Bí mật dòng họ vua Tut

Các bằng chứng ADN đã giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ sự thật về dòng họ nhà vua trẻ tuổi Ai Cập Tutankhamun (vua Tut), cũng như đưa ra các đầu mối mới về cái chết của ông.

Những xác ướp đã cuốn hút trí tưởng tượng và tâm trí của chúng ta. Luôn được bao phủ bởi những bí mật và huyền thoại, các xác ướp chính là hiện thân của những con người từng sống và từng được yêu quí, như những anh hùng hiện hữu thời nay.

Có một số bí mật về các pharaon chỉ được lộ diện khi chúng ta nghiên cứu các xác ướp của họ. Bằng việc sử dụng các máy quét CT để nghiên cứu xác ướp của vị vua Tutankhamun, năm 2005, chúng tôi đã chứng minh được rằng ông ta không bị chết bởi vết thương đánh vào đầu như nhiều người tưởng. Phân tích của chúng tôi cho thấy vết vỡ ở phía sau sọ xác ướp do quá trình ướp xác gây ra. Nghiên cứu cũng cho thấy Tutankhamun chết khi ông mới 19 tuổi, có thể sau một thời gian phải chịu đau đớn vì vết thương gãy xương chân trái. Nhưng vẫn còn có nhiều bí hiểm bao quanh Tutankhamun mà ngay cả những chiếc máy chụp CT cũng không giúp làm sáng tỏ hơn được bao nhiêu. Nhờ những phân tích kỹ càng về xác ướp của ông, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều chi tiết mới về cuộc đời, sự sống và cái chết của ông.

Vở kịch nhiều hồi


Di hài xác ướp của vua Tut được tìm thấy trong quan tài làm từ vàng khối nặng 250 pound (113,4 kg) này

Những thông tin hoàng gia tìm thấy trong chiếc rương đã gợi ý rằng xác ướp đó có thể là Akhenaten. Các phân tích ADN giờ khẳng định xác ướp đó là con trai của Amenhotep III và Nữ hoàng Tiye, cha mẹ của Akhenaten. Như vậy, ông chính là cha của vua Tut.

Đối với tôi, câu chuyện về Tutankhamun vẫn chưa từng kết thúc và cần phải viết tiếp. Hồi 1 của vở kịch bắt đầu vào khoảng năm 1390 trước Công nguyên, tức là vào khoảng vài thập kỷ trước khi Tutankhamun được sinh ra, khi vị pharaon vĩ đại Amenhotep III vẫn đang trị vì Ai Cập. Kiểm soát một đế chế trải dài 1.200 dặm từ vùng Euphrate ở phía Bắc tới vùng Forth Cataract thuộc sông Nile ở phía Nam, vị vua của triều đại thứ 18 này giàu có đến mức khó thể tưởng tượng nổi. Cùng với hoàng hậu Tiye đầy quyền thế, Amenhotep III trị vì trong suốt 37 năm và rất tôn thờ các vị thần tổ tiên của mình, trong đó có thần Amun. Trong thời thịnh trị của ông, người dân rất giàu có và tiền bạc, của cải từ các vương quốc bị trị bên ngoài luôn tuôn chảy vào kho của quốc vương Ai Cập.

Nếu như Hồi 1 của câu chuyện gắn liền với truyền thống và ổn định thì Hồi II lại là thời kỳ bạo động. Khi Amenhotep III qua đời, người con thứ của ông lên ngôi với cái tên Amenhotep IV. Với tầm nhìn kỳ lạ, vị vua mới đã không còn tôn thờ vị thần Amun và các vị thần tổ tiên mà thay vào đó lại chỉ thờ duy nhất thần Aten. Lên ngôi được 5 năm, ông đổi tên của mình thành Akhenaten, tức là “người được hưởng lợi từ thần Aten”. Ông cho dựng tượng của mình như một vị thần sống và phế bỏ những tập tục tôn giáo truyền thống ở thủ phủ Thebes, cho xây dựng một thành phố nghi lễ tuyệt vời nằm cách Thebes 180 dặm, nơi hiện nay có tên là Amerna. Nơi đó, ông sống cùng vị hoàng hậu xinh đẹp của mình, Nefertiti và 6 người con gái yêu quí. Họ cùng thờ thần Aten. Toàn bộ quyền lực tôn giáo và của cải được chuyển từ các ngôi đền của Amun sang đền thờ Aten. Như vậy, vào thời kỳ này, đối với họ Aten mới là vị thần có quyền lực nhất. Nghệ thuật của thời kỳ này cũng được truyền thêm sinh khí với cuộc cách mạng của chủ nghĩa tự nhiên. Hình ảnh tượng trưng cho vị pharaon mới cũng không còn là khuôn mặt lý tưởng, trẻ trung, có thân hình cơ bắp như các vị pharaon trước đó, mà là một hình ảnh ẻo lả đến kỳ lạ, với cái bụng phệ, môi dày và khuôn mặt thuôn dài.

