Buổi đầu y học Việt Nam hiện đại: Trên những đường biên cũ, mới (Kỳ 2)
Diễn ra trong lòng một xã hội thuộc địa, cuộc chuyển đổi của y học Việt Nam từ cổ truyền sang hiện đại không phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của chính quyền thuộc địa mà còn có sự thúc đẩy của yếu tố khác, một lớp người Việt với tri thức mới và lòng ái quốc khát khao xây dựng một nền y học độc lập.
Việc áp đặt một nguyên lý và thực hành y tế mới ở Việt Nam nằm trong khuôn khổ sứ mệnh “khai hóa văn minh” mà người Pháp vẽ ra trong quá trình khai thác thuộc địa đã vấp phải sự phản kháng âm thầm về nhiều mặt của người bản xứ. Dẫu vậy, một hệ thống cơ sở đào tạo và thực hành chăm sóc sức khỏe dưới nhiều hình thức khác nhau đã dần dần xuất hiện ở khắp ba kỳ Bắc, Trung, Nam đi kèm với những chiến lược kiểm soát bệnh truyền nhiễm nhiệt đới. Được người Pháp truyền bá rộng rãi khắp Đông Dương, khẩu hiệu “Tiêm chủng, đăng ký và khử trùng”, một chỉ dấu của nền y học hiện đại, ít nhiều gợi chúng ta nhớ đến thông điệp 5K “khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế” trong đại dịch COVID-19.
Dẫu tương tự năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe công dưới triều Nguyễn qua các Lương y ty và Dưỡng tế sở là còn sơ khai và chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của quảng đại quần chúng, nhưng tất cả các yếu tố mà người Pháp xây dựng đã góp phần tạo ra một môi trường hoàn toàn mới trong xã hội thuộc địa, ươm mầm cho những hạt giống của nền y học Việt Nam hiện đại nảy nở.
Một lớp người mới
Sự thành lập Trường Y khoa Đông Dương theo đúng mô hình ở mẫu quốc vào đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội, gắn kết đào tạo ở trường và thực hành tại bệnh viện riêng của trường, đã đem lại cho Việt Nam các bác sĩ, dược sĩ Tây y đầu tiên, những người mà theo quyết định thành lập trường sẽ là “các thầy thuốc người châu Á có khả năng đảm nhiệm, cùng với các thầy thuốc người Pháp và dưới sự chỉ đạo của họ, công tác y tế ở Đông Dương và các chức vụ ở bên ngoài, đồng thời góp phần nghiên cứu khoa học về căn nguyên và điều trị các bệnh của người Âu và người bản xứ ở Viễn Đông”. Rõ ràng, từ ban đầu, cả Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lẫn hiệu trưởng đầu tiên Alexandre Yersin đã hướng đến mục tiêu đưa các sinh viên trường thuốc này đạt trình độ quốc tế. Vào thời kỳ đầu, luận văn tốt nghiệp của các sinh viên trường thuốc đều được chuẩn bị và bảo vệ tại các trường đại học ở Pháp. Điều này chỉ được thay đổi cho đến tận năm 1935, thời điểm các bác sĩ bản xứ tương lai được bảo vệ luận văn ở Hà Nội.
Nếu trước đây, theo nền giáo dục Nho học, ước mơ của hầu hết các thanh niên là học hành, thi cử để đỗ đạt, làm quan thì cánh cửa Trường Y khoa Đông Dương và sau đó là một số trường đào tạo khác, đã mở ra trước mắt họ những cơ hội nghề nghiệp mới, dựa trên những kiến thức, phương pháp tiếp cận, nguyên lý… được chuẩn hóa và được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Với họ, việc trở thành quan không còn là lựa chọn duy nhất nữa, ví dụ như trường hợp của bác sĩ Tôn Thất Tùng. Dù sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, con trai của Tổng đốc Thanh Hóa, nhưng ông đã từ bỏ con đường làm quan truyền thống khi nhận thấy sự vô dụng và trở thành gánh nặng trên lưng dân chúng của quan lại triều đình nhà Nguyễn, để từ năm 1931 ra Hà Nội học trường Y, tiếp nhận những kiến thức mới mẻ. Ở nơi này, ông cũng như những sinh viên trường Y khác sau khi tốt nghiệp đều đứng trước rất nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp không kém các hậu duệ của mình ngày nay: tham gia nghiên cứu tại hệ thống Viện Pasteur Đông Dương; học thêm tại các ĐH Y ở Paris, Montpellier và Bordeaux và có thể ở lại Pháp làm việc; hành nghề tại các bệnh viện khắp ba kỳ; mở phòng khám riêng.
