Buổi đầu y học Việt Nam hiện đại: Trên những đường biên cũ, mới (Kỳ 1)
Từ những manh nha ban đầu dưới thời thuộc địa, y học Việt Nam hiện đại không chỉ từng bước vượt qua đường biên “dao cầu, thuyền tán” để tiếp cận với những kiến thức tiên tiến bậc nhất lúc bấy giờ mà còn thoát khỏi sự phụ thuộc vào chính quốc để tạo ra một nền tảng chăm sóc sức khỏe mới.
Thật khó đề cập đến sự phát triển của một quốc gia, một cộng đồng mà lại không đề cập đến cách thức họ ứng phó và ngăn ngừa bệnh tật. Họ sẽ ứng xử như thế nào trước sự bủa vây, đe dọa của vô số mầm bệnh sẵn có trong môi trường? Để tồn tại, ắt hẳn chiến lược sinh tồn của họ không chỉ bao gồm việc tích lũy lương thực, bảo vệ tính mạng trước những thế lực siêu nhiên. Việc hình thành những hiểu biết về môi trường sống, cách tận dụng những phẩm vật có khả năng điều trị, chữa lành của nó với những dạng bệnh tật phổ biến như các loại cây cỏ, động vật, đất đai… đã trở thành cơ sở cho sự ra đời của y học cổ truyền (traditional medicine) ở rất nhiều vùng đất trên thế giới, đặc biệt những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, ví dụ như Trung y/Đông y (y học cổ truyền Trung Quốc), Ayurveda, Siddha (y học cổ truyền Ấn Độ), Kanpō (y học cổ truyền Nhật Bản), Unani (y học cổ truyền Iran), Muti, Ifá (y học cổ truyền Nam Phi và Tây Phi), Nam y (y học cổ truyền Việt Nam)… Dù với tên gọi nào thì y học cổ truyền vẫn là “tổng hòa của hiểu biết, kỹ năng và thực hành dựa trên lý thuyết, niềm tin và trải nghiệm của người bản địa trong những nền văn hóa khác nhau, dù có giải thích được hay không, được dùng để gìn giữ sức khỏe cũng như ngăn ngừa, chẩn đoán, cải thiện hoặc điều trị các chứng bệnh”, theo định nghĩa của WHO.
Sự ra đời của y học hiện đại (modern medicine) – một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sử dụng hiểu biết khoa học, công nghệ, với các lý thuyết và thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng để chẩn đoán, tiên lượng, điều trị và ngăn ngừa bệnh tật khởi nguồn từ các quốc gia phương Tây – trùng khớp với thời kỳ của chủ nghĩa thực dân. Sự xâm chiếm các vùng đất mới ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ làm thuộc địa của các đế chế Anh, Pháp, Hà Lan để khai thác nguồn lợi kinh tế thường dẫn đến biến đổi môi trường, xã hội, văn hóa… các quốc gia thuộc địa. Bao giờ sau cuộc chạm trán giữa những người cai trị và bị trị cũng là sự tiếp nối của một quá trình loại trừ các hệ thống kiến thức và thực hành của xã hội bản địa thông qua việc áp đặt một hệ thống kiến thức và thực hành mới dưới tên gọi “khai hóa văn minh”. Đó cũng là cách thức y học hiện đại xuất hiện ở các quốc gia thuộc địa.