Kết cục của triều đại Akhenaten cũng rất bí hiểm với nhiều mơ hồ, một hành động dường như diễn ra trong những bức rèm kín. Đã có một hoặc thậm chí hai vị vua đã trị vì trong các thời kỳ ngắn, thậm chí cùng trị vì với Akhenaten, sau khi ông chết. Cũng như nhiều nhà Ai Cập học khác, tôi tin chắc rằng vị “vua” đầu tiên trong số đó chính là Hoàng hậu Nefertiti. Vị vua thứ hai là một khuôn mặt bí ẩn hơn có tên Smenkhkare, người mà đến nay chúng ta còn chưa biết được gì nhiều.


Biểu tượng của Ai Cập cổ đại, nhà vua trẻ sau khi chết được tái hiện bằng bức tượng làm từ vàng, thủy tinh và đá quí. Bức tượng này cũng như các đồ vật quí báu khác được tìm thấy trong mộ của ông giờ được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, nơi thu hút rất đông khách tham quan.

Điều mà chúng ta chắc chắn là khi bức rèm Hồi III của màn kịch được kéo lên, ngôi vua được trao cho một cậu bé 9 tuổi có tên Tutankhaten (có nghĩa là: hiện thân của thần Aten). Trong hai năm đầu trị vì, ông và hoàng hậu của mình, Ankhesenpaaten (một trong những con gái của Akhennaten và Nefertiti) lại rời bỏ Amarna và trở về Thebes, cho mở cửa trở lại đền thờ các vị thần và hồi phục lại quyền năng và hào quang cho các vị thần này. Họ thay đổi tên của mình thành Tutankhamun và Ankhesenamun, tức là vứt bỏ di sản của Akhenaten và tái tục thờ thần Amun.

Khi màn hạ, tức là vào khoảng 10 năm sau khi lên ngôi, Tutankhamun qua đời, chưa kịp để lại người thừa tự. Ông nhanh chóng được chôn cất trong một ngôi mộ nhỏ, như một ngôi mộ tư chứ không phải một ngôi mộ bậc đế vương. Trong một hành động chống lại các tà thuyết của Akhenaten, vị vua kế vị Tutakhamun đã cho xóa khỏi lịch sử gần như hầu hết những dấu vết của các vị vua Amarna, trong đó có Tutankhamun.

Trớ trêu thay, chính hành động này đã xóa hết những lưu giữ về Tutankhamun cho muôn đời sau. Sau khi ông chết chưa đầy 1 thế kỷ, vị trí ngôi mộ của ông cũng đã bị lãng quên. Nhưng chính điều này đã giúp ngôi mộ thoát khỏi tay của những kẻ đào trộm. Ngôi mộ có cấu trúc xây nổi trực tiếp đã được tìm thấy gần như nguyên vẹn khi người ta phát hiện ra nó vào năm 1922. Hơn 5.000 hiện vật đã được tìm thấy bên trong ngôi mộ. Nhưng các báo cáo khảo cổ thu được đến nay vẫn chưa đủ để làm sáng tỏ các quan hệ huyết thống gần gũi nhất của vị vua. Ai là cha và mẹ của vị vua? Người vợ góa của ông, Ankhesenamun, sau khi ông chết sống thế nào? Hai bào thai xác ướp tìm thấy trong lăng mộ vua Tutankhamun phải chăng chính là hai đứa con chết yểu của ông, hay chỉ là những đứa trẻ đồng trinh bị giết để hiến tế, làm kẻ hầu hạ ông ở thế giới bên kia?

Tìm câu trả lời với khoa học hiện đại

Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi quyết định phân tích ADN của Tutankhamun, cùng với mười xác ướp khác nghi là thành viên trong gia đình của nhà vua. Trước đây, tôi đã từng chống lại việc các nghiên cứu di truyền của các xác ướp hoàng gia. Đơn giản vì cơ hội để có được mẫu phân tích khả thi tránh ô nhiễm từ ADN hiện đại là quá nhỏ, bên cạnh đó là lo ngại xâm phạm vào những điều thiêng liêng. Nhưng trong năm 2008, một số nhà di truyền học thuyết phục tôi rằng đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này, mở ra cơ hội để nhận được những kết quả hữu ích. Chúng tôi thiết lập phòng thí nghiệm ADN hiện đại, một nằm trong tầng hầm của Bảo tàng Ai Cập ở Cairo và phòng thí nghiệm kia tại Khoa Y học thuộc Đại học Cairo. Nghiên cứu này được thực hiện bởi chính các nhà khoa học Ai Cập đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia ở Cairo: Yehia Gad và Somaia Ismail. Chúng tôi cũng quyết định tiến hành chụp quét CT tất cả các xác ướp, dưới sự chỉ đạo của Ashraf Selim và Sahar Saleem của Khoa Y, Đại học Cairo. Ba chuyên gia quốc tế làm nhiệm vụ tư vấn là Carsten Pusch thuộc Đại học Eberhard Karls, bang Tübingen, Đức; Albert thuộc Viện nghiên cứu xác ướp ZINK-EURAC, Bolzano, Italy và Paul Gostner của Bệnh viện Trung ương Bolzano.


Bên trong chiếc rương tìm thấy trong mộ của của Tut, người ta thấy có cả bộ tượng nhỏ ghi tên Nữ hoàng Tiye, một hộp đựng tóc, đây có thể là kỷ vật về người bà yêu quí của ông.

