Bộ phim phân tử
Các nhà khoa học đã làm được "bộ phim phân tử" đầu tiên về tương tác giữa ánh sáng và vật chất. Một nhóm hợp tác khoa học giữa Đại học Oxford, Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley và Viện Công nghệ Massachusetts đã đo được những hiện tượng vi mô xảy ra khi ánh sáng đi qua một môi trường.
Nếu bạn muốn hiểu về sự truyền của ánh sáng ở mức vi mô và làm được một “bộ phim phân tử” về các nguyên tử và electron đang ngọ nguậy trong trường ánh sáng, bạn phải có một chiếc camera tốc độ cực kỳ nhanh, có khả năng xử lý tới từng femto-giây (nhỏ hơn một phần nghìn tỷ của một giây). Khả năng đó có thể đạt được bằng công nghệ laser hiện đại – nhưng laser lại có bước sóng không đủ ngắn để có thể nhìn đến nguyên tử. Nếu sử dụng tia X thì có thể thấy được “hình ảnh” của một phân tử, song hiện nay vẫn chưa có những xung tia X đủ ngắn để có thể chụp được chuyển động nguyên tử.
Các nhà khoa học đã cố gắng vượt qua những trở ngại này bằng việc kết hợp các xung laser cực nhanh với các chùm electron lấy ra từ một máy gia tốc hạt. Các electron này sẽ phát ra những xung tia X đủ ngắn để đo được các chuyển động nguyên tử ở thang thời gian cỡ femto-giây. Từ đó các nhà khoa học đã ghi lại được chuyển động của các nguyên tử tích điện với độ chính xác nhỏ hơn một phần nghìn tỷ mét. Công nghệ này cũng có thể được áp dụng cho các quá trình khác ở mức vi mô.
P.V