Bất chấp những khó khăn ở khóa đầu, các sinh viên trường Y ngày một tỏ rõ sự tiến bộ, thậm chí vươn tới mức trình độ tương đương các sinh viên trường Y ở chính quốc. Rất nhiều người trong số họ đã tiếp tục sang Pháp học hoặc ở lại đó làm việc một thời gian như các bác sĩ, dược sĩ Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, anh em Hoàng Tích Mịch – Hoàng Tích Trí, Nguyễn Văn Thủ, Trần Hữu Nghiệp… Khi về nước, họ làm việc trong hệ thống cơ sở y tế như bác sĩ Hoàng Tích Trí, một trong những người bản xứ đầu tiên giữ một chức vụ quan trọng trong mạng lưới Viện Pasteur Đông Dương – từ năm 1935 là trưởng một phòng thí nghiệm của Viện Pasteur Hà Nội (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), tham gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sốt rét, thương hàn, lỵ…
Sự hiện diện của các bác sĩ, dược sĩ người bản xứ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công hay các phòng khám tư là điều người Pháp mong muốn bởi họ cho rằng, đây sẽ là những nhịp cầu nối để dân chúng thêm đồng thuận đến với Tây y và dễ chấp nhận một phương pháp chăm sóc sức khỏe hiện đại hơn là trở về với y học cổ truyền. Dẫu họ phần nào đạt được mục đích nhưng không thể bỏ qua một điều là ở Đông Dương, vẫn còn quá ít các bác sĩ, y tá, dược sĩ được đào tạo theo Tây y. Đơn cử, Đơn vị Hỗ trợ Y tế bản địa (AMI), được Toàn quyền Đông dương Paul Beau thành lập vào năm 1905, vẫn chủ yếu dựa vào các bác sĩ quân y: đến năm 1907, trong số 111 bác sĩ thì mới có 9 bác sĩ dân sự; năm 1939, tổng số bác sĩ mới là 146 người, trong đó có 12 bác sĩ dân sự. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là người bản xứ, luôn luôn thường trực.
Mặt khác, người Pháp nhận thấy rằng, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe còn tồn tại một lỗ hổng khác: nhóm bà mẹ và trẻ em. Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ dưới một tuổi ở cả Bắc Kỳ và Nam kỳ đều ở mức rất cao, đau xót như câu thành ngữ người Việt “chửa là cửa mả”. Có thể ngày nay, chúng ta không hình dung nổi là trong giai đoạn từ năm 1898 đến 1900, tỉ lệ tử vong của trẻ nhỏ dưới một tuổi ở Sài Gòn và Chợ Lớn lên đến 68,72% còn ở Hà Nội trong giai đoạn 1914-1917 vào khoảng 30%-50%, cao nhất là năm 1923 với 58,1%. Để giảm thiểu tình trạng này, chính quyền thuộc địa đã mở những khóa học ngắn hạn để chuẩn hóa, hiện đại hóa cách thức thực hành đỡ đẻ truyền thống của các bà mụ vườn bằng các kiến thức hỗ trợ sinh sản hiện đại. Một bác sĩ người Pháp, khi được cử đến Đông Dương đánh giá hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã lưu ý là vào năm 1936, đã có 828 bà mụ và 296 nữ hộ sinh bản xứ được cấp bằng, giấy chứng nhận; họ đã tham gia hỗ trợ ở 88.737 ca sinh nở, trong đó 75.035 ca ở các nhà bảo sinh.