Đầu tiên là nhận dạng bốn trong số các xác ướp đã được biết đến. Đó là các xác ướp của Tutankhamun, vẫn nằm trong ngôi mộ của ông tại Thung lũng các vị vua, và ba xác ướp được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập: Amenhotep III, và Yuya – Tuyu, cha và mẹ của hoàng hậu vĩ đại Tiye. Trong số các xác ướp không xác định được là một xác ướp nam, được tìm thấy trong một ngôi mộ bí ẩn ở Thung lũng các vị vua, được đặt tên là KV55. Theo các di chỉ khảo cổ và các bằng chứng văn bản, xác ướp này rất có thể là Akhenaten hoặc Smenkhkare.

Việc tìm kiếm người mẹ và hoàng hậu của Tutankhamun tập trung vào bốn xác ướp nữ vẫn chưa xác định được rõ ràng thân thế. Hai trong số này, có biệt danh là “Elder Lady” (Quí bà lớn tuổi) và “Younger Lady“ (Quí bà trẻ tuổi), được phát hiện ra vào năm 1898. Những xác ướp này đã được mở ra và vô tình đặt trên sàn căn phòng bên cạnh lăng mộ vua Amenhotep II (KV35. Chúng dường như bị cố tình giấu đi bởi các linh mục sau khi Vương quốc mới kết thúc, khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Hai xác ướp nữ vô danh khác được lấy từ một ngôi mộ nhỏ (KV21) tại Thung lũng các vị vua. Các kiến trúc của lăng mộ này cho thấy chúng thuộc triều đại thứ 18, và cả hai xác ướp đều có bàn tay trái chống nạnh, tư thế vốn có của các hoàng hậu.

Cuối cùng, chúng tôi cố lấy mẫu ADN từ các bào thai tìm thấy trong ngôi mộ của Tutankhamun. Đây là điều khó khăn bởi các xác ướp được bảo quản trong điều kiện khá nghèo nàn. Tuy nhiên, nếu thành công thì chúng tôi có thể điền vào các mảnh còn thiếu trong bức tranh phả hệ của gia đình hoàng tộc trị vì kéo dài tới năm thế hệ này.

Để có được các mẫu ADN khả thi, các nhà di truyền học chiết xuất tế bào từ các địa điểm khác nhau trong từng xác ướp, luôn luôn lấy từ sâu trong xương, nơi không có khả năng bị ô nhiễm bởi ADN của các nhà khảo cổ trước đây từng nghiên cứu xác ướp, hoặc ADN của các linh mục Ai Cập, những người đã tiến hành ướp xác. Các nhà khoa học cũng hết sức cẩn thận để tránh bất kỳ sự nhiễm bẩn ADN vào các xác ướp từ chính bản thân họ. Sau khi thu được các mẫu chiết xuất, ADN tiếp tục được tách ra từ các chất bao quanh, bao gồm các chất keo và nhựa mà các linh mục sử dụng để bảo quản các cơ quan xác ướp. Do các chất ướp xác khác nhau đối với từng xác ướp, các nhà khoa học đã tiến hành những động tác cần thiết để làm sạch ADN. Điều này không dễ dàng bởi các vật liệu bảo quản rất dễ bị phá hủy sau mỗi bước thí nghiệm.

Trung tâm của nghiên cứu là vẫn chính là vị vua Tutankhamun. Nếu việc chiết xuất và cô lập thành công, ADN của ông sẽ được đưa vào trong một dung dịch lỏng trong suốt để sẵn sàng phân tích. Dường như để làm mất tinh thần của chúng tôi, dung dịch thu được ban đầu lại là một màu đen u ám. Phải mất tới sáu tháng đầy khó khăn để hiểu được nguyên nhân tại sao nó lại như vậy, tìm ra cách để loại bỏ chất gây ô nhiễm (thậm chí đến nay một số hợp chất sử dụng trong quá trình ướp xác vẫn chưa thể được xác định) và thu được một mẫu chuẩn để tiến hành xác định trình tự ADN.

Sau khi thu được ADN từ các mẫu lấy từ ba xác ướp Yuya, Amenhotep III, và nhân vật bí ẩn KV55, chúng tôi đặt mục tiêu phải làm rõ danh tính người cha của Tutankhamun. Trong câu chuyện hệ trọng này, hồ sơ khảo cổ học thu được rất mơ hồ. Ở một dòng chữ khắc từ triều đại của ông, Tutankhamun coi Amenhotep III như cha mình. Nhưng điều này không thể coi là một kết luận vì các chữ khắc đó cũng có thể được hiểu với các nghĩa là “ông nội” hay “tổ tiên”. Ngoài ra, theo thứ tự niên đại chung đã được thừa nhận thì Amenhotep III qua đời khoảng một thập kỷ trước khi Tutankhamun được sinh ra.

