Các giải pháp đẩy mạnh hội nhập khoa học và công nghệ
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế là một trong những biện pháp nhằm xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam. Điều này đòi hỏi hàng loạt các biện pháp, giải pháp đồng bộ và khả thi của nhiều ngành, nhiều cơ quan khác nhau. Về phần mình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện đang xây dựng đề án "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN giai đoạn 2006-2010". Tia Sáng đã phỏng vấn ông Thạch Cần, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ KH&CN về dự thảo đề án này.
Ông Thạch Cần: Đây là nội dung quan trọng của hội nhập quốc tế về KH&CN. Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ trình Chính phủ ban hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng đề án về cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để thực hiện nội dung này một cách có hiệu quả và nhanh là một việc không dễ dàng.
Theo tôi, cần tranh thủ lợi thế của nước đi sau để nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đã thành công trong lĩnh vực này như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan v.v… Một số giải pháp khác cần được tích cực triển khai như: phát triển hệ thống các tổ chức dịch vụ, môi giới hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hoàn thiện hệ thống thông tin công nghệ (trong nước và ngoài nước); củng cố và tăng cường hệ thống các đại diện KH&CN ở nước ngoài…
Thu hút Việt kiều về là nhiệm vụ của Bộ KH&CN và nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như Bộ Ngoại giao, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam… Vậy, vai trò của Bộ KH&CN, cụ thể là Vụ Hợp tác quốc tế là như thế nào?
Bộ KH&CN (trong đó có sự tham gia của Vụ hợp tác Quốc tế) đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các trí thức Việt kiều về nước tham gia các hoạt động KH&CN. Bộ cũng đang phối hợp với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đề án về một số chính sách, biện pháp khuyến khích chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước trình Thủ tướng ban hành.
Ngoài ra, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Vụ Hợp tác Quốc tế đã và đang triển khai một số hoạt động cụ thể như: tạo các điều kiện thuận lợi về các thủ tục (xin visa, hỗ trợ liên hệ xây dựng chương trình làm việc…) cho các trí thức Việt kiều về nước tham gia các hoạt động nghiên cứu phát triển, đào tạo; hỗ trợ các thông tin cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN trong nước có thể mời trí thức Việt Kiều về nước tham gia các hoạt động KH&CN…
Theo Báo cáo đầu tư thế giới 2005 của UNCTAD (United Nation Conference on Trade and Development), Việt Nam được nằm trong top 20 địa điểm có triển vọng hấp dẫn các đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) trên thế giới. Theo ông, chúng ta phải làm gì để biến các “triển vọng” này thành lợi thế thực sự?
Đây là thông tin đáng mừng và chúng ta cần triển khai các biện pháp để “triển vọng” này thành hiện thực như: bên cạnh các giải pháp tạo cơ chế chính sách thông thoáng, chúng ta cần xây dựng các nội dung (cụ thể là các đề án) ưu tiên để kêu gọi đấu tư; Các hoạt động xúc tiến đầu tư cho R&D cần được sớm tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là ở các địa bàn có tiềm năng lớn; Cần có sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ ngoại giao… Ngoài ra, cũng cần phải vận động để có thể hình thành nhóm các nhà tài trợ, đầu tư cho R&D ở nước ta. Trước mắt là cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Làm thế nào để thu hút được các tập đoàn xuyên quốc gia, vốn có lượng đầu tư cho R&D rất lớn (chiếm tới 50% tổng mức đầu tư cho R&D của toàn thế giới) bỏ tiền để phát triển các cơ sở R&D ở Việt Nam, như cách họ đã từng làm hiện nay đối với Trung Quốc hoặc Ấn Độ?
