Các đợt nắng nóng đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn

Đợt nắng nóng năm 2003 khiến nhiệt độ châu Âu lên tới 47,5°C là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua, cướp đi sinh mạng của khoảng 45.000 đến 70.000 người chỉ trong vòng vài tuần. Rừng cháy rụi, mùa màng khô héo, cánh đồng cằn cỗi, và các phòng cấp cứu ở các thành phố lúc nào cũng chật kín người.

Người dân bơi trong đài phun nước Trocadéro gần Tháp Eiffel để hạ nhiệt trong đợt nắng nóng ở Pháp vào tháng 6/2019. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images.

Tuy nhiên, phần đông người dân vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của nắng nóng so với các hiện tượng cực đoan khác liên quan đến khí hậu như lũ lụt, lốc xoáy. Đây là một vấn đề lớn, như một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications đã chỉ ra. Những đợt nắng nóng mà chúng ta đã trải qua vào năm 2003 có thể chỉ là khúc dạo đầu cho những đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian tới.

Kết hợp dịch tễ học và mô hình khí hậu 

Các nhà nghiên cứu từ Viện Quyết định các vấn đề Môi trường tại ETH Zurich đã hợp tác với một nhóm các nhà dịch tễ học quốc tế trong nghiên cứu này. Kể từ năm 2013, họ đã thu thập dữ liệu về tỷ lệ tử vong mỗi ngày liên quan đến nắng nóng ở 748 khu vực ở 47 quốc gia tại châu Âu, Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh, Hoa Kỳ và Canada.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tập dữ liệu này để tính toán mối liên hệ giữa nhiệt độ trung bình hằng ngày và tỷ lệ tử vong ở tất cả 748 địa điểm. Từ đó, họ thiết lập nhiệt độ lý tưởng cho từng địa điểm, nơi tỷ lệ tử vong vì nắng nóng ở mức thấp nhất. Ví dụ, ở Bangkok, nhiệt độ lý tưởng là 30°C, ở São Paulo là 23°C, ở Paris là 21°C và ở Zurich là 18°C.

Cứ mỗi 10% mức nhiệt lý tưởng tăng lên, tỷ lệ tử vong vì nắng nóng sẽ tăng theo. “Cùng một mức nhiệt, người dân mỗi nơi sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau”. Samuel Lüthi, tác giả chính của nghiên cứu và nghiên cứu sinh tại ETH Zurich, cho biết. 

Điều này không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ mà còn phụ thuộc vào sinh lý (khả năng thích nghi với khí hậu), hành vi (ngủ trưa dài vào giữa ngày), quy hoạch đô thị (mức độ phủ xanh so với mức độ bê tông hóa), cơ cấu nhân khẩu học và hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương. 

Từ mức nhiệt lý tưởng này, các nhà nghiên cứu đã tính toán tỷ lệ tử vong do nắng nóng sẽ lên đến con số bao nhiêu khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,7°C (giá trị năm 2000), 1,2°C (giá trị năm 2020), 1,5°C và 2°C. Bằng cách sử dụng siêu máy tính, Lüthi đã tính toán tác động của các hiện tượng thời tiết có thể xảy ra trong hơn 7.000 năm qua và tỷ lệ tử vong do nắng nóng. 

Tần suất nắng nóng gia tăng

Kết quả cho thấy nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng với tỷ lệ tử vong cao đã tăng lên đáng kể trong 20 năm qua. “Tỷ lệ tử vong tăng cao trong một mùa hè nóng nực như năm 2003 từng được coi là một sự kiện cực đoan thế kỷ, chỉ xảy ra một lần trong 100 năm. Hiện tại, chúng tôi dự đoán nó sẽ xảy ra cứ sau 10 đến 20 năm một lần,” Lüthi phân tích, “Trong trường hợp nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên 2°C, nắng nóng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. 

Các khu vực đặc biệt có nguy cơ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ nắng nóng bao gồm bờ Vịnh và Đại Tây Dương của Mỹ, bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ Latinh, Trung Đông, Đông Nam Á và khu vực Địa Trung Hải. Ngay cả trong các kịch bản khí hậu ôn hòa nhất, mùa hè nóng bức ở những khu vực này có thể gây ra 10% tổng số ca tử vong ở một quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng khắc nghiệt.

Châu Âu nằm trong số những điểm nóng, đặc biệt là Nam Âu. Có hai yếu tố then chốt ở đây: nhiệt độ khu vực này đang tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu và tình trạng dân số già.

Các kịch bản trong tương lai không tính đến sự gia tăng dân số, làn sóng di cư đến các thành phố và mức độ già hoá – tất cả các yếu tố có khả năng làm tăng thêm tỷ lệ tử vong do nắng nóng. Nghiên cứu cũng thiếu dữ liệu dịch tễ học ở châu Phi và Ấn Độ, cả hai khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng khí hậu và nghèo đói.□

Anh Lưu lược dịch

https://phys.org/news/2023-08-frequent-deadly.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)