Thay vì đó, nhiều học giả tin rằng cha ông là Akhenaten. Hỗ trợ cho quan điểm này là một khối đá vôi vỡ tìm thấy gần Amarna khắc những dòng chữ trong đó cả Tutankhaten và Ankhesenpaaten đều được gọi là những đứa con yêu dấu của nhà vua. Vì chúng ta biết rằng Ankhesenpaaten là con gái của Akhenaten, điều đó cho thấy Tutankhaten (sau này thành Tutankhamun) là con trai ông. Không phải tất cả các học giả cho rằng bằng chứng này là xác thực. Vả lại, một số người còn cho rằng cha của Tutankhamun chính là vị vua Smenkhkare bí ẩn. Tôi luôn luôn ủng hộ Akhenaten là cha của Tutankhaten, nhưng đó cũng chỉ là một giả thuyết.


Một tấm bia đá tìm thấy ở Amarna, trong đó vẽ vua pharaon Akhenaten, hoàng hậu Nefertiti và các con gái đang ngồi dưới các tia sáng Mặt trời, hình ảnh tượng trưng cho thần Aten. Người con lớn nhất, Meritaten, đứng giữa cha mẹ. Mekentaten thì dựa vào đùi của mẹ trong khi Ankhesenpaaten ngồi trên váy mẹ. Ankhesenpaaten sau này cưới vua Tut và đổi tên là Ankhesenamun.

Các dữ liệu lịch sử cho thấy Akhenaten có thể cưới đồng thời cả nữ hoàng nổi tiếng Nefertiti (trong hình) và một phụ nữ có tên Kiya, nhưng không ai trong số này được nói là em gái của ông ta.

Một khi cô lập được ADN của xác ướp thì công việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều, vì lúc đó chỉ cần so sánh các nhiễm sắc thể Y của Amenhotep III, KV55, và Tutankhamun, rồi xem liệu họ thực sự có mối liên hệ huyết thống với nhau hay không (những người đàn ông có quan hệ huyết thống thường có cùng kiểu ADN giống nhau trong nhiễm sắc thể Y của họ, vì đây là phần hệ gene nam giới được thừa hưởng trực tiếp từ người cha). Nhưng để làm rõ mối quan hệ chính xác của họ thì cần các dấu hiệu di truyền tinh vi hơn. Trong các nhiễm sắc thể hệ gene của chúng ta thường có khu vực đặc thù nơi các ký tự ADN-như A, T, G và C tạo ra mã di truyền. Chúng được sắp xếp rất khác nhau giữa người này với người khác. Số biến thể này dẫn đến một lượng rất khác nhau các trình tự của cùng một vài chữ cái. Thí dụ ở người này có thể có chuỗi ký tự lặp đi lặp lại mười lần, nhưng ở một người khác không có liên quan về huyết thống lại có cùng chuỗi ký tự nói trên nhưng số lượng lặp lại lên tới 15 lần, ở người thứ ba, số lần lặp lên tới 20 lần, và cứ như vậy. Chỉ cần sự trùng hợp của 10 trong số các khu vực cực kỳ đa dạng nói trên là có thể đủ để FBI kết luận rằng dấu vết ADN sót lại ở hiện trường và ADN của nghi can là một và chính người đó là thủ phạm.

Một gia đình hoàng tộc phức tạp

Kết nối lại các thành viên một gia đình bị chia lìa từ 3.300 năm trước đây chắc chắn ít đòi hỏi sự chính xác hơn cần thiết như khi phá một vụ trọng án. Chỉ cần so sánh 8 trong số các khu vực đa dạng này, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã có thể thiết lập được khả năng tới hơn 99,99% Amenhotep III là cha đẻ của nhân vật bí hiểm KV55, và người này lại chính là cha đẻ của Tutankhamun.

Giờ thì chúng tôi đã biết đâu là cơ thể của người cha vua Tut nhưng vẫn không chắc chắn được ông là ai. Mối nghi ngờ chính của chúng tôi vẫn rơi vào hai người: Akhenaten và Smenkhkare. Ngôi mộ KV55 có chứa các chất liệu được cho là của Tutankhamun mang về Thebes từ Amarna, nơi Akhenaten (và có thể là Smenkhkare) được chôn cất. Mặc dù các đai của quan tài – các vòng hình bầu dục mang tên pharaon – đã bị đục bỏ hết, bản thân chiếc quan tài chứng tỏ có liên quan tới Akhenaten. Nhưng không phải tất cả các bằng chứng đều cho thấy nó thuộc về Akhenaten. Hầu hết các phân tích pháp y đều kết luận rằng cơ thể bên trong quan tài là của một người đàn ông có tuổi không quá 25, quá trẻ để xác định được chính là Akhenaten, người dường như đã có hai con gái trước khi thời kỳ trị vì kéo dài 17 năm của mình. Hầu hết các học giả nghi ngờ xác ướp đó chính là pharaon Smenkhkare.

Bây giờ có thể nhờ tới một nhân chứng mới để giải quyết bí ẩn này. Xác ướp được gọi là Elder Lady (KV35EL) là một xác ướp đáng yêu, ngay cả khi đã chết, với mái tóc dài màu đỏ xõa trên vai. Phân tích tóc ở đây cho thấy chúng có hình thái hoàn toàn phù hợp với một lọn tóc tìm thấy trong một chiếc quan tài nhỏ trong lăng mộ của vua Tutankhamun, bên ngoài ghi tên Nữ hoàng Tiye, vợ của nhà vua Amenhotep III và là mẹ của Akhenaten. So sánh DNA của Lady Elder với ADN lấy từ các xác ướp đã biết của cha mẹ Tiye, của Yuya và của Tuyu, chúng tôi khẳng định rằng các Lady Elder chính là Tiye. Giờ thì bà ấy có thể xác nhận xem liệu xác ướp KV55 có phải là con trai của bà hay không.