Đây cũng là lý do giải thích vì sao, lịch sử phát triển của y học ở các thuộc địa không diễn ra theo cách phát triển tuần tự như ở các quốc gia phương Tây mà theo cách thay thế và loại trừ y học cổ truyền bằng quyền lực. Sự hiện diện của y học phương Tây ở các thuộc địa, vì vậy, đều nhờ vào sự hỗ trợ của các quyền lực chính trị hoặc quân sự phương Tây. Dù muốn dù không thì nó đã trở thành một phần của lịch sử phát triển y học tại các quốc gia thuộc địa. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo cách đó, trong hai thập niên cuối của thế kỷ 19, đã diễn ra một sự chuyển đổi, âm thầm nhưng đáng kể, trong lòng xã hội thuộc địa dưới bàn tay cai trị của người Pháp ở Đông Dương. Lịch sử chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã chứng kiến những điều trước nay chưa từng có.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà những điều mới mẻ này diễn ra ở một xã hội thuộc địa. Muốn tiến hành khai thác thuộc địa có hiệu quả, người Pháp buộc phải bước vào cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới vốn hoành hành ở Việt Nam. Mặt khác, họ nhận thấy những tiến bộ trong lĩnh vực sinh học và vi sinh vật học ở nước Pháp và châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đã đưa những lĩnh vực này trở thành vùng đất cạnh tranh mới, nơi họ không muốn bị tụt hậu. Việc bỏ qua các mầm bệnh nhiệt đới có thể khiến họ thua cuộc trước người Anh, người Đức, thậm chí là người Hà Lan, về mặt khoa học lẫn kinh tế. Hai lý do này đã dẫn đến việc người Pháp áp dụng chính sách y tế hóa theo cách tiếp cận phương Tây tại Đông Dương, qua đó góp phần tạo dựng những mầm mống manh nha đầu tiên cho một nền y học hiện đại ở Việt Nam.
Mô hình hiện đại hóa ngành y xuất hiện trong nhiều xã hội thuộc địa ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi và khái niệm toàn cầu hóa, ở một quy mô nhỏ hơn cách hiểu về toàn cầu hóa trong bối cảnh hiện nay, xuất hiện cùng quá trình thực dân hóa. Do đó, có thể nói, sự hiện đại hóa y học ở các thuộc địa đã đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của nền y tế công cộng hiện đại và đặt các nền y tế thuộc địa vào mạng lưới y tế toàn cầu, bên cạnh các nền y tế ở chính quốc. Một sự kết nối quốc tế như vậy cũng thành hình ngay thời kỳ trứng nước của nền y tế Việt Nam hiện đại.
Nhưng bằng cách nào, nền y tế thuộc địa ở Việt Nam trượt khỏi khuôn khổ tư duy y lý “dao cầu, thuyền tán” để xây dựng một cách tiếp cận mới, qua đó định hình một nền y tế hiện đại mang bản sắc của mình?
Các xung đột giá trị
Việc người Pháp áp đặt cách thức chăm sóc sức khỏe theo nguyên tắc tiếp cận mới vào Việt Nam đã đặt Nam y ra khỏi vị trí chủ đạo như nó vốn có trong hàng nghìn năm tồn tại. Từ vị trí dòng chính, Nam y đã bị đặt ngoài lề, thậm chí bị coi là phi chính thống, và thường bị coi là y học thay thế (alternative medicine).
Đó là một cú sốc bởi trước quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp, Việt Nam đã có một nền y học cổ truyền riêng biệt với quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” (Thuốc Nam chữa trị cho người Nam). Mặc dù chịu ảnh hưởng của Trung y nhưng những ông tổ thuốc Nam như thiền sư Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn ông… đã tạo dựng được những cách thức sử dụng thuốc, những phương thuốc mang màu sắc bản địa, được ghi lại trong các cuốn Nam dược thần hiệu, Hồng Nghĩa giác tư y thư, Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh… Với 16 điều nằm lòng, bao gồm tám kinh (châm, biêm, chích, thang, hoàn, tán, cao, đồ) và tám vĩ (vọng, văn, vấn, thiết, công, bổ, bình, tán), các bậc lương y, ông lang bà mế, bà mụ…, hoặc các bậc tu hành tại chùa chiền, qua những “phòng mạch”, “phòng khám” cỡ nhỏ đặt tại các làng xã, từ miền xuôi đến miền ngược, là nơi chăm sóc sức khỏe dân chúng toàn cõi Việt Nam.
Cũng tương tự như ở Trung Quốc, trong cả nghìn đời, những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân này đã đảm trách vai trò khám chữa bệnh cho người dân giống như cách hệ thống bệnh viện trong xã hội ngày nay đảm trách. Bởi, mặc dù ở cấp trung ương cũng có Thái Y viện và những bậc ngự y tiếng tăm nhưng chỉ để chăm sóc sức khỏe cho vua, cung tần, mỹ nữ cùng hoàng thân quốc thích, quan lại cấp cao của triều đình. Chúng ta có thể thấy phần nào hiện trạng này trong Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhân việc ông được Chúa Trịnh Sâm triệu vời về kinh thành chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán vào năm 1782.
