Bệnh sốt rét và nền y học vệ quốc

Khởi nguồn từ sự kết hợp giữa các hiểu biết thời kỳ thuộc địa với những dịch chuyển xã hội hậu thuộc địa, cuộc kiểm soát bệnh sốt rét cách đây hơn thế kỷ đã góp phần vẽ lên một bức tranh sống động về khoa học, y học hiện đại và tinh thần dân tộc ở Việt Nam. Bệnh sốt rét trở thành một chứng nhân mà khi soi chiếu vào đó, có thể giúp tái hiện phần nào những bước đi lịch sử của đất nước.

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ mang mơ ước tạo ra vaccine chống sốt rét.

Trong những ngày gần đây, thông tin mới về bệnh sốt rét liên tục khiến người ta phải để tâm. Bởi theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận từ đầu năm đến nay, Việt Nam có hai “điểm nóng” sốt rét là Lai Châu với 64 ca và Khánh Hòa với 81 ca. Điều đó cho thấy, trong những năm đầu của thế kỷ 21, căn bệnh, do vết đốt của muỗi Anopheles mang ký sinh trùng Plasmodium truyền sang người, vẫn còn tồn tại một cách dai dẳng trong điều kiện môi trường nhiệt đới ẩm, bất chấp những nỗ lực của ngành y tế dự phòng.

Nhưng có lẽ, bên cạnh những điều khác thì lịch sử loài người luôn gắn kết với cuộc chiến chống lại các mầm bệnh. Thật khó hình dung sự tồn tại của một quốc gia hay một tộc người nào lại thiếu vắng những chiến lược kiểm soát bệnh dịch. Bất chấp sự kế thừa và tích lũy kiến thức y học của các thế hệ, các mầm bệnh cổ xưa vẫn luôn tìm được cách tồn tại trong những không gian mới và trên những vật chủ mới. Sốt rét cũng là một trong những căn bệnh như vậy. Nhiều tài liệu còn ghi lại cho thấy sốt rét từng xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng 2.700 năm trước Công nguyên, những tấm bảng đất sét của Lưỡng Hà cho mốc thời gian 2.000 năm trước Công nguyên, giấy cói Ai Cập là 1.570 năm trước Công nguyên và văn bản bằng tiếng Hindu vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Dẫu vậy, giáo sư Francis EG Cox, Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London cho rằng cần thận trọng hơn trước các tư liệu này và ông thấy thuyết phục hơn với mô tả của Homer vào năm 850 trước Công nguyên, Empedocles của thành phố Agrigentum vào năm 550 năm trước Công nguyên và Hippocrates vào năm 400 trước Công nguyên: tình trạng sức khỏe kém, sốt run cầm cập và lá lách sưng to ở những người sống ven đầm lầy. Thời kỳ đó người ta thường gọi đây là bệnh sốt đầm lầy.

Lịch sử y học Việt Nam đã ghi nhận các kế hoạch ngăn ngừa bệnh sốt rét dưới sự dẫn dắt của các bác sĩ Đặng Văn Ngữ và Phạm Ngọc Thạch.

Tuy nhiên, phải đến khi Antoni van Leeuwenhoek khám phá vi khuẩn vào năm 1676 và phát hiện vi sinh vật là nguyên nhân gây ra các căn bệnh truyền nhiễm cũng như sự phát triển của lý thuyết vi trùng lây nhiễm của Louis Pasteur và Robert Koch vào năm 1878-1879 thì cuộc kiếm tìm nguyên nhân gây bệnh sốt rét mới bắt đầu đi đúng hướng. Ngày nay, những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này mà các học sinh Việt Nam có thể tìm thấy trong sách giáo khoa sinh học phổ thông đều được bắt nguồn từ những kết quả nghiên cứu về ký sinh trùng của Charles Louis Alphonse Laveran vào năm 1880, việc chỉ đích danh muỗi là véc tơ trung gian, bắt đầu từ sốt rét trên gia cầm của Ronald Ross vào năm 1897, sau đó là sốt rét trên người của nhóm các nhà khoa học Ý Giovanni Battista Grassi, Amico Bignami, Giuseppe Bastianelli, Angelo Celli, Camillo Golgi, Ettore Marchiafava giữa các năm 1898 – 1900. 