Dường như để tăng thêm hứng khởi cho chúng tôi, việc so sánh DNA của họ cũng đã chứng minh được các mối quan hệ giữa họ. Tiếp tục chiếu và chụp xác ướp KV55 đã cho thấy thêm các chi tiết về sự thoái hóa do tuổi tác ở cột sống, dấu hiệu viêm khớp ở đầu gối và chân của xác ướp. Điều này chứng tỏ rằng ông đã qua đời ở tuổi gần 40 so với mức 25 tuổi như nhiều người nghĩ lúc ban đầu. Khi sự không nhất quán về tuổi tác đã được giải quyết, chúng tôi có thể kết luận rằng xác ướp KV55, người con trai của Amenhotep III và Tiye, người cha của Tutankhamun gần như chắc chắn chính là Akhenaten (Nhưng vì chúng ta biết quá ít về Smenkhkare, chúng tôi vẫn không thể hoàn toàn loại trừ ông ta).


Kiya cũng là một trong số người vợ của Akhenaten.

Việc nghiên cứu các hình chiếu và chụp các xác ướp cũng chứng minh được giả thuyết về các thành viên gia đình này đã mắc cùng các căn bệnh bẩm sinh như hội chứng Marfan, lý giải cho các biểu hiện bên ngoài như có khuôn mặt dài và bề ngoài nữ tính như đã thấy trong các tác phẩm nghệ thuật thuộc thời kỳ Amarna. Trước đây, người ta chưa từng phát hiện ra các yếu tố bệnh lý như vậy. Việc miêu tả tình trạng nửa nam nửa nữ của Akhenaten trong nghệ thuật ngược lại có thể chính là phản ánh sự hiện thân của thần Aten, người vốn mang biểu tượng của cả đàn ông và đàn bà, nguồn gốc của sự sống.

Thế còn vợ của Tutankhamun? Bất ngờ đối với chúng tôi là ADN lấy từ xác ướp có tên Quí bà trẻ tuổi (KV35YL), xác ướp được tìm thấy nằm cạnh Tiye (KV35) hoàn toàn trùng hợp với ADN của nhà vua trẻ tuổi. Kỳ lạ hơn, ADN của bà ta đã chứng tỏ rằng, giống như Akhenaten, bà là con gái của Amenhotep III và Tiye. Như vậy, Akhenaten đã có con với người em gái của mình. Người con trai đó sau chính là Tutankhamun.

Với phát hiện này, chúng tôi biết được rằng dường như các bà vợ đã biết đến của Akhenaten, như Nefertiti hay người vợ hai Kiya đều không phải là mẹ của Tutankhamun, bởi vì trong các dữ liệu lịch sử cũng không cho biết một trong hai người này chính là em gái ruột của nhà vua.

Chúng tôi biết được tên 5 người con gái của Amenhotep III và Tiye nhưng chúng tôi có thể chẳng bao giờ biết được người nào trong số các chị và em gái của Akhenaten đã sinh ra một đứa con trai cho ông. Tuy nhiên, với tôi, việc biết được tên của bà ta ít quan trọng hơn là chính quan hệ của bà với người anh trai. Sự loạn luân là điều hiếm thấy trong hoàng gia cổ đại của Ai Cập. Nhưng tôi tin rằng trong trường hợp này, chính điều đó đã là nguyên nhân khiến con trai của họ phải chết trẻ.

Kết quả phân tích DNA của chúng tôi, được xuất bản trong Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ số tháng 2 vừa qua, đã thuyết phục tôi rằng ngành di truyền học có thể chính là một công cụ mới rất mạnh để giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về lịch sử Ai Cập, đặc biệt là khi nó được kết hợp với các nghiên cứu bức xạ của xác ướp và so sánh với các hồ sơ khảo cổ học đã thu được.

Điều gì khiến vua Tut chết?

Cho đến nay, vẫn chưa có gì rõ ràng hơn những thứ mà chúng tôi đã kiếm tìm được để hiểu rõ nguyên nhân gây ra cái chết của Tutankhamun. Khi chúng tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu mới, Ashraf Selim và đồng nghiệp đã phát hiện ra một điều gì đó trước đây không được chú ý trong những hình ảnh CT của xác ướp: chân trái của Tutankhamun bị bầm dập, một ngón chân bị mất xương, và một phần xương của bàn chân đã bị hủy hoại do hoại tử, theo đúng nghĩa đen của nó: “các mô đã chết”. Cả hai chi tiết chân bị bầm dập và bệnh xương có thể đã cản trở khả năng đi bộ của nhà vua. Các học giả đã tìm thấy 130 cây gậy đi bộ, còn một phần hoặc nguyên vẹn trong lăng mộ của Tutankhamun, một số chiếc gậy trong số đó có dấu hiệu rõ ràng đã được sử dụng.

