Bkis trong hành trình thương hiệu hóa sản phẩm

Thời gian qua, cái tên Bkis được báo chí quốc tế và trong nước liên tục nhắc tới sau khi Bkis công bố tìm ra nguồn gốc phát động cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) vào các website của Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc. Đây không phải lần đầu cái tên Bkis được thế giới nhắc đến. Trong năm 2008, các kết quả nghiên cứu của Bkis như: Phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng của trình duyệt Google Chrome, phát hiện lỗ hổng trong phần mềm của Microsoft hay lỗ hổng trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên các máy tính xách tay của Toshiba, Lenovo… cũng đã tạo ấn tượng tốt với giới chuyên môn quốc tế. Còn ở trong nước, Bkis được biết đến trước hết bởi sự quen thuộc của người sử dụng với phần mềm diệt virus Bkav. Chặng đường đưa một sản phẩm công nghệ miễn phí trở thành một nhãn hàng thương mại, cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của nước ngoài và đang trên đà tiến ra thị trường toàn cầu là cả một câu chuyện dài, nhiều trăn trở và tâm huyết của những người Bkis. Tạp chí Tia sáng đã có buổi trò chuyện với Giám đốc Nguyễn Tử Quảng về hành trình thương hiệu hóa sản phẩm Bkis.

P.V: Chào anh Quảng, Bkis cùng với phần mềm diệt virus BkavPro đã và đang có những bước tiến ấn tượng trong cả lĩnh vực thương mại lẫn nghiên cứu an ninh mạng. Để được như ngày hôm nay, câu chuyện hình thành và phát triển Bkis đã bắt đầu thế nào, thưa anh?
Nguyễn Tử Quảng: Từ năm 1995, khi đang là sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thông tin, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu về virus máy tính và sau đó thử viết chương trình diệt virus. Tại thời điểm đó, Internet còn chưa phát triển như bây giờ nên không có được nhiều tài liệu. Khi đó, thông qua bạn bè tôi có được 1 cuốn sách ở dạng photo của tác giả Ngô Anh Vũ nói về vấn đề này cùng với một số sách kĩ thuật của nước ngoài. Từ đây tôi có những kiến thức cơ sở đầu tiên trong lĩnh vực an ninh mạng. Virus máy tính biến đổi hằng ngày, theo từng giai đoạn, chúng tôi luôn phải bắt kịp với những công nghệ mới nhưng trong thâm tâm tôi luôn ghi nhớ tác giả Ngô Anh Vũ người đã giúp tôi trong những bước khởi đầu.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và vẫn tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu, phát triển phần mềm diệt virus. Trong nhiều năm liền, Bkav được miễn phí cho tất cả mọi người.
Năm 2000, nhận thấy những nguy cơ về an ninh mạng trên thế giới, tôi đã nghĩ Việt Nam cũng cần phải được chuẩn bị để sẵn sàng làm chủ công nghệ, đối phó với những nguy cơ đó. Tôi đã đệ trình lên Nhà trường thành lập Trung tâm An ninh mạng và Bkis đã được thành lập.
 
Khi thành lập Bkis, ở Việt Nam khái niệm an ninh mạng vẫn còn khá mới mẻ, anh đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Tại thời điểm đó, thuận lợi lớn nhất mà Bkis có được là sự quyết đoán của thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Phong (nay là Bộ trưởng Bộ KH&CN) trong việc quyết định thành lập Trung tâm, mặc dù ở vào thời điểm đó phần lớn giới chuyên môn trong trường không thực sự ủng hộ  ý tưởng thành lập Trung tâm của tôi. Nhiều người nghĩ an ninh mạng và phần mềm diệt virus thì có gì để làm. Thầy Hoàng Văn Phong tin tưởng giao cho tôi làm Giám đốc, cho dù tôi mới chỉ ra trường được vài năm, chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý và theo thông lệ nhiệm vụ này thường phải do một đảng viên, một giáo sư, tiến sỹ đảm nhiệm. Gọi là Trung tâm nhưng thực ra lúc đó chỉ có một mình Giám đốc (cười).
Tôi đã lựa chọn lĩnh vực an ninh mạng trước tiên vì đam mê và sau đó thấy rằng sớm hay muộn ở Việt Nam cũng sẽ phát triển lĩnh vực này.

Vậy thì từ đâu, anh quyết định thương mại hóa sản phẩm Bkav, vốn được anh miễn phí nhiều năm?

