Các dự án nhà nước “thiết kế” vùng hạ lưu Mekong

Bởi Hạ lưu Mekong có địa hình đa dạng, chia cắt bởi rừng rậm, đầm lầy, sông ngòi, đất ngập úng nhiễm mặn… vì thế cần nhiều nhân lực để xây dựng hệ thống thủy lợi, thông tin liên lạc, khu định cư, xác lập chủ quyền lãnh thổ. Do vậy, vùng đất này chỉ có thể được thiết lập dựa trên các nhà nước tập quyền mạnh với nguồn lực phong phú. Chính vì thế, trong hơn ba thế kỷ qua, bàn tay sắp đặt của các dự án nhà nước đã góp phần “thiết kế” hình hài mới của vùng châu thổ, cho đến khi trở thành Nam Bộ của Việt Nam.

Bản đồ hệ thống kênh đào hạ lưu Mekong cho đến đầu thế kỷ 20 (David Bigg 2010)

Lịch sử xác lập nhà nước trên vùng hạ lưu Mekong không gì khác hơn là quản lí dòng di cư tự do của di dân và gắn họ vào các không gian chính trị-xã hội-lãnh thổ. Đầu tiên là dòng di cư người Việt mà theo Lê Quý Đôn và Trịnh Hoài Đức thì đến giữa thế kỷ XVIII có khoảng 40,000 hộ. Sau đó là những nhóm người Hoa khác nhau từ Minh Hương như Mạc Cửu (Hà Tiên), hay các nhóm quân nhà Minh ở Đồng Nai, Mỹ Tho. Khi các nhóm này đánh nhau, tranh giành địa bàn, liên kết với bên ngoài, lũng đoạn kinh tế, thuế khóa, kiểm soát quân sự, cướp biển, các chúa Nguyễn đã phải có cuộc đánh dẹp không hề dễ dàng (Yumio Sakurai 2004). Những nhóm người Hoa này còn tham gia liên kết, cạnh tranh với Cambodia, Thailand, tham gia cuộc chiến tranh với các nhóm người Hoa khác trong vùng vịnh Thailand và bán đảo Malay. Ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là các nhóm Thanh nhân, coolie, các hội kín từ Nam Trung Hoa bắt đầu tràn về miền Tây sông Hậu (Engelbert 2007). Cùng lúc đó là sự bùng phát của nhiều phong trào tôn giáo và dân tộc chủ nghĩa xuất phát từ vùng đất này như Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo…

Sự đan xen dân tộc đó cũng là vấn đề thách thức sự mở rộng của nhà nước, và việc giải quyết các xung đột sắc tộc cũng là một phần trong quá trình xác lập quyền kiểm soát của chính quyền trung ương.

Thế kỷ XVII-XVIII: Phát hiện tiềm năng

Quá trình khai phá, xác lập lãnh thổ diễn ra ở Nam Bộ cho đến nửa đầu thế kỷ XVIII vẫn còn là một ẩn dấu. Ngay cả sự kiện năm 1620 và quận chúa Ngọc Vạn, khi đối chiếu với các biên niên sử Cambodia, cũng cho thấy màu sắc huyền thoại của nó (Vickery 2011). Mặc dù vậy, sự tham gia của người Việt, Hoa, Chăm, Khmer là nhân tố quyết định  công cuộc chinh phục tự nhiên miền hạ lưu Mekong. Bắt đầu với các cù lao và phố ven sông ở Mỹ Tho, Đồng Nai, hệ thống lũy quân sự, ruộng lúa, đồn điền, khu định cư được mở rộng theo các cuộc hành quân ngược dòng sông của Nguyễn Cư Trinh, theo cách mà ông mô tả như là “tằm ăn” (tàm thực). Canh tác nông nghiệp nhanh chóng được mở rộng và đa dạng hóa ở cuối thế kỷ XVIII, nơi mà Nguyễn Ánh muốn thúc đẩy trao đổi hàng hóa với bên ngoài để tăng chi phí cho cuộc chiến, đã đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên cho thị trường khu vực với mía đường, hồ tiêu, gỗ, sáp ong, mật ong, lúa gạo… từ U Minh, Hà Tiên, bán đảo Cà Mau, Quang Hóa, Đồng Nai…

