Bí ẩn đời sống của nô lệ châu Phi ở châu Mỹ
Trong giai đoạn từ năm 1500 đến năm 1875, khoảng 4.8 triệu nô lệ châu Phi được mang sang Caribbean, so với khoảng 389,000 người được bán sang Hoa Kỳ. Tuy niên đại không quá xa xôi nhưng đời sống của họ như thế nào vẫn còn là bí ẩn. Các cuộc khai quật trên một hòn đảo vùng Caribbean tiết lộ về cuộc sống của những nô lệ đến từ châu Phi, và họ đã lao động thế nào để xây dựng thế giới ngày nay.
Mua bán nô lệ ở Caribbean. Nguồn ảnh: www.sciencephoto.com
Justin Dunnavant cúi thấp cạnh một bức tường đổ nát, cẩn thận dùng cái bay cào bới một cái hố nông, dài 2m, hình chữ nhật. Phải vát thẳng các cạnh của hố trước khi đội khai quật gồm 19 học sinh trung học của quần đảo Virgin thuộc Mỹ tới đây. Anh đổ dồn đất vào một cái xô nhựa rồi nhẹ nhàng sàng qua một lưới thép để tách các vụn mẫu vật. Sau đó, anh đứng hướng dẫn các thiếu niên tình nguyện khai quật khoảnh đất mà xưa kia từng là một ngôi nhà nhỏ.
Các mẫu vật rất giản đơn: xương cá và xương lợn còn lại sau các bữa ăn, nút áo quần, mảnh gốm thô hoặc mảnh sứ mịn tráng men, tất cả đều cách đây hàng thế kỷ. Đối với Dunnavant, nhà khảo cổ từ Đại học Vanderbilt, chúng là những chìa khóa vàng mở ra những bí ẩn về đời sống của những nô lệ châu Phi ở đây. Nô lệ châu Phi sống và lao động ở Estate Little Princess từ khi những đồn điền được thành lập năm 1749 cho đến khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ tại St. Croix năm 1848. Tài liệu ghi nhận năm 1772 là thời điểm ở đây có nhiều nô lệ nhất, 141 người. Họ bị cưỡng ép trồng và thu hoạch mía, nấu mật mía và làm rượu rum. Lao động nặng nhọc của họ đem lại khối tài sản khổng lồ cho những chủ đồn điền cũng như mẫu quốc Đan Mạch, những kẻ cai trị hòn đảo từ năm 1672 mãi đến năm 1917.
Lịch sử thành văn về nơi này và hơn 1000 đồn điền tương tự trải khắp vùng Caribbean giúp ta thống kê được số lượng, giới tính, độ tuổi và gốc gác của những nô lệ này, nhưng hầu như không chép gì về đời sống hằng ngày của họ. Ở đây, những người châu Phi đã kết hôn, sinh con, xây dựng gia đình trong tình cảnh thường xuyên bị đe dọa giết và bán đi. Họ tự trồng cây lương thực, tìm nguồn nước, nặn và nung các loại gốm từ đất sét tại chỗ, chăn nuôi gia súc, bắt cá và bẫy thú rừng. Họ bán thực phẩm và hàng thủ công dôi dư ra các chợ mà họ tự tổ chức để kiếm tiền mua các mặt hàng khác cho gia đình.
Nhà khảo cổ Jusstin Dunnuvant, đồng tổ chức cuộc khai quật ở Estate Little Princess.
Để tìm hiểu điều này, dẫu chỉ là lướt qua, chúng ta cần đến khảo cổ học. Đó là lý do và Dunnavant và đồng nghiệp Ayana Omilade Flewellen từ Đại học UC Berkeley dành hẳn 4 tuần mùa hè để khai quật ở đây. Nhóm đang đi theo xu hướng nghiên cứu khảo cổ quanh vùng Caribbean: không chỉ nghiên cứu đơn thuần về thể chế nô lệ, mà còn khám phá đời sống hàng ngày của các nô lệ châu Phi trong tất cả mối liên hệ và bối cảnh lịch sử. Những mẫu vật nhỏ bé và đơn giản kể trên là manh mối quan trọng hàm chứa nét cá tính và nhân tính của những nô lệ châu Phi phải sống dưới một hệ thống được thiết kế để loại bỏ cả hai điều ấy. Và bằng cách nghiên cứu thảm thực vật, hệ thống cấp nước và các đặc tính môi trường khác tại đồn điền, các nhà khảo cổ đang phác thảo lại cách chế độ nô lệ đã định hình quần đảo và thế giới.