Liên quan đến sự việc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi công văn “nhắc nhở” Bkis về việc hỗ trợ Hàn Quốc truy tìm nguồn phát động tấn công website chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, Giám đốc Nguyễn Tử Quảng cho biết: “Bản chất vấn đề của sự việc này là sự phản ứng thái quá của KrCERT (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Hàn Quốc) sau khi Bkis tìm ra nguồn phát động tấn công. KrCERT cảm thấy không vui khi họ phải nhờ đến sự trợ giúp của một đơn vị ở nước ngoài như Việt Nam. Sự việc cũng sẽ không có gì nếu như VNCERT của Việt Nam không vội vàng chuyển phản ánh của KrCERT thành công văn ‘nhắc nhở’ Bkis trong khi các bên chưa hề có các trao đổi làm rõ vấn đề. Thực tế trước đó, KrCERT đã khẩn thiết đề nghị các thành viên hiệp hội APCERT (trong đó Bkis là một đồng sáng lập viên) hỗ trợ điều tra. Phương pháp Bkis sử dụng để khống chế 2 server của Hacker cũng đã được các chuyên gia đại học Toronto, Canada sử dụng trước đó để nghiên cứu mạng GhostNet, và phương pháp này được thực hiện theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.”

Phần mềm diệt virus Bkav được ra đời và phát triển một cách miễn phí trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, khi mạng Internet chính thức có mặt ở Việt Nam vào năm 1997, các vấn đề về virus trở nên nhiều và ngày càng phức tạp trong khi chúng tôi chỉ có 3 người vừa phát triển Bkav, vừa hỗ trợ người sử dụng. Mỗi ngày chúng tôi nhận tới hàng trăm cuộc gọi và email nhờ hỗ trợ diệt virus máy tính. Khi đó chúng tôi vừa lên lớp giảng dạy, vừa nghiên cứu, phát triển phần mềm, vừa trả lời mọi người trên khắp cả nước. Công việc thực sự quá tải khiến tôi trăn trở rất nhiều. Chúng tôi muốn hỗ trợ được nhiều người hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nhưng không đủ người, không đủ thời gian… Chỉ có cách duy nhất là phải tăng thêm nhân lực, phải có cơ sở hạ tầng và có chi phí vận hành. Nhưng cho tới thời điểm đó, công việc hỗ trợ mọi người của chúng tôi là phi lợi nhuận, để tăng quy mô là một bài toán nan giải.
Năm 2000, Luật doanh nghiệp ra đời, toàn xã hội quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực thương mại. Tôi cũng nhờ đó mà thay đổi tư duy. Lời giải đã được tìm ra: Phải thương mại hóa Bkav. Chính nhờ quyết định đó mà Bkis có được sự phát triển như bây giờ, có tiền để thực hiện tái đầu tư. Thực tế là Trung tâm cũng nhận được đầu tư của Nhà nước, nhưng chỉ có đầu tư trang thiết bị chứ không có kinh phí vận hành thường xuyên. Nhận thấy rằng không thể chờ cơ chế thay đổi, tôi coi đó là khó khăn khách quan cần phải tự giải quyết. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ thương mại hóa Bkav sớm hơn thì sẽ tốt hơn nữa.

Quá trình thương mại hóa sản phẩm diễn ra như thế nào và trong bao lâu thì có được sản phẩm cung cấp cho người sử dụng?
Khi quyết định thương mại hóa Bkav, nhìn lại thì thấy sản phẩm của mình chưa thể là sản phẩm thương mại được. Một sản phẩm thương mại đúng nghĩa thì cần phải có một đội ngũ phát triển, cập nhật, nâng cấp, phải có đội ngũ hỗ trợ khách hàng, đội ngũ phát triển kinh doanh… Vấn đề là khi sản phẩm miễn phí thì người sử dụng là người “nhờ vả” anh, còn khi là một sản phẩm thương mại thì mối quan hệ đó trở thành quan hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng. Điều đó buộc sản phẩm phải là cả một hệ thống chứ không chỉ là một phần mềm như khi là sản phẩm miễn phí.
Với quan điểm như vậy, phải sau 5 năm, cho đến tận tháng 11 năm 2005, Bkis mới chính thức đưa ra thị trường sản phẩm thương mại đầu tiên.