Một số người cho rằng những cây gậy này là biểu tượng chung của quyền lực và các hư hại ở bàn chân của Tutankhamun có thể do quá trình ướp xác. Nhưng phân tích của chúng tôi cho thấy có sự tăng trưởng xương mới ở chân để thay thế các thành phần hoại tử, điều này thực sự chứng minh rõ những gì đã xảy ra đối với nhà vua. Và trong tất cả hình ảnh còn lại về các vị vua Ai Cập, chúng tôi chỉ thấy có Tutankhamun là ngồi khi thực hiện các hoạt động như bắn cung tên hay ném gậy. Điều này cho thấy không phải vị vua sử dụng cây gậy như một biểu hiện của quyền lực mà ngược lại, nó được người đàn ông trẻ sử dụng để hỗ trợ khi đi bộ.

Căn bệnh về xương của Tutankhamun đã khiến ông bị liệt bản thân nó không thể khiến ông tử vong. Để biết được nguyên nhân sâu xa gây ra cái chết của ông, chúng tôi phân tích xác ướp của ông để tìm ra các dấu vết di truyền của các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Dựa trên sự hiện diện của DNA thuộc một số chủng ký sinh trùng được gọi là Plasmodium falciparum, có thể khẳng định rõ ràng rằng Tutankhamun đã bị nhiễm bệnh sốt rét. Không những thế, ông đã bị nhiễm căn bệnh nghiêm trọng này rất nhiều lần.

Liệu có phải chính căn bệnh sốt rét đã giết chết nhà vua? Có thể vậy. Căn bệnh này có thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch trong cơ thể, gây sốc cho hệ thống tuần hoàn và dẫn tới xuất huyết, co giật, hôn mê và tử vong. Vả lại, một số nhà khoa học khác cũng đã chứng minh rằng sốt rét là căn bệnh khá phổ biến trong khu vực ở thời điểm đó, và cơ thể Tutankhamun đã có thể có phần nào miễn dịch trước căn bệnh này. Tuy nhiên, căn bệnh cũng có thể làm hệ miễn dịch của ông bị suy yếu làm cơ thể bị biến chứng khiến các vết thương ở chân của ông khó lành (vết thương này đã được chúng tôi phân tích và đánh giá vào năm 2005).


Cây phả hệ dòng họ vua Tut
Phân tích di truyền 11 xác ướp đã xác định được rõ đâu là ông, bà, cha mẹ và các chị, em của vua Tut. Cha của vua Tut có khả năng rất cao là Akhenaten. Tuy nhiên, xác định rõ được mẹ của ông giờ vẫn là ẩn số. Cách làm của các nhà khoa học là thu thập ADN, rồi so sánh 8 bộ gene đặc trưng (phần chữ trong ô vuông tô màu ở hình dưới) để tìm ra dấu hiệu di truyền riêng của mỗi xác ướp. Những dấu hiệu di truyền giống nhau là cơ sở để xác định các mối quan hệ huyết thống.
1. Vợ của vua Tut: trong số hai xác ướp được xét nghiệm ADN, xác ướp KV21A dường như chính là Ankhesenamun. Bà là vợ của vua Tut và mẹ của một trong hai xác ướp hài nhi. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sức khỏe của Tutankhamun đã bị tổn hại ngay từ lúc ông được hình thành. Cha và mẹ của ông là hai anh em ruột. Xã hội Ai Cập thời các Pharaon không phải là xã hội duy nhất trong lịch sử có hiện tượng loạn luân trong hoàng gia. Bởi điều này về mặt chính trị có thể mang lại một số lợi ích nào đó, nhưng lại mang tới các hậu quả nguy hiểm về mặt sức khỏe con người. Kết hôn giữa những người cùng huyết thống anh chị em có nhiều khả năng dẫn tới các bản sao đôi của các gene có hại, khiến con cái của họ dễ bị một loạt các khiếm khuyết di truyền. Chiếc chân dị dạng của Tutankhamun có thể chính là một sai lầm của di truyền. Chúng tôi nghi ngờ ông cũng bị hở vòm miệng một phần, một khuyết tật bẩm sinh. Có lẽ ông cũng đã phải chiến đấu với những khuyết tật bẩm sinh khác cho đến khi một đợt bệnh sốt rét nghiêm trọng ập đến hoặc đến khi chân của ông bị gãy vì tai nạn, cơ thể của ông không thể chịu đựng thêm được nữa.

Rất có thể có một bản di chúc sâu sắc nào đó biện hộ cho sự loạn luân hoàng gia được chôn cùng với Tutankhamun trong mộ của ông. Trong khi dữ liệu vẫn còn chưa tìm được đầy đủ, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một trong các xác ướp bào thai tìm thấy ở đó là con gái của vua Tutankhamun, và rất có thể thai nhi kia cũng là con của ông ta. Cho đến nay, chúng tôi mới có được rất ít dữ liệu về hai xác ướp nữ có ký hiệu KV21. Theo đó, xác ướp KV21A có thể là vợ của Tutankhamun, tức là Ankhesenamun. Chúng ta biết từ các sách sử rằng cô là con gái của Akhenaten và Nefertiti, và do đó có khả năng là người con cùng cha khác mẹ với chồng của cô ta, tức là vua Tutankhamun.

