Các nhà thiên văn nữ ở Đài thiên văn Yerkes
Vào đầu thế kỷ 20, phụ nữ làm việc tại các đài thiên văn chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ làm máy tính người, vì họ cẩn thận và có phí nhân công rẻ hơn, và hầu như không bao giờ tiến xa hơn. Duy nhất có một nơi đã xuất hiện sự khác biệt: đó là phụ nữ làm việc ở Đài thiên văn Yerkes có thể lấy được bằng cấp cao.
Hoàn cảnh ngặt nghèo
Trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, con đường thông thường để phụ nữ bước chân vào ngành thiên văn là nhờ người thân là nam giới tạo điều kiện cho họ góp công vào việc nghiên cứu. Đơn cử như trường hợp của Mary Calvert. Sau khi người chú E. E. Barnard qua đời vào năm 1923, Calvert đã giúp hoàn thành kiệt tác dang dở của ông, A Photographic Atlas of Selected Regions of the Milky Way, và công bố vào năm 1927. Nhờ được ghi tên lên công trình này mà Calvert trở nên nổi bật, được thăng chức từ máy tính người lên trợ lý tại Đài thiên văn Yerkes của Đại học Chicago.
Sau này, khi ngành thiên văn ngày càng chuyên môn hóa, các đài thiên văn đòi hỏi người tham gia làm việc cần có bằng cấp cao. Con đường bằng cấp đã mở ra cánh cửa để những phụ nữ không có người thân là nam giới làm việc trong ngành thiên văn có cơ hội tham gia.
Nhưng vào thời điểm đó, phụ nữ làm việc trong các đài thiên văn thường chỉ là máy tính người. Công việc của họ thường lặp đi lặp lại và chỉ cần chút kiến thức cơ bản về toán học, chứ không được đào tạo nâng cao về thiên văn học và vật lý thiên văn. Và vì chỉ cần trả cho “máy tính người” đồng lương ít ỏi nên đài thiên văn thường không tuyển nghiên cứu sinh.
Tuy nhiên, Đài thiên văn Yerkes lại hoàn toàn khác. Cơ sở này trực thuộc Đại học Chicago, nên phụ nữ làm việc ở Yerkes luôn có cơ hội lấy được bằng cấp cao. Hệ thống mới ra đời vào đầu những năm 1910 ở đây đã giúp phụ nữ vừa có thể làm việc, vừa học các tín chỉ để lấy bằng. Người giúp mở ra con đường này là Jessie Short.
Jessie Short (1873–1947).
Sinh ra trong gia đình nông dân, Short tốt nghiệp cử nhân ở Đại học Beloit vào năm 1900 và làm giáo viên tại Minnesota ngay sau đó. Nhưng bà vẫn muốn học lên cao và ấp ủ mong ước trong một thời gian dài. Năm 1911, bà bắt đầu học thạc sĩ thiên văn tại Đại học Carleton và hoàn thành luận văn về hệ thống sao Algol. Bài luận này “có nghiên cứu vô cùng độc đáo”, như giáo viên hướng dẫn của bà viết trong thư giới thiệu.
Trên con đường học tiếp, Short liên hệ với Edwin Frost, Giám đốc Đài thiên văn Yerkes với một kế hoạch. Trong bức thư gửi Frost, bà viết: “Tôi rất vui được dành hầu hết mùa hè tại Đài thiên văn Yerkes, nếu tôi có thể thu xếp làm đủ công việc trợ lý để trang trải các chi phí khi ở đây, kết hợp vừa nghiên cứu vừa làm việc máy tính hay trợ lý nào đó”. Bà hy vọng sắp xếp như vậy sẽ giúp mình tập trung vào việc nghiên cứu, và rằng sau khi làm việc tại Yerkes vào mùa hè theo cách như vậy, thì bà có thể nghỉ dạy học một năm để tập trung hoàn thành bằng tiến sĩ. Frost trả lời rằng Short sẽ cần hơn một năm ở đây, ngay cả khi bà đã nghiên cứu tại Yerkes trong vài mùa hè. Nhưng ông cũng giải thích trở ngại lớn nhất với kế hoạch này là nhân viên tại đài thiên văn không quen với “thủ tục quan liêu và hình thức liên quan tới chuyện ứng cử viên làm việc để lấy bằng từ Đại học”. Nói cách khác, không ai từng lấy bằng theo cách này.