Hiểu biết của chúng ta về vòng đời của ký sinh trùng gây bệnh sốt rét Plasmodium spp. cũng như cơ chế gây bệnh của nó không được tập hợp theo một trật tự logic tuyến tính mà lại giống như một trò chơi ghép hình với vô số miếng ghép được đặt từng miếng vào cạnh nhau một cách kiên nhẫn và dĩ nhiên, không thiếu những lần ghép sai. Trong cuộc chiến bền bỉ ấy, những gì diễn ra ở Việt Nam, và nhiều quốc gia khác thời kỳ thuộc địa, đã đóng vai trò quan trọng vào việc hiểu thêm một cách sâu sắc của toàn cầu về bệnh sốt rét.

Nhưng Việt Nam đã làm được điều đó, bằng cách nào?

Các loài muỗi Anopheles có ở Nam Kỳ đều có tiềm năng là véc tơ mang Plasmodia.

Sốt rét trong di sản thuộc địa 

Sốt rét, như chúng ta đã biết, không phải là một căn bệnh truyền nhiễm hiện đại. Y văn của y học cổ truyền đã gọi căn bệnh này là chứng ngược tật, một loại nhiệt bệnh đặc biệt lưu hành rộng, mang tính truyền nhiễm qua các môi sinh. Bác sĩ Trần Văn Bản, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nhắc lại trên báo Sức khỏe và đời sống về cơ chế bệnh sinh của chứng ngược tật là do khí thử thấp ẩn phục ở bên trong gặp tà khí phong hàn xâm nhập gây ra. Triệu chứng chủ yếu của sốt rét là “hàn nhiệt vãng lai” (nóng rét qua lại) do tà khí và chính khí giao tranh. Khi chính khí suy yếu, sức chống đỡ với bệnh tà giảm, sốt không rõ mà chỉ thấy rét hoặc cơn sốt không điển hình, nếu tà khí không gặp chính khí thì hết nóng hoặc rét. Chứng ngược tật, dưới góc nhìn của y học cổ truyền, có tới sáu loại, tùy theo tính chất: chính ngược, ôn ngược, đan ngược, tẫn ngược, chướng ngược và ngược mẫu. 

Đó là giải thích của các thầy lang, dựa theo sách xưa và cả những trải nghiệm trên những lần “vọng, văn, vấn, thiết” của chính mình. Còn trong dân gian, đặc biệt là người đồng bằng, sốt rét chính là nỗi khiếp sợ “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, căn bệnh ngã nước với hệ quả của những người đi rừng lâu ngày, rơi vào sơn lam chướng khí nơi mạn ngược, bị bụng báng sưng to, da vàng bủng beo, sức khỏe kiệt quệ. Với người xưa, câu chuyện về rừng thiêng, nước độc không chỉ là thú dữ, rắn độc đoạt mạng người mà cả bệnh ngã nước do mạo phạm thần rừng. 

Câu chuyện sốt rét vẫn còn tiếp tục tại Việt Nam, trong những giai đoạn sau. Khi công cuộc khai phá vùng kinh tế mới diễn ra, trong các chính sách của nhà nước có thêm mục kinh phí dành mua thuốc men hỗ trợ người dân đồng bằng đi khai hoang (giai đoạn 1960-1975). Theo đánh giá của giáo sư Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV) trong cuốn “Di cư, di dân và phát triển”, có lẽ, sốt rét, bên cạnh các bệnh tật khác, là một trong những nỗi ám ảnh của những người đi khai hoang trong những năm này. Qua nhiều hồi tưởng của người trong cuộc, có thể thấy sốt rét, chứ không phải bệnh nào khác, tàn phá sức khỏe họ bậc nhất.

Vòng đời của muỗi Anopheles.

