vật với nhau, với môi trường và với con người [1].
Thực chất, Khu DTSQ thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu DTSQ thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Chia sẻ tại sự kiện “Ngày Khoa học Công nghệ: Khoa học Công nghệ bảo vệ môi trường” được tổ chức vào tuần qua, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí nhấn mạnh: “Những Khu DTSQ dù chỉ nằm ở một số địa điểm nhất định, nhưng sự tồn tại của nó sẽ hỗ trợ cho quá trình sống của con người trên toàn Trái Đất”.
Hiện tại, Việt Nam đã có 11 Khu DTSQ quốc tế được UNESCO công nhận, trải dài khắp ba miền đất nước. Trong đó Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận vào cuối năm 2001, với tổng diện tích gần 970.000 ha. Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS), Khu DTSQ Đồng Nai không chỉ là nơi bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm thế giới như voi, bò tót, gấu chó, tê giác java, gà so cổ hung… mà còn lưu giữ các loại thực vật quý hiếm như: gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, thủy tùng, căm xe, trắc.
Để dễ hình dung sự tồn tại của Khu DTSQ này sẽ “hỗ trợ cho quá trình sống của con người” – như lời của GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – như thế nào, chúng ta có thể theo dõi bản đồ ô nhiễm không khí tại Việt Nam: khu vực phía Nam “xanh” hơn hẳn so với khu vực phía Bắc, bất chấp TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đều là những tỉnh thành có nhiều cụm, khu công nghiệp hằng ngày vẫn ‘xả’ khí thải ra môi trường. Cùng với Khu DTSQ Cần Giờ, Khu DTSQ Đồng Nai chính là “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu, môi trường, cho toàn khu vực Đông Nam Bộ – bao gồm cả Bình Phước, tỉnh thành sát cạnh Đồng Nai.
Quay lại với câu chuyện về sự bất đồng giữa UBND tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. UBND tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng có văn bản đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho ý kiến về việc làm quốc lộ xuyên qua Khu DTSQ. Trong văn bản, tỉnh Đồng Nai cho rằng việc xây dựng cầu sẽ “gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng sinh cảnh của các loài động vật hoang dã” do xe cộ lưu thông. Chưa kể, việc làm cầu Mã Đà, đường xuyên khu DTSQ sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng công tác bảo tồn ba di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nếu dự án cầu Mã Đà và tuyến đường xuyên Khu bảo tồn được hiện thực hóa, nó sẽ xáo trộn toàn bộ tập tính tự nhiên, đời sống của các loài động vật nơi đây, và xa hơn nữa là dẫn đến nguy cơ lấn và phá rừng, khai thác bừa bãi động thực vật hoang dã – kết cục là “lá phổi xanh” của cả vùng Đông Nam Bộ sẽ không còn nữa. Thật khó để tưởng tượng nổi những hệ lụy có thể xảy đến.
Nhà khoa học là người đứng giữa
Sự việc giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai thực chất là mâu thuẫn muôn thuở giữa bảo tồn và phát triển, “đó là điều vẫn luôn xảy ra”, theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí. Điều quan trọng là để các nhà quản lý có thể đưa ra được quyết định chính xác, “cần phải có sự tư vấn hợp lý của các nhà khoa học”.
Dẫn chứng về một trường hợp giải quyết thất bại mâu thuẫn này, GS.TS Trí đề cập đến chính sách phá rừng khộp trồng điều, cao su, cà phê ở Tây Nguyên nhiều năm trước. Được mệnh danh là “rừng nghèo”, nhưng thực chất rừng khộp là loại rừng có độ đa dạng sinh học cao với nhiều động, thực vật quý hiếm sinh sống trong đó. “Vì không được tư vấn khoa học hiệu quả để thấy được đầy đủ giá trị của loại rừng này, nên các nhà quản lý đã đưa ra những chính sách không phù hợp. Cần phải có quy hoạch bài bản dựa trên nghiên cứu, chứ đừng chỉ làm theo suy nghĩ cảm quan của chúng ta.” Một số dự án chuyển đổi rừng khộp thành đất trồng cây công nghiệp thậm chí đã thất bại do thiếu nghiên cứu bài bản, dẫn đến cây trồng không sinh trưởng tốt ở điều kiện đất lạ, cho năng suất rất thấp.
