Biến thể Delta có nguy hiểm hơn với trẻ em?

Người bị lây nhiễm Delta có tải lượng virus cao bất bình thường ở đường hô hấp trên, vì vậy họ lây truyền virus dễ dàng hơn.


Nguồn ảnh: NBC news.

Hiện tại các nhà nghiên cứu Mỹ nói về biến thể delta đang hướng tới người “trẻ hơn, nhanh hơn và bệnh nhiều hơn”. Các phòng khám cho hay số bệnh nhân bị COVID-19 ngày càng ít tuổi hơn.

Có thêm tin tức về việc nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi phải thở máy hoặc bị tử vong. Bệnh nhân trẻ thường bị bệnh nặng hơn và diễn biến bệnh nhanh hơn so với mùa hè năm ngoái. Tại một số phòng khám nhi số giường điều trị tích cực đã phải tăng lên. Tuần trước cơ quan dịch bệnh Mỹ CDC đã thông báo biến thể delta “dễ lây lan như bệnh thủy đậu” và nó sẽ gây ra “các đợt bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể alpha hoặc các biến thể trước đó”.

Có phải delta không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn nguy hiểm hơn không? 

Hiện tại các nhà nghiên cứu cũng như các thầy thuốc trên thế giới đều đang cố làm rõ vấn đề này. Biến thể delta xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, lây lan nhanh và gây ra nhiều ca tử vong hơn giờ đây lan tràn ra nhiều nơi trên thế giới. Rõ ràng có sự dịch chuyển về cơ cấu tuổi, số ca lây nhiễm mới thiên về phía người trẻ ngày một nhiều hơn. 

Catherine O’Neal, bác sỹ tại Trung Tâm Y tế Our Lady of the Lake ở Baton Rouge, Louisiana, Mỹ còn đánh giá có thể “đó là một loại COVID mới” với tờ New York Times. Những đồn đại như vậy ngày càng nhiều. Có điều các nhà khoa học vẫn chưa thật sự chắc chắn về mức độ nguy hiểm đến như vậy của biến thể Delta. Đành rằng những nghiên cứu đầu tiên đã cho thấy điều đó: các nhà khoa học công bố trên tờ The Lancet, phân tích dữ liệu ở Scottland cho thấy Delta làm tăng nguy cơ điều trị tại bệnh viện lên gấp đôi so với biến thể Alpha B.1.1.7.

Theo các nhà khoa học, việc giới trẻ bị lây nhiễm Delta nhiều hơn có thể vì vào thời điểm này nhiều người cao tuổi đã được tiêm chủng. Theo một thông tin sơ bộ trong một nghiên cứu ở Canada, chưa được bình duyệt thì nguy cơ bị nhập viện ở giới trẻ khi lây nhiễm Delta so với trước đây thậm chí tăng gấp 4 lần. Nhưng đánh giá ở một số nước khác thì chưa rõ ràng.

Liệu biến thể này có thực sự nguy hiểm hơn các biến thể khác không và vì sao, điều này quả không dễ dàng gì. Bởi vì, thực ra con virus không làm cho tất cả mọi người đều phải trải qua giai đoạn bị bệnh nặng, tuy nhiên nó vẫn rất nguy hiểm với nhiều người.

Joachim Schultze, nhà miễn dịch học và nghiên cứu về gene thuộc Trung tâm Bệnh thoái hóa thần kinh tại Đại học Bonn ở Đức cho biết: “Chúng tôi thấy rằng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đáng kể so với biến thể “tiền nhiệm” của nó: Một người bị lây nhiễm Alpha có thể lây lan tiếp cho từ hai đến ba người, một người bị nhiễm Delta thì lên đến năm đến sáu người. Đó là một khác biệt rất lớn. Delta lây lan rộng, đặc biệt là trong số những người chưa được tiêm chủng. Chúng tôi đã thấy điều này ở một số quốc gia”. Có thể giải thích số ca bệnh nặng ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng vì sự lây nhiễm cao của biến thể này: số trẻ bị lây nhiễm càng nhiều thì số bị phát bệnh đương nhiên cũng sẽ tăng lên.

Người bị lây nhiễm Delta có tải lượng virus cao bất bình thường ở đường hô hấp trên, vì vậy họ lây truyền virus dễ dàng hơn. Schultze cho rằng: “Cũng có thể tải lượng virus cao này làm cho các ca lâm trọng bệnh tăng lên. Có thể giải thích cho giả thuyết này như sau: Nếu chỉ có một vài hạt virus trong màng nhầy khi bị lây nhiễm, hệ thống miễn dịch hoàn chỉnh có thể đánh chặn hầu hết các loại virus này”. 

Ở những người đã tiêm chủng, các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 cũng đóng một vai trò nhất định. Nếu số lượng các hạt virus tăng lên đáng kể, hệ thống miễn dịch bị thất thủ không thể làm chủ được tình hình, virus nhân lên nhanh chóng và người bị lây nhiễm sẽ phát bệnh.

Không rõ liệu những người trẻ tuổi có thực sự dễ mắc biến thể Delta hơn và có nguy cơ bị bệnh nặng hơn hay không. Tại Mỹ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu rất quan tâm đến điều này. Terrence Coulter, giám đốc đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế CoxHealth ở Springfield, Missouri, cho biết: “Điều đó thực sự khiến tôi sợ hãi.” Anh ấy từng điều trị cho một số bệnh nhân COVID-19 trẻ tuổi trong khoa của mình.  

Joachim Schultze nhìn nhận vấn đề có phần tỉnh táo hơn. “Do dễ bị lây nhiễm nên chúng ta phải tính đến việc, những người chưa tiêm chủng sẽ dễ bị lây nhiễm hơn. Do đó điều quan trọng là thực hiện các biện pháp đã có là giữ khoảng cách và đeo khẩu trang, qua đó làm cho sự lây lan chậm lại – để những người trẻ tuổi và trẻ em có nguy cơ  mắc bệnh nghiêm trọng có cơ hội được tiêm chủng”.

Xuân Hoài dịch 

Nguồn: https://www.spiegel.de/consent-a-?targetUrl=https%3A%2F%2Fwww.spiegel.de%2Fgesundheit%2Fdiagnose%2Fcoronavirus-delta-verursacht-mehr-krankenhausaufenthalte-bei-kindern-in-den-usa-a-c1545e99-0ff3-4a61-b1d8-76a9b436d415&ref=https%3A%2F%2Fwww.google.com%2F

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)