Các “siêu tạp chí” mất động lực tăng trưởng
Mới xuất hiện chỉ trong khoảng mười lăm năm qua nhưng các “siêu tạp chí” (mega journal) đa ngành có số lượng xuất bản lớn từng cho rằng sẽ làm thay đổi thị trường xuất bản khoa học. Tuy vậy, căn cứ trên ba khía cạnh chính: số lượng xuất bản, mối liên kết tới những kết quả đột phá trong khoa học và tốc độ xuất bản một số nghiên cứu về xuất bản trên các tạp chí này lại cho thấy các “siêu tạp chí” đang mất đi đà phát triển như lúc đầu kỳ vọng.
Khi PLOS ONE ra mắt vào năm 2006, những người sáng lập tuyên bố nó sẽ thay đổi ngành xuất bản ấn phẩm khoa học. Đây là siêu tạp chí đa ngành, số lượng xuất bản lớn và truy cập mở đầu tiên giúp công bố các công trình khoa học mà không quá đặt nặng tính mới. Năm năm sau, Peter Binfield, ông chủ tờ báo dự báo: năm 2016, 50% tổng số bài báo khoa học sẽ xuất hiện trong 100 siêu tạp chí như vậy.
Đặt trụ sở tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ), PLOS ONE đã phát triển trở thành tạp chí lớn nhất thế giới, ở thời kỳ đỉnh cao vào năm 2013 đây là nơi công bố của hơn 30.000 bài báo và kéo theo sự ra đời của hơn một chục tạp chí “ăn theo”. Nhưng các siêu tạp chí này đã không đạt được mục tiêu của Binfield. Từ năm 2013 đến năm 2018, số lượng ấn phẩm của PLOS ONE đã giảm 44% và đã bị Scientific Reports, một siêu tạp chí khác vượt qua về quy mô vào năm 2017 (nhưng chính Scientific Reports cũng phải chịu mức giảm số lượng bài báo lên tới 30% trong năm sau đó, theo một phân tích từ cơ sở dữ liệu Scopus của nhà xuất bản Elsevier). Dù các siêu tạp chí mới khác cũng ra đời nhưng thực ra số lượng ấn phẩm của các siêu tạp chí này ngày càng sụt giảm. Đến năm 2018, PLOS ONE, Scientific Reports và 11 siêu tạp chí lớn nhỏ khác chỉ là nơi công bố của chừng 3% tổng số bài báo khoa học toàn cầu.
Yếu tố dẫn tới sự sụt giảm về số công bố trên các siêu tạp chí là lượng bản thảo gửi đến ít đi. James Butcher, phó chủ tịch phụ trách các tạp chí của công ty chủ quản có trụ sở tại London là Nature Research cho biết: với Scientific Reports các tác giả gửi ít bản thảo hơn sau khi thấy chỉ số ảnh hưởng (impact factor, thước đo số lần trích dẫn trên mỗi bài báo) của tạp chí giảm xuống. Thước đo này thường được các tác giả theo dõi chặt chẽ và sẽ giảm khi một tạp chí mở rộng quá nhanh, điều mà Scientific Reports đã làm trong thời gian gần đây.
Joerg Heber, Tổng biên tập của PLOS ONE, cho biết sự sụt giảm số lượng bài gửi đến bắt nguồn từ xu hướng cạnh tranh ngày càng gia tăng do có thêm các tạp chí truy cập mở ra đời sau. “Chúng tôi từng có lợi thế là người đi trước, giờ không còn nữa”. Hiện nay PLOS ONE cũng đã bổ sung dịch vụ mới, bao gồm công bố cả nhận xét của người bình duyệt để thu hút thêm tác giả gửi bài.
Các siêu tạp chí dường như cũng mất dần đi yếu tố làm nên sự hấp dẫn của mình là, tốc độ xuất bản nhanh. Thời gian đầu, các tác giả bài báo trên PLOS ONE và Scientific Reports mất trung bình ba tháng sau khi nộp để được công bố (so với mức trung bình của các tạp chí truyền thống là khoảng năm tháng). Nhưng đến năm 2018, độ trễ của PLOS ONE đã tăng lên sáu tháng và Scientific Reports là năm tháng, theo một nghiên cứu năm 2018 trên Online Information Review. Cả Joerg Heber và James Butcher đều đổ lỗi cho những khó khăn về hậu cần khi phải xử lý khối lượng lớn công việc và nói rằng họ đã cải thiện đội ngũ nhân viên cũng như việc vận hành để giảm bớt sự chậm trễ.