Một hậu quả khác của giao phối cận huyết là những đứa trẻ khi sinh ra có các khuyết tật di truyền không cho phép chúng sống lâu. Vì vậy, có lẽ đây là kết cục của cuộc chơi, với việc một vị vua trẻ và nữ hoàng của mình cố gắng sinh ra một người con để thừa kế ngai vàng của Ai Cập.

Trong số các hiện vật tuyệt đẹp được chôn cùng với Tutankhamun, người ta thấy có một hộp nhỏ làm bằng ngà voi và bọc vải, chạm khắc hình ảnh vợ chồng nhà vua. Tutankhamun đang đứng dựa vào cây gậy của mình trong khi hoàng hậu đang chìa một bó hoa về phía ông. Trong hình ảnh này cũng như các hình ảnh miêu tả khác, hai vợ chồng nhà vua đều xuất hiện với những khuôn hình biểu hiện một tình yêu trong sáng. Sự thất bại của cuộc tình này đã dẫn tới sự kết thúc không chỉ một gia đình hoàng tộc mà cả một triều đại. Chúng tôi biết rằng sau khi Tutankhamun chết, một nữ hoàng Ai Cập, rất có thể Ankhesenamun, đã xin vua của Hittite, kẻ thù chính của Ai Cập kết hôn với một hoàng tử của ông, bởi vì “chồng tôi đã chết, và tôi không có con trai“. Vua Hittite gửi tới một người con trai, nhưng vị hoàng tử này đã chết trước khi đến Ai Cập. Tôi tin rằng ông này đã bị Horemheb, chỉ huy trưởng quân đội của Tutankhamun ám sát. Horemheb sau này đã chiếm ngôi vua, nhưng rồi cũng qua đời mà không có con, để lại ngôi cho một người bạn, cũng là một vị tướng.

Vị pharaon mới có tên là Ramses I. Ông ta bắt đầu một triều đại mới, trong đó, dưới thời cai trị của cháu nội ông, vị vua  Ramses Đại đế, Ai Cập đã phát triển lên một tầm cao mới đầy quyền lực. Hơn bất cứ ai hết, vị vua vĩ đại này đã làm tất cả để xóa khỏi lịch sử các dấu vết của Akhenaten, Tutankhamun, và “các nhà vua dị giáo “ của thời kỳ Amarna.

Với những điều tra mới này, chúng tôi tìm cách để vinh danh những vị vua bất tử và cố gắng giữ lại những ký ức về họ để chúng sống mãi theo thời gian.
——————-
* Tiến sĩ Zahi Hawass là nhà khảo cổ học hàng đầu của Ai Cập, giữ chức vụ tương đương Thứ trưởng (Undersecretary) quản lý các tượng đài ở Giza, kiêm Giám đốc cơ quan quản lý các Kim tự tháp ở Ai Cập.

           HOÀNG AN   dịch

Lợi ích và nguy cơ của sự loạn luân hoàng tộc
Dòng họ King Tut không phải là dòng họ hoàng tộc duy nhất có các mối quan hệ cận huyết

