Bước mở đầu kỷ nguyên đưa người lên sao Hỏa

Ngày 5/12, Orion đã trở thành tàu vũ trụ có khả năng chở người được đưa lên độ cao lớn hơn quỹ đạo thấp quanh Trái đất, rồi an toàn trở về trong vòng 42 năm qua. Đây là chuyến bay thử như một phần của chuyến bay lên sao Hỏa do NASA tiến hành.

Theo bản tin của www.nasa.gov, hồi 7h05 giờ địa phương (tức 19h05 giờ Hà Nội) ngày 5/12/2014, từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở bang Florida, NASA đã phóng thành công tàu vũ trụ Orion lên không gian. Đây là loại tàu chở người có thể bay vượt qua quỹ đạo Trái đất thấp (Low Earth Orbit, LEO) để tới Mặt trăng, các tiểu hành tinh và sao Hỏa.

Sau đó, vào 9h10, tầng tên lửa thứ hai đã tái điểm hỏa, đưa Orion tới độ cao cách mặt đất khoảng 5.800 km, tức gấp 15 lần độ cao của Trạm ISS. Khi bay lên rồi bay xuống, con tàu hai lần xuyên qua vùng bức xạ cao trong vành đai Van Allen – vùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Đây là độ cao lớn nhất mà Orion đạt được; nên nhớ rằng kể từ sau chương trình Apollo, các phi hành gia mới chỉ bay tới độ cao vài trăm km của LEO.

Vào 11h29 cùng ngày, theo đúng kế hoạch, sau quá trình bay kéo dài 4 giờ và 24 phút, trong đó có bay hai vòng quanh Trái đất, Orion đã trở về, dùng ba chiếc dù chính hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương tại một địa điểm cách bờ biển phía Tây nước Mỹ khoảng 1000 km. Sau đó nó được tàu Hải quân Mỹ thu hồi rồi chở về Trung tâm Vũ trụ Kennedy.

Bản tin của NASA viết: Đây là lần đầu tiên trong 42 năm qua, một tàu vũ trụ có khả năng chở người được đưa lên độ cao lớn hơn quỹ đạo thấp quanh Trái đất, rồi an toàn trở về, thực hiện một chuyến bay thử hoàn hảo như một phần của chuyến bay lên sao Hỏa do NASA tiến hành.

“Tôi nghĩ rằng đây là một ngày quan trọng với thế giới, với những người am hiểu và yêu thích không gian vũ trụ. Tôi có thể diễn tả đây là sự khởi đầu của kỷ nguyên sao Hỏa”, Tổng Giám đốc NASA Charles Bolden nói sau khi Orion được phóng thành công nhưng chưa trở về.

Hãng AP bình luận: kể từ dự án Apollo tới nay, đây là lần đầu tiên NASA phóng tàu vũ trụ có thể chở người để bay sâu vào không gian.

Vụ bay thử phí tổn 375 triệu USD này nằm trong kế hoạch đưa người lên thăm dò không gian ngoại tầng sau khi dự án Apollo đưa người lên Mặt trăng kết thúc vào tháng 12/1972. Nó đánh dấu một bước tiến của NASA tới gần mục tiêu một lần nữa có được năng lực thực thi sứ mệnh đưa người lên các thiên thể.

Trong chuyến bay thử này, Orion không chở người. Hiện nay hệ thống bảo đảm sự sống, các thiết bị hiển thị và những thiết bị khác cần dùng cho phi hành gia vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu triển khai.

Orion được phóng từ bệ phóng đã dùng để phóng máy bay vũ trụ 37B. Vụ phóng này sử dụng tên lửa Delta IV – loại tên lửa mạnh nhất nước Mỹ hiện nay, do công ty tư nhân ULA (United Launch Alliance) thiết kế chế tạo. NASA hiện đang nghiên cứu triển khai một loại tên lửa mạnh chuyên dùng để phóng Orion.

Con tàu gồm khoang chỉ huy do hãng Lockheed Martin chế tạo, và khoang phục vụ do Airbus Defence and Space chế tạo, Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) cung cấp. NASA hy vọng có thể tái sử dụng Orion nhiều lần.

