Các bệnh từ động vật lây sang người xuất hiện kể từ khi chúng ta bắt đầu nuôi gia súc

Khi những người săn bắn hái lượm bắt đầu sống gần với động vật thì khoảng cách với các mầm bệnh trở thành nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch và bệnh phong trở nên gần hơn.

Việc thuần hóa gia súc có lẽ đóng góp một dòng mầm bệnh từ động vật lưu hành trên các cộng đồng người. Ảnh: CihatDeniz/Getty Images

Khoảng 6.500 năm trước, các cộng đồng săn bắt hái lượm khắp lục địa Á – Âu đã định cư và sống cùng gia súc – và bệnh từ những con vật này đến cùng quá trình chăn nuôi.

Một phân tích hệ gene lớn các mầm bệnh cổ xưa cho thấy cú chuyển trên phạm vi lớn của nuôi gia súc trùng khớp với việc các quần thể người đã trở thành vật chủ của những vi sinh vật là nguyên nhân gây bệnh mà trước đây chỉ sống trên động vật. Các ví dụ này bao gồm những mầm bệnh là nguyên nhân gây dịch hạch và bệnh phong.

Bệnh từ động vật – quá trình mà con người bị dính bệnh từ các loài động vật – thực sự trở thành vấn đề lớn không chỉ do thay đổi lối sống, đồng tác giả nghiên cứu Astrid Iversen,một nhà vi trùng học tại ĐH Oxford, Anh chia sẻ. Công trình được xuất bản trên Nature.

“Đây không phải là ý tưởng mới nhưng họ đã chứng tỏ nó trên thực tế với dữ liệu”, Edward Holmes, một nhà vi trùng học tại ĐH Sydney, Australia, nói.

Phát hiện này giải thích cách con người tương tác với những loài vật khác và xâm lấn nơi cư trú của chúng, Iversen cho biết thêm. Mỗi năm, ước tính một tỉ người bị nhiễm bệnh từ động vật và hàng triệu người tử vong. Hầu như hai phần ba các căn bệnh mới nổi là bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ virus là nguyên nhân gây đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ dơi và có thể lây nhiễm cho nhiều loài động vật khác nhau. Cũng đã có một số trường hợp người lây nhiễm chủng cúm gia cầm H5N1, trong đó có chủng lan truyền trong bò vào năm ngoái.

Nuôi gia súc

Các nhà nghiên cứu, bao gồm Iversen và Martin Sikora, một nhà cổ di truyền học tại ĐH Copenhagen, trước đây đã tìm kiếm các loại mầm bệnh trong xương cốt người cổ đại nhưng đến năm 2017 mới quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm. Họ tìm kiếm các dấu hệu của các hệ gene vi sinh trong các trình tự DNA được phân lập từ phần còn lại của máu trong xương và răng của 1.313 bộ xương người cổ đại được phát hiện khắp lục địa Á – Âu, bao phủ một thời kỳ 37.000 năm.

“Quy mô của nghiên cứu thực sự vô cùng ngoạn mục”, Holmes nói. “Đó là một thứ vô cùng ngoạn mục về kỹ thuật”.

Các nhà nghiên cứu đã nhận diện được 5.486 trình tự DNA từ vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Phần lớn các loài đều sống trong miệng người hoặc môi trường nhưng đều là những mầm bệnh truyền nhiễm lưu hành trên người và động vật. Các mầm bệnh từ động vật được dò thấy không chỉ trên các bộ xương cốt có niên đại khoảng 6.500 năm hoặc ít hơn, nhiều nhất trong những bộ xương cốt khoảng 5.000 năm tuổi.

Tại thời điểm đó ở châu Âu và châu Á, các cộng đồng người đã chuyển đổi từ một cuộc sống dựa trên săn bắt, hái lượm và đánh bắt cá để định cư trong các khu trồng trọt lớn và nuôi gia súc.

Một mốc phát triển vào khoảng 5.000 năm trước là cuộc di cư sang châu Âu của các cộng đồng từ vùng chăn thả, những người đã học được cách thuần hóa ngựa, sáng chế ra xe do bò kéo và chăn những đàn gia súc lớn. Các cộng đồng chăn nuôi này cũng di chuyển trên những con đường xa và sống ở gần với động vật.

Nhiều thay đổi về lối sống tạo cơ hội cho các mầm bệnh nhảy từ động vật sang người và lan truyền nhanh chóng giữa cả hai, Iversen nói. Những người chăn thả cũng có chế độ ăn giàu đạm như sữa và thịt cũng có thể là nơi thúc đẩy mầm bệnh lây lan.

nhảy của các mầm bệnh

Sự lây nhiễm các bệnh từ động vật có thể xuất hiện từ các cộng đồng săn bắt hái lượm trước khi diễn ra quá trình chuyển tiếp này, dẫu chỉ lác đác. Nghiên cứu này cho thấy mối nguy cơ của lây nhiễm gia tăng đáng kể cùng với những thay đổi về lối sống, Sikora nói.

Ví dụ, chủng vi khuẩn đầu tiên là nguyên nhân gây bệnh dịch hạch, Yersinia pestis, xuất hiện trong dữ liệu của nhóm nghiên cứu vào khoảng 5.700–5.300 năm trước. Đỉnh điểm dò được vào khoảng 5.000 năm trước khắp lục địa Á – Âu, rồi được tiếp theo bằng vô số lần thăng giáng. Vi khuẩn này trên thực tế được tìm thấy ở nhiều động vật có vú nhỏ và lan truyền bằng bọ chét.

Vi khuẩn Mycobacterium leprae, một nguyên nhân gây bệnh phong, xuất hiện lần đầu trong dữ liệu này ở bảy người từ Scandinavia, khoảng 1.500 năm trước, khi sóc được nuôi để bán. Cả sóc và người có thể bị nhiễm vi khuẩn này, vì vậy nghiên cứu đề xuất là chính việc thương mại đã làm lan truyền bệnh, dẫu những triệu chứng tương tự đã được ghi lại ở nhiều cộng đồng từ sớm hơn.

Sikora hy vọng giải trình tự được nhiều mầm bệnh cổ đại được tìm thấy trong những bộ hài cốt người hơn, từ những khung thời gian và địa lý rộng hơn. Nghiên cứu này tập trung vào mầm bệnh hiện diện liều cao trong máu, điều đó có nghĩa là sẽ có một số hiện diện mầm bệnh ở mức thấp hơn có thể bị bỏ lỡ. “Tôi chắc chắn rằng có nhiều mầm bệnh hơn ở trong các bộ hài cốt đó”, Sikora nói.

Thanh Hương dịch từ Nature

Nguồn: doi: https://doi.org/10.1038/d41586-025-02165-x

Tác giả

(Visited 24 times, 24 visits today)