Những nỗ lực từng bước của chính quyền thuộc địa đã làm gia tăng số lượng các bác sĩ, y tá bản địa trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công. Trong cuốn sách Before the Revolution: The Vietnamese Peasants Under the French (Trước CMT8: Nông dân Việt Nam dưới ách đô hộ của người Pháp), giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết: Vào năm 1942, bên cạnh con số 90 bác sĩ người Pháp thì có 54 bác sĩ bản xứ, 92 y tá châu Âu thì có 1.462 y tá bản xứ. Tuy nhiên, đây chỉ là muối bỏ biển với tổng dân số 23 triệu người, nghĩa là cứ một bác sĩ được đào tạo theo nguyên lý và thực hành Tây y sẽ phải chăm lo khám chữa bệnh cho 157.000 người và mỗi y tá chăm sóc 15.000 người.
Đó là một trong những lý do quan trọng khiến người Việt không thể cắt đứt hoàn toàn với y học cổ truyền như mong muốn của người Pháp.
Gắn kết với truyền thống
Dĩ nhiên, sức mạnh của Tây y với những phương thức điều trị mới, ví dụ cách phòng chống bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét, tả, dịch hạch, đậu mùa, phong… đã phần nào đem lại cho nó một vị trí nhất định trong xã hội thuộc địa. Người dân, chủ yếu là người sống ở thành thị, đã có thói quen đến các bệnh viện, nhà thương, nhà bảo sanh…, nơi hoạt động dựa trên nguyên tắc điều trị và tư vấn miễn phí.
Việc đặt niềm tin vào Tây y ở buổi đầu, có khi đến từ niềm tin với con người. Đó là câu chuyện bác sĩ Alexandre Yersin, trong các chuyến thám hiểm của mình, đã phổ biến sản phẩm của xã hội phương Tây vào những vùng xa xôi của xứ thuộc địa. Ví dụ trong chuyến đi tới vùng núi cao ở Nam Kỳ năm 1893, Yersin đã mang theo một số ống vaccine lấy từ Viện Pasteur Sài Gòn với hy vọng có thể tiêm chủng cho một vài đứa trẻ. Khi dừng lại trong một ngôi làng ở Tánh Linh, ông hỏi trưởng làng là liệu có thể tiêm chủng cho trẻ con được không. Ông viết trong thư gửi mẹ, đề ngày 21/3/1893 “ngay lập tức, ông ấy đã đưa con đến trước gia đình mình, và trong buổi chiều, toàn bộ người làng đã được tập hợp để tiêm chủng. Thành công này vượt quá mong đợi của con: toàn bộ số vaccine đã sử dụng hết và con phải đánh điện về Sài Gòn đề nghị cung cấp thêm; con đã tiêm chủng cho 160 người Mọi trên đường và 150 đứa trẻ An Nam tại đây”. Ở những nơi bị bệnh đậu mùa càn quét như Tánh Linh, tỉ lệ chấp thuận tiêm chủng của người dân không ngừng gia tăng. Kể cả người già và những người nằm ngoài độ tuổi của nhóm ưu tiên tiêm chủng cũng sốt sắng với vaccine.
Một chỉ dấu khác cho thấy sự chấp nhận tiêm chủng ngày một tăng: năm 1926, có 1,98 triệu người tiêm vaccine tả trong một năm dịch tả hoành hành. 10 năm sau, việc sử dụng vaccine đậu mùa theo ước tính chính thức của người Pháp đã đạt một phần ba dân số Đông Dương, qua đó làm giảm tỉ lệ lưu hành bệnh và tỉ lệ tử vong.
Hàng loạt chính sách và các cuộc vận động của người Pháp được ban hành và khuyến khích để nhằm đưa y học cổ truyền ra khỏi dòng chủ lưu ở Việt Nam. Nhưng bất chấp điều đó, mối dây liên hệ của người Việt với cách thức chăm sóc sức khỏe thân thuộc hàng nghìn năm vẫn tồn tại một cách bền chặt. Hơn cả một phương thức bảo vệ sức khỏe, đó còn là một niềm tin, một văn hóa, một cách sống hòa nhập với tự nhiên, dù có giải thích được hay không.