Một vấn đề khác nữa đặt ra đối với các siêu tạp chí này là mối liên kết giữa các tạp chí này với những đột phá trong khoa học đã trở nên mờ nhạt, theo một công bố dựa trên việc đo lường các trích dẫn và công bố vào tháng 8/2019 đã chỉ ra. “Đối với nhiều nhà nghiên cứu, rõ ràng các siêu tạp chí vẫn chưa chứng tỏ rằng cách tiếp cận của họ bổ sung giá trị thực sự đáng kể cho hệ sinh thái truyền bá tri thức khoa học”, nhà khoa học về thông tin Stephen Pinfield thuộc Đại học Sheffield ở Vương quốc Anh và các đồng nghiệp viết trong nghiên cứu đăng trên Journal of Documentation hồi tháng 7/2019.
Sau một thời gian tăng trưởng nhanh, lượng xuất bản trên PLOS ONE và Scienctific Reports đang giảm xuống.
Theo một nghiên cứu khác do Petr Heneberg, Đại học Charles ở Prague thực hiện thì thực trạng có lẽ còn đáng quan ngại hơn – khi số lượng công bố giảm thì mối liên kết giữa các siêu tạp chí này với các tạp chí danh tiếng hàng đầu cũng giảm theo. Heneberg xem xét mối quan hệ này dựa trên hai thước đo: Một là số lượt các bài báo công bố gần đây trong 11 siêu tạp chí trích dẫn ba tạp chí hàng đầu là Nature, PNAS và Science; hai là ở chiều ngược lại – số lượt các bài báo trong ba tạp chí Nature, PNAS, Science trích dẫn lại các siêu tạp chí. Kết quả phân tích của Heneberg, được công bố trên Scientometrics số ra tháng 8/2019, cho thấy cả hai thước đo trên đều giảm đáng kể từ năm 2008 đến năm 2016. Chẳng hạn như, số lượt các bài của Nature, PNAS và Science trích dẫn các bài trên PLOS ONE và ngược lại đều tiến gần tới 0 – nghĩa là PLOS ONE và ba tạp chí hàng đầu kể trên gần như không còn trích dẫn gì của nhau nữa; còn các trích dẫn từ các siêu tạp chí khác đến ba tạp chí hàng đầu trên cũng giảm mạnh.
Tuy vậy, Joerg Heber cũng vẫn cho rằng nghiên cứu của Heneberg chưa đủ ý nghĩa vì quá hẹp. Ví dụ, ông cho biết PLOS ONE gần đây đã xuất bản nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn, một chủ đề không thường xuyên xuất hiện trên ba tạp chí hàng đầu trên.
Theo một số nhà phân tích, các siêu tạp chí vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong xuất bản khoa học. Do tỷ lệ chấp nhận bài cao (khoảng 50% bản thảo được gửi đến) và không nhấn mạnh vào tính mới, các tạp chí này cho phép các tác giả công bố những phát hiện vẫn có giá trị nào đó, chẳng hạn như nghiên cứu lặp lại hoặc có kết quả không rõ ràng, các yếu tố khiến bài báo bị các tạp chí chọn lọc truyền thống từ chối. Chúng vẫn được xem như là một lựa chọn cho các tác giả châu Âu – thường nhận được yêu cầu từ phía cơ quan tài trợ là các bài báo phải cho phép đọc miễn phí sau khi xuất bản. Và phí xuất bản của các siêu tạp chí — lấy ví dụ 1.595 USD Mỹ mỗi bài báo tại PLOS ONE — vẫn còn thấp hơn so với các tạp chí truy cập mở sàng lọc kỹ càng hơn, chẳng hạn như Nature Communications, hay tạp chí cạnh tranh trực tiếp với nó là Science Advances của nhà xuất bản Science với mức phí 4.500USD.
Mặc dù các siêu tạp đời đầu đã mất đi đà phát triển nhưng các tạp chí khác có quá trình bình duyệt kỹ lưỡng hoặc có chuyên môn sâu hơn vẫn đang tăng trưởng. Ba siêu tạp chí chuyên ngành hẹp có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây là: Medicine của nhà xuất bản Wolters Kluwer; BMJ Open và IEEE Access. Các tạp chí đa ngành truy cập mở như Nature Communications và Science Advances chú trọng vào tính mới vẫn trên đang tăng trưởng, Cassidy Sugimoto của Đại học Indiana ở Bloomington, đồng tác giả của một nghiên cứu sắp công bố trên các tạp chí này lưu ý. “Đối với tôi, điều đó không có nghĩa các siêu tạp chí đang chết dần”, cô nói, mà thay vào đó cho thấy sự ra đời của chúng cho phép các tùy chọn xuất bản trở nên đa dạng hơn.□
Lưu Đức Khoa lược thuật
Theo Science số 10/9/2019 doi:10.1126/science.aaz4585
“Siêu tạp chí” (mega journal) có các đặc điểm sau:
– Đa ngành với nội dung bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau;
– Chấp nhận đăng bài khi chúng được thực hiện đúng kỹ thuật, cho dù kết quả không có nhiều đột phá;
– Thu phí đăng bài báo để trang trải chi phí xuất bản (thay vì thu phí từ người đọc).