Như tôi hiểu thì việc các tập đoàn xuyên quốc gia bỏ vốn để phát triển các cơ sở R&D tại một số nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: triển vọng to lớn và lâu dài của thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn lực về R&D của nước sở tại, các điều kiện thuận lợi cho đầu tư và đặc biệt là chính sách bắt buộc của nước sở tại (có nước đặt điều kiện phải đầu tư phát triển cơ sở R&D nếu muốn thâm nhập thị trường của họ)… Trước đây, công ty Ericsson có ý định phát triển cơ sở R&D ở Việt Nam, nhưng lúc đó thủ tục xin phép đầu tư quá phức tạp nên ý định đó không được thực hiện. Theo tôi, để có thể thu hút đầu tư của họ cho phát triển các cơ sở R&D ở nước ta, ngoài việc tạo các điều kiện ưu đãi, thuận lợi về thủ tục, thị trường , nguồn lực R&D, chúng ta cần xây dựng các quan hệ tốt và có chính sách vận động thích hợp đối với từng đối tác cụ thể, đảm bảo lợi ích của cả hai bên: các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam.
Trong dự thảo đề án có nhắc tới việc “xây dựng các trung tâm xuất sắc về khoa học công nghệ” đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng phục vụ cho đất nước phát triển. Có thể hiểu việc này cụ thể như thế nào?
Các trung tâm xuất sắc thực chất là một hình thức hoặc một phương tiện để vận hành các Sáng kiến khoa học thiên niên kỷ ( The Millennium Science Initiative – MSI) ra đời từ năm 1998 nhằm xây dựng và tăng cường năng lực KH&CN, thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu KH&CN cho các nước đang phát triển. Các trung tâm này được đặt trong các tổ chức nghiên cứu hoặc trường đại học. Hiện có một nhóm sáng kiến khoa học ( Science Initiative Group- SIG) đang đóng vai trò xúc tác, hỗ trợ trong việc thiết kế, tư vấn khoa học và giám sát hoạt động MSI.
Sáng kiến này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới như Brazin, Chi-lê, Mê-hi-cô…. Chúng tôi nhận thấy việc áp dụng sáng kiến này ở nước ta là phù hợp. Hiện một đề án liên quan đến vấn đề này đang được chuẩn bị và sẽ trình Chính phủ xem xét phê duyệt thời gian tới.
Tăng cường hoạt động của mạng lưới các đại diện khoa học và công nghệ của Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh hội nhập KHCN của Việt Nam đối với thế giới? Nhiệm vụ cụ thể của mạng lưới này trong thời gian tới là thế nào?
Từ đầu những năm 1980, các bộ phận KH&CN trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam đã được triển khai ở các nước XHCN và Pháp. Tuy nhiên, hiện bộ phận này chỉ còn ở Nga, Trung Quốc, Pháp và Ấn Độ. Trong tình hình mới với xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng phát triển và để đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp hiện đại hoá và công nghiệp hoá đất nước thì việc củng cố và tăng cường mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài đang trở nên cấp thiết. Nhiệm vụ chung của mạng lưới này là tạo dựng, củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và nước sở tại, làm cầu nối hỗ trợ hợp tác trong nước với nước ngoài. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự quan tâm, có sự đầu tư thích đáng, chuẩn bị chu đáo về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất thì chắc chắn mạng lưới này thực sự đóng góp có hiệu quả cho việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN.
Một trong những lĩnh vực mà quốc tế, cụ thể là các nước có quan hệ thương mại và hợp tác mạnh với Việt Nam hiện đang rất quan tâm là việc “thực hiện công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Làm thế nào để chúng ta thực sự “hội nhập” được với thế giới mà không bị thua thiệt trong điều kiện chúng ta còn nghèo?
Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang được các nước trên thế giới quan tâm nhiều và đặt ra như một điều kiện để chúng ta tham gia vào tiển trình hội nhập quốc tế về kinh tế và KH&CN. Luật sở hữu trí tuệ đã được ban hành và tôi cho rằng để thực sự hội nhập quốc tế, một mặt chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ và các cam kết quốc tế, mặt khác phải đảm bảo sự phù hợp với hoàn cảnh và lợi ích lâu dài của Việt Nam, đặc biệt là trong một số lĩnh vực “nhạy cảm” như bảo vệ sức khoẻ cộng đồng…Các giải pháp về vấn đề trên cũng đã được nêu rõ trong luật sở hữu trí tuệ như: cho phép nhập khẩu song song, giới hạn độc quyền của chủ sở hữu, bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế, sử dụng sáng chế nhân danh nhà nước, hạn chế độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm, v.v…
Xin cám ơn ông.