Bay tới rìa vũ trụ mà không cần động cơ

Ngày 23/9 vừa qua tại Redmond, Oregon, Mỹ, Perlan 2 Glider - chiếc máy bay không động cơ nhỏ nhắn (đủ chỗ cho hai phi công và một số dụng cụ khoa học) được thiết kế để bay tới rìa vũ trụ bằng cách “lướt theo” những luồng không lưu mạnh trong lốc xoáy vùng cực - đã hoàn thành cuộc bay thử nghiệm đầu tiên.

Chuyến bay với độ cao khiêm tốn 1.500m mới chỉ là bước khởi đầu. Mục tiêu tiếp theo của Perlan Glider là trở thành chiếc máy bay có cánh bay cao nhất ở độ cao 27.000m so với Trái đất, tức ở điểm tiếp giáp với vũ trụ. Dự kiến chuyến bay này sẽ được tiến hành vào tháng 7/2016.

Kỷ lục thế giới hiện nay là 26.000m do máy bay SR-71 Blackbird thực hiện vào tháng 7/1976. Máy bay do thám U-2 chỉ đạt được độ cao trên 21.000m. Một máy bay thương mại bình thường bay ở độ cao xấp xỉ 10.600m. Ở độ cao vượt quá 19.000m – hay còn gọi là Giới hạn Armstrong – một số chất lỏng trong cơ thể người sẽ sôi lên nếu không mặc quần áo chịu áp suất.

Giống như người lướt sóng cưỡi trên lưng các con sóng ở đại dương, Perlan Glider cũng cưỡi trên những con “sóng núi” xuất hiện ở một số khu vực trong tầng bình lưu của Trái đất. Giả thuyết về sự tồn tại của “sóng núi” ở các khu vực cận cực đã có từ khoảng thập niên 1930, song phải tới gần đây các nhà sáng chế trong ngành hàng không mới tìm được phương pháp biến lý thuyết thành thực tiễn để đạt tới những tầm cao ấn tượng.

Theo các lãnh đạo của Dự án Perlan, mục tiêu của dự án này là đóng góp vào việc tìm hiểu khoa học khí hậu hiện đại bằng cách nghiên cứu trái đất từ độ cao con người chưa từng đạt tới. Bên cạnh đó, máy bay Perlan Glider có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về di chuyển trong không gian, từ đó mở ra cánh cửa cơ hội giúp các nhà sáng tạo tận dụng được các nguồn năng lượng mới để vận hành máy bay.

Trang Bùi dịch theo washingtonpost.com

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)