Sự phân tán và cách biệt trong hoạt động của các “phòng khám” tư một mặt đủ thuận tiện cho người dân tiếp các dịch vụ sức khỏe và sự đa dạng, phong phú trong cách điều trị theo các quan điểm vương đạo (chuyên dùng thuốc bồi bổ), công phạt (chuyên dùng thuốc công tán), đủ để tạo ra sự đa dạng của các bài thuốc dựa trên sự gia giảm của các dược liệu địa phương hay đủ linh hoạt để ứng phó với bệnh tật ở quy mô nhỏ; nhưng mặt khác lại dẫn đến sự thiếu hiệu quả khi đối phó với các loại dịch bệnh truyền nhiễm, vốn dễ lây lan trên diện rộng, trái ngược với cách ngày nay chúng ta thường áp dụng. Điểm mạnh đi cùng điểm yếu. Đây chính là điểm người Pháp tận dụng để chứng tỏ giá trị của mình, khi tiến hành các cuộc vận động phòng chống các bệnh truyền nhiễm như lao, tả, đậu mùa, dịch hạch, sốt rét… ở nhiều quy mô cấp vùng, cấp toàn quốc: giữ gìn vệ sinh cá nhân, kiểm soát môi trường sống, phát thuốc, chủng ngừa vaccine…
Dĩ nhiên, thuở ban đầu, hiển nhiên là không dễ để người ta vượt qua biên giới y học cổ truyền để chấp nhận phương thức điều trị của y học phương Tây, nhất là khi ở đây, vượt qua cả một phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, nó còn tích hợp những giá trị văn hóa, xã hội, lối sống hoàn toàn khác biệt với những giá trị của xã hội mình. Quan trọng hơn, ai có thể dễ dàng chấp nhận phương thức áp đặt của người cai trị? Đó cũng là lý do mà cách đây 10 năm, nhà nghiên cứu Michitake Aso (ĐH Albany Newyork), trong công bố trên Journal of Southeast Asian Studies, đã nhận xét: người Việt Nam khi bị sốt rét, hay theo cách gọi của dân gian là ngã nước, thường không thích uống thuốc ký ninh mà chọn cách quay trở về với các phương thuốc cổ truyền. Hành động này như một biểu hiện kháng cự âm thầm, với cả y học phương Tây lẫn chính quyền thuộc địa, chứ không hẳn vì “thuốc tây” không hiệu nghiệm (sự trở lại với y học cổ truyền như một thói quen vẫn còn tồn tại đến ngày nay mà chúng ta sẽ bàn đến ở kỳ hai của bài viết).
Nếu xét về bản chất của sự kháng cự này, ngoài nguyên nhân về xung đột giữa người bị trị và kẻ cai trị, xung đột giữa cái cũ và cái mới, thì còn tiềm ẩn một xung đột khác, vốn còn tồn tại dai dẳng cho đến thời điểm này: sự trái ngược nhau như ngày với đêm về nguyên lý của y học cổ truyền và y học phương Tây. Mặc dù ngày nay hơn 60% liệu pháp điều trị ung thư trên thị trường hoặc đang trong quá trình thử nghiệm đều dựa trên các sản phẩm chiết xuất từ tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật, nấm, sinh vật biển… nhưng sự khác biệt trong nguyên lý đã đặt cả hai vào hai thế giới thực sự riêng biệt. Y học phương Tây hiện đại được đặt trên nền tảng của nguyên tắc chuẩn hóa nghiêm ngặt và dựa trên bằng chứng khoa học trong khi y học cổ truyền lại dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành và xác định công thức điều trị thông qua “vọng, văn, vấn, thiết”, “bắt mạch kê đơn”, tùy từng thể trạng người bệnh mà thêm bớt khối lượng hoặc vị thuốc. Về các phương thuốc điều trị, nếu y học phương Tây chỉ tập trung vào các hợp chất cần thiết để điều trị trực tiếp căn bệnh nên thông thường, thành phần