Lịch sử tự nhiên hạ lưu Mekong là quá trình chinh phục của con người đối với một nhóm các địa hình tự nhiên phức hợp:

Vùng đất cao ở Đồng Nai và Tây Ninh trải dài từ phía Nam của Đà Lạt đến Vũng Tàu, chạy về phía Tây đến Kompong Cham (Cambodia). Vào thế kỷ XVIII, vùng này bao trùm bởi rừng rậm, nơi cung cấp lâm sản và gỗ đóng tàu cho toàn khu vực. Phía Tây của cao nguyên Đồng Nai là Bình Dương, Tây Ninh nơi có độ cao khoảng 10-30m trên mực nước biển. Vùng rìa của nó, trên bờ đông của sông Vàm Cỏ Đông có dấu tích nhiều khu cư trú sớm của người Khmer.

Vùng đồng bằng Tân An, Mỹ Tho chủ yếu là đất phù sa chạy dọc từ Gia Định tới Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ. Ngược dòng sông, dải địa hình này kéo dài Phnom Penh. Như ghi chép ở thế kỷ XIII, vùng này không hề có bóng người, đất canh tác mà chủ yếu là rừng rậm và các sông nhỏ. Đến thế kỷ XVII-XVIII, khu vực này trở thành vùng đất nông nghiệp chủ đạo của di dân Việt và Hoa.

Hai vùng ngập lụt là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên là trở ngại thật sự cho bất cứ dự án nhà nước nào. Hai vùng này còn là vật cản tự nhiên làm giảm bước tiến của người Việt sang Phía Tây, người Khmer xuống phía Nam, và người Thái sang phía Đông. Đồng Tháp Mười ngày nay có diện tích khoảng 500,000 ha, ở thế kỷ XVIII, vùng này khoảng 1 triệu ha. Sông Vàm Cỏ có thể đã từng được nối với nhánh chính của sông Mekong trên vùng đầm lầy này cho đến khi bị sình lầy bồi lấp, và dân cư cũng bắt đầu rời đi. Tứ Giác Long Xuyên (tên gọi Tầm Phong Long ở thế kỷ XVIII) có diện tích khoảng 400,000 ha, là trở ngại chính ngăn cách Hà Tiên với trung tâm của vùng châu thổ tại Sài Gòn.

Vùng ngập duyên hải từ phía Nam Sài Gòn ra duyên hải và xuống bán đảo Cà Mau, chạy dài như một vành đai qua Rạch Giá, Hà Tiên. Nằm xen giữa các vùng cửa sông này là các địa bàn cư trú của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh.

Nguyễn Ánh là người đầu tiên nhìn thấy tiềm lực của vùng đất này và biến nơi đây thành căn cứ cho dự án chính trị của mình. Ông cũng là người đầu tiên thành công từ vùng đất này thống nhất toàn bộ lãnh thổ phía Đông của Đông Nam Á lục địa thành nước Việt Nam hiện đại. Bằng việc xây dựng hệ thống liên lạc, giao thông kết nối các trung tâm dân cư, đồn điền quân sự với các vùng sản xuất gỗ, lâm sản, lúa gạo.

Một ví dụ là việc khai thác gỗ đóng thuyền chiến, thuyền vận tải, thuyền thương mại. Từ 1778 đến 1819, Nguyễn Ánh đã huy động đóng 1,482 tàu thuyền các loại, nguồn gỗ lấy chủ yếu từ  duyên hải dọc Hà Tiên, An Giang, Tân Châu, và Tây Ninh. Mang thuyền và lúa gạo đổi lấy sắt, lưu huỳnh, thuốc súng của Thailand và phương Tây. Phần lớn số gỗ này vận chuyển dọc theo Vàm Cỏ Tây tới các xưởng đóng tàu dài hơn 1,5km ở dọc sông Sài Gòn, Thị Nghè. Các xưởng khác được xây dựng ở Sa Khê (Mỹ Tho) và dọc sông Cái Bè.