Nhưng tại sao sốt rét lại có khả năng đẩy con người đến mức thảm khốc như vậy? Thực ra, những biểu hiện lâm sàng của bệnh ngã nước hay sốt rét chính là sự phản ánh quá trình diễn ra trong cơ thể người bệnh, một chu kỳ phát triển của Plasmodium spp khi họ bị muỗi Anopheles nhiễm ký sinh trùng đốt. Plasmodium spp vào đến gan, phát triển ở đó, làm làm vỡ tế bào gan để tạo ra ký sinh trùng non (merozoite). Các ký sinh trùng non đi vào máu, xâm nhập các tế bào hồng cầu rồi tiếp tục pha hai sinh sản vô tính như ở gan, tạo ra những ký sinh trùng non xâm nhập các tế bào máu mới. Quá trình này lặp đi lặp lại gần như vô tận, dẫn đến phát bệnh sốt rét ở người. Mặc dù chưa hiểu được hết quá trình nhân lên và trưởng thành của ký sinh trùng trong máu người nhưng Laveran, vị bác sĩ gia nhập Viện Pasteur Paris từ năm 1896, được trao giải Nobel Y sinh vào năm 1907, đã quan sát được ký sinh trùng trong máu người mới qua đời vì bệnh sốt rét. Điều đáng chú ý, đây là kết quả của đợt làm việc của ông tại một xứ nhiệt đới – Constantine, Algeria, vào năm 1880. Trước đó, một đồng nghiệp của ông, Sir Ronald Ross đã nhận được giải Nobel Y sinh vào năm 1902 nhờ chứng minh được muỗi là véc tơ mang bệnh sốt rét, khi làm việc tại cơ quan Dịch vụ Y tế Ấn Độ vào những năm 1890.

Hai giải Nobel Y sinh vào đầu thế kỷ 20, phần đỉnh của các “tảng băng trôi” – các hệ sinh thái y học ở thuộc địa, cho thấy nghiên cứu sốt rét và việc kiểm soát nó gắn bó mật thiết với quá trình thực dân hóa và hai di sản thực dân và sốt rét không thể tồn tại tách rời. Công cuộc khai thác thuộc địa đã góp phần kích hoạt mầm bệnh sốt rét, vốn trước đây gắn liền với rừng thiêng nước độc và đưa nó xuống đồng bằng. Để có thể tiếp tục khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân buộc phải nghiên cứu về sốt rét. Những hiểu biết này đã góp phần định hình hiểu biết và ứng dụng trong kiểm soát bệnh sốt rét. Do đó, với họ, công cuộc xâm chiếm thuộc địa không chỉ là vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội mà còn là vấn đề của vệ sinh và mầm bệnh ở thuộc địa, theo nhận định của tiến sĩ Isabel Amaral, ĐH Lisbon NOVA. 

Tại Việt Nam, cũng như nhiều thuộc địa khác, sốt rét là một trong những động lực nằm sau sự khởi sinh nền y học nhiệt đới hiện đại, một sự kết hợp hoàn hảo giữa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, xem xét các điều kiện ngoại cảnh, cải thiện tình hình vệ sinh và thực hành lâm sàng. Đó cũng là nền tảng cho sự phát triển của y tế công cộng và khái niệm One Health mà ngày nay đang lan tỏa khắp Việt Nam.

Việc kiểm soát sốt rét từ chỗ là nhiệm vụ của chính quyền thuộc địa đã được chuyển vào tay giới nghiên cứu người Pháp ở Đông dương và theo thời gian là cả giới y khoa người Việt. Một sự chuyển đổi trong lòng xã hội Việt Nam đã tạo ra một bước chuyển tiếp, góp phần đưa công cuộc chống bệnh sốt rét bước sang một thời kỳ mới, y học vệ quốc. 

Tuy nhiên ở thuở ban đầu của y học hiện đại, nghiên cứu về bệnh sốt rét ở Việt Nam mới nằm trong khuôn viên của hệ thống Viện Pasteur Đông Dương, khi hợp tác chặt chẽ với Viện mẹ ở Paris, và đội ngũ quân y Pháp. Các cuộc điều tra về muỗi bắt đầu xuất hiện kể từ phát hiện của Ronald Ross, tuy nhiên có vấn đề là ở nhiều nơi, sốt rét xuất hiện ở vùng đất thấp, đầm lầy còn ở Việt Nam, phần lớn căn bệnh này lại lưu hành ở giao điểm của rừng rậm – đồng bằng, ví dụ như Đông Nam Bộ. Một báo cáo của bộ phận dịch vụ y tế tại Tây Ninh vào năm 1911 cho thấy nhiều người điều trị bệnh này, trong đó rất nhiều ca bị suy mòn sức khỏe, một trạng thái chực chờ tái phát sốt rét.