của thuốc chỉ gồm một vài hoạt chất đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng một cách tỉ mỉ và chính xác trong khi y học cổ truyền đưa ra các bài thuốc, có thể độc vị hoặc nhiều vị, được đúc kết qua quá trình “thử và sai” nhiều đời nhưng không quan tâm đến bản chất hóa học cũng như các nhóm chất trong từng vị. Đó là lý do là để điều trị sốt rét, người Pháp đã sử dụng quinine được tách chiết dưới dạng tinh chất từ vỏ canh-ki-na nhưng người Việt ưa dùng các bài thuốc gồm nhiều vị, ví dụ như bài thuốc cắt cơn sốt gồm “cây cam thìa (thanh hao), lá thường sơn, thảo quả, hà thủ ô trắng, hạt cau, vỏ chanh, miết giáp, cam thảo nam”…
Các xung đột cũ – mới, cổ truyền – hiện đại đan xen với sự kháng cự từ dưới lên của người bị trị trước sự áp đặt từ trên xuống của chính quyền thuộc địa được cô nén trong y tế, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp. Bất chấp những xung đột trong lòng xung đột này, người Pháp đã ấn định được cả một hệ thống cơ sở y tế với chính sách hỗ trợ hoàn bị. Sự chuyển đổi ấy được bắt đầu với việc thành lập Viện Pasteur Sài Gòn vào ngày năm 1891, chi nhánh đầu tiên của Viện mẹ Pasteur Paris ở cả trong và ngoài biên giới Pháp (sau đó bốn năm là Viện Pasteur Nha Trang), và trường Y khoa Đông Dương năm 1902, trước cả khi khoa thi cuối cùng của nền Hán học khép lại vào năm 1919.
Tuy nhiên, cũng giống như sự khúc xạ của vật chất khi từ môi trường này chuyển tiếp sang môi trường khác, một sản phẩm y học, dẫu dưới hình thức của kiến thức, phương pháp hay cách thực hành, được chuyển giao từ một quốc gia phương Tây sang quốc gia thuộc địa sẽ không lặp lại quá trình phát triển như ở chính quốc. Nó sẽ có một đời sống riêng, với sự diễn giải, lựa chọn và thích ứng phù hợp với điều kiện thuộc địa.
Trên những đường biên đó, người Việt có một cách thích ứng linh hoạt là chấp nhận và tiến tới sửa đổi những thực hành y học phương Tây theo cách riêng biệt của Việt Nam.
Những chính sách y tế đầu tiên
Để hiểu về quá trình ngành y Việt Nam đi theo con đường hiện đại hóa với các tiêu chuẩn phương Tây, chúng ta phải nhìn vào quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp. Vào thời điểm ban đầu ở Đông Dương, người Pháp không hiểu biết gì về các mầm bệnh nhiệt đới. Thêm vào đó, sự lưu hành của các bệnh truyền nhiễm mà phần lớn ngày nay vẫn còn tồn tại như đậu mùa, tả, sốt rét, bệnh hoa liễu, ký sinh trùng đường ruột, kiết lị… đã gây rất nhiều khó khăn cho những bác sĩ Pháp đầu tiên có mặt ở Đông Dương trong việc thiết lập hàng rào bảo vệ người châu Âu khỏi những căn bệnh này ở đây. Đối với nhiều loại bệnh dịch, vẫn còn thiếu các biện pháp phòng ngừa và điều trị, ít nhất đến cuối thế kỷ 19 mới bắt đầu có một số hiểu biết sơ khởi về vi sinh vật, vi khuẩn. Bởi ngay cả ở châu Âu thì đến những năm 1870 và 1880, các nhà khoa học như Louis Pasteur hay Robert Kock mới phát hiện ra vi khuẩn là nguồn gốc gây bệnh phong, thương hàn, lao, tả, uốn ván, bạch hầu, dịch hạch… Louis Pasteur cũng là một trong những người đầu tiên đi đến kết luận nguyên nhân gây các căn bệnh này là vi khuẩn chứ không phải là do khí độc.