“Không thể chôn vùi mãi mãi, họ cần phải được tưởng nhớ”, Alicia Odewale, nhà khảo cổ về dân cư ở châu Phi thuộc Đại học Tulsa, Oklahoma nói.
Đồn điền Estate Little Princess nằm trên đảo St. Coix đã từng đóng vai trò trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Từ 300 năm trước, hàng ngàn thuyền buôn châu Âu giong buồm hướng về Caribbean, mang đến đây nô lệ châu Phi rồi chất đầy đường, cà phê và các nông sản khác chở về chính quốc. Chế độ nô lệ dẫn dắt kinh tế thế giới, nó len lỏi vào mọi ngóc ngách toàn cầu, và vùng Caribbean đóng vai trò then chốt trong đó”, Jilian Galle, giám đốc Kho lưu trữ khảo cổ số hóa về chế độ nô lệ (DAACS), đặt ngay tại khu nông trại Monticello từng thuộc về tổng thống Thomas Jefferson, nói.
“Hầu như mọi con tàu hoạt động trong thời kỳ này, bằng cách này hay cách khác, đều dính líu đến buôn bán nô lệ”, Dunnavant nói.
Trong giai đoạn từ năm 1500 đến năm 1875, khoảng 4.8 triệu nô lệ châu Phi được mang sang Caribbean, so với khoảng 389,000 người được bán sang Hoa Kỳ. Có lẽ một triệu người khác đã chết trong các chuyến hải trình.
Dunnavant và Flewellen lên kế hoạch lần theo dấu vết của những nô lệ châu Phi bắt đầu từ những con tàu đưa họ cập cảng Christiansted. Các nhà khảo cổ từ Ban quản lý Vườn quốc gia Hoa Kỳ đã xác định được các cổ vật từ các vụ đắm tàu gần một hòn đảo nhỏ ngoài khơi, nghi ngờ đây là các tàu chở nô lệ.
Những bức tường đổ nát của một ngôi nhà, có lẽ từng là của người quản đốc.
Nô lệ châu Phi bị bán đến nhiều địa điểm trên đảo St. Croix, gồm cả đồn điền Estate Little Princess, nơi cách hải cảng Christiansted và hiện nay trực thuộc Cơ quan bảo tồn tự nhiên. Các tài liệu về dân số ghi nhận có 38 ngôi nhà trong làng, nhưng nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy, chỉ còn sót lại những bức tường bằng đá và san hô. Các nhà khảo cổ xác định niên đại của chúng nhờ vào thảm thực vật xung quanh. Họ cũng đào các hố cách mỗi 10 mét trong khu vực để tìm các cổ vật còn sót lại.
Tiếp đó, họ tiếp cận những ngôi nhà còn nguyên vẹn nhất. Tuy mái nhà biến mất từ lâu, nhưng các bức tường đủ cao để chỉ ra vị trí cửa chính và cửa sổ. Chúng khá chật với kích thước chỉ khoảng 6 mét x 3 mét, nên có lẽ cư dân nấu ăn bên ngoài. Đó là lý do cần các em học sinh trợ giúp khai quật ngay bên cạnh các bức tường. Các em đào và sàng lọc các cổ vật dưới sự hướng dẫn của Alexandrea Jones, người sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận mang tên Khảo Cổ Học Cộng Đồng (Archaeology in the Community) ở Washington DC.
Phía kia bức tường, bên trong ngôi nhà, các sinh viên đại học ngành lịch sử cũng đang đào một hố rộng 1 mét vuông. Đây là trải nghiệm khảo cố thực tế đầu tiên trong đời họ, nhưng họ làm việc rất hiệu quả. Trong khi hai sinh viên cạo lớp đất mỏng đổ vào xô, các bạn khác sàng lọc chúng để giữ lại những mảnh cổ vật. Do niên đại của những đồn điền này còn quá ngắn để xác định bằng phương pháp carbon phóng xạ, các nhà khảo cổ đành phải phác thảo dòng thời gian bằng cách truy tìm sự thay đổi về hình thái của cổ vật, bao gồm đồ gốm và nút quần áo. Bỏ sót một vật thể dù bé nhỏ cũng đồng nghĩa với việc mất đi một thông tin vô giá.