Tại sao phải mất tới 5 năm để làm việc đó?
5 năm đó là thời gian để Bkis đào tạo nguồn nhân lực. Tại thời điểm đó và thậm chí tới tận bây giờ, chuyên ngành an ninh mạng tại các trường đại học chưa sẵn sàng, do đó kỹ sư an ninh mạng không thể tuyển sẵn. Nếu chờ đợi để tuyển sẵn thì có lẽ đến giờ Bkis cũng chưa có đủ kỹ sư để phát triển sản phẩm.
Với quan điểm phát triển bền vững và đã làm gì phải làm đến tận gốc, chúng tôi quyết định tuyển sinh viên từ năm thứ 2, tự đào tạo theo các chương trình riêng của mình. Sau 4 năm, ra trường các em đã trở thành các kỹ sư, chuyên gia an ninh mạng đầy đủ kinh nghiệm. Đó cũng là lý do chúng tôi đã phải mất tới 5 năm để chuẩn bị và đến bây giờ đã là 9 năm, bù lại chúng tôi có một nền móng vững chắc để có thể phát triển xa hơn thay vì không bao giờ.
Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Năm đầu tiên sau khi các em sinh viên ra trường thì không có ai ở lại Trung tâm cả, lý do cơ bản là vì lương thấp. Tôi nhận ra rằng, phải nhìn thẳng vào sự thật là phải đảm bảo cuộc sống trước mắt của các em, ở đây không thể chỉ dựa vào tình thầy trò cũng như sự phát triển trong tương lai mà các em có thể chưa nhìn thấy ngay. Có thời điểm tôi đã phải vay tiền của gia đình, làm thêm các công việc khác để có đủ tiền thực hiện điều này. Đặc biệt, để làm sản phẩm đóng gói nhà sản xuất phải làm chủ công nghệ gốc, nhân lực phải có tính chuyên nghiệp cao. Để đào tạo được những con người như vậy, chúng tôi đã phải rất bền bỉ.

Lĩnh vực Công nghệ cao không phải là một lợi thế của Việt Nam, anh đã làm thế nào để Bkav có chỗ đứng như ngày hôm nay?
Trong lĩnh vực Công nghệ cao, giá trị của chất xám mới là cái lớn nhất làm nên thành công. Tôi tin, trí thông minh của người Việt Nam chẳng thua kém ai, cho dù có thể với nhiều người, niềm tin này đã lung lay. Thực tế là để làm công nghệ cao ở Việt Nam có rất nhiều khó khăn, nhưng tôi quan niệm những khó khăn đó là tất yếu khách quan và coi là các bài toán cần giải quyết. Với cách như vậy, tôi nghĩ không gì là không thể làm được.

Vừa làm công việc nghiên cứu, vừa phát triển sản phẩm lại vừa kinh doanh, liệu những yếu tố đó có mâu thuẫn không, thưa anh ?

Ủy ban KHCN&MT Quốc hội thăm và làm việc với Bkis

Công nghệ là một lĩnh vực đặc biệt. Thế giới có các tên tuổi như Microsoft, Google, Apple đều khởi thủy từ sản phẩm của những ý tưởng mang tính nghiên cứu, sáng tạo, công nghệ… Họ đã trở thành những người khổng lồ của nền kinh tế thế giới và không có ngành kinh doanh nào làm được như thế. Thậm chí, những người sáng tạo ra công nghệ cao còn có “quyền năng” định hướng thị trường. Bill Gates hay Steve Jobs, họ đều là những nhà kinh doanh tài ba và thành công, nhưng xuất phát điểm của họ đều từ những nhà nghiên cứu, nhà sáng chế, để ngày nay thế giới có được những sản phẩm như Windows, iPod, iPhone… Nếu họ chỉ làm nghiên cứu, rồi đợi ai đó kinh doanh hộ sản phẩm cho mình thì tôi tin thế giới đã không có các hãng công nghệ danh tiếng này.

Anh không giấu giếm tham vọng đưa sản phẩm BkavPro cũng như thương hiệu Bkis ra thị trường toàn cầu? Điều gì khiến anh vững tin vào sự thành công của mình?
Nếu 8 năm trước thì chắc tôi cũng chưa dám nghĩ tới điều này. Nhưng câu chuyện thực tế của chúng tôi là từ khi bắt đầu chỉ với 3 người, đến nay chúng tôi đã có hơn 500 nhân viên. Bkis có sản phẩm, có công nghệ gốc với những chuyên gia được rèn luyện bài bản và đầy nhiệt huyết. Vấn đề còn lại chỉ là tạo ra niềm tin cho khách hàng. Tôi hiểu là trong suy nghĩ của nhiều 

Bkis công bố lỗ hổng nhận dạng khuôn mặt trên máy tính xách tay tại Mỹ

người vẫn có sự phân biệt đối xử giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm của nước ngoài. Và chúng tôi đang nỗ lực để xóa bỏ rào cản đó. Chúng tôi cũng đang trong quá trình tích lũy tài chính, kinh nghiệm về thị trường quốc tế để chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tiếp theo tiến ra thị trường khu vực và thế giới.
Tham vọng của tôi là BkavPro của người Việt Nam sẽ không chỉ được khẳng định tại thị trường Việt Nam, mà còn được khẳng định trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu an ninh mạng toàn cầu. Chúng tôi đang nỗ lực để điều đó sớm thành hiện thực!

Xin cảm ơn anh và chúc Bkis sớm trở thành thương hiệu sản phẩm toàn cầu!
P.V  (thực hiện)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)