Bệnh gian dối tràn lan trong giới nghiên cứu Trung Quốc
Nhà sinh học phân tử, nhà báo tự do Phương Thị Minh, với bút danh Phương Chu Tử, tự đặt cho mình nhiệm vụ chống tệ nạn "đạo văn" trong khoa học. Năm ngoái, khi săm soi hồ sơ khoa học của GS Lưu Huy, trợ lý trưởng khoa Y, ĐH Thanh Hoa, Phương để ý thấy trong đó có một nghiên cứu về sinh học phân tử của HIV - lĩnh vực không hề liên quan tới ngành phẫu thuật của Lưu Huy. Thực ra đó là công trình của một Hoa kiều ở Mỹ cũng có tên là Lưu Huy. Phát hiện của Phương được công bố lên internet. Vài tháng sau, trường ĐH Thanh Hoa lặng lẽ đuổi Lưu Huy.
Vài tuần trước khi bức thư ngỏ của các nhà khoa học được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nhiệm Ngọc Linh, quan chức cấp cao của Quốc Vụ Viện và của chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố một điều tra của chính phủ trên 180 tiến sĩ, trong đó có tới 60% nói đã từng trả tiền để tạp chí chuyên ngành đăng bài của mình. Số thú nhận từng copy công trình của người khác cũng chiếm tỉ lệ tương tự.
Những nỗ lực chống gian dối trong khoa học đó đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu. Bộ Giáo dục đã tuyên bố thành lập một ủy ban chống tiêu cực, quy định mức độ xử lý với những người vi phạm. Ngay sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tuyên bố sẽ lập hồ sơ lưu trữ vĩnh viễn về những nhà khoa học “dởm”.
Vạch trần gian dối
Khi những nỗ lực chống gian dối trong khoa học của chính phủ Trung Quốc chưa mạnh, thì các “công dân mạng” đã vào cuộc. Đầu tiên phải kể đến website Phê bình học thuật, nơi tràn ngập những bài tố cáo gian dối trong giới khoa học Trung Quốc. Trên website này, nhiều học giả, thậm chí cả sinh viên cao học đã xem việc “vạch trần” như một sở thích.
Phương Chu Tử thì cho rằng các trường đại học phản ứng rất chậm chạp hoặc bó tay trước tệ gian dối, và chỉ buộc hành động khi có một trường hợp nào bị “lật tẩy”. Phương tính rằng, 4 năm qua, mình đã vạch trần khoảng 500 trường hợp “trái đạo đức khoa học”. Theo Phương, trường hợp bị đuổi việc của Lưu Huy là ” một ngoại lệ”. ĐH Thanh Hoa đã không làm gì khi biết ông này gian dối, chỉ khi sức ép dư luận quá lớn, họ mới sa thải Lưu Huy. Ngược lại, một phó giáo sư khoa Sinh của ĐH Thanh Hoa, sau khi bị tố cáo đã liệt kê bảy công trình nghiên cứu ma trong hồ sơ khoa học, thì không những không bị kỷ luật mà còn được đề bạt làm giáo sư chính thức.
“Thậm chí nếu có ai “bị lộ”, nhà trường thường cố gắng che dấu – đặc biệt cho những nhân vật lớn – để bảo vệ danh tiếng và nguồn thu cho trường mình” – Phương Chu Tử phát biểu – “Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc có quyền lực rất lớn. Họ có thể mang rất nhiều tiền về cho trường đại học, vì thế trường ra sức bảo vệ họ”. Phương đã vạch trần 20 viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc vì đạo văn hay trái đạo đức khoa học, song không một ai bị xử lý chính thức.
Nguồn gốc căn bệnh
Nhiều học giả cho rằng tệ gian dối trong giới nghiên cứu có gốc rễ sâu sa từ giáo dục phổ thông. Năm 1964, trong một buổi nói chuyện, người đứng đầu nước Trung Quốc thời bấy giờ đã phê phán chế độ thi cử và coi việc nhắc bài trong kỳ thi là “cũng có điểm tốt”. Mấy năm gần đây, trong giới sinh viên Trung Quốc còn rộ lên việc thuê “tay súng” (người thi hộ). “Tay súng” có mặt ở đủ mọi loại kì thi, kể cả các kì thi theo chuẩn quốc tế như IELTS hay GRE. Một trang web đưa nêu giá: 2.000 tệ thuê “tay súng”, 4.000 tệ cho đề trước khi thi, 1.200 tệ cho việc nhắc lời giải bằng một thiết bị không dây nhỏ xíu.
