Bảo vệ môi trường ở Nam Kỳ trước 1945

Bảo vệ môi trường thực ra không phải là vấn đề gì mới. Ít nhất là kể từ khi loài người chuyển xã hội nông nghiệp, nhiều dân tộc đã có ý thức về việc bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng giữ gìn sự cân bằng sinh thái của môi trường tự nhiên. Ai đọc quyển Lang đồ đằng (Totem Sói) cũng thấy mục dân trên thảo nguyên có kinh nghiệm không tận diệt các đàn sói để chúng tiêu diệt bớt những động vật ăn cỏ có thể đe dọa nguồn thức ăn của gia súc, sách Lễ ký của Trung Quốc, thiên Vương chế, phần Cấm lệnh trong chợ cũng nói “Ngũ cốc trái mùa và hoa quả chưa chín không được bán trong chợ, gỗ ván không đúng kích thước không được bán trong chợ, cầm thú rùa cá chết không bình thường không được bán trong chợ”, tức những hàng hóa có hại cho sự an toàn của tự nhiên, xã hội và con người đều bị cấm trong quy phạm thị trường.

Ở Việt Nam, sau khi chiếm lại được Nam Bộ lần cuối năm 1788, năm 1789 Nguyễn Ánh đã ra lệnh bỏ thuế sân chim ở Hà Tiên, để người dân không khai thác các sân chim quá mức cho phép. Về việc này, các sử thần triều Nguyễn viết “Vua cho việc ấy có hại cho loài sinh vật nên bãi đi và cấm từ nay không được đánh lấy trộm nữa”. Nghị định nói trên cũng nại lý do có hơi hướm nhân đức “ơn cập cầm thú đặng sanh sản cho nhiều”, về bản chất chính là nhằm hướng tới quản lý tài nguyên thiên nhiên. Rõ ràng một trong những nguy cơ của kinh tế hàng hóa là hủy hoại môi trường tự nhiên vì chạy theo lợi ích trước mắt, nên các tổ chức quản lý xã hội trong lịch sử đều phải ít nhiều quan tâm tới việc bảo vệ môi trường.
Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ trước 1945 cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Với tư cách là thực dân thống trị, việc quản lý ấy thật ra cũng nhằm khai thác về lâu dài, nhưng việc hướng tới các mục tiêu lâu dài chính là một chỉ báo về nhãn quan cũng như thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn của họ.