Đầu thế kỷ XIX: Định hình nên khung cảnh của vùng đất Nam Bộ

Đặt cơ sở bởi nhà Nguyễn   

Các dự án thời Nguyễn và thời thuộc địa Pháp cho thấy cách thức con người tác động vào các vùng đất ngập nước và rừng rậm. Đầu thế kỷ XIX là giai đoạn quan trọng định hình nên khung cảnh của vùng đất Nam Bộ. Đó là lần đầu tiên người Việt chính thức xác lập chủ quyền lãnh thổ ở hạ lưu Mekong, đưa vào “đồ bản”.

Tiếp nối con kênh cổ dài 90 km từ Rạch Giá đến Ba Thê, dự án quy mô đầu tiên của nhà Nguyễn là xây dựng một loạt các kênh đào xuyên qua các vùng ngập lụt và kết nối với các dòng chảy tự nhiên. Kênh Thoại Hà (1817) nối Long Xuyên với Rạch Giá, dựa trên việc mở rộng sông Tam Khế. Kênh Vĩnh Tế dài 67 km, từ Hà Tiên đến Châu Đốc, đào trong 5 năm, bao gồm cả người Việt và Khmer. Ước tính số lượng thường trực lao động là 5,000 người, và tổng số được huy động là từ 50,000 đến 80,000 người. Các con kênh này nhắm đến việc khai phá Tứ giác Long Xuyên và kết nối dải đất phía tây với Gia Định. Các dòng sông theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, các con kênh này được đào theo hướng Đông Bắc-Tây Nam nhằm kết nối các dòng chảy tự nhiên và đưa nước ra biển, đồng thời cũng tạo ra địa hình chiến lược cho thiết kế chính trị và quân sự dọc theo không gian biên giới với Cambodia.

Khi các khu định cư mới lan đến bờ đông, Vĩnh Tế và Châu Đốc trở thành thành trì quân sự quan trọng nhất tại cửa ngõ vùng hạ lưu Mekong, hệ thống kênh đào được kéo dài qua Tân Châu, Hồng Ngự… bảo trợ cho sự xác lập chính trị và dân cư tại vùng hạ lưu.

Tầm quan trọng của các dự án thủy lợi, dân cư, xây dựng đơn vị hành chính, khảo sát địa bạ (1836), hộ khẩu, lập hàng loạt tỉnh mới, xây dựng hệ thống quân sự bảo vệ vùng đất mới được khai phá, và từ đó góp phần định hình nên những cơ sở ban đầu của đường biên giới hiện đại giữa Việt Nam và Cambodia. Những công trình như thế làm thay đổi bộ mặt vùng hạ lưu Mekong và ghi dấu ấn của vương triều Nguyễn. Khi 6 tỉnh Nam Kỳ ra đời với hệ thống thông tin liên lạc, về cơ bản, nhà Nguyễn đã giúp định ra hình hài và cấu trúc cư trú của cư dân trên vùng đất này.

Những dự án của người Pháp

“Từ năm 1880 đến năm 1930, các dự án kênh đào của người Pháp ở hạ lưu Mekong đào đắp khối lượng 165 triệu m3 đất, so với 210 triệu m3 đào kênh Panama và 260 triệu m3 đào kênh Suez.”

Các dự án kênh đào của người Pháp từ 1880, 1900, 1915, và 1930. Inspection des travaux publics, Gouvernement générale de l’Indochine, Dragages de Cochinchine: Canal Rachgia-Hatien (Saigon: n.p., 1930), 87–90; in lại bởi David Biggs 2010.

Từ năm 1859, Sài Gòn trở thành thủ phủ của vùng đất mà sau này gọi là Nam Kỳ thuộc Pháp. Từ đây, người Pháp bắt đầu phác thảo các dự án thực dân đối với châu thổ Mekong. Bắt đầu với hệ thống điện tín kết nối Sài Gòn với phần còn lại của châu thổ. Tiếp đến là đường giao thông thủy bộ kết hợp giúp quân Pháp có thể cơ động trên khắp khu vực. Dự án năm 1875 của đô đốc Victor-Auguste Duperré giúp các tàu hải quân nhỏ (gunboat) của Pháp có thể cơ động đến bất cứ đâu trên vùng châu thổ mà không phải vòng dọc theo duyên hải. Khi đó, từ Sài Gòn có thể đi Chợ Lớn qua kênh Bến Lức, đến kênh Bà Bèo, hoặc qua kênh Bảo Định (đào năm 1816). Để nối với Mỹ Tho, trung tâm dân cư lớn nhất ở vùng hạ lưu Mekong, kênh Chợ Gạo (kênh Duperré) được thi công với thiết kế rộng 100m và sâu 5-6m.