Nhìn bề ngoài, tàu Orion như một tháp nhọn, gồm một khoang hình nón chở người và một khoang phục vụ hình ống, đều chế tạo bằng hợp kim nhôm. Con tàu có đường kính khoảng 5 m, tổng trọng lượng chừng 25 T, chở được 4 người, đủ khả năng làm nhiệm vụ 21 ngày trên vũ trụ. Nếu rút ngắn thời gian làm việc thì sức chở có thể tăng tới 6 người.

Trên tàu có đặt hơn 1.200 bộ truyền cảm nhằm thu thập các số liệu về mặt an toàn của con tàu khi phóng, khi bay, khi trở về bầu khí quyển và hạ cánh. Trong lần thử này đã đo lường kiểm nghiệm trạng thái môi trường của phi hành gia có thể gặp phải trong khoang chở người.

Khi trở về bầu khí quyển, do tốc độ lên đến 32.000 km/h, Orion bị đốt nóng tới 2.200 độ C, vì thế một trong các mục tiêu chính của lần phóng này là thử nghiệm khả năng cách nhiệt của vỏ tàu. Một thử thách nữa là liệu 11 chiếc dù trên tàu có thể giảm vận tốc rơi của nó xuống mức 32 km/h hay không – đây là vận tốc bảo đảm con tàu nhẹ nhàng rơi xuống biển.

Ngoài ra còn thử nghiệm hệ thống thoát hiểm cho phi hành gia và phân tích dữ liệu do các bộ truyền cảm thu được trong quá trình bay, kể cả phản ứng đối với môi trường bức xạ mạnh, qua đó dự kiến được những vấn đề phi hành gia có thể gặp phải.

Tàu vũ trụ Orion có mấy điểm độc đáo như sau:

1- Không gian sống bên trong tàu là 8,9 mét khối, tương đương gấp đôi không gian toa ngủ kéo theo ô tô; 2- Nhiệt độ Orion phải chịu khi đi vào bầu khí quyển cao hơn nhiệt độ dung nham núi lửa nhưng thấp hơn nhiệt độ bề mặt Mặt Trời; 3- Vận tốc Orion đi vào bầu khí quyển nhanh tới mức nếu dùng vận tốc đó để đi từ New York đến Tokyo chỉ mất 20 phút; 4- Orion có thể bảo vệ phi hành gia không bị tổn thương bởi bức xạ vũ trụ. Lượng bức xạ mà phi hành gia phải chịu trong 3 ngày trên sao Hỏa thì bằng 1 năm trên Trái đất; 5- Chỗ nằm, ngồi trên Orion được thiết kế để chở phi hành gia có chiều cao từ 1,47 đến 2 mét; 6- Hệ thống bảo đảm sự sống trên Orion phải bảo đảm phi hành gia không phải trải qua những nỗi khổ do chuyến bay dài ngày gây ra như mờ mắt, mỏi gân cốt, loãng xương.

Theo kế hoạch của NASA, tới năm 2015 Orion sẽ được chính thức đưa vào sử dụng, năm 2021 đưa phi hành gia lên Trạm ISS, trước hoặc sau năm 2030 đưa người lên thăm dò sao Hỏa và các tiểu hành tinh. Chuyến bay thử Orion đầu tiên lẽ ra tiến hành vào năm 2017, khi NASA hoàn tất hệ thống tên lửa mạnh của mình, nhưng rốt cuộc họ thực hiện sớm vào năm nay với hy vọng có được các dữ liệu về sự trở về Trái đất và cách thu hồi con tàu, nhằm hoàn thiện thiết kế.

Tiến sĩ Robert Zubrin Tổng Giám đốc công ty Pioneer Astronautics, Chủ tịch Hội Sao Hỏa (Mỹ) nói: Việc thực thi dự án Orion phản ánh sự bất đồng sâu sắc về đường lối thám hiểm vũ trụ xa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như nội bộ ngành du hành vũ trụ Mỹ. Hiện nay một số nghị sĩ Cộng hòa đang tìm cách phục hồi dự án đưa người trở lại Mặt trăng, vì vậy không loại trừ khả năng nếu chính phủ đảng Dân chủ bị hạ bệ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 thì chính phủ mới sẽ lật đổ dự án thăm dò sao Hỏa của Tổng thống Obama.

Tác giả