Bộ bách khoa khổng lồ về các loài sinh vật

Edward Osborne Wilson là nhà nghiên cứu về kiến nổi tiếng bậc nhất thế giới. Vị giáo sư tại trường Đại học Harvard này có một tham vọng lớn lao, đó là xây dựng những trang web riêng cho 1,8 triệu loài sinh vật mà con người đã biết đến. Giáo sư Wilson đã trao đổi với SPIEGEL-ONLINE về ý đồ to lớn này.

SPIEGEL ONLINE: Thưa giáo sư, sự kiện này sẽ diễn ra như thế nào: xây dựng 1,8  triệu trang web khoa học về tất cả các loài động vật, thực vật, các loài nấm và vi sinh vật nội trong mười năm trời?

Wilson: Một nhà khoa học người Anh rất nổi tiếng cũng từng nêu câu hỏi như thế này, ông ấy viết cho tôi: Này Wilson, ông bạn hút hít loại gì vậy? Ông bạn làm sao lại có thể nghĩ rằng chuyện đó có thể làm được? Nhưng tôi cho rằng đây là một công việc khả thi vả lại cần phải làm. Tri thức về đa dạng sinh học phân bổ rải rác trong các cơ quan nghiên cứu và các Viện bảo tàng tự nhiên trên khắp thế giới. Chúng ta cần phải sưu tầm những cái đó và làm sao để mọi người có thể tiếp cận được với những tri thức đã có mà không lệ thuộc vào nơi sinh sống của họ.

Thưa giáo sư, vậy dự án này sẽ được thực hiện như thế nào?

Sau khi chúng tôi nhận được sự tán đồng của hai Quỹ công ích, từ đó chúng tôi sẽ có được khoản tiền cần thiết để bắt tay vào việc.Việc tập hợp các nhà khoa học và phân công công việc tương đối dễ dàng. Nhóm Tin học đóng vai trò then chốt, nhóm này phải phát triển các chương trình phần mềm cần thiết và xây dựng trang Web. Bản thân tôi sẽ triển khai công việc này đối với 14.000 loài kiến đã được biết đến trên thế giới. Cuối tháng 5 này tôi sẽ gặp 12 nhà nghiên cứu về kiến hàng đầu thế giới tại Đại học Harvard nhằm trao đổi với nhau nên làm như thế nào để có thể đưa toàn bộ thông tin một cách nhanh nhất vào cuốn “Bách khoa toàn thư của cuộc sống” (“Enzyklopädie des Lebens”).

Thưa giáo sư liệu bộ “Bách khoa toàn thư của cuộc sống” này đến một lúc nào đó sẽ được đầy đủ hoàn toàn?

hực ra thì cho đến tận ngày nay chúng ta vẫn không biết trên trái đất này có bao nhiêu loài sinh vật. Theo ước đoán thì con số này dao động từ  3,6 đến 100 triệu loài, nhưng trên thực tế con số này có thể trên dưới mười triệu loài. Có vô vàn loài đang bị biến mất trước khi chúng ta biết đến chúng. Nhưng chí ít thì bộ “Bách khoa toàn thư của cuộc sống” sẽ cung cấp cho các nhà khoa học và các em sinh viên trên toàn thế giới  những công cụ cần thiết để nghiên cứu môi trường sống ở xung quanh mình. Chỉ cần nhấn chuột vài lần là có thể truy cập được thông tin ngay cả của các loài hiếm thấy nhất. Điều này sẽ làm cho việc phát hiện và mô tả các loài mới được triển khai nhanh hơn nhiều. Chúng tôi hy vọng trong tương lai những loài mới không chỉ được mô tả trong các tạp chí chuyên đề mà chủ yếu sẽ được cập nhật trong bộ “Bách khoa toàn thư của cuộc sống”. Đây quả là một cuộc cách mạng!

Nhưng thưa giáo sư, phải chăng những loài quan trọng nhất và lý thú nhất đã được phát hiện từ lâu rồi đó sao?

Bạn cũng có thể nói: chúng ta chỉ biết khoảng 10% các cơ quan trong cơ thể con người, đó là các cơ quan thú vị nhất, bộ não và trái tim, vậy chúng ta cần gì hơn? Mỗi một sinh vật, một cây nấm, một vi khuẩn tác động đến môi trường xung quanh chúng bằng cách riêng của mình, và chúng ta thì không biết, mức độ tác động đó như thế nào. Chừng nào chúng ta chỉ biết một phần nhỏ các loài thì chúng ta không thể hiểu nổi về sự hoạt động của hệ sinh thái. Và chúng ta phải giải quyết vấn đề môi trường như thế nào khi bản thân chúng ta không biết hết về môi trường xung quanh ta?       

X.H Spiegel 5.2008 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)