Dunnavant cùng Flewellen, hai đồng sáng lập Hiệp hội các nhà khảo cổ Da Đen, định hướng giáo dục như mục tiêu ưu tiên của chương trình. Chỉ chưa đầy 1% các nhà khảo cổ Hoa Kỳ là người da đen, điều mà họ mong muốn thay đổi. “Từ cuối thập niên 1970, khảo cổ học đặt ra nhiều câu hỏi về sự hình thành bản sắc và văn hóa riêng của nhóm cư dân đến từ châu Phi, và giải đáp chúng thông qua các nghiên cứu thực địa tại đồn điền. Nhưng không có sự tiến bộ nào trong việc đào tạo những người hậu duệ da đen tham gia tìm hiểu về tổ tiên của họ,” Flewellen nói.
Các sinh viên ngồi bên những chiếc bàn gấp được kê ngay trước căn nhà đổ nát để cùng nhau phân loại cổ vật vừa được trải ra khay nhựa. Những mẫu vật 200 năm tuổi được Odewale hướng dẫn các học sinh phân loại thành các loại: thủy tinh, xương, kim loại, gốm sứ, và một loại đồ gốm được nặn từ đất sét thô, nung trong lò bằng cách đốt củi xung quanh, được gọi là đồ gốm Afro-Crucian. Tất cả mẫu vật sẽ được nhập dữ liệu vào DAACS, nơi lưu trữ kỹ thuật số về các di tích của chế độ nô lệ, gồm 53 địa điểm ở Mỹ và 24 đại điểm khác tại 6 đảo vùng Caribbean. Estate Little Princess là sự bổ sung giá trị vào tư liệu chung vì các nhà khảo cổ đã thu được ở đây một bộ sưu tập hiện vật đa dạng đáng kinh ngạc. Khadene Harris, nhà khảo cổ ở trường Cao đẳng Kenyon, Ohio trầm trồ rằng “họ có hầu như mọi thứ” mà bạn có thể tưởng tượng ở một đồn điền: chai thủy tinh đựng nước và thuốc, đồ gốm tự làm, xương động vật, nút và móc treo quần áo, móng tay, mảnh thân tẩu hút, thậm chí những đồ đắt tiền như đồ sứ hoặc một chiếc thìa bằng thiếc, có lẽ được nhập từ châu Âu. “St Croix là hòn đảo có kết nối tốt với thế giới bên ngoài,” theo lời Harris.
Nhưng trái với giả định trước đây, chủ đồn điền không mua chúng. Khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật tại các đồn điền vào thập niên 1970, họ tưởng rằng tất cả vật dụng trong nhà nô lệ là do chủ đồn điền cung cấp, theo Theresa Singleton từ Đại học Syracuse, NY. Tra cứu trong các tư liệu lưu trữ cho thấy nô lệ châu Phi ở Caribbean và đông nam Hoa Kỳ đều tự mua lấy vật phẩm của họ. Trên St. Croix và các đảo Caribbean khác, họ cùng những cư dân da màu tự do, những nhà mậu dịch cũng như cư dân nghèo và trung lưu da trắng đã mua vật phẩm ở các chợ được tổ chức bởi các phụ nữ da đen nô lệ và tự do. Ở đó, nô lệ bán hoa màu dư thừa hoặc hàng thủ công và mua các mặt hàng như đồ sứ và tẩu thuốc lá.
Mức độ tham gia vào nền kinh tế của các nô lệ khác nhau ở từng đảo và từng giai đoạn lịch sử, có nơi có lúc họ bị cấm đoán nghiêm ngặt. Trên một đồn điền ở thế kỷ 19 tại Cuba, nơi Singleton đã khai quật, các lao động nô lệ có rất ít tài sản. Họ sống trong ngôi làng có một bức tường cách ly. Singleton cho rằng đó là biện pháp đối phó với cuộc nổi loạn năm 1825 và những đợt cướp bóc liên tiếp của những người tẩu thoát.