Giai đoạn bùng phát bệnh sốt rét vào đầu thế kỷ cũng trùng khớp với quá trình người Pháp khai phá rừng rậm để thành lập các đồn điền trồng cao su, bởi đồng tiền từ dòng mủ cao su hứa hẹn mang lại cho họ. Nhiều chủ đồn điền nhận thấy buộc phải kiểm soát sốt rét, bởi nếu không sẽ không còn người nào làm việc cho họ nữa. Trong công cuộc phá vỡ “mối liên hệ mật thiết giữa người và muỗi”, Emile Girard, Chủ đồn điền Suzannah và Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Chủ đồn điền cao su Đông Dương cho biết, tình trạng lây nhiễm sốt rét ở đồn điền của mình lên tới 100%. Noël Bernard, Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, đã hướng dẫn làm sạch lau lách khỏi sông suối để không cho muỗi sinh đẻ. Năm 1919, Bernard xuất bản cuốn chuyên khảo về ngăn ngừa sốt rét ở khu vực nông nghiệp và rừng núi Nam Kỳ “Notions générales sur le paludisme et les moyens de le combattre dans les centres agricoles et forestiers de la Cochinchine”, trong đó nêu giải pháp này đã đem lại kết quả giảm hơn 50% tỉ lệ mắc bệnh ở đồn điền Girard.

Đến giữa những năm 1920, nhiều cơn bùng phát sốt rét vẫn càn quét qua các đồn điền cao su. Trong dịch bệnh, mối quan hệ giữa chính quyền, ngành công nghiệp cao su và Viện Pasteur được thắt chặt qua các đợt dịch sốt rét như vậy, dĩ nhiên với hai mục tiêu là giữ vững cho bằng được sản lượng mủ cao su, chứ không hẳn vì sinh mạng phu, và giữ một vành đai an toàn sức khỏe cho những người da trắng ở Đông Dương. Vào năm 1928, Michelin đã tài trợ cho Viện Pasteur những khoản kinh phí để nghiên cứu về bệnh. Henri Morin, người phụ trách mảng nghiên cứu về sốt rét của Viện Pasteur đã thực hiện khảo sát về sốt rét ở Đông Dương, nghiên cứu về muỗi với những chi tiết tỉ mỉ về vị trí sinh sản, tập tính… để xác định loại muỗi nào cần ngăn ngừa. Họ phát hiện hầu như các loài Anopheles có ở Nam Kỳ đều có tiềm năng là véc tơ mang Plasmodia.

Trưng bày di vật của bác sĩ Đặng Văn Ngữ tại triển lãm di vật của một số nhà khoa học đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trong những năm 1930, các đồn điền cao su vẫn là nơi nghiên cứu chính của Viện Pasteur Đông Dương và tùy thuộc vào mức độ lưu hành của bệnh mà các chủ đồn điền thuê nhà khoa học thực hiện nghiên cứu trên chính đồn điền. Nhờ vậy, Viện đã triển khai ý tưởng các điều kiện địa phương đóng vai trò quyết định trong ngăn ngừa sốt rét và khám phá sự khác biệt của vùng đất ở độ cao khác nhau như Kon Tum, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Kể từ sau những năm 1930, cuộc chiến chống bệnh sốt rét ở Việt Nam mang màu sắc mới khi sự hiện diện của người Việt trong nhóm nghiên cứu về sốt rét của Viện Pasteur bắt đầu gia tăng. Một lớp những nhà nghiên cứu hoặc trưởng thành từ hệ thống Viện Pasteur Đông Dương, tốt nghiệp trường Y khoa Đông Dương, hoặc tốt nghiệp ở Pháp quốc, đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu riêng của mình về sốt rét và xuất bản, ví dụ Bernard Trinh-Van-Dam với “Le paludisme en Indochine” (Sốt rét ở Đông Dương), Le Van Tinh với “Le paludisme en Cochinchine et sa prophylaxie” (Sốt rét ở Nam Kỳ và phép phòng bệnh)… Bác sĩ Đặng Văn Dư, Giám đốc Bệnh viện Hà Tĩnh, cũng viết những hướng dẫn bằng tiếng Việt về giá trị của ký ninh, sau được chính quyền Pháp thuộc lựa chọn in thành 15.000 bản để phát trong vùng.

Có thể thấy, việc kiểm soát sốt rét từ chỗ là nhiệm vụ của chính quyền thuộc địa đã được chuyển vào tay giới nghiên cứu người Pháp ở Đông Dương và theo thời gian là cả giới y khoa người Việt. Một sự chuyển đổi trong lòng xã hội Việt Nam đã tạo ra một bước chuyển tiếp, góp phần đưa công cuộc chống bệnh sốt rét bước sang một thời kỳ mới, y học vệ quốc. 