Vào năm 1905, Toàn quyền Đông dương Paul Beau đã lập nên cơ sở về Hỗ trợ Y tế bản địa (Assistance Médicale Indigène, AMI), một chính sách y tế nhằm giải quyết các vấn đề dịch bệnh với một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí cho cho công chức và dân nghèo. Chưa có gì cao xa, AMI xuất phát từ việc triển khai giáo dục về vệ sinh, các chiến lược chống lại các bệnh chính lưu hành ở các địa phương, một số bệnh truyền nhiễm và một mạng lưới bệnh viện gắn kết chặt chẽ. Một phần của nguyên nhân là tình trạng vệ sinh ở Hà Nội và một số địa phương lúc này rất tồi tệ, đường phố bẩn thỉu lầy lội khi trời mưa. Chính sách này được áp dụng triệt để cho Hà Nội, một thành phố có rất nhiều hồ ao và khu phố cổ chật chội, ẩm thấp. Vì vậy, từ năm 1886 đến những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa đã mở đường, lấp ao tù, phá bỏ các nhà vách đất lợp bằng tranh, tre, nứa, lá trong thành phố, xây cống ngầm và hoàn thành hệ thống cung cấp điện và nước…, những giải pháp góp phần đẩy lùi dịch tả ở Hà Nội.
Vào năm 1907, Toàn quyền Paul Beau nêu các nguyên tắc chung về “vệ sinh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng” dựa trên giáo dục và thuyết phục quần chúng.
Những chính sách mới đã đặt nền tảng cho chính sách sức khỏe của Pháp ở Đông dương. Vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã thực thi nhiều biện pháp về y tế công cộng ở đô thị, trong đó có cải thiện điều kiện vệ sinh, lập các ban vệ sinh đô thị cũng như việc kiểm soát các nhóm dân số có nguy cơ rủi ro về dịch bệnh như gái mại dâm, học sinh… Nếu đọc ghi chép Khám ghẻ trong tập ký Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài, người ta sẽ có thể hình dung ra việc người Pháp duy trì chính sách kiểm tra vệ sinh trường học, trong đó có chữa ghẻ cho học sinh “Sáng thứ hai nào cũng khám vệ sinh cả lớp. Từng bàn lần lượt ra đứng trước mặt thầy. Thầy giáo Tỏi phất phất cái roi da. Tay ngửa lên, úp xuống, đầu roi thầy gẩy hai bên nách áo, mạng sườn, mông đít”. Cũng vào thời gian này, Hà Nội phải đối mặt với bệnh dịch hạch, dịch tả, đậu mùa… khiến chính quyền thuộc địa phải tiến hành các biện pháp như cách ly tập trung người mắc bệnh ở một nơi riêng biệt và trớ trêu thay đó lại là Văn Miếu. Chính sách cách ly ứng phó bệnh dịch này thực ra có phần giống chính sách cách ly áp dụng vào thời kỳ đầu COVID của Việt Nam khi chọn các trường học, ký túc xá làm nơi tạm trú cho những người trở về từ vùng dịch hoặc bị nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân COVID. Người Pháp cũng có cách cực đoan hơn như đốt làng Thể Giao cạnh Vân Hồ, một hành động sau khi Alexandre Yersin phát hiện ra trực khuẩn Yersinia pestis là tác nhân gây bệnh dịch hạch và nhà vi sinh vật học Paul-Louis Simond phát hiện ra con đường lây truyền từ con bọ chét mang vi khuẩn qua chuột (vật chủ trung gian) sang người. “Tây đốt trước mắt mọi người. Tây bảo ‘làng này có bệnh dịch hạch’. Đốt cho hết chuột mới diệt được bệnh dịch hạch truyền nhiễm. Đấy là năm 1906, Hà Nội có bệnh dịch hạch, chết hàng nghìn người” (Chuyện cũ Hà Nội. Tô Hoài).
Ở Đông Dương, nhiều cuộc vận động chống lại các căn bệnh mà người Pháp tự cho là liên quan mật thiết đến môi trường xã hội như thói quen xấu về vệ sinh, sự đói nghèo, tình trạng thiếu dinh dưỡng, thói quen quần tụ nơi công cộng. Ở Sài Gòn, nhiều công trình y tế đặc biệt cũng được xây dựng trong vòng vài năm: viện lao, dịch vụ phòng chống ung thư, phòng khám mắt, phòng khám tai mũi họng, nhà thương điên Biên Hòa, viện phúc lợi trẻ em, viện chống sốt rét để trở thành một phần của dịch vụ công. Vào năm 1934, Hội đồng trẻ em được thành lập ở Sài Gòn do những lo ngại về tâm lý của con em người Pháp ở thuộc địa.