Ngay cả trên St. Croix, nơi nô lệ mua bán dễ dàng hơn, các hiện vật còn lại vẫn rất ít ỏi và khiêm tốn, nhưng dầu sao chúng cũng là những manh mối kết nối những câu chuyện xa xưa. Các nhà khảo cổ học không tìm thấy mảnh xương phẳng nào đủ rộng để gọt dũa thành nút quần áo, nên nhiều khả năng họ không tự chế tác mà đã mua các nút này. Mỗi hiện vật đều toát lên lối sống và cách làm ăn của từng nô lệ, cách họ chi tiêu và thể hiện bản sắc của mình trong khi phải chịu nhiều ràng buộc của một hệ thống tàn bạo. Dựa vào đó, các nhà khảo cổ cố gắng tái hiện khung cảnh và đời sống của những nô lệ, họ đi đứng, ăn mặc ra sao.
Nhà khảo cổ Ayana Omilade Flewellen giúp các thực tập sinh sàng lọc mẫu vật.
Trong lúc phân loại, các em học sinh bối rối trước một mẫu vật hình cầu, kích thước bằng hạt đậu gà, dường như màu xám ẩn bên dưới lớp bụi đất. Odewale kinh ngạc: “Đó là đạn súng hỏa mai!” Sau đó, cô cẩn thận làm sạch bề mặt ‘viên đạn’ bằng bàn chải răng. Thì ra không phải màu đen của một viên đạn chì, mà là màu nâu của đất sét bản địa. Viên bi nhìn như cẩm thạch, rắn chắc, có lẽ là đồ chơi của trẻ em hoặc dùng trong trò đánh bạc. Nhưng cũng có thể nó có công dụng khác. Lịch sử truyền miệng kể rằng những nô lệ thả viên vị đất sét vào trong đường ống nước bằng gốm. Khi các viên bi kêu leng keng, thì đó là tín hiệu cho thấy mực nước đang thấp.
“Sáng tạo quá!” Cô bật khóc. “Thiên tài từ lao động mà ra. Chúng ta chỉ cần lắc và nghe là biết liền.” Những kinh nghiệm của người nô lệ châu Phi không chỉ được bảo tồn trong các mẫu vật, chúng còn hiện hữu trong khung cảnh của Estate Little Prince. Trồng mía và chế biến mật mía đòi hỏi công sức lao động rất nặng nhọc, trong khi chủ đồn điền luôn chạy theo lợi nhuận tối đa trong một thị trường toàn cầu hóa mới hình thành bằng cách giữ chi phí sản xuất càng thấp càng tốt. Trên nhiều hòn đảo, nô lệ châu Phi bị buộc phải phá những cánh rừng rộng lớn để lấy đất trồng mía. Cây mía tiêu thụ nước khủng khiếp, nên họ phải đào mương và chuyển dòng các con sông để lấy nước tưới tiêu. Để nấu mật, họ lại phải chặt nhiều cây để làm củi, đun cả ngày lẫn đêm. “Ép buộc nô lệ tàn phá môi trường mà họ đang nương tựa vào để sống quả thực là một chính sách dã man,” Harris nói.
Dunnavant thì cho rằng công cuộc cải tạo trên đảo St, Croix “đã tạo ra một môi trường hoàn toàn khác”-một hòn đảo hoàn toàn không có rừng hiện nay. Anh cố gắng nắm bắt các chi tiết về môi trường, như nơi cấp nước của Estate Little Princess và những loại cây mà nô lệ hay trồng. St. Croix và những hòn đảo thuộc địa khác đều có khu đất để nô lệ tự trồng lương thực cho họ, chỗ cho họ sinh hoạt cá nhân. Trên đồn điền Morne Patate ở Dominica, nhà khảo cổ Mark Hauser từ Đại học Northwestern, IL khám phá ra một khu đất nằm dưới chân cánh đồng vẫn đang canh tác. Ở đó, ông và đồng nghiệp Sarah từ Đại học Bang Arizona Tempe tìm thấy các hạt giống và thực vật khác có nguồn gốc khắp nới trên thế giới: bắp ngô từ châu Mỹ, lúa mạch từ châu Âu, kê và lúa miếng từ châu Phi. Nguồn lương thực đa dạng đã dẫn đến kiểu nấu ăn Caribbean mới, được nêm nếm theo khẩu vị các nô lệ châu Phi. Các nhà nghiên cứu thậm chí đã tìm ra dấu vết của cà phê trong nhà của các nô lệ, mặc dù nó một loại cây giá trị cao được trồng ở đồn điền. Dunnavant hy vọng sẽ khảo sát xong toàn bộ thực địa đồn điền vào năm tới, bao gồm các tàn tích của một nhà máy nghiền và một nhà máy rượu rum. Có lần Armstrong trượt xuống một rãnh nước thẳng đứng và phát hiện một hang động chứa đầy xương động vật, củi cháy và các mảnh sắt, có cả lưỡi dao. Có lẽ những nô lệ châu Phi đang lên kế hoạch trốn thoát hoặc nổi loạn, hoặc họ đã thực hành một nghi lễ nào đó được đem từ Tây Phi sang, nơi mà sắt mang ý nghĩa tôn giáo. “Dù là gì chăng nữa, đó cũng là một hình thức phản kháng,” Armstrong nói.