Có một sự thật là sợi dây gắn kết ấy vẫn còn tồn tại ngay trong những bác sĩ, y tá bản xứ, dù họ được đào tạo theo phương pháp Tây y. Hầu hết các sinh viên trường Y, trong quá trình bước vào thế giới khoa học và y học hiện đại, vẫn lưu giữ bản dạng của chính mình và truyền thống gia đình. Theo lời bà Henriette Bùi, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, mặc dù gia đình đã vào “làng Tây” (có quốc tịch Pháp) nhưng “ở nhà, cha tôi thường nói với tôi về lịch sử Việt Nam do chúng tôi không được học môn này ở trường. Ông coi đó là điều quan trọng để giữ truyền thống Việt Nam được sống mãi, ngay cả khi chúng tôi đều học các môn khoa học phương Tây”.
Mặt khác, phải nói rằng dù người Pháp đề ra phương pháp tuyển chọn sinh viên khá công bằng khi dựa vào kết quả thi đầu vào nhưng gần như trọn vẹn số sinh viên vào trường Y đều có xuất thân từ tầng lớp trên, nếu không muốn nói là danh gia vọng tộc, có truyền thống học hành khoa bảng. Cho đến đầu thế kỷ 20 thì con cái những gia đình này đều được học chữ Hán để chuẩn bị cho các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, bước quan trọng trên con đường làm quan. Truyền thống này vẫn chảy trong huyết quản họ và do đó, họ vẫn chấp nhận cách thức chăm sóc sức khỏe kiểu cũ thông qua các cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc thân thuộc đã được gạn lọc qua quá trình “thử và sai” nhiều đời. Sự chấp nhận ngầm của họ ngày một tạo đà thuận lợi hơn cho y học cổ truyền trở lại dòng chính khi vị trí nghề nghiệp của họ trong xã hội được khẳng định: từ năm 1937, 41 bác sĩ tốt nghiệp trường Y đã được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu ngành y ở cấp tỉnh.
Việc trở lại với y học cổ truyền không chỉ do sự sẵn sàng trong suy nghĩ của những bác sĩ bản xứ mà còn xuất phát từ một thực tại không thể chối bỏ: hệ thống cơ sở hạ tầng lẫn thuốc men không đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Do đó, các bác sĩ, dù muốn hay không, cũng phải chấp nhận việc sử dụng phương thức thực hành của y học cổ truyền để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi người Pháp bắt đầu suy nghĩ về giá trị của sản vật có được từ sự đa dạng sinh học vùng nhiệt đới, ví dụ như cây canh-ki-na chữa sốt rét, cây hồi và thảo quả được người châu Âu ưa chuộng…
Trong bối cảnh đó, những nhà khoa học Pháp ở Việt Nam, ví dụ như Paul-Louis Simond của Viện mẹ Pasteur, với vai trò Tổng thanh tra dịch vụ sức khỏe Đông Dương, cũng đem lại cái nhìn cởi mở hơn với y học cổ truyền. Ông bất bình với nhiều chính sách hà khắc, quy định ngặt nghèo của chính quyền thuộc địa khi đặt rất nhiều rào cản lên các thực hành y học bản xứ, đặc biệt sau sự bất thành của vụ Hà Thành đầu độc năm 1908 – sử dụng cà độc dược trộn lẫn trong đồ ăn của binh lính Pháp đóng trong thành Hà Nội, do liều lượng thấp nên chỉ khiến 200 lính Pháp bất tỉnh. Simond cho rằng, “nhiều thứ thuốc mà chúng ta đã tìm ra cũng có trong dược điển bản địa”, và các phòng bào chế dược phẩm Hán – Việt cũng có thể đem lại nhiều lợi ích cho các dược phẩm châu Âu hiện hành. “Có thể là không công bằng hoặc phi logic khi hạn chế hoạt động buôn bán của các hiệu thuốc bản xứ xuống còn vài loại thuốc (phần lớn đều không có hiệu quả tích cực)… và tước đoạt nó khỏi tay khoảng 18 triệu cư dân, trong một đất nước mà chỉ tồn tại khoảng một tá hiệu thuốc Tây, chỉ có trong tay những loại dược phẩm thông thường, vốn không cho thấy nguy hiểm nào và có thể tìm thấy ở các dược điển châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản”.