Tất cả cho thấy một chính sách y tế hướng vào người bản xứ đã được hình thành. Tuy nhiên phải đến những năm 1920 thì chính sách y tế Đông dương mới tách khỏi chính sách thực dân để có sự độc lập nhất định về tổ chức lẫn chức năng. Cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã đem lại sự chuyển hướng của chính sách thuộc địa và góp phần đem đến một cách tiếp cận mang tính địa phương nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, đi kèm với việc hình thành một mạng lưới trạm y tế, bệnh xá, nhà hộ sinh ở nông thôn và yêu cầu các nhân viên y tế “đến với người bệnh” ở đây nhiều hơn.
Trong 30 năm đầu của thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng theo đúng tiêu chuẩn của y học hiện đại ở cả Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Trung Kỳ, bao gồm các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trường đại học và các bệnh viện, nhà thương được kết nối chặt chẽ với nhau và với quốc tế. Hệ thống chăm sóc sức khỏe này được triển khai cả về nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm in vitro (trong ống nghiệm), in vivo (trong cơ thể sống), thực hành lâm sàng và các chiến lược chủng ngừa, điều trị ở cả ba miền trên các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới. Dẫu quy mô của hệ thống chăm sóc sức khỏe này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của dân chúng nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, đây là hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng trên diện rộng đầu tiên ở Việt Nam.
Từ đó, một cách tiếp cận về chăm sóc sức khỏe, về cả lý thuyết và thực hành theo lý thuyết phương Tây, đã được giới thiệu vào Việt Nam từ những khái niệm hết sức căn bản về vệ sinh thường nhật cho đến việc thụ hưởng những sản phẩm tiên tiến bậc nhất thời đó như vaccine dịch hạch, vaccine tả, vaccine BCG phòng lao… qua đội ngũ y bác sĩ Pháp và bản xứ. Nếu nhìn vào cách thức và quá trình người Pháp phòng chống hai căn bệnh truyền nhiễm là lao và sốt rét tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, có thể thấy vai trò của các bác sĩ bản xứ ngày một gia tăng trong nghiên cứu cũng như điều chế vaccine, trong đó thay vì chuyển toàn bộ vaccine đã được sản xuất ở Pháp thì những nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur Sài Gòn đã có thể pha chế vaccine lao BCG dạng uống và phân phối tới các địa phương. Dưới sự dẫn dắt của Yersin, Viện Pasteur Nha Trang có thể tự sản xuất vaccine dịch hạch (ở người và trâu bò), tả, bệnh than, bệnh dại, sản xuất các loại huyết thanh kháng bệnh khác và phân phối huyết thanh ngừa uốn ván, ung thư, ký sinh trùng, bệnh than, uốn ván chống độc, chất khuẩn lao thô, chất khuẩn lao pha loãng… Hơn thế, các y bác sĩ tương lai, của cả trường Y khoa Đông Dương và ĐH Y Paris, Viện mẹ Pasteur Pháp, đều tìm thấy tất cả những gì họ cần ở các viện trong hệ thống viện Pasteur Đông Dương. Một không khí học thuật và thực hành ở nhiều cấp độ đã sôi nổi diễn ra tại những viện này.
Dường như tất cả những vật chất làm nền cho một cuộc chuyển đổi về y học trong lòng một xã hội thuộc địa đã sẵn sàng.□ (Còn tiếp).
Nguyễn Nhàn – Tô Vân
———————————
Tài liệu tham khảo chính
“The Development of Modern Medicine in Non-Western Countries: Historical perspectives” (Royal Asiatic Society Books). Hormoz Ebrahimnejad biên tập.
“Vũ trung tùy bút”. Phạm Đình Hổ. NXB Văn học. 2001
“Văn Miếu – Quốc Tử Giám và bệnh dịch hạch ở Hà Nội năm 1903”. Đào Thị Diến. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. 2020.
“Chuyện cũ Hà Nội”. Tô Hoài. NXB Hà Nội. 2003