Biến đổi khí hậu khiến bão xuất hiện liên tiếp
Dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những cơn bão tấn công liên tiếp các khu vực ven biển sẽ ngày càng nhiều. Trong bài báo mới công bố trên tạp chí Nature Climate Change, các nhà nghiên cứu ở Trường Kỹ thuật Princeton cho biết ở một số nơi như vùng Vịnh, những “cú đúp” như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn - khoảng ba năm một lần.
“Những sự kiện cực kì hiếm gặp như vậy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn rất nhiều”, Dazhi Xi, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và là cựu sinh viên ngành kỹ thuật dân dụng và môi trường, đồng thời là tác giả chính của bài báo cho biết.
Nhóm nghiên cứu do PGS. Ning Lin tại ĐH Princeton dẫn dắt lần đầu tiên đặt ra câu hỏi về sự gia tăng tần suất các cơn bão liên tiếp sau mùa mưa bão có sức tàn phá đặc biệt vào năm 2017. Mùa hè năm đó, cơn bão Harvey tấn công Houston, sau đó là bão Irma ở Nam Florida và bão Maria ở Puerto Rico. Những thách thức trong việc lập kế hoạch khẩn cấp do ba cơn bão lớn khiến các nhà nghiên cứu thắc mắc liệu những cơn bão lớn liên tiếp có xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu hay không, và chúng ta cần chuẩn bị những gì. Vào cuối mùa hè năm 2021, bão Ida tấn công Louisiana, ngay sau đó là bão Nicholas đổ bộ vào Texas.
Họ đã chạy các mô phỏng trên máy tính để xác định nguy cơ xuất hiện những cơn bão liên tục trên một khu vực trong khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như 15 ngày, trong suốt thế kỷ 21. Nhóm nghiên cứu sử dụng hai kịch bản: một kịch bản tương lai với lượng khí thải carbon vừa phải và một kịch bản với lượng phát thải cao hơn. Kết quả cho thấy nguy cơ xuất hiện các cơn bão lớn liên tiếp tăng lên đáng kể trong cả hai trường hợp.
Giới khoa học đều biết rằng biến đổi khí hậu sẽ làm tăng cường độ của các cơn bão Đại Tây Dương. Tuy nhiên, họ không chắc chắn về việc thay đổi số lượng các cơn bão. Mô hình của Lin và cộng sự cho thấy số lượng cơn bão tăng, nhưng các mô hình khác lại không. Nhóm nghiên cứu cho biết ngay cả khi tần suất không tăng, thì sự gia tăng cường độ bão sẽ khiến các khu vực dọc theo Bờ Đông và Bờ Vịnh sẽ hứng chịu các cơn bão liên tiếp ngày càng nhiều.
Sự gia tăng nguy cơ từ những cơn bão chủ yếu đến từ hai yếu tố: mực nước biển dâng và lượng mưa tăng do biến đổi khí hậu. Khi nước biển dâng cao, triều cường sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn với các cộng đồng ven biển vì mực nước đường cơ sở (mức nước thủy triều thấp nhất) sẽ cao hơn. Nước dâng do bão cao 3m trên mực nước 0m (mực nước đường cơ sở) ít gây thiệt hại hơn so với mực nước 0,5m. Ngoài ra, cường độ bão tăng kết hợp với nhiệt độ cao hơn đồng nghĩa với việc các cơn bão mang theo nhiều nước hơn. Như vậy, lượng mưa và lũ lụt do bão sẽ ngày càng tăng.
Sự kết hợp của hai yếu tố sẽ khiến những cơn bão không đáng chú ý trước đây trở thành mối đe dọa, đặc biệt khi chúng xảy ra liên tiếp. Chẳng hạn vào năm 2021, bão Nicholas đổ bộ vào Louisiana tương đối yếu nhưng đã gây ra hậu quả ngoài dự kiến vì khu vực này vẫn chưa hồi phục sau sự tàn phá của bão Ida.
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều quan trọng là các nhà hoạch định cộng đồng và các cơ quan khẩn cấp khu vực phải nhận ra mối đe dọa mới nổi này. Chúng ta cần phải cải thiện khả năng phục hồi và ứng phó trước nguy cơ ngày càng tăng, bao gồm việc củng cố các hệ thống thoát lũ, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, hệ thống nước và lưới điện. Các đơn vị ứng phó khẩn cấp phải chuẩn bị sẵn sàng trước những cơn bão liên tiếp trong thời gian ngắn.
“Nếu một hệ thống điện cần 15 ngày để phục hồi sau một cơn bão lớn thì chúng ta không thể đợi lâu như vậy trong tương lai vì cơn bão tiếp theo có thể ập đến trước khi nguồn điện khôi phục, như trường hợp cơn bão Nicholas và Ida,” PGS. Ning Lin nói, “Chúng ta cần suy nghĩ về các kế hoạch, nhân viên cứu hộ, nguồn lực, và chúng ta sẽ lên kế hoạch ứng phó như thế nào?”□
Thanh An lược dịch
Nguồn: https://engineering.princeton.edu/news/2023/02/27/one-bad-enough-climate-change-raises-threat-multiple-hurricanes