Nhà trường Trung Quốc không giáo dục học sinh ý thức về đạo văn. Học sinh phải mất quá nhiều thời gian để học thuộc, thay vì tìm hiểu. Học sinh phổ thông thì hoàn toàn không được đào tạo kĩ năng viết bài nghiên cứu. Thậm chí một số giáo sư còn khuyến khích sinh viên thực hiện một kiểu đạo văn trá hình. Một sinh viên khoa Ứng dụng Công nghệ của ĐH Bắc Kinh kể đã được giáo viên dạy cho cách copy sao cho người khác không nhận ra.
Nhiều người cũng lo lắng, việc chính phủ Trung Quốc nỗ lực tạo ra hàng loạt “trường đại học đẳng cấp quốc tế” sẽ khiến căn bệnh gian dối thêm lan tràn. Theo quy định, nghiên cứu sinh và giáo sư phải công bố một số lượng nhất định các nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành. Việc tăng lương, thăng chức của họ phụ thuộc vào số lượng các bài báo hơn là vào chất lượng. Vì thế mà đã có hàng loạt các nghiên cứu vội vã, hay nghiên cứu “bẩn” ra đời. Thậm chí có người trong một năm đã công bố mấy chục nghiên cứu. Đòi hỏi về số lượng công trình nghiên cứu đã hình thành nên một chợ đen các bài báo khoa học, các giáo sư có thể mua bài để đăng. Theo thông kê của tờ “Tuần tin tức Trung Quốc”, hằng năm các tạp chí khoa học của Trung Quốc chỉ có thể đăng được khoảng 300.000 bài, trong khi đó, các nhà nghiên cứu có thể sản xuất được tới 530.000 bài.
Có ý kiến cho rằng, nỗ lực tạo ra trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc hiện nay giống như cuộc “Đại nhảy vọt” hồi cuối năm 50, mà kết quả của nó không chỉ là những sản phẩm tồi, mà còn là thảm họa. “Không thể làm tăng số lượng nghiên cứu theo kiểu phong trào chỉ để giữ chỗ làm” – Ông Đường An Quốc, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục sau đại học của ĐH Sư phạm Hoa Đông Thượng Hải phát biểu.
Một số trường hợp gian dối bị phát hiện gần đây
-Dương Kiệt, viện trưởng Viện khoa học Sự sống và Kỹ thuật thuộc ĐH Đồng Tế, bị cách chức viện trưởng vì ngụy tạo hồ sơ khoa học, nhưng vẫn giữ chức danh giáo sư.
-Thẩm Phú Vĩ, phó giáo sư ngữ văn của trường Ngoại ngữ Thiên Tân, bị đuổi việc vì “đạo” 10 bài báo trong sách của mình.
-Hồ Hưng Vinh, giáo sư khoa Báo chí của ĐH Sán Đầu, bị thôi việc năm 2005 vì “đạo” một bài báo.
-Chu Diệp Trung, giáo sư Luật ĐH Vũ Hán, năm 2005 bị tố cáo đã sao chép tác phẩm của học giả nổi tiếng Vương Thiên Thành. Vương Thiên Thành đã khởi kiện Chu, song vụ việc vẫn chưa ngã ngũ. ĐH Vũ Hán không có phản ứng gì.
-Khâu Tiểu Khánh, GS khoa Sinh, ĐH Tứ Xuyên, năm 2003 bị tố cáo đã đăng một nghiên cứu dởm trên tờ “Tự nhiên và Công nghệ sinh học”. Trường ĐH Tứ Xuyên vẫn đang điều tra.
-Hoàng Tôn Anh, GS khoa Anh ngữ, ĐH Bắc Kinh, bị đuổi việc vì xuất bản một cuốn sách có tới 2/3 là “đạo” của T.S Eliot.
-Vương Minh Minh, GS khoa Nhân loại học của ĐH Bắc Kinh, năm 2004 bị điều chuyển khỏi vị trí công tác vì “đạo” vài phần trong cuốn sách nổi tiếng “Văn hóa nhân loại học” của W. A. Haviland.
Theo Chronicle of Higher Education
—————–
CHÚ THÍCH ẢNH: Phương Chu Tử