Tháng 10 năm 1879, giữa các đợt lụt lớn nhất trong năm cũng các cuộc phục kích của người Việt và người Khmer, một nhóm người Pháp do sĩ quan hải quân-nhà thủy văn học Jacques Rénaud dẫn đầu có cuộc khảo sát đầu tiên kéo dài 16 ngày dọc theo kênh Vĩnh Tế. Khảo sát thổ nhưỡng, độ sâu, dòng chảy, lưu lượng nước… của nhóm được xuất bản như là một khảo sát khoa học công phu đầu tiên về hệ thống sinh thái của vùng hạ lưu Mekong.

Dừng chân trên bờ Vĩnh Tế, qua những ngôi mộ của những người bỏ mạng để xây dựng con kênh đào hơn nửa thế kỷ trước, Rénaud hình dung cho sứ mạng của mình: rằng dự án của người Việt là một công trình dang dở, và người Pháp sẽ “tiếp tục sứ mệnh khai hóa được bắt đầu bởi người Việt”. Từ đó cho đến năm 1930, khi toàn quyền Pierre Pasquier, khánh thành con kênh đào mới ở phía tây Nam Bộ, dọc theo vịnh Thái Lan, kết nối Rạch Giá với Kiên Giang, vùng châu thổ này đã được thiết kế thêm với một cấu trúc đa dạng hệ thống kênh đào, đồn điền, đất trồng trọt…

Nỗ lực của người Pháp đã giúp kết nối sông Vàm Cỏ với sông Tiền, và sông Tiền với sông Hậu qua một loạt các con kênh như Trà Ôn (1876), Chợ Gạo (1877), Sét Nay (1878), Phụ Tục (1878), Xanhta (1879), Saintard (1879) và Mirador (1879). Trong khi các dự án sau đó phát triển thêm nhiều kênh đào ở Hậu Giang và Long Xuyên: Xà No (1903), Ô Môn (1908), Bassac-Cái Lớn (1908), và Quản Lộ-Phụng Hiệp (1918)… Hệ quả quan trọng nhất của chúng là từ năm 1879 đến năm 1929, đất canh tác đã tăng từ  200,000 ha lên 2,4 triệu ha, chiếm tỉ lệ từ 5% diện tích đất đai lên đến 60% diện tích khu vực (Võ Tòng Xuân and Shigeo Matsui 1998: 18).

Mặc dù vậy, các dự án này không phải lúc nào cũng thành công như mong đợi của  nhà nước. Đồng Tháp Mười là ví dụ cho sự “thất bại” đó (so với thành quả đạt được ở Tứ Giác Long Xuyên). Thất bại trong việc kiểm soát khu vực này của người Pháp, và sau này là chính quyền Sài Gòn đã biến vùng ngập nước này thành căn cứ quan trọng của những người cộng sản từ những năm 1940.  

Cuối cùng, lịch sử tự nhiên vùng châu thổ Mekong mang theo một diễn ngôn phức tạp trong sự tương tác đối với con người. Đó là nơi “cuốc cày đi trước nhà nước đi sau”. Sự phức tạp và đa dạng tự nhiên của nó đã giúp cho Nguyễn Ánh tạo dựng căn cứ và thành công trong công cuộc thống nhất Việt Nam, và sau này là chiến tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. 