Vào lúc đó, Short đã được đề bạt làm quyền chủ nhiệm quản lý sinh viên nữ, nhưng bà vẫn nung nấu ước mơ lấy được bằng Tiến sĩ. Bà lại viết thư cho Frost vào năm 1914, và lúc đó ông trả lời là bà hãy xin học bổng. Trong nhiều năm qua, nhân viên tại đài thiên văn này đã tìm ra cách để việc học cao học tại đây trở thành hiện thực. Dù lúc này con đường đã xuất hiện, nhưng không có nghĩa là nó thuận lợi với Short. Frost hỗ trợ người phụ nữ 41 tuổi này trong quá trình xin học bổng, kiên trì đứng về phía bà dù nhiều người trong trường không cho rằng đây là ứng cử viên phù hợp. May mắn cho Short là lần này bà đã thành công, tuy số tiền nhận được thấp hơn rất nhiều so với bạn học nam.
Và thế là, Short bắt đầu học tiến sĩ vào mùa hè năm đó, chú ý tới sự biến dạng của trường phản xã trên các tấm kính ảnh chụp bằng khẩu độ 12 inch trên kính thiên văn phản xạ 24 inch. Trong nghiên cứu, bà phát hiện động cơ đo Gaertner – công nghệ tiên tiến dùng để đo nhanh các tấm kính – có vấn đề ở ốc vít khiến cho thiết bị không còn chính xác. Điều đó cũng khiến bà thực hiện nghiên cứu về việc hiệu chuẩn vít. Nhưng chẳng bao lâu sau chuyện không may xảy ra: Short trượt bài thi toán. Không rõ lý do là vì bà kém môn này, như hội đồng chấm thi toàn nam giới nhận định, hay là họ đòi hỏi ở bà tiêu chuẩn quá cao, hoặc chỉ đơn giản là họ không muốn phụ nữ tham gia vào đây. Short rời Yerkes, làm việc một thời gian tại Đại học Rollins, rồi cuối cùng nhận việc tại Văn phòng dịch vụ bồi thường cho người lao động ở thành phố New York.
Những gập ghềnh trên con đường học tập vẫn không khiến Short nản lòng thoái chí. Năm 1923, bà lại viết thư cho Frost về việc hoàn thành luận văn của mình. Trong thư bà cho biết công việc hiện tại khiến bà không có nhiều thời gian nghiên cứu, giai đoạn trong và sau Thế chiến I rất khó khăn. Dù sau này nghỉ việc tại Phòng dịch vụ vào năm 1920 để giảng dạy tại khoa toán ở Đại học Reed, bà cũng không rảnh rang hơn.
Frost cho biết đề tài mà bà từng nghiên cứu đã có nhiều bước chuyển, bà sẽ cần đưa ra thứ gì mới để lấy được bằng tiến sĩ. Nói cách khác, Short sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0. Bà đã không chấp nhận chuyện này. Và tuy không bao giờ lấy được bằng tiến sĩ ở Đại học Chicago, bà vẫn được ghi nhận trong cuốn Những nhà khoa học Mỹ: Từ điển tiểu sử của James Cattell.
Mở ra con đường
Short đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho cả nam lẫn nữ có thể vừa nghiên cứu tại Yerkes vừa làm máy tính người. Sau này, khi Frost nhờ đồng nghiệp giới thiệu ứng cử viên, ông cho biết điểm độc nhất vô nhị khi công tác ở đây so với những nơi khác là được làm nghiên cứu sinh và có cơ hội lấy bằng cao hơn. Cơ hội này đã khuyến khích nhiều ứng cử viên sáng giá nộp đơn, trong đó có Evelyn Wornham Wickham, cô học trò giỏi giang của nhà thiên văn học trường Vassar là Caroline Furness. Nhận thấy tuy đồng lương không cao nhưng rộng mở việc học, Wickham đã bỏ qua hai lời mời làm việc khác để chờ Frost trả lời.