Việc hiểu rõ về đặc tính, điều kiện đất đai, nguồn nước, đa dạng sinh học ở các Khu DTSQ lại càng quan trọng, đây là căn cứ để ban quản lý dự án đưa ra phương thức bảo tồn phù hợp. Là người đã thực hiện xây dựng đề xuất để UNESCO công nhận 11 khu DTSQ tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí cho hay mỗi Khu sinh quyển phải có đặc trưng riêng, tiếng nói riêng, chẳng hạn Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ với hệ thực vật rừng ngập mặn phong phú, Khu DTSQ Langbiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Những đặc trưng này sẽ mang lại cho các Khu DTSQ lợi thế cạnh tranh lớn trong bối cảnh vừa bảo tồn vừa đảm bảo kế sinh nhai cho người dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, nó cũng giúp các nhà quản lý có căn cứ để ra quyết định dễ dàng hơn. Với trường hợp của Khu DTSQ Đồng Nai, một trong những nét đặc trưng của khu vực này là “quần thể loài voi châu Á (khoảng 20 con) và bò rừng (200 con). Hiện nay, Việt Nam chỉ có nơi này mới có thể dễ dàng quan sát đời sống hoang dã của các loài thú lớn trong tự nhiên như vậy”, TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, chia sẻ trên Báo Đầu tư [2]. “Thế nhưng, ngay tại nơi mà người ta định xây dựng Quốc lộ 13C chạy xuyên qua cũng chính là nơi mà quần thể đàn voi châu Á và bò tót thường xuyên xuất hiện và hoạt động tích cực nhất so với những khu vực khác trong Khu bảo tồn”.
Nói cách khác, đề xuất xây dựng đường của tỉnh Bình Phước đã trực tiếp ảnh hưởng đến tập tính và thói quen di chuyển kiếm ăn của loài thú lớn này – một phản xạ tự nhiên rất khó thay đổi. Tương tự, các nhà quản lý cần có đầy đủ tài liệu, thông tin cần thiết từ giới khoa học để thống kê mặt lợi và hại giữa việc xây tuyến đường nối trực tiếp qua vùng lõi của khu bảo tồn với việc xây cắt qua vùng đệm, tránh đi vào những khu có độ đa dạng sinh học cao với những loài động thực vật quý hiếm.
Một trong những nỗ lực bồi đắp các khoảng trống còn thiếu trong nghiên cứu các Khu DTSQ là 16 đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562) do Bộ KH&CN chủ trì. Bên cạnh đó, nhiều phát hiện hay công trình nghiên cứu từ Khu DTSQ đã gây được sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế, như với trường hợp tìm thấy thông hai lá dẹt, một loài cây xuất hiện cùng thời với khủng long và bị coi là đã tuyệt chủng, tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà thuộc Khu DTSQ Langbiang ở độ cao 1.600m, hay như nghiên cứu về “Sự biến đổi theo không gian và thời gian của các hệ sinh thái rừng ngập mặn trong Khu DTSQ Cù Lao Chàm-Hội An” được các nhà khoa học tại ĐH Huế công bố trên tạp chí Regional Studies in Marine Science, nghiên cứu về phương pháp tiếp cận nâng cao tính bền vững tại Khu DTSQ Cát Bà do các nhóm khoa học tại ĐH Adelaide, Nam Úc, thực hiện.
Vậy rốt cục Bình Phước và Đồng Nai sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không xâm phạm khu vực cần bảo tồn? Câu chuyện có thể sẽ chưa vội ngã ngũ, nhưng theo GS. Trí, phải cân nhắc thật kĩ những thứ chúng ta có thể đánh đổi, và dù lựa chọn thế nào, cũng cần nhớ rằng “quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến thế hệ con cháu chúng ta”.
[1] Nguyễn Hoàng Trí (2011). Khu dự trữ sinh quyển – “phòng thí nghiệm học tập” cho phát triển bền vững. Đất ngập nước và biến đổi khí hậu, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia, tr. 45
[2] https://baodautu.vn/bao-ve-hay-pha-vo-khu-sinh-quyen-the-gioi-vi-sinh-ke-mo-xe-phan-bien-tan-cung-cua-chuyen-gia-d164561.html