Di dân cưỡng bức diễn tra trong nhiều thế kỷ, những con tàu chở nô lệ từ châu Phi sang Caribbean, nơi họ bị ép buộc phải lao động trong các đồn điền cà phê và mía. Lao động của họ đã biến đổi hệ sinh thái các hòn đảo cũng như nền kinh tế thế giới, tạo ra khối tài sản khổng lồ cho các chủ đồn điền châu Âu.
Ngay cả khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1848 và hòn đảo được sáp nhập vào Hoa Kỳ năm 1917, đồn điền vẫn sản xuất mía đường đến tận thập niên 1960. Tài liệu ghi chép rằng những nô lệ vừa được giải phóng vẫn tiếp tục làm công việc cũ nhưng khác trước là họ được nhận lương. Một số ngôi nhà vẫn là nơi cư ngụ cho đến những năm 1960 hoặc muộn hơn, rồi sau đó bị bỏ hoang để tránh cướp bóc; các nhà khảo cổ thậm chí đã tìm thấy mảnh pin và các mảnh vỡ của đài radio. Họ đã được tự do, vậy tại sao không rời đi mà vẫn còn nán lại lâu như vậy? Theo nhà khảo cổ William White từ UC Berkeley, họ khó có thể tìm chân trời mới khi mà các đảo xung quanh vẫn chưa bãi bỏ chế độ nô lệ, mãi đến khi Cuba là nơi cuối cùng trong vùng Caribbean xóa luật nô lệ vào năm 1886.
Dĩ nhiên là họ luôn mong muốn thoát khỏi sự giám sát của chủ cũ. Khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở Dominica năm 1834, nhiều lao động vẫn ở lại đồn điền Bois Cotlette, nhưng họ rời bỏ ngôi làng cũ để dựng những ngôi nhà mới ngay giữa đồn điền, cách xa nhà của chủ đồn điền. Những ngôi nhà có thể được tháo rời dễ dàng để di chuyển và lắp ráp lại ở nơi khác khi họ muốn đổi chỗ hoặc bị đuổi. “Họ muốn có không gian rộng lớn hơn và tự chủ hơn,” Harris nói.
Trở lại với Estate Little Princess, các học sinh hoàn tất việc khai quật và sàng lọc trong ngày. Các mẫu vật sẽ được làm sạch, xếp vào cấc túi nhựa được dán nhãn cẩn thận. Chúng sẽ được lưu trữ tại văn phòng của Odewale ở Oklahoma cho đến khi một cơ sở lưu trữ được xây dựng ở St. Croix. Đây là một thách thức bởi các cơn bão thường tấn công St. Croix, chúng thường rất mạnh và làm hư hại các tòa nhà, như bão Irma và Maria năm 2017.
Gió bão quật ngã những cây xoài từng sừng sững một thời, những cây đu đủ mọc lên thế chỗ, cứ thế hệ sinh thái của đồn điền thay đổi. Những góc nhìn bi quan có thể cho rằng trên St. Croix chỉ có bi kịch chồng chất bi kịch. Còn các nhà khảo cổ lại bộc lộ niềm cảm phục trước sức sống kiên cường và khả năng hồi phục đáng kinh ngạc của một hòn đảo và cư dân nơi đây.
Cao Hồng Chiến dịch
Nguồn bài và ảnh: Science 366 (6466), 678-681. DOI: 10.1126/science.366.6466.678