Nghĩ gì về di sản thuộc địa?
Trong lòng xã hội thuộc địa, công việc nghiên cứu, giảng dạy Tây y tại hệ thống Viện Pasteur Đông Dương, Trường Y khoa Đông Dương như một phần của sứ mệnh khai hóa của người Pháp. Đông dương buổi đầu đóng vai trò quan trọng cho các thực nghiệm, khám phá và trao đổi khoa học, nơi có hệ thống viện Pasteur Đông dương và các phòng thí nghiệm của nó, sự ra đời của các tạp chí y học như Bulletin de la Société Médico-chirurgicale de l’Indochine (1910–38), tất cả các nhân tố kết hợp để tìm hiểu những bệnh chưa biết như bệnh lỵ trực khuẩn và những yếu tố dịch tễ mới được hiểu sơ khai như sự tái lưu hành bệnh sốt rét, sốt xuất huyết…
Có ý kiến cho rằng, chính sách áp đặt của người Pháp nhằm loại bỏ niềm tin vào y học cổ truyền đã tạo ra sự đứt gãy giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, khiến cái có sau ít khi tiếp nối được giá trị của cái có trước, điều này cũng diễn ra tại nhiều quốc gia từng là thuộc địa khác. Tuy nhiên, phải công nhận là giữa hai phương thức chăm sóc sức khỏe này tồn tại một khoảng cách, không chỉ từ sự khác biệt giữa cách tiếp cận, quan điểm lý thuyết mà còn từ sự khác biệt về văn hóa, niềm tin, lối sống. Việc bắc cầu để bước qua khoảng cách là thách thức quá lớn, thậm chí với cả cường quốc khoa học như Trung Quốc. Đó là một câu chuyện phức tạp diễn ra trong bối cảnh các yêu cầu, tiêu chuẩn về dược phẩm hiện tại ngày một ngặt nghèo, nhất là khi việc bốc thuốc kê đơn theo kiểu cá nhân hóa, thêm bớt lượng, vị tùy theo thể trạng của từng người lại khiến cho việc kiểm soát các ca thử nghiệm lâm sàng – chuẩn vàng kiểm chứng của ngành y dược hiện đại – trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, việc xác định và phân lập được hoạt chất có dược tính kháng bệnh giữa hàng trăm hàng nghìn chất tồn tại trong một cây thuốc không bao giờ là việc dễ dàng.
Sự khác biệt như ở hai thế giới của y học cổ truyền và y học hiện đại luôn tạo ra những cuộc tranh luận nảy lửa trong giới y học, không chỉ ở cấp độ toàn cầu mà còn ở nội bộ các quốc gia phi phương Tây. Tuy nhiên, giải Lasker năm 2011 và giải Nobel năm 2015 của bà Đồ U U (cùng William C. Campbell và Satoshi Ōmura) cho phát hiện artemisinin/thanh hao tố từ cây thanh hao hoa vàng của Trung y kháng được vi trùng sốt rét như một công nhận và thúc đẩy liên thông giữa hai thế giới này.
Từ lâu, Việt Nam cũng nỗ lực tìm ngọc quý trong vốn cổ để chuẩn hóa các bài thuốc cổ truyền. Nhưng đó là một chiến lược lâu dài, cần đầu tư rất nhiều nguồn lực, từ kinh phí, nhân lực đến cơ sở vật chất, và phải chấp nhận rủi ro.
