Bên trọng, bên khinh

 Nói chung, tối thiểu 70% số công ty dược phẩm ở Âu Mỹ tập trung vào thuốc sản xuất từ hóa chất tổng hợp. Thế mà theo cuộc thăm dò ý kiến gần đây của viện Emnid ở Berlin, gần 80% cư dân tại nước này lại mong muốn được điều trị bằng dược phẩm chế biến từ nguồn dược liệu thiên nhiên! Người tiêu dùng trên quê hương của Einstein, xứ sở được xem như biểu tượng của khoa học hiện đại ở Châu Âu, sở dĩ có quan điểm dứt khoát như thế là do nhận thức về hậu quả lâu dài của dược phẩm xây dựng trên hóa chất. Thái độ của người dân vì phản ứng phụ của thuốc là rất rõ ràng dù khiến ngành công nghiệp dược vốn có lợi nhuận hàng năm tính trên bạc tỷ Euro phải đau lòng. Tức nước phải có lúc vỡ bờ.

Ở nước mình thì dường như ngược lại. Số người muốn thuốc mạnh vẫn chiếm đa số, bất cần cấu trúc hóa học, bất cần phản ứng phụ, bất cần độc tính, miễn là có công hiệu ngay lập tức. Nguy hơn, điều này thông dụng ngay cả ở nhiều thầy thuốc, mặc dù thầy thuốc là những người được học hành để có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân! Có lẽ vì quá vội vã với cuộc sống tranh đua nên ít ai thắc mắc, chất nào đúng nghĩa làm nên thuốc, hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên? Mặc kệ, miễn hiệu quả nhanh là tốt!
Cách đặt vấn đề về nguồn gốc thuốc như trên là thừa! Không dưới 2/3 số dược phẩm đang lưu hành ở các quốc gia phương Tây, tuy được gọi thuốc tổng hợp, nhưng trên thực tế hoặc chỉ là hóa chất trích từ dược liệu thiên nhiên, hoặc tuy có thành phần đúng là hợp chất nhân tạo nhưng rập theo cấu trúc hóa học của một hoạt chất tự nhiên nào đó. Tuy vậy, vì lý do cạnh tranh nên dược phẩm từ cây cỏ, khoáng chất … vẫn thường bị chỉ trích dựa vào nhiều lý do, hoặc vì thiếu cơ sở khoa học, hoặc vì thiếu chứng minh trên lâm sàng! hoặc nếu có hiệu quả thì chỉ là tác dụng giả dược (placebo)! Cứ như dược liệu chưa hề được dùng từ nhiều ngàn năm nay. Chê thì chê nhưng đại gia nào trong ngành dược quốc tế cũng đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm để nghiên cứu sản phẩm mới từ cây thuốc!

Cho dù bị công kích thế nào thì thuốc dược thảo vẫn tiếp tục “đi đúng thị hiếu” vì nhiều lý do:
1. Hơn 80% người đang dùng thuốc dược thảo hoàn toàn hài lòng với tác dụng. Tỷ lệ này cao hơn hiệu quả của nhiều loại thuốc tổng hợp!
2. Số người tin dùng dược phẩm với hoạt chất thiên nhiên càng lúc càng nhiều vì:
• Thuốc cây cỏ muốn được lưu hành cũng phải trải qua quy trình sản xuất và kiểm định gắt gao như với dược phẩm tổng hợp.
• Tác dụng của dược phẩm thảo mộc được chứng minh trên lâm sàng cũng như trong thực nghiệm trước khi đến tay người tiêu dùng.
• Thuốc dựa vào hoạt chất thiên nhiên rõ ràng ít có phản ứng phụ bất lợi hơn dược phẩm tổng hợp.

Hơn nữa, muốn chê thuốc dược thảo cũng không còn dễ dàng như xưa. Các nhà nghiên cứu kéo dài hơn 5 năm ở đại học Rostock đã chứng minh rằng dược thảo, nếu xét về mặt cơ chế tác dụng, có nhiều lợi điểm hơn hóa chất tổng hợp, nhờ tác dụng cộng hưởng của nhiều thành phần phân bố hài hòa trong cây thuốc. Một phác đồ điều trị với hoạt chất riêng biệt từ nhiều thành phẩm khác nhau khó tránh khỏi nhược điểm của phản ứng tương tác phức tạp. Ngược lại, việc kiểm soát phản ứng phụ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu ứng dụng hoạt chất trong cùng một cây thuốc.

Mặt khác, không nên vì lời “đường mật” trong các đoạn trên mà vội vàng áp dụng cây thuốc một cách cường điệu. Khoa Dược của đại học Wiesbaden hoàn toàn có lý khi khuyến cáo người bệnh đừng quên:
• Chọn lọc dược phẩm bảo đảm về chất lượng qua nhà sản xuất có uy tín, có cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO, GMP …
• Áp dụng thật đúng chỉ định điều trị dưới sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc. Nếu nhiều loại thuốc dược thảo rõ ràng hữu dụng trong lĩnh vực nhi khoa, niệu khoa, tiêu hóa, nội thần kinh, phụ khoa, đặc biệt để chống cảm cúm, để điều chỉnh rối loạn chức năng vì nguyên nhân thần kinh thực vật … thì dược phẩm với hoạt chất thiên nhiên cần được áp dụng dè dặt hơn trong trường hợp bệnh nghiêm trọng đòi hỏi phải có sự theo dõi chuyên khoa như suy tim, ung thư, bội nhiễm cấp tính …
• Tìm thầy thuốc biết cách phối hợp dược thảo đúng mức và đúng cách để giảm bớt gánh nặng hóa chất trong phác đồ điều trị. Giảm thiểu không đồng nghĩa với thay thế hoàn toàn khi chưa đúng lúc.

Giữ cho đúng lẽ công bằng? Nói nghe rất dễ. Khi nhập cuộc mới biết khó trăm bề. Trong nghề làm thuốc cũng thế. Đúng là không ít thầy thuốc vì quá coi trọng tác dụng nên lơ là tính an toàn của dược phẩm. Cũng không thiếu nhà điều trị vì thói quen đặt nặng hiệu quả trước mắt nên quên phản ứng phụ về lâu về  dài.  Nhưng thực trạng đó sẽ không thể nào tiếp tục đứng vững, khi cái giá phải trả của người bệnh vì độc tính của thuốc càng lúc càng cao. Đã đến lúc sức khỏe của người bệnh phải là bên trọng. Đã đến lúc quyền lợi của hãng thuốc, của thầy thuốc phải là bên khinh. Có thế mới đúng nghĩa công bằng.

Giáo Sư Bùi Chí Hiếu

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)