Khi nhà truyền giáo người Anh Hiram Bingham tới Hawai vào năm 1820, ông thực sự cảm thấy sốc khi phát hiện ra niềm đam mê của dân bản địa đối với tục thờ thần tượng, với các điệu múa hula và đặc biệt là sự loạn luân trong dòng tộc hoàng gia. Tuy nhiên, bản thân người Hawai thì lại bình thường trước điều này. Nhà sử học Joanne Carando đã viết: “Sự loạn luân trong hoàng tộc là điều được chấp nhận, dù cho nó không được khuyến khích” ở Hawai và đây được coi là một đặc quyền của hoàng gia.
Trên thực tế, trong khi hầu như mọi nền văn hóa trong lịch sử đã diễn ra tình trạng quan hệ cận huyết cấm kị giữa các anh chị em ruột hoặc cha mẹ với con, nhiều xã hội không coi điều này đáng bị trừng phạt, có thể kể ra như ở Ai Cập cổ đại, thời Inca Peru, và, nhiều thời điểm khác nhau được dung thứ trong lịch sử tại Trung Phi, Mexico, và Thái Lan. Và trong khi đa phần các hoàng gia ở châu Âu tránh  sự loạn luân giữa anh chị em thì một số hoàng gia khác, bao gồm dòng họ Hohenzollerns ở Phổ, dòng họ Bourbon ở Pháp, và hoàng gia Anh lại thường diễn ra việc kết hôn giữa các anh em họ với nhau. Dòng họ Habsburgs ở Tây Ban Nha, những người đã cai trị trong gần 200 năm, thường kết hôn với những người thân gần gũi. Triều đại của họ kết thúc vào năm 1700 với cái chết của Charles II, một vị vua có những vấn đề bí ẩn về sức khỏe và phát triển, thí dụ như lên 4 tuổi mới biết nói hoặc lên 8 tuổi mới biết đi. Ông cũng gặp khó khăn khi nhai thức ăn và không thể có con.
Những trục trặc xảy ra trong cơ thể của vua Charles và pharaon Tutankhamun chính là kết quả của các mối quan hệ cận huyết. Điều đó lý giải tại sao con người đã cấm sự loạn luân ở hầu hết các nơi trên thế giới. Sự trùng lặp gene có thể gây ra những tác dụng ngược. Những đứa con của các mối quan hệ cận huyết (giữa các anh, chị, em ruột hay giữa cha, mẹ và con ruột) đều được thừa hưởng trùng lặp trung bình nửa số gene của cha mẹ. Các quan hệ cận huyết xa hơn (thí dụ giữa chú-cháu, cậu-cháu…) thì sẽ bị trùng 12,5% số gene. Không những thế, các mối quan hệ cận huyết còn khiến gia tăng nguy cơ xuất hiện của các gene lặn, đặc biệt khi các mối quan hệ cận huyết được tiếp tục trong nhiều thế hệ, dẫn tới các khuyết tật về sức khỏe đối với những đứa con sau này được sinh ra. Rất có thể việc khiếm khuyết hàm ếch và khuyết tật ở chân của vua Tut cũng như thân hình nhỏ bé và sự vô sinh ở Charles II là kết quả của các mối quan hệ cận huyết kéo dài nhiều thế hệ.
Kể cả các hoàng gia biết được tác hại của quan hệ cận huyết, họ cũng sẽ lờ chuyện đó đi. Theo giáo sư  Walter Scheider, chuyên gia về Hy Lạp và La Mã cổ đại của Đại học Stanford, một trong các lý do khiến họ làm điều đó là “sự loạn luân dường như là được dành cho họ”. Sự loạn luân hoàng gia xảy ra chủ yếu trong các xã hội có nhiều quyền lực và không có đối thủ chính trị, ngoại trừ sự hiện diện của các thần thánh. Và họ suy nghĩ: bởi vì các vị thần có thể lấy lẫn nhau, do đó, các thành viên hoàng gia cũng có thể làm được điều đó.
Loạn luân cũng là cách để bảo vệ tài sản của hoàng gia. Lấy nhau giữa các thành viên trong gia đình đảm bảo là nhà vua sẽ chia sẻ sự giàu có, đặc quyền và quyền lực chỉ cho những người thân của họ. Ở các xã hội quyền lực tập trung tiêu biểu như Ai Cập cổ đại và  Inca Peru, điều này hạn chế vòng giao phối chỉ trong nội bộ các gia đình hoàng tộc. Ở các nền văn hóa kế tục, như ở châu Âu trong thiên niên kỷ thứ 2, người ta cho phép sự kết hôn ra bên ngoài các thành viên trong gia đình, với những người thuộc chế độ khác để hình thành các liên minh nhằm duy trì quyền lực giữa họ với nhau.
Và các mối nguy hiểm, trên thực tế, không phải hoàn toàn đã được loại bỏ tuyệt đối. Đối với các mối quan hệ cận huyết ở mức độ xa hơn cũng có thể gây ra các tác hại đối với sức khỏe của những đứa con sau này. Và sự giàu có của hoàng gia cũng có thể có tác dụng giúp những người thụ hưởng có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn. Vua Charles II chắc chắn đã có cuộc sống tốt hơn (và sống lâu hơn, ông chết ở tuổi 38) so với việc nếu ông chỉ là một người nông dân thời đó.
Một vị vua hay một vị pharaon cũng có thể tránh được sự rủi ro của các quan hệ loạn luân bằng cách có quan hệ với nhiều phụ nữ khác. Như nhà nghiên cứu Hy Lạp và La Mã cổ đại của Đại học Stanford Josiah Ober viết: “Ông ta có thể lấy bất cứ người con gái đẹp nào ông ta muốn”. Thí dụ như nhà vua trị vì Inca, Huayna Capac (1493-1527), người đã truyền lại quyền lực của mình không chỉ cho người con trai Huáscar, đứa con với người vợ, đồng thời là em gái của ông, Capac, mà còn cho cả Atahualpa, đứa con trai của ông với một nữ hoàng. Và nhà vua Rama V của Thái Lan (1873-1910) đã có tới 70 đứa con, trong đó một số đứa con là với những người em gái ruột, nhưng phần lớn là với các ái phi và cung tần mỹ nữ khác. Những nhà vua như vậy có thể mang lại sự thịnh vượng, an toàn, giáo dục và kể cả quyền lực chính trị cho nhiều đứa con của họ, mà không cần biết mẹ của chúng là ai. Như một nhà di truyền học nói: nhà vua đã để lại các gene của mình cho hậu thế theo nhiều cách thức khác nhau.
Bingham hiểu rằng ngay cả sau này, khi nhà vua Kamehameha III của Hawai theo đạo Thiên chúa giáo, ông vẫn cứ tiếp tục ngủ với em gái của mình, Nữ hoàng Nahi’ena’ena trong vòng vài năm sau đó. Điều này có thể khiến những người già của đất nước này vừa lòng nhưng lại làm phật lòng các nhà truyền giáo. Họ làm điều đó là bởi họ yêu nhau, nhà sử học Carando nói.
                         David Dobbs

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)