Khi nhìn lại giai đoạn thuộc địa, cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù nêu cao “sứ mệnh khai hóa văn minh” nhưng người Pháp chỉ mang sang thuộc địa những sản phẩm thứ cấp. Có lẽ, những mất mát về thông tin khiến nhiều người không biết rằng, các chiến lược tiêm vaccine phòng lao hay nếp sống vệ sinh mà người Pháp áp dụng ở Việt Nam cũng là tương tự chiến lược mà họ đồng loạt triển khai tại chính quốc. Ít ai biết rằng, con của Albert Calmette, cha đẻ của vaccine lao BCG, cũng được tiêm vaccine này với niềm tin về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm.
Và ít ai biết, dưới thời thuộc địa, trong hệ thống viện nghiên cứu, nhà thương mà người Pháp xây dựng, còn có một tiền đồn khác của y học thế giới: Viện Curie Đông Dương (lập ngày 19/10/1923), sau là Viện Radium Đông Dương và nay là Bệnh viện K, nơi chuyên dùng các nguồn phóng xạ để điều trị các bệnh ung thư cho người bản xứ và người Pháp. Viện là nơi thừa hưởng thành quả R&D của Viện Radium (sau là Viện Curie) do nhà khoa học hai lần đoạt giải Nobel Marie Curie thành lập ở Paris. Đích thân bà Marie Curie kiểm tra, đánh giá từng nguồn phóng xạ và thiết bị xem có đạt tiêu chuẩn không rồi mới đồng ý cho chuyển chúng sang Đông Dương, theo lời Viện trưởng Bệnh viện K Trần Văn Thuấn vào năm 2019.
Có lẽ, chính những thực hành theo đúng bản chất của khoa học đã góp phần đảm bảo cho những giá trị tốt đẹp của y học hiện đại buổi đầu tồn tại ở một xứ thuộc địa. Trong đó, nằm ở giao lộ gặp gỡ của một cơ quan của chính phủ và một tổ chức khoa học tư, Viện Pasteur Đông Dương và những nhà khoa học của mình đã góp phần vun đắp những giá trị đó.
Đánh giá một giai đoạn lịch sử đầy biến động và dẫn đến nhiều đổi thay về xã hội như thời thuộc địa, còn rất nhiều câu hỏi đặt ra: Có những hệ quả xã hội nào khác từ chính sách y tế mà người Pháp áp đặt ở Việt Nam? Việc xây dựng nền tảng bài bản cho sự phát triển của y học có tác động gì đến sự hình thành của các ngành nghề khác hay sự hình thành của khoa học Việt Nam? Liệu chúng ta có thể tham khảo được bài học gì qua cách người Pháp tổ chức các chiến lược tiêm chủng chống bệnh truyền nhiễm? Mô hình hợp tác quốc tế nghiên cứu, thực nghiệm trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp? Cách tận dụng các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ, san sẻ với hệ thống y tế công?…
Cần nhiều thời gian để tìm hiểu và trả lời những câu hỏi đó, nhưng có thể chắc chắn một điều là mâu thuẫn trong lòng mâu thuẫn, sự phân biệt đối xử giữa bác sĩ bản xứ và bác sĩ Tây, tinh thần phản kháng của người bị trị với kẻ cai trị là những yếu tố thúc đẩy những gương mặt xuất sắc như Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Hưởng, Trương Công Quyền, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Trí… bước vào hàng ngũ những người Việt Nam yêu nước, bỏ thành thị lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ để giành lại độc lập tự do. □ (Hết)
Nguyễn Nhàn – Tô Vân
———————–
Tài liệu tham khảo
“Medicine, Nationalism, and Revolution in Vietnam: The Roots of Medical Collaboration to 1945”. C. Michele Thompson. East Asian Science, Technology, and Medicine. 2003
“The Development of Modern Medicine in Non-Western Countries: Historical perspectives” (Royal Asiatic Society Books). Hormoz Ebrahimnejad biên tập. 2009
“Trí thức ngành y theo Bác Hồ đi kháng chiến”. Bộ Y tế.
“Sinh nở, một tự sự đa dạng về nữ giới khi trật tự cũ bị phá bỏ”. Mai Anh Tuấn. Báo CAND.