Bẫy tri thức
Các nước đang phát triển gặp trở ngại không phải chỉ vì ít hiểu biết mà có khi lại do biết “quá nhiều”: họ “mắc” vào những cái “Bẫy” Tri Thức (Knowledge Trap), đặc biệt trong việc tiếp thu tri thức khoa học-công nghệ, sáng tạo-đổi mới và kinh tế từ các nước phát triển. Điều này nghe tưởng chừng phi lý nhưng lại có thực và được một số học giả đề cập đến gần đây.
Tri thức và các ẩn số của nó
Các nước đi sau thường bị ảnh hưởng, tiếp thu những dữ liệu, thông tin và tri thức của các nước phát triển mà chưa hoặc không xác định rõ được các “ẩn số” (unknown) của chúng. Nói cách khác, họ tiếp thu tri thức mà chưa hay không biết thấu đáo về nguyên nhân, mục đích, lý do của các tri thức đó, điều mà các nước (hay người) phát minh ra tri thức đó đã phải trải nghiệm.
Tri thức, đặc biệt là tri thức trong lĩnh vực khoa học-công nghệ ứng dụng, được tạo ra để đạt được những mục đích cụ thể. Thường tri thức nhắm tới việc giải quyết một hay nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhằm tìm ra các “ẩn số”-hay những vấn đề nan giải nhất định mà nếu không tìm tòi, trăn trở, suy nghĩ thì người ta không tìm ra cách giải. Tri thức luôn gắn với các “ẩn số” của nó.
Tri thức và các ẩn số của chúng luôn nằm trong những điều kiện cụ thể về lịch sử, địa điểm, mối tương quan với các sự kiện khác. Ví dụ, các chính sách công nghiệp (industrial policy) của Hàn Quốc trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 đã đưa nước này thành một nước công nghiệp phát triển và nó gắn chặt với các điều kiện lịch sử, tình hình, kinh tế, văn hóa-xã hội, bối cảnh quan hệ kinh tế-thương mại,…thời kỳ đó.
Càng có nhiều tri thức thì chứng tỏ càng có nhiều điều mình chưa biết. Tách rời tri thức ra khỏi các ẩn số của nó thì tri thức trở nên tri thức “chết”. Tri thức chỉ có ý nghĩa khi nó gắn với việc giải quyết một vấn đề thực tế của cuộc sống. Tri thức phải gắn với cuộc sống thì mới là tri thức “sống” và tích cực. Goethe – đại thi hào Đức – đã diễn đạt xuất thần điều này khi cho rằng “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Trong trường hợp lý tưởng, người tạo ra tri thức, nhà nghiên cứu, phát minh cần phải xác định rõ điều mình cần tìm ra, cái mình chưa biết, việc mình cần giải quyết. Họ phải biết các ẩn số của tri thức mà họ muốn tìm tòi.
Ai có thể bị rơi vào bẫy tri thức
Các nước đi sau, dù muốn hay không, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi các nước đi trước với các tri thức mà họ tạo ta, đặc biệt là các tri thức đã mang lại thành công. Các nước đi sau thường có khuynh hướng học tập, áp dụng những tri thức quý báu của các nước tiên tiến để áp dụng cho mình. Những tri thức này nhiều khi đã được tạo ra từ cả hàng vài thế kỷ trước, với những bối cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế-xã hội,… hoàn toàn khác. Vì những thành công vang dội trước đây, người ta dễ bỏ qua không xem xét đến các ẩn số, những điều kiện để áp dụng thành công, những việc cụ thể mà nó cần giải quyết. Những tri thức này dễ được coi như những quy luật tất nhiên, bất biến, áp dụng cho mọi hoàn cảnh. Hậu quả là nhiều tri thức, nhất là về kinh tế-xã hội, khi đem áp dụng không những không đem lại kết quả tốt mà lại tác động xấu. Các tập đoàn, bảo hộ thị trường thông qua các chính sách công nghiệp và bao cấp đã có tác dụng tốt ở một số nước trong điều kiện kinh doanh, thương mại thế giới ở giai đoạn nhất định nhưng lại là tai họa khi được áp dụng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa như ngày nay. Công nghiệp hóa đã đem lại nền sản xuất đại công nghiệp, sự phồn thịnh vượt bậc cho nhiều nước từ những thế kỷ 17, 18 khi ngoại thương chưa mấy phát triển. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa, chương trình này không còn mấy thích hợp, thậm chí là thảm họa, nếu cứ tiến hành theo như cách kinh điển. Hiện nay, ở những nước phát triển, một thực tế là các ngành dịch vụ phát triển nhanh và ngày càng tạo ra nhiều thu nhập so với các ngành sản xuất. Nhưng nếu các nước chậm phát triển tìm cách “ép” các ngành dịch vụ phát triển bằng những biện pháp khiên cưỡng, phi thị trường thì chưa chắc sẽ đem lại kết quả mong muốn. Những can thiệp thô bạo của “bàn tay hữu hình” ở nhiều nước đã làm cho các quan hệ, tỷ lệ giá trị của nền kinh tế bị “méo mó” (distorted) và rất khó áp dụng được các công cụ điều khiển kinh tế vĩ mô.
Cổ nhân cho rằng “Tận tín thư, bất như vô thư” (Tin hết vào sách thì cũng như không có sách). Thuốc tốt với người này, vào thời khắc này có khi lại độc với người khác, uống vào giờ khác.
Vì vậy không chạy theo “mốt” của người khác (dù họ có đẹp thế nào đi chăng nữa) mà điều cốt yếu là phải biết mình thực sự cần gì để từ đó xác định phương hướng mục tiêu nghiên cứu, tiếp thu những tri thức, công nghệ đáp ứng hiệu quả cho chiến lược CNH, HĐH của đất nước.