Sự thay đổi của Tứ Giác Long Xuyên là bằng chứng sống động cho thấy sự can thiệp của con người làm thay đổi địa hình tự nhiên và không gian văn hóa-chính trị-xã hội được tạo dựng trên khung cảnh tự nhiên đó. Toàn vùng chỉ cao hơn mực nước biển 0.5 m, bị kẹp giữa sông Mekong và vịnh Thailand. Các dãy núi đá vôi và granite cao khoảng 200-300 m nổi lên như những hòn đảo, kéo dài từ núi Voi (Cambodia) xuống tận Phú Quốc và lên phía Bắc ở Ba Thê, Núi Sập, Thất Sơn trở thành các không gian tụ cư quan trọng. Do ngập từ tháng 8 đến tháng 11, có nơi như Châu Đốc, tới tận 3 m, nên các cư dân ban đầu xây dựng làng mạc dọc theo các sườn núi. Sự xác lập của Hà Tiên đầu thế kỷ XVIII phát triển thêm nhiều khu định cư ở phía Tây Nam của vùng ngập lụt này. Năm 1757, vua Cambodia cắt thêm các vùng đất mới nằm cả phía Đông và Tây của Hà Tiên cho chính quyền Đàng Trong. Người Việt vì thế xây dựng được các căn cứ quân sự mới bao quanh vùng đất ngập lụt này như Vĩnh Thanh (Vĩnh Long), Châu Đốc, Tân Châu, Đông Khẩu. Dưới thời Nguyễn Ánh (và sau đó là hoàng đế Gia Long), Tứ giác Long Xuyên không chỉ được tăng cường kết nối với Phú Quốc và duyên hải vịnh Thailand mà còn phụ thuộc vào hệ thống quân sự-hành chính điều hành từ Gia Định. Kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế được xây dựng giúp đẩy nhanh lượng nước thoát ra biển và làm giảm ngập lụt cho khu vực. Dọc theo các bờ kênh bắt đầu xuất hiện đất canh tác, làng mạc, đồn lũy quân sự, và xác lập của chính quyền người Việt. Như thế, các con kênh không chỉ giúp tái định vị cấu trúc tự nhiên, mà còn “dán nhãn” chính trị-văn hóa mới cho không gian tự nhiên đó (xem thêm Tia Sáng số 1 tháng 9 năm 2017). Kênh Vĩnh Tế đã trở thành đặc điển tự nhiên quan trọng giúp định hình nên không gian lãnh thổ Việt Nam và Cambodia. Nó cũng góp phần quan trọng các dự án đánh dẹp và bình định của triều Nguyễn đối với các nhóm cư dân bản địa và những người chống đối.

Tham khảo:
Biggs, David. 2010. Quagmire: Nation-Building and Nature in the Mekong Delta. Seattle: University of Washington Press.
Boüinais, A., and A. Paulus. 1884. La Cochinchine Contemporaine. Paris: Librairie algérienne et coloniale.
Choi, Byung Wook. 2004. Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820-1841): Central Policies and Local Response. Ithaca, NY: Cornell University Southeast Asia Program Publications.
Engelbert, Thomas. 2007. “Go West”; in Cochinchina. Chinese and Vietnamese Illicit Activities in the Transbassac (C. 1860-1920s).” Chinese Southern Diaspora Studies 1: 56–82.
Mchale, Shawn. 2013. “Ethnicity, Violence, and Khmer-Vietnamese Relations: The Significance of the Lower Mekong Delta, 1757–1954.” The Journal of Asian Studies 72 (2): 367–390.
Nguyễn, Hiến Lê. 1971. Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười: Du Kí và Biên Khảo. Saigon: Trí Đăng.
Rénaud, J. 1879. “Étude Sur L’approfondissement Du Canal de Vinh-Té et L’amélioration Du Port d’Hatien.” Excursions et Reconnaissances 1.
Sơn Nam. 1970. Đồng Bằng Sông Cửu Long Hay Là Văn Minh Miệt Vườn [The Mekong Delta or the Orchard Civilisation]. Saigon: An Tiên.
Vickery, Michael. 2011. “1620, A Cautionary Tale.” In New Perspectives on the History and Historiography of Southeast Asia, Continuing Explorations, edited by Michael Arthur Aung-Thwin and Kenneth R. Hall, 157–66. London: Routledge.

 

Tác giả

(Visited 57 times, 4 visits today)