Ô nhiễm môi trường sông Thị Vải

Cảnh bán chim ở đường phố

Dưới đây là Nghị định có liên quan tới việc bảo vệ môi trường ở Nam Kỳ, đăng trên Nam Kỳ địa phận số 342, ngày 12/8/1915:
Quan Toàn quyền Tổng thống phủ vụ
Quan Tổng thống Toàn quyền Đông Dương thưởng thọ tứ đẳng bửu tinh,
Chiếu theo các chỉ dụ ngày 28/10/1911,  
Nghĩ vì việc cấm săn bắn cò và già đãy là điều cần kíp, ấy là ơn cập cầm thú đặng sanh sản cho nhiều.
Cứ theo lời thanh tự của quan Nguyên soái Nam Kỳ và quan Chưởng lý Đề hình trong cõi Đông Dương,
Nghị định:
Điều thứ nhứt. Cấm không cho săn bắn hay là đánh bẫy già đãy và cò trong địa phận Nam Kỳ.
Điều thứ hai. Cấm không cho bán, mua, chở và bán dạo chim khô.
Điều thứ ba. Có các quan Tham biện chủ tỉnh, các quan chủ quận, quan kiểm lâm, quan Sở Thương chánh và sơn đầm coi các điều vi lệ mấy điều kể trong lời nghị này. Sẽ phạt vạ từ 1 quan đến 15 quan, và phạt tù từ 1 ngày cho đến 5 ngày, hay là phạt vạ không, cùng phạt tù không, kẻ nào bất tuân thể lệ này, như tái phạm thì Nhà nước cứ phạt tù mà thôi.
Những khí giái, đồ đánh bẫy và lưới dùng mà gài cò thì Nhà nước sẽ tịch ký và lại còn không kể phạt tạ riêng kẻ vi lệ về việc dùng khí giái.
Quan quyền Tổng thống Đông Dương
Bourcier Saint-Chaffray
Biên bản phiên họp Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ ngày 26 – 12 – 1884 đăng trên Gia Định báo số ra ngày 7 – 2 – 1885 có một đoạn rất đáng suy nghĩ. Lúc ấy, nạn đốn gỗ lậu ở vùng biên giới Việt Nam – Campuchia lan tràn, thậm chí những cây còn nhỏ cũng bị hạ. Vì Campuchia chưa có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn khai thác nên những người đốn gỗ lậu bị kiểm lâm của chính quyền thuộc địa bắt được đều khai là gỗ từ Campuchia. Chính quyền thuộc địa muốn tăng thuế khai thác rừng để giảm bớt nạn đốn gỗ lậu bèn giao cho Hội đồng Quản hạt bàn, một ủy viên người Pháp đề nghị chờ sửa quy định khai thác rừng ở Campuchia cho thống nhất với Nam Kỳ xong sẽ tăng một lần cho khỏi phiền phức. Nhưng viên Giám đốc Nha Nội chính dự phiên họp không đồng ý, nói “Lấy theo ý tôi, bớt giá thuế nghĩa là muốn phá rừng. Ngày nào người ta không phải lãnh giấy phép, thì ai nấy đều đi đốn cây, thủng thẳng rừng rú phải hết cây. Chúng ta chẳng phải nghĩ về chúng ta mà thôi, chúng ta phải nghĩ về những người sau chúng ta sẽ lo mà giữ rừng bối cho sung túc mà giao lại cho các kẻ ấy”. Chưa cần nói tới “những người sau chúng ta” mà viên Giám đốc Nha Nội chính nói tới ở đây là những ai, tuy nhiên, ít nhất cách nghĩ ấy cũng giúp cộng đồng Việt Nam không mất đi một số điều kiện cần thiết để khai phá đồng bằng Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc, vì chính những dãy rừng nguyên sinh ở vùng biên giới Nam Kỳ – Campuchia thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã góp phần tạo ra một khối lượng tài nguyên nước ngầm rất lớn, đảm bảo cho chu kỳ sinh trưởng của hệ thực vật ở Nam Kỳ vào mùa khô.
Ngoài ra, nhiều người còn nhớ, ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc còn cấm bắt cá vào đầu mùa mưa, tức lúc cá sắp đẻ, cấm bắt cá ròng ròng, cấm cào ốc gạo trước và sau mùa thu hoạch tết Đoan Ngọ, làng nào cũng phân công hương chức kiểm tra việc này, và may mà các hương chức ngày xưa không nhậu “đặc sản” nhiều như hiện nay.

Vấn đề khai thác tài nguyên, ngoài khai thác gián tiếp (chẳng hạn thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp), người ta còn khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách trực tiếp. Loại hoạt động kinh tế này thường mang tính sản xuất hàng hóa cao nên cũng hàm chứa nhiều hơn những nguy cơ đối với môi trường. Tài nguyên thiên nhiên nói chung lại gồm hai loại, một loại có thể phục hồi (như động thực vật, độ màu mỡ của đất đai), một loại không thể phục hồi (như các mỏ khoáng sản), nên vấn đề bảo vệ môi trường đặt ra với việc khai thác trực tiếp có khác nhau. Với loại thứ nhất, vấn đề chủ yếu là tốc độ khai thác có vượt quá khả năng phục hồi, tức làm thay đổi cân bằng sinh thái hay không. Đối với loại thứ hai, vấn đề rất hệ trọng là việc khai thác sẽ tác động tới môi trường chung quanh như thế nào. Ở đây kiến thức khoa học và ý thức xã hội sẽ quyết định cách thức hành xử với môi trường của những người quản lý. Vì thế mà hiện nay, dễ hiểu vì sao nhiều người tỏ ra lo ngại về các thông tin chính thức nhưng chưa chính xác về nhiều vấn đề môi trường, từ sự hồi phục của sông Thị Vải cho đến mức độ an toàn về môi trường trong các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên…

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)