Ước mơ xóa sổ bệnh sốt rét

Đề cập đến y học vệ quốc, nền y học được hình thành cùng với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập vào ngày 2/9/1945, người ta không thể không nhắc tới những cái tên như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… Từng có thời gian theo học trường Y khoa Đông Dương hoặc du học tại nước ngoài, họ đã thừa hưởng trọn vẹn những kiến thức tiên tiến bậc nhất về y khoa quốc tế thời bấy giờ. Đó là một trong những hành trang quan trọng để họ từng bước áp dụng tại cuộc chiến phòng chống bệnh tật, đặc biệt là sốt rét, trong xã hội mới.

Lịch sử y học Việt Nam đã ghi nhận các kế hoạch ngăn ngừa bệnh sốt rét dưới sự dẫn dắt của các bác sĩ Đặng Văn Ngữ và Phạm Ngọc Thạch. Năm 1955, Viện Sốt rét ký sinh trùng được thành lập và ngay lập tức trở thành nơi triển khai và giám sát các kế hoạch này, ngay trong giai đoạn kháng chiến. Một trong những người trực tiếp đối mặt với căn bệnh này là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã sản xuất thành công penicillin trong điều kiện thiếu thốn trăm bề ở Việt Bắc. Gần như toàn bộ cuộc đời ông là để chiến đấu với căn bệnh sốt rét, một nhiệm vụ vô cùng lớn mà ông và cộng sự đón nhận. 

Dựa vào kết quả của các đợt khảo sát bệnh sốt rét ở nhiều địa điểm, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã bổ sung các kiến thức mới vào các kỹ thuật mà người Pháp áp dụng trên các đồn điền cao su, trong đó việc loại trừ sốt rét phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh theo vùng, mức độ cụ thể của bệnh theo năm, mùa dễ mắc bệnh…

Cuộc chiến mới với bệnh sốt rét diễn ra cam go bởi sự lạc hậu theo thời gian của di sản y học thuộc địa và sự thay đổi cấu trúc bệnh dịch ở miền Bắc do tác động của chiến tranh, như lời của A.Y. Lysenko, một chuyên gia Xô viết về bệnh sốt rét “Phần lớn những nghiên cứu dịch tễ học bệnh sốt rét ở Việt Nam đều được thực hiện trong thời kỳ thuộc địa từ 15 đến 25 năm trước. Những kỹ thuật mà các nghiên cứu này áp dụng, những mục tiêu và nhiều kết luận của chúng đều trở nên lỗi thời với một quốc gia mới giành được độc lập và đang phát triển nền y tế công cộng. Bên cạnh đó, trong suốt tám năm kháng chiến ở Việt Nam, các quá trình di cư diễn ra ồ ạt đã dẫn đến những thay đổi về dịch tễ học của bệnh sốt rét theo vùng”. 

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Xô viết, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã điều tra về những điều kiện ở vùng núi phía Bắc như Thái nguyên, một phần của một cuộc điều tra về bệnh sốt rét giai đoạn 1955 – 1957. Một trong những kết quả của cuộc điều tra này là việc ông cùng với Lysenko xuất bản nhiều bài báo cùng một bản đồ bệnh sốt rét ở Việt Nam.

Là một phần của chiến lược loại trừ bệnh sốt rét, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã thành lập các trạm chống sốt rét để thử nghiệm các kỹ thuật mới được phát triển ở Nga và của WHO, tổ chức từ năm 1955 đã tổ chức một chương trình loại trừ sốt rét ở quy mô thế giới. Và kế hoạch của ông khiến người ta phải kinh ngạc: từ năm 1956 đến năm 1961, với sự hỗ trợ của Nga, Việt Nam đã thực hiện một kế hoạch ở quy mô lớn: kiểm tra 3.000 địa điểm, xét nghiệm 646.277 người; lấy 435.370 mẫu máu xét nghiệm; kiểm tra 319.087 ngôi nhà, 168.084 ao hồ, nghĩa là về quy mô gấp 3 đến bốn lần quy mô điều tra của Viện Pasteur thực hiện từ năm 1927 đến năm 1938. 

