Biến đổi khí hậu khiến mùa khô và mùa mưa cực đoan hơn

Theo một nghiên cứu mới xuất bản trên Nature Communications, biến đổi khí hậu có thể khiến lượng mưa trên thế giới nhiều hơn và lượng nước bốc hơi cũng nhiều hơn. Do đó, việc quản lý các hồ chứa nước và việc tưới tiêu mùa màng để phục vụ một thế giới ngày một đông dân sẽ trở nên phức tạp hơn.

Ashok Mishra, nhà nghiên cứu tại trường đại học Clemson, tác giả chính của công trình “Climate change will affect global water availability through compounding changes in seasonal precipitation and evaporation”, cho biết những nghiên cứu trước đó chủ yếu đều tập trung vào việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lượng mưa. Nhưng đóng góp chính trong nghiên cứu của anh là kiểm tra xem tầm quan trọng và mức biến đổi của lượng mưa và khả năng bốc hơi nước và có bao nhiêu nước sẽ còn lại trong những tháng ẩm ướt nhất cũng như khô hạn nhất của năm.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy là mùa khô sẽ trở nên khô hơn và mùa mưa sẽ trở nên ẩm ướt hơn, Ashok Mishra nói.

Phần lớn diện tích ở vùng đông nước Mỹ, bao gồm cả Nam Carolina, có lượng mưa cao và được phân phối đều trong suốt năm, các nhà nghiên cứu cho biết. Khu vực này và những khu vực khác dường như có thể có được lượng mưa và lượng nước bốc hơi lớn hơn vào cả mùa mưa và mùa khô. Lượng nước sẵn có đều phong phú hơn hiện nay.

Lo ngại lớn nhất cho các vùng sẽ là tình trạng ngập lụt nhiều hơn, Mishra trả lời phỏng vấn báo chí.

Những vùng này sẽ có thời tiết khắc nghiệt hơn bởi biến đổi khí hậu và cũng là một trong những nơi đón nhận lượng mưa rơi nhiều trong mùa mưa và cảnh hạn hán trong mùa hè. Những nơi cùng cảnh ngộ còn có Ấn Độ và vùng lân cận ở phía đông, bao gồm Bangladesh và Myanmar, cùng với một phần Brazil, phần đông  tây châu Phi và bắc Australia, theo kết quả nghiên cứu.

“Dù những khu vực này đã phải hứng chịu nhiều hạn hán và ngập lụt hơn so với những vùng khác nhưng nó sẽ còn phải chứng kiến những sự kiện cực đoan này gia tăng”, Mishra nói.

Là một phần của nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân loại thế giới thành chín vùng, hoặc chín chế độ khí hậu. Họ thấy lượng mưa hàng năm và sự dao động của mưa thông qua các mùa ở mỗi vùng từ năm 1971 đến năm 2000. Sau đó các nhà nghiên cứu đã dùng dữ liệu để dự đoán tương lai về lượng nước sẵn có trong mỗi vùng với ba tháng mùa khô và ba tháng mùa mưa. Họ đánh giá ba kịch bản trên cơ sở cá mô hình khí hậu toàn cầu phức tạp.

Kịch bản tốt nhất về lượng nước sẵn có, bền vững trong mùa khô và mùa mưa khi nhiệt độ toàn cầu bền vững ở mức cao hơn 2 oC  so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng khi nhiệt độ tăng lên 3,5 oC  hoặc 5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này, lượng nước sẵn có sẽ nhiều biến động hơn.

Mishra cho biết thông điệp của ông với thế giới này là nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng.

“Sự sẵn có của nguồn tài nguyên này là vấn đề mà mọi người đều cần phải chú ý”, ông nói. “Chúng ta cần phải có những biện pháp phòng bị để có thể sử dụng một cách tối ưu lượng nước chúng ta có. Trong trường hợp khí hậu thay đổi và dân số tăng lên,chúng ta nên chuẩn bị cho tương lai bằng việc cách cải tiến công nghệ để sử dụng nước hiệu quả cho trồng trọt”.

Jesus M. de la Garza, chủ tịch Khoa Kỹ thuật dân dụng Glenn, trường đại học Clemson, chúc mừng Mishra về công trình này: “Tiến sĩ Mishra và nhóm nghiên cứu của ông đã có một cách tiếp cận mới để nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Công trình của họ là một bước tiến tới phát triển các giải pháp bền vững để đảm bảo cho thế giới này có được một nguồn cung cấp nước phù hợp. Với bài báo này, tiến sĩ Mishra đang giúp nâng cao danh tiếng về chất lượng nghiên cứu của trường đại học Clemson”.

Vân dịch

Nguồnhttps://phys.org/news/2020-07-climate-extreme-seasons.html

 

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)