Các nhà khoa học Ấn Độ lập bản đồ 3D sông Hằng
Các mô hình số dòng sông Hằng và những khu định cư xung quanh sẽ giúp các nhà chức trách quản lý và giảm thiểu chất thải.
Sông Hằng là một trong những con sông ô nhiễm nhất trên thế giới. nguồn: Nature
Các nhà khoa học và kỹ sư đã bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ lớn về việc vẽ bản đồ sông Hằng chảy trên đất nước Ấn Độ chi tiết chưa từng có. Họ hi vọng sẽ bắt đầu công việc trước khi mùa mưa đến, có thể làm dự án phải trì hoãn.
Mục tiêu của họ là tạo ra một bức tranh toàn diện về địa hình của dòng sông này và khu định cư xung quanh để theo dấu nguồn chất thải và hỗ trợ các nhà quản lý làm sạch một trong những dòng sông ô nhiễm trên thế giới.
“Đây là một cuộc chạy đua với thời gian”, Girish Kumar – người phụ trách cơ quan điều tra quốc gia Ấn Độ tại Dehradun ở chân núi Himalaya, đơn vị phụ trách dự án này.
Dẫu cho việc lập bản đồ được chờ đợi sẽ hoàn thành trong 8 tháng nhưng nhóm thực hiện muốn bắt đầu trước mùa mưa, điều đó có nghĩa là cần phải làm rất nhiều việc.
Một đội máy bay cỡ nhỏ được trang bị thiết bị lidar – kỹ thuật tương tự radar, trong đó có các thiết bị đón các tia laser nảy lại khỏi mặt đất, sẽ bắt đầu quét sớm dòng sông dài 2.525 km, đi qua 5 bang của Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu sẽ dùng nó để tạo ra các mô hình số của nguồn nước và hàng trăm nghìn tòa nhà cách hai bờ sông 10km.
Nếu kế hoạch này được thực hiện theo đúng kế hoạch đã định, những bản đồ 3D sông Hằng có thể sẽ hình thành vào cuối năm tới.
Xác định ô nhiễm
Dự án này sẽ đem lại những bản đồ có độ phân giải cao của các hệ thống thoát nước của các thành phố dọc sông Hằng – mạng lưới thoát nước này phóng thích chất thải và nước thải công nghiệp vào dòng sông. Ước tính 600 triệu người sống ở lưu vực sông Hằng và thường lấy nước sông để ăn uống, tắm giặt. Với người dân Ấn Độ, sông Hằng hết sức linh thiêng và được coi là nữ thần Hằng hà, vì vậy họ thường lấy nước sông để làm các nghi lễ tôn giáo.
Dẫu cho sông Hằng đã được biết đến với một số chất thải nhưng những mô hình chi tiết về những nơi chất thải xâm nhập và di chuyển dọc sông sẽ giúp các nhà quản lý hoạch định các chiến lược giảm thiểu ảnh hưởng của chất thải. Kỹ sư môi trường Vinod Tare của Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kanpur cho biết, rất nhiều sự can thiệp của chính phủ hiện nay như tách chất thải công nghiệp chưa qua xử lý khỏi dòng sông, đang được thực hiện mà không có thông tin chuẩn để đánh giá là liệu chúng có hiệu quả không. “Hiện tại, chúng tôi thậm chí còn không có cả địa hình dạng đơn giản của lưu vực sông”. Tare cho biết. Anh là người tham gia thực hiện các nghiên cứu quản lý sông Hằng trong vòng 3 thập kỷ qua.
Các quan chức chính phủ cũng hi vọng các bản đồ này sẽ tăng cường hiểu biết về các thành phố phát triển dọc hai bờ sông như thế nào, và bờ sông đang bị xói mòn ra sao. Điều này sẽ giúp các chính quyền địa phương quản lý rủi ro thiên tai như lũ lụt. “Chúng tôi sẽ có ý tưởng tốt nhất về những ảnh hưởng của ngành công nghiệp và dân cư dọc sông ảnh hưởng như thế nào tới môi trường sông”, Kumar cho biết.
Dự án lập bản đồ sông Hằng dự kiến sẽ mất khoảng 870 triệu rupi, tương đương 12,7 triệu USD. “Quá đắt đỏ nhưng so với những gì chúng tôi sẽ đầu tư để giải quyết các vấn đề ô nhiễm thì nó vẫn chưa là gì,” Tare nhận xét.
Truy cập dữ liệu
Nhưng nhà nghiên cứu về chất lượng nước Abed Hossain cho biết, những lợi ích từ những dữ liệu sẽ không nhận được nếu các nhà nghiên cứu không thể truy cập được tất cả các thông tin và dùng nó để phát triển mô hình và các giải pháp. Nếu dự án này không diễn ra đúng kế hoạch, dữ liệu không đầy đủ thì chính phủ có thể không công khai hết dữ liệu và hạn chế quyền truy cập vào một số dữ liệu thô, theo nhận định của Hossain – hiện làm việc tại trường đại học kỹ thuật và công nghệ Bangladesh tại Dhaka. Ông cho rằng, tại Nam Á, “các chính quyền từng nếm trải nhiều kinh nghiệm thất bại trong quản lý các dòng sông”. Hossain hi vọng các viện nghiên cứu độc lập sẽ được quyền truy cập toàn bộ kết quả của cuộc điều tra.
Kumar cho biết, chính phủ Ấn Độ đã công bố các bản hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu và sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin thu thập được từ việc thực hiện dự án này.
Việc lập bản đồ sông Hằng là một phần trong nỗ lực thúc đẩy của chính phủ Ấn Độ trong việc dùng công nghệ để giám sát và làm sạch sông Hằng. Vào năm 2015, chính phủ đã chấp thuận dự án quốc gia trị giá 200 tỷ rupee để làm sạch sông Hằng – một nỗ lực trên diện rộng để cải thiện việc xử lý chất thải, giảm bớt ô nhiễm công nghiệp và giải quyết sự thiếu hụt của hệ thống vệ sinh ở khu vực nông thôn. Chính phủ cũng hứa xây dựng cả nơi hỏa táng để ngăn nước từ các hoạt động tang lễ trôi ra sông.
Nhưng với thời hạn năm 2020, chính phủ Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được các mục tiêu của mình. Năm 2017, một báo cáo từ một cơ quan độc lập với chính phủ đã cho thấy, nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện như hạn chế trong năng lực quản lý tài chính, lập kế hoạch và cả năng lực thực hiện.
Một số nghiên cứu đã cho thấy nước sông Hằng vẫn còn không đạt tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người. Một báo cáo của Ban kiểm soát ô nhiễm trung ương năm 2013 đã tìm thấy nước ở một khúc sông lớn từ Kanpur ở phía bắc bang Uttarakhand đến vịnh Diamond gần cửa sông, không đạt tiêu chuẩn để sử dụng.
Việc quản lý sông Hằng sẽ trở thành một vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử vào năm tới ở Ấn Độ. Kumar cho biết, các bản đồ sông Hằng sẽ trở thành một trong những cơ sở quan trọng cho những biện pháp quản lý trong tương lai. “Trước khi lập kế hoạch cho bất kỳ vấn đề gì thì chúng tôi cần có một bản đồ trong tay”, anh nói.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05872-w