Dựa vào kết quả của các đợt khảo sát này, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã bổ sung các kiến thức mới vào các kỹ thuật mà người Pháp áp dụng trên các đồn điền cao su, trong đó việc loại trừ sốt rét phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh theo vùng, mức độ cụ thể của bệnh theo năm, mùa dễ mắc bệnh… Hiểu biết mới về bệnh sốt rét đã được đưa vào thực tiễn với các cuộc vận động, tuyên truyền ở nhiều quy mô khác nhau với sự tham gia của đội ngũ y tế cấp xã, cấp xóm, được đưa vào chương trình bình dân học vụ hoặc các buổi nói chuyện về vệ sinh phòng bệnh, đưa ra khẩu hiệu như “Ba sạch”, “Ba diệt”… Thậm chí, quá trình này còn đi xa hơn cả mục tiêu phòng bệnh, khi giới thiệu những khái niệm “văn minh” vào nông thôn miền núi và góp phần định hình hiểu biết của dân chúng như “vi trùng”, “phản khoa học”, “phản vệ sinh”…

Bất chấp những nỗ lực này, kiểm soát bệnh sốt rét vẫn còn là một nan đề, đặc biệt là ở chiến trường miền Trung và miền Nam. Do đó, Viện Sốt rét và ký sinh trùng đã gửi các đoàn chuyên gia vào Nam, trong đó bác sĩ Đặng Văn Ngữ. “Trong những ngày chiến tranh leo thang ra miền Bắc, cha tôi vẫn tiếp tục đi về các địa phương chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia giới tuyến 17 thì không thể nào giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc. Tin tức về con số thương vong do sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm cha tôi ngày đêm day dứt. Cuối cùng, ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển được: vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ một thứ vaccine miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội”, hồi ký của đạo diễn Đặng Nhật Minh có ghi lại. 

Nhưng thật không may, vào năm 1967, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã hy sinh sau một trận bom B52 ở Huế và một năm sau, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng qua đời vì sốt rét. 

Ước mơ làm ra một thứ vaccine hữu hiệu ngay tại chiến trường để chống lại căn bệnh truyền nhiễm này của bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã không thể hoàn tất, mặc dù ông đã tạo ra được một dung dịch để tiêm với mỗi liều 0,1ml trong da và thử nghiệm thành công trên chính mình. Có thể, dung dịch được chưng cất đó chưa hẳn là vaccine kháng sốt rét bởi cuộc chạy đua phát triển vaccine sốt rét trên thế giới đã kéo dài tới tận ngày nay, một nhiệm vụ mà đôi khi người ta nghĩ là không thể. Nguyên nhân là do Plasmodium có một hệ gene phức tạp chứa hơn 5.000 protein, mỗi protein lại là một đích tiềm năng cho một loại vaccine. Hơn nữa, loại ký sinh trùng này phải sống trong hai vật chủ khác nhau để hoàn thành vòng đời của mình và trải qua những thay đổi lớn lao trong quá trình đó. Năm 2021, WHO đã quyết định đề xuất RTS,S là loại vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới, dẫu hiệu lực bảo vệ của ba mũi tiêm RTS,S chỉ đạt 50%. Vẫn còn nhiều việc phải làm để có được loại vaccine hiệu quả hơn và an toàn hơn cho con người.

Cuộc chiến chống bệnh sốt rét trong cả thế kỷ giờ đã là một phần di sản của nền y học Việt Nam hiện đại. Hơn thế, vượt khỏi đường biên y học, cuộc chiến ấy trở thành một trong những trang đáng nhớ về một cuộc chuyển đổi đầy tự hào của những người dân xứ thuộc địa trở thành người chủ trên mảnh đất tự do. □

Tô Vân- Anh Vũ

——————

Tài liệu tham khảo

“Malaria control, land occupation and scientific developments in Vietnam in the XXth century”. Annick Guénel. 1999. 

“Patriotic hygiene: Tracing new places of knowledge production about malaria in Vietnam, 1919–75”. Michitake Aso. Journal of Southeast Asian Studies. 2013

“History of the discovery of the malaria parasites and their vectors”. Francis EG Cox. Parasites & Vectors. 2010. 

Chứng ngược tật trong Đông y. Bác sĩ Trần Văn Bản. Báo Sức khỏe & đời sống. 2009.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)