Không nỡ bỏ ứng cử viên nào, Frost quyết định chia vị trí này làm hai phần. Mỗi phụ nữ sẽ dành nửa thời gian để tính toán, còn lại làm nghiên cứu. Họ sẽ được trả 30USD/ tháng, so với mức 50USD nếu làm việc toàn thời gian. Nhưng số giờ làm việc ít đi sẽ giúp những phụ nữ này hoàn thành bằng thạc sĩ chỉ trong một năm. Họ được học chương trình giống như các bạn học nam như quang phổ, chụp ảnh sao và đo quang. Và cũng giống như các đồng nghiệp nam, họ được dùng kính viễn vọng khúc xạ 40 inch. Điều này vượt xa phạm vi công việc bình thường của phụ nữ khi làm việc tại các đài thiên văn. Sau này, Wickham đã lấy được bằng thạc sĩ tại đây và công tác ở Yerkes thêm hai năm nữa, trước khi chuyển sang làm kỹ sư điện tại Công ty Điện thoại và Điện báo Hoa Kỳ để đủ tiền sinh sống.
Sự nghiệp thiên văn
Trong số chín tiến sĩ nhận bằng nhờ làm việc tại Yerkes trước năm 1923, ba người trong số đó là phụ nữ. Người nổi bật trong số này là Alice Hall Farnsworth. Bà lấy bằng cử nhân ở trường Đại học Mount Holyoke vào năm 1916, một năm sau lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Chicago. Bà được Frost công nhận là “một trong những sinh viên có năng lực nhất mà chúng ta từng có ở cả hai giới tính”. Tại Yerkes, Farnsworth chủ yếu làm việc với John Parkhurst về trắc quang học. Công việc này đã giúp bà hoàn thành luận văn tiến sĩ về so sánh các trường quang từ hai kính thiên văn của đài thiên văn. Sau khi lấy bằng vào năm 1920, Farnsworth quay lại Mount Holyoke để làm giảng viên trong khoa thiên văn học. Tuy tốt nghiệp rồi nhưng bà vẫn luôn giữ tình cảm trìu mến với nơi đây, và thường quay lại Yerkes để làm trợ lý nghiên cứu tình nguyện. Sau này, khi Parkhurst qua đời vào năm 1925, Farnsworth đã dành một năm để hoàn thiện một số dự án dang dở mà ông để lại, đồng thời bà được Đại học Chicago chính thức tuyển làm giảng viên. Ngoài ra, bà còn trở thành giáo sư chính thức tại Mount Holyoke vào năm 1937 và giữ chức danh này cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1957. Farnsworth được coi là người thành công nhất trong số phụ nữ tại Yerkes.
Một trường hợp đặc biệt khác là Dorothy Block. Tuy bà kiên trì theo đuổi công việc nghiên cứu, nhưng chưa bao giờ lấy được bằng tiến sĩ. Thực tế, bà đã quyết định bỏ ngang để kết hôn, nhưng quyết định này đã giúp bà tiến xa hơn nữa với lý tưởng của mình. Trong thời gian làm việc tại Yerkes, Block đã gặp gỡ và kết hôn với nhà thiên văn người Hy Lạp John Paraskevopoulos, ông đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Mỹ. Bà đã đi theo chồng khi ông về Hy Lạp để trở thành người đứng đầu bộ phận thiên văn học của Đài quan sát Quốc gia Athens. Với Block, cuộc hôn nhân này đã mở ra cho bà một cơ hội lớn. Cùng chồng, bà nghiên cứu thiên văn tại Athens; Arequipa, Peru (khi Paraskevopoulos trở thành Giám đốc Trạm phía Nam của Đài thiên văn Đại học Harvard); và Bloemfontein, Nam Phi. Block không phải tác giả của bất kỳ bài báo nào, nhưng thông tin liên lạc và các ước tính từ bà, hay từ bà cùng chồng, được báo cáo trong Bản tin Đài thiên văn Trường Harvard. Tuy không nổi trội so với Farnsworth, nhưng bà đã góp nhiều công sức cho hoạt động của Trạm phía Nam.
Dù con đường học tập và sự nghiệp của những phụ nữ tại Yerkes không hề dễ dàng, có những người đã nửa đường đứt gánh vì hội đồng chấm thi đánh trượt, vì vấn đề tài chính khó khăn, phải kết hôn, làm mẹ, nhưng họ đã luôn kiên trì với khát khao tri thức và khoa học của mình. Độ dài sự nghiệp nghiên cứu hay số bài báo được đăng đâu phải những thước đo duy nhất đối với cuộc đời khoa học. Có thể nói rằng: Những người phụ nữ tại Yerkes là các nhà thiên văn học.
Minh Tú – Hiếu Ngân
